01-a7451.jpg

Đặc tính trung tâm của sự can dự đối ngoại của Mỹ trong các tổ chức tài chính, quân sự và các đề xuất ngoại giao – được thực hiện trong giai đoạn sau Chiến tranh thế giới thứ hai và sau đó là nhằm đảm bảo lợi ích năng lượng của Washington. Tương tự, gần đây Chính quyền Tập Cận Bình đã đưa ra sáng kiến “Một vành đai, một con đường” (OBOR) và nó có khả năng trở thành trọng tâm trong chính sách can dự của Trung Quốc với thế giới trong những thập kỷ tới. Nếu như để hiểu chính sách đối ngoại của Mỹ trước đây, nhiều người đã “đi theo dầu mỏ”, thì để giải mã lợi ích của Trung Quốc ngày nay, chúng ta phải đi theo OBOR. Một số học giả Trung Quốc cho rằng OBOR được đại diện như hành động thứ hai của tiến trình cải cách và mở cửa của Trung Quốc và hướng tới thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa” của Chủ tịch Tập Cận Bình. Mỗi dự án đều phải có một câu chuyện hấp dẫn, do đó, người Trung Quốc bắt đầu sáng tạo ra các công thức mới định hình cho tầm nhìn của Bắc Kinh về OBOR và châu Á, với các lập luận như sau:

Thứ nhất, là ý tưởng mới lạ về “ngoại giao thực thể”. Việc xây dựng dự án này ủng hộ sự tham gia trong khu vực và xuyên khu vực là để đảm bảo những lợi ích tốt nhất của một thực thể hẳn là lớn hơn và có lợi ích lớn hơn so với của bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào. Điều này xuất phát từ lý lẽ về sự hồi sinh của “chủ nghĩa lục địa” khi mà vùng đất rộng lớn Á-Âu liên kết sâu rộng với một châu Á đang nổi lên. Phù hợp với khuôn khổ này, đối với người Trung Quốc, OBOR sẽ trở thành một cam kết của châu Á và cần phải được đánh giá về lợi ích mà nó mang lại cho thực thể, nghĩa là khu vực châu Á. Do đó, từ quan điểm của Bắc Kinh, Ấn Độ và các quốc gia khác ở châu Á cần ủng hộ và hợp tác cho sáng kiến OBOR.

Thứ hai, đó là việc thành lập một “lục địa kinh tế” xuất phát từ ý tưởng “ngoại giao thực thể”. OBOR sẽ trở thành một phương tiện thúc đẩy sự hội tụ và liên kết hạ tầng, các chiến lược thương mại và kinh tế. Thật vậy, đối với một số học giả Trung Quốc, Ấn Độ là một phần của sáng kiến OBOR khi các dự án của riêng New Delhi như “Dự án Mausam”, cùng các sáng kiến kinh tế “Sản xuất tại Ấn Độ”, “Ấn Độ kỹ thuật số” sẽ bổ sung và hoàn chỉnh cho OBOR. Sự tham gia của Ấn Độ trong Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và việc nước này nắm giữ vai trò đồng sở hữu Ngân hàng phát triển mới (NDB) tái khẳng định quan hệ đối tác của Ấn Độ trong các dự án châu Á do Bắc Kinh khởi xướng.

Thứ ba, nhấn mạnh sự trao đổi các lợi ích chung, trong đó Ấn Độ nhận thức và bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Đổi lại, Trung Quốc đảm bảo các các lợi ích thương mại quan trọng của Ấn Độ trong các vùng biển của họ - ám chỉ đến khu vực Biển Hoa Đông và Biển Đông. Đây là lối “tư duy mới” của sự “hợp tác toàn diện” thay vì “các liên minh đặc quyền”. Tuy nhiên, rõ ràng nếu Ấn Độ không thể đảm bảo trách nhiệm lớn hơn ở Ấn Độ Dương, Trung Quốc sẽ bước vào. (Thật trùng hợp, khi nói về sự thỏa mái của Hải quân Trung Quốc trong việc bảo vệ các vùng biển mở rộng của riêng mình).

Tuy nhiên, có một số thách thức về cơ cấu trong công thức của Trung Quốc và đề xuất OBOR:

Một là, nhận thức, quy trình và quá trình thực hiện cho đến nay không truyền tải niềm tin về OBOR như là một dự án có sự tham gia và hợp tác của nhiều bên. Việc tạo ra và đơn phương tuyên bố ý tưởng cùng sự thiếu minh bạch tiếp tục làm suy yếu bất cứ tính trung thực nào về một thực thể châu Á và sự thống nhất kinh tế. Khi bị chất vấn, người Trung Quốc thừa nhận khiếm khuyết này và vẫn tin rằng chế độ ở Bắc Kinh đang cam kết theo đuổi sự tham vấn rộng rãi của hơn 60 quốc gia liên quan trong OBOR.

Hai là, thách thức từ tham vọng của Bắc Kinh với các cam kết chính trị đối với OBOR và đảm bảo sự an toàn cho các lợi ích kinh tế của nó. Trong khi Trung Quốc hiển nhiên không muốn bị xem như đang thiết kế sự hiện diện quân sự và chính trị của họ cùng OBOR, rõ ràng Trung Quốc sẵn sàng đảm bảo an ninh thông qua một khuôn khổ hợp tác, giảm thiểu sự lo lắng. Sự thành công của sáng kiến OBOR sẽ phụ thuộc vào khả năng của Trung Quốc trong việc thiết lập một thỏa thuận an ninh mới như vậy.

Ba là, thách thức đối phó với sự thành công của dự án “tổng thể”. OBOR là một mạng lưới 5 tầng nhằm thúc đẩy hội nhập khu vực. Các tài liệu tầm nhìn của Trung Quốc đưa ra 5 thành phần của kết nối gồm: chính sách, vật chất, kinh tế, tài chính và con người. Trong khi không một quốc gia đang phát triển nào sẽ bỏ qua cơ hội phát triển cơ sở hạ tầng được Trung Quốc tài trợ, họ có thể không nhất thiết phải chào đón một hệ thống các quy định được xây dựng theo đặc tính Trung Quốc.

Bốn là, làm thế nào để sáng kiến này có thể điều chỉnh được các mối quan hệ không thể hòa giải ở Nam Á, vốn cản trở Ấn Độ ủng hộ hoàn toàn OBOR. Một “cái gật đầu” chính thức cho dự án từ Ấn Độ sẽ được xem như sự hợp thức hóa quyền của Pakistan trong khu vực chiếm đóng Kashmir và Gilgit Baltistan - nằm trong hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), vốn “liên quan chặt chẽ” đến OBOR.

Sự lựa chọn nào cho Ấn Độ?

Cho đến nay, kế hoạch chi tiết cho OBOR vẫn còn khá mơ hồ và New Delhi có những sự lựa chọn có thể thăm dò trong khi chờ đợi. Về cơ bản, Ấn Độ cần phải tự giải quyết dù OBOR đem lại mối đe dọa hay cơ hội. Sự mở rộng chính trị và tham vọng kinh tế của Trung Quốc trong OBOR được xem như “hai mặt của một đồng xu”. Do đó, đầu tiên và trước hết, Ấn Độ cần tạo sự phù hợp giữa tham vọng với sự gia tăng năng lực tương xứng, cho phép nước này trở thành một nhà cung cấp an ninh trong khu vực Ấn Độ Dương. Điều này đòi hỏi New Delhi không chỉ khắc phục sự bất lực kéo dài trong việc đưa ra các quyết định nhanh chóng trong các quan hệ đối tác và giao dịch mua sắm quốc phòng, mà còn cần có một khoảng thời gian duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định được dự báo. OBOR có thể hỗ trợ sau đó. Làm như vậy, nó sẽ trở thành “liều thuốc giải” riêng cho phép năng lực chính trị của Ấn Độ đảm bảo được các vùng biển và lãnh thổ chiến lược.

Cũng giống như các cấu trúc thương mại và kinh tế của Mỹ vốn đã bảo đảm cho sự nổi lên của Trung Quốc, hệ thống đường sắt, đường cao tốc, cảng biển và năng lực khác của Trung Quốc có thể là chất xúc tác và nền tảng cho sự tăng trưởng kinh tế ổn định của Ấn Độ ở mức hai con số trong những thập kỷ tới. Đồng thời, Ấn Độ có thể tập trung vào việc phát triển kết nối khu vực sân sau của mình với OBOR – từ các đường nhánh tới đường cao tốc, các đường mòn đến “Con đường tơ lụa sắt”. Nam Á là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới. Cơ sở hạ tầng thích hợp như vậy sẽ tăng gấp đôi ý nghĩa của nó vì Ấn Độ không có đủ tiền để thúc đẩy một đề xuất kinh tế thay thế và cũng không quá xa xỉ để tránh xa hoàn toàn OBOR. Người ta còn cho rằng OBOR mang lại cho Ấn Độ một cơ hội chính trị khác. Dường như Trung Quốc cũng háo hức thu hút đối tác Ấn Độ, hoặc ít nhất có một khuynh hướng tích cực như vậy. Bên cạnh đó, người Trung Quốc nhận ra rằng New Delhi không có khả năng ủng hộ OBOR chừng nào mà Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) vẫn là một phần của dự án. Do đó, có thể Ấn Độ tìm cách làm việc lại với Bắc Kinh về CPEC cho một sự tham gia tích cực hơn. Ví dụ, họ có thể khuyến khích sự tiến bộ trong liên kết các khu vực xa hơn - nơi có lợi ích cùng quan tâm lớn hơn - chẳng hạn như Hành lang kinh tế Bangladesh-Trung Quốc-Ấn Độ-Myanmar, hay khuyến khích sự tham gia của Trung Quốc trong các lĩnh vực mới như hàng hải hoặc các dự án hành lang giao thông xuyên Ấn Độ. Thực tế, OBOR có thể cung cấp cho Ấn Độ một con đường mới để hướng tới nỗ lực hội nhập khu vực Nam Á. Hơn nữa, sự ổn định của Nam Á trong OBOR có thể là động lực để Bắc Kinh trở thành một bên đối thoại có ý nghĩa thúc đẩy cách hành xử có lý trí từ Islamabad. Sự cân bằng mới giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan có khả năng đảm bảo lợi ích của sự phát triển không bị đánh đổi bởi những tính toán an ninh./.

Tác giả Samir Saran là Phó chủ tịch; Ritika Passi là nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu các Nhà Quan sát, Delhi. Bài viết đăng trên “The Hindu”.

Nhật Linh (gt)