06/04/2016
Mỹ nên đối phó với Trung Quốc như thế nào? Khuôn khổ nào cho chính sách Trung Quốc có thể giúp Mỹ tối đa hoá những lợi ích đa dạng, và không phải lúc nào cũng thống nhất?
Những ai suy nghĩ nghiêm túc về quan hệ Mỹ - Trung đều hiểu rằng xác định cách thức đối phó với Trung Quốc là một thách thức nghiêm trọng, nếu không nói là thách thức lớn nhất đối với Mỹ trong thế kỷ 21. Chỉ trong vòng một đến hai thập kỷ nữa, Trung Quốc có khả năng sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới; và nếu hiện nay sức mạnh quân sự của Trung Quốc chưa được xếp vào thứ hai hoặc thứ ba thế giới, thì họ cũng sẽ sớm đạt được điều đó; Trung Quốc cũng sẽ cạnh tranh với Mỹ và Châu Âu về tầm ảnh hưởng kinh tế toàn cầu, và có lẽ cả về sức ảnh hưởng chính trị cũng như văn hoá ở một số khu vực. Là quốc gia được lãnh đạo bởi một Đảng Cộng sản vốn luôn kháng cự việc tự do hoá chính trị trong nước và gắn bó với các lập luận và cách hành xử mang tính dân tộc chủ nghĩa trong xử lý quan hệ với các nước láng giềng, Trung Quốc càng có nhiều khả năng rơi vào thế đối đầu với Mỹ.
Những sinh viên chuyên ngành sử học thường coi xung đột như một cái kết dễ xảy ra khi các cường quốc đang trỗi dậy đối mặt với các cường quốc đang thống trị sẽ thấy rằng đây là những điềm báo về một tương lai đen tối.
Vậy, chúng ta nên đối phó với Trung Quốc như thế nào? Khuôn khổ nào cho chính sách Trung Quốc có thể giúp chúng ta tối đa hoá những lợi ích đa dạng, và không phải lúc nào cũng thống nhất của mình? Chúng ta hiện đang chứng kiến một chiến dịch tranh cử tổng thống mà nếu trong một thế giới lý tưởng hơn thì chiến dịch này sẽ tập trung vào việc đưa ra và giải đáp những câu hỏi trên, nhưng đó không phải là cuộc tranh cử hiện nay.
Bản kê chính sách Trung Quốc
Trong một bài viết trước của chuỗi nghiên cứu này, tôi đã mô tả về cách mà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nhìn nhận về thế giới và quản trị toàn cầu.[1] Tập Cận Bình là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và sáng tạo, nhưng những mục tiêu của ông không có gì khác so với những lãnh đạo trước đó ở Trung Quốc. Ông khác biệt với những người tiền nhiệm là do Trung Quốc hiện nay khác xa so với Trung Quốc trước đây về sức mạnh và năng lực. Tập Cận Bình đang tiến nhanh và quyết đoán hơn trong việc thực hiện các mục tiêu của Trung Quốc, nhưng nhìn chung thì ông Tập vẫn đang theo đuổi những mục tiêu quen thuộc của Trung Quốc kể từ sau 1949, đặc biệt là sau giai đoạn 1978. Một số các mục tiêu này bao gồm:
+ Tối đa hoá tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Tây Thái Bình Dương.
+ Xây dựng các quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc với các nước và phát huy lợi thế so với các nước ở khu vực.
+ Tìm cách thống nhất hai bờ eo biển Đài Loan và khẳng định yêu sách chủ quyền của Trung Quốc (đặc biệt là trên biển) chống lại các đối thủ khác.
+ Tăng cường sức mạnh và phạm vi hoạt động quân sự.
+ Theo đuổi các chính sách kinh tế khu vực vốn được xây dựng để tăng cường liên kết giữa các nước với Trung Quốc, đồng thời tìm kiếm một vai trò lớn hơn tại các thể chế đa phương hiện hữu.
+ Duy trì quan hệ tích cực và có lợi với Mỹ, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng cho các khả năng cạnh tranh đối đầu chiến lược Mỹ-Trung.
Các quyết sách của Tập Cận Bình đều nằm trong khuôn khổ các mục tiêu này, nhưng cùng với tiềm lực ngày càng phát triển thì Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Tập đã có những hành động gây quan ngại nghiêm trọng cho các nước láng giềng và làm dấy lên câu hỏi: Liệu Trung Quốc có trỗi dậy hoà bình hay sẽ đe dọa đến ổn định khu vực? Hành động xây dựng trên các đảo nhân tạo và triển khai ra-đa và tên lửa đất-đối-không của Trung Quốc ở Biển Đông càng làm tăng thêm mối lo ngại về ý đồ của họ. Việc Trung Quốc thách thức giành quyền kiểm soát quần đảo Senkaku tại Biển Hoa Đông với Nhật Bản cũng có tác động tương tự. Trong khi siết chặt kiểm soát các bất đồng chính kiến trong nước, Trung Quốc cũng đồng thời đưa ra dấu hiệu sẽ áp đặt giới hạn chặt chẽ hơn đối với những diễn biến dân chủ và quan điểm bất đồng về chính trị ở Hồng Kông, đồng thời cảnh báo Đài Loan về những hậu quả sẽ xảy ra nếu Đài Loan đi chệch khỏi chính sách “một Trung Quốc” dưới thời tổng thống mới. Hải quân Trung Quốc thì vẫn đang tăng cường sức mạnh và phạm vi hoạt động. Hoạt động tấn công và gián điệp trên không gian mạng của Trung Quốc cũng đang được triển khai ở mức độ cảnh báo đối với các chính phủ, các lực lượng quân sự và các tập đoàn trên thế giới. Trung Quốc cũng đã phát triển một mối quan hệ chiến lược với Nga có bản chất vượt xa mối quan hệ mang tính giao dịch mà hai cường quốc từng có trước đây.
Đó là những mục tiêu mà Trung Quốc đang theo đuổi, và một số việc mà Trung Quốc đang làm. Tuy nhiên, ta cũng cần chú ý những gì Trung Quốc không làm hoặc ít nhất hiện nay chưa làm, đó là:
+ Trung Quốc không đang tìm cách thay đổi toàn diện trật tự thế giới. Việc Trung Quốc thiết lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) đối trọng với Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á đã khuấy lên nhiều lập luận có tiên đề rằng Trung Quốc đang tìm cách thay đổi trật tự thế giới, nhưng câu hỏi đặt ra là: Tại sao AIIB lại mở ra cho các nền kinh tế lớn của Châu Âu tham gia, lại tuyển dụng nguời Mỹ và Châu Âu có nền tảng từng làm việc cho Ngân hàng Thế giới vào các vị trí quản lý chủ chốt và mạnh dạn khẳng định cam kết theo đuổi các tiêu chuẩn hoạt động cao nhất trên thế giới? Và tại sao Trung Quốc lại không xây dựng cơ cấu điều lệ của AIIB theo hướng cho phép họ có được quyền phủ quyết hữu hiệu đối với các quyết định cho vay tín dụng?
+ Trung Quốc vẫn chưa đưa quân đội đi can thiệp vào bất cứ xung đột nào ở nước ngoài trong hơn ba thập kỷ trở lại đây.
+ Mặc dù Trung Quốc có thể dùng đến các chiến thuật mạnh tay để đối phó với chính quyền mới của Đài Loan, khả năng nước này sử dụng sức mạnh quân sự để thống nhất hai bờ eo biển Đài Loan trong tầm ngắn và trung hạn là rất thấp.
+ Trung Quốc vẫn chưa tấn công bất cứ thực thể nào đang bị chiếm đóng bởi các bên tranh chấp khác ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
+ Trung Quốc khẳng định không có ý định thách thức uy thế toàn cầu Mỹ và họ vẫn chưa xây dựng hệ thống đồng minh để hỗ trợ các mục tiêu của mình.
Ngoài những điều gây lo ngại mà Trung Quốc đã làm cũng như có thể nhưng chưa làm, chúng ta cũng cần phải lưu ý tới những đóng góp của Trung Quốc cho nền thịnh vượng toàn cầu, bao gồm cả những đóng góp do chủ ý hoặc đơn giản là do sự hiện diện của nước này trong nền kinh tế thế giới:
+ Trung Quốc đã trở thành đối tác đầu tư và thương mại lớn nhất của hầu hết các quốc gia ở Trung Á và là đối tác thương mại lớn nhất của tất cả các nước ở khu vực Đông và Đông Nam Á.
+ Trung Quốc đang cạnh tranh với Canada để trở thành đối tác thương mại số một của Mỹ.
+ Trung Quốc đã trở thành một nhà đầu tư quan trọng của thế giới, bao gồm cả đối với Mỹ.
+ Trung Quốc đã cung cấp các khoản hỗ trợ kinh tế song phương đáng kể cho rất nhiều các nước ở Châu Á, Châu Phi và Mỹ La tinh.
+ Đồng Nhân dân tệ sẽ sớm được đưa vào giỏ dự trữ tiền tệ toàn cầu mà Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) dùng trong các giao dịch cán cân thanh toán quốc tế.
Những lựa chọn chính sách cho Mỹ
Trung Quốc hiện hữu như một thách thức độc nhất đặt ra cho Mỹ trong việc hoạch định một chính sách nhất quán và hiệu quả. Nền kinh tế Trung Quốc gắn kết chặt chẽ với hệ thống kinh tế và thương mại toàn cầu và Trung Quốc cũng là thành viên chủ chốt và thường xuyên có nhiều đóng góp trong các tổ chức thế giới. Nhưng việc tuân thủ các quy định thế giới của Trung Quốc còn rất lỏng lẻo. Sự phát triển nhảy vọt của Trung Quốc từ một nước nghèo và đứng bên lề hệ thống thế giới đến nay cho thấy lộ trình này vẫn còn dang dở và rất khó đoán định. Chính sự mơ hồ về các mục tiêu tương lai và những tham vọng của Trung Quốc đã dẫn đến những tranh luận chính đáng về các lựa chọn chính sách của Mỹ, nhất là khi những phương án mà chúng ta lựa chọn sẽ ảnh hưởng tới nhận thức của Trung Quốc về Mỹ cũng như về những cơ hội và thách thức của chính họ.
Có ba lựa chọn lớn cho Mỹ để đối phó với thách thức Trung Quốc. Tất cả các lựa chọn này đều đã nhận được sự ủng hộ riêng đáng kể trong những nghiên cứu chính sách hiện nay:
1. Nhân nhượng
Những người ủng hộ lựa chọn này nhìn nhận rằng tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, đặc biệt ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, là điều không thể tránh khỏi. Sức ảnh hưởng này giúp Trung Quốc trở thành trọng tâm của khu vực và đây là điều Mỹ nên chấp nhận. Một số nguời ủng hộ quan điểm này tin rằng tham vọng của Trung Quốc là đáng kể nhưng vẫn có giới hạn - bao gồm giành lại Đài Loan và các thực thể đảo và vùng biển gắn liền các đảo này ở Biển Đông và thống nhất quốc gia; làm suy giảm vai trò của hệ thống đồng minh Mỹ; và thu hẹp số lượng các căn cứ, các cuộc tuần tra và hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Theo họ, việc Mỹ ngăn cản những tham vọng này sẽ là vô nghĩa và chỉ càng thổi phồng thái độ thù địch Mỹ và các tham vọng của Trung Quốc. Họ cho rằng Mỹ phải chấp nhận các lựa chọn khó khăn giữa những ưu tiên trong nước và quốc tế và rằng Mỹ cần từ bỏ mục tiêu duy trì ưu thế vượt trội của quân đội Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.
…..
Tác giả Jeffrey Bader là Nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Trung Quốc John L. Thornton của Viện Brookings. Ông là Giám đốc đầu tiên của Trung tâm Trung Quốc, đồng thời là Nghiên cứu viên cao cấp danh hiệu John C. Whitehead về Đối ngoại Quốc tế từ năm 2012 đến 2015. Ông Jeffrey Bader từng công tác 30 năm trong chính phủ Mỹ với các cương vị khác nhau, chủ yếu phụ trách về vấn đề quan hệ Mỹ-Trung. Ông từng là Cố vấn An ninh cho Tổng thống Mỹ từ năm 2009 đến 2011.
Báo cáo này được đăng lần đầu tiên trên trang Brookings.
Đọc toàn bộ bản dịch tại đây.
Người dịch: Đinh Lê Nguyễn Võ
Bản dịch thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link bài viết, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.
[1] (http://www.brookings.edu/~/media/research/files/papers/2016/02/xi-jinping-worldviewbader/xi_jinping_worldview_bader.pdf)
Nghiên cứu Biển Đông xin giới thiệu bài viết “Ngoại giao vì quan hệ Mỹ - Trung ổn định” của tác giả Jake Werner, nhà nghiên cứu tại Viện Quincy. Theo tác giả, cho dù Mỹ và Trung Quốc cáo buộc nhau phá vỡ hiện trạng nhưng thực chất đều là những “cường quốc nguyên trạng”, chia sẻ nhiều lợi ích chung. Trung...
Với chính quyền Biden, nếu như năm 2021 là năm ổn định bộ máy và hoạch định chính sách, năm 2022 lại là năm để công bố và triển khai chính sách. Chỉ trong nửa cuối năm 2022, một loạt văn bản và tuyên bố chính sách đối ngoại lớn đã được đưa ra, trong đó có nhiều văn bản liên quan đến khu vực Ấn Độ Dương...
Ngày 29/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài diễn văn đầu tiên trước Nghị viện, hay còn gọi là Thông điệp Liên bang trong các năm sau, vào dịp gần kết thúc 100 ngày đầu của chính quyền mới. Diễn văn tập trung vào các vấn đề đối nội nhưng vẫn hàm chứa những nội dung đối ngoại quan trọng.
Với sự lây lan nhanh chóng cùng sự gia tăng tỷ lệ tử vong bởi đại dịch COVID-19, liệu cơ hội giành chiến thắng của Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11 tới đây bắt đầu bị đe dọa?
Một lần nữa, nước Mỹ chứng kiến cuộc khủng hoảng kinh tế mới với sự sụp đổ của các thị trường và người nộp thuế đang cứu trợ những người giàu có. Đã đến lúc Mỹ phải cải tổ khế ước xã hội vô lý này.
Donald Trump giờ đây dường như đã không còn đáp ứng được kì vọng của cử tri Mỹ. Mặc dù có nhiều lợi thế, tuy nhiên, nếu nhìn nhận kỹ hơn, có thể thấy rằng những yếu tố bất lợi rất có khả năng đem đến thất bại cho ông trong cuộc bầu cử sắp tới.