Trung Quốc tuyên bố xả nước sông Mekong từ các đập của mình vào tháng 3/2016 nhằm “hỗ trợ” những người nông dân và ngư dân tại vùng hạ lưu, nhất là ở Việt Nam, đang khốn đốn vì tình trạng hạn hán, coi đây là “nghĩa cử cao thượng” của một người hàng xóm thân thiện. Tuy nhiên, hành động của Trung Quốc trên thực tế lại phản ánh một cuộc khủng hoảng môi trường và chính trị nghiêm trọng bắt đầu nhen nhóm trong khu vực.

Giữa tháng 3/2016, hồi đáp yêu cầu từ phía Việt Nam, Trung Quốc tuyên bố sẽ xả nước từ đập thủy điện Cảnh Hồng (tỉnh Vân Nam) trên Sông Mekong trong khoảng thời gian từ ngày 15/3-10/4 để nước tới được các khúc sông ở vùng hạ lưu nhằm hỗ trợ tình trạng hạn hán tại Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố trong một cuộc họp báo hôm 15/3: “Để giải tỏa lo ngại của các quốc gia vùng hạ lưu sông Mekong, Chính phủ Trung Quốc quyết định khắc phục các khó khăn của mình để tiến hành xả nước khẩn cấp”. Tuy nhiên, dư luận nhiều nơi trong khu vực lại nghi ngờ rằng Trung Quốc đang đi một nước cờ chính trị trong khi nhiều nông dân và ngư dân tại vùng hạ lưu Sông Mekong đang khốn khổ trước tình trạng hạn hán do thời tiết và xâm nhập mặn.

Tháng 3/2016, 11 tỉnh thành tại Đồng bằng Sông Mekong của Việt Nam đã phải công bố rằng khu vực đang ở trong tình trạng hạn hán và nguồn nước nhiễm mặn nghiêm trọng. Nhiều con kênh đã được đào sâu để tìm nguồn nước hỗ trợ cho người nông dân. Các hồ chứa nước nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng tại thượng lưu Sông Mekong đã tác động lớn tới dòng chảy trên con sông này, và là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu hụt nước và nước nhiễm mặn tại Đồng bằng Sông Mekong. Theo Bộ Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn Việt Nam, hiện có hơn 1,5 triệu hecta diện tích lúa vụ Đông-Xuân tại Đồng bằng Sông Mekong đang chịu ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng từ tình trạng nước biển xâm thực. Các con đập tại Trung Quốc, Lào và Campuchia đã khiến khối lượng nước lưu thông không đủ để ngăn dòng nước mặn chảy ngược ra biển. Hậu quả là Đồng bằng Sông Mekong đang bị nước biển xâm thực nặng nề.

Mekong là con sông dài nhất tại châu Á với tổng chiều dài lên tới hơn 4.350km. Con sông này khởi nguồn từ cao nguyên Tây Tạng ở Trung Quốc, chảy qua tỉnh Vân Nam và đi qua biên giới Myanmar, sau đó tới Thái Lan, Lào, Campuchia và chia thành nhiều nhánh sông nhỏ - tạo thành Đồng bằng Sông Mekong - tại miền Nam Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông. Phần lớn chiều dài Sông Mekong nằm trên lãnh thổ Trung Quốc. Kể từ năm 1994, Trung Quốc đã xây 6 con đập trên Sông Mekong và 7 con đập khác đang trong quá trình triển khai. Khoảng giữa những năm 2000, các doanh nghiệp Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam và Malaysia đã khôi phục 11 dự án thủy điện tại dòng chính vùng Hạ lưu Sông Mekong. 9 đập nước dự kiến được xây dựng tại Lào và 2 đập khác được xây dựng tại Campuchia. Hầu hết điện năng sản xuất được sẽ được bán cho Thái Lan và Việt Nam. Lào đang hy vọng có thể trở thành “trung tâm điện lưới” của khu vực Mekong.

Hạ lưu Sông Mekong là nguồn đảm bảo an ninh lương thực cho Đông Nam Á. Nguồn lương thực và các hoạt động sinh hoạt-sản xuất của khoảng 80% trong tổng số 60 triệu dân sinh sống quanh lưu vực phụ thuộc chủ yếu vào con sông này. Hàng triệu người nông dân trồng rau củ tại các khu vườn dọc bờ sông và đây cũng là nguồn cung cấp thủy sản trong đất liền năng suất nhất trên thế giới.

Năm 1995, Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam đã ký hiệp ước thúc đẩy việc sử dụng và quản lý hiệu quả Lưu vực Hạ lưu Sông Mekong. Ủy hội Sông Mekong (MRC) đã được thành lập và theo hiệp ước, các chính phủ nhất trí tham vấn lẫn nhau về các đề xuất và dự án thủy điện trong khu vực. Tuy nhiên, chính phủ bốn nước này đã gặp không ít khó khăn trong việc triển khai hiệp ước, một phần là bởi các nước có Sông Mekong chảy qua đều coi đây là một phần lãnh thổ “thuộc chủ quyền” của mình, và bởi vậy, họ có quyền khai thác các lợi ích liên quan. MRC đã tiến hành nhiều nghiên cứu khoa học và đưa ra các cảnh báo nhằm hạn chế và ngăn chặn việc xây dựng các đập thủy điện trên Sông Mekong để đảm bảo sự phát triển bền vững cho các quốc gia nơi con sông này chảy qua. Tuy nhiên, thực tế là các quốc gia đã phớt lờ các khuyến nghị của MRC.

Trung Quốc không phải là một thành viên của MRC, song vài tháng trước đã hỗ trợ ủy hội này triển khai Cơ chế Hợp tác Lan Thương-Mekong (LMCM), với một trong những mục đích là hỗ trợ và phối hợp việc sử dụng nguồn tài nguyên nước của con sông này. LMCM gồm các nước Trung Quốc, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Trung Quốc gọi Sông Mekong là Sông Lan Thương. Tiến sỹ Thitinan Pongsudhirak - Giám đốc Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc tế thuộc Đại học Chulalongkorn ở Bangkok - viết trong một bình luận được “Nikkei Asian Review” đăng tải: “Tư tưởng của LMC phản ánh những nỗ lực đầy toan tính của Trung Quốc nhằm áp đặt các nguyên tắc và thể chế riêng của mình”. Ông cho rằng việc Trung Quốc tuyên bố xả nước từ các hồ chứa từ tháng 3 là tín hiệu cho thấy những căng thẳng về mặt địa chính trị giữa Trung Quốc và các nước láng giềng ở phía Nam Sông Mekong, song các nước này có thể sẽ giữ im lặng do ảnh hưởng to lớn về mặt kinh tế của Trung Quốc trong khu vực. Ông nhấn mạnh: “Với việc có được quyền lực chính trị to lớn bằng cách khai thác lợi thế địa lý và nắn dòng chảy tự nhiên thông qua các dự án xây dựng đập chứa nước ở thượng lưu sông, Trung Quốc rõ ràng đang tìm cách áp đặt các nguyên tắc kiểm soát dòng chảy khu vực theo hướng có lợi cho mình. Trung Quốc là một cường quốc nằm ngay ở cửa ngõ Sông Mekong. Họ có thể chặn dòng chảy con sông này nếu muốn”.

Cách duy nhất để đảm bảo cuộc sống của hơn 60 triệu người dân tại vùng hạ lưu Sông Mekong - nhất là người dân tại các nước Việt Nam, Lào và Campuchia - là để người dân được lên tiếng. Tiến sỹ Pongsudhirak nói: “Trung Quốc sở hữu các con đập mà họ xây dựng, song nguồn nước đi qua các con đập này không phải của riêng Trung Quốc. Con sông tới từ dãy núi Himalaya và nó thuộc về tất cả những người sinh sống nhờ con con sông đó. Các con đập của Trung Quốc có thể sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ nếu các nước láng giềng nhỏ hơn cùng đứng lên bày tỏ ý kiến của mình”.

Tác giả là một nhà báo và nhà nghiên cứu của Sri Lanka, đang giảng dạy về các vấn đề thông tin khu vực tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore. Bài viết đăng trên trang “Eurasia Review.

Anh Thư (gt)