Khi dịch Covid-19 lây lan ra khắp thế giới, Trung Quốc và các nước láng giềng hiểu rằng cuộc chiến chống lại dịch bệnh này sẽ đòi hỏi không chỉ nỗ lực của từng quốc gia riêng lẻ. Do đó, bộ trưởng ngoại giao các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã có cuộc họp tại Viêng Chăn, Lào hôm 20/2 để thảo luận về các biện pháp chung chống lại mối đe dọa  Covid-19.

Cuộc họp rất đáng chú ý vì đã giải quyết không chỉ khía cạnh y tế của cuộc khủng hoảng, mà cả các tác động xã hội và kinh tế của nó cũng như khả năng khai thác công nghệ để giảm thiểu ảnh hưởng. Biến cuộc khủng hoảng thành cơ hội, Bắc Kinh có thể quảng bá mô hình hợp tác này tới các nước láng giềng ở Đông Bắc Á, Nhật Bản và Hàn Quốc, và các khu vực khác như Trung Đông và châu Âu, nơi virus SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh chóng.

Do sự gần gũi về địa lý và kinh tế, Đông Nam Á trở thành khu vực dễ chịu ảnh hưởng của dịch. Lượng khách du lịch hai chiều lên tới 65 triệu lượt/năm khiến khu vực này dễ bị tổn thương hơn. Như vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên bên ngoài Trung Quốc được báo cáo là ở Thái Lan, tình trạng lây lan tại địa phương bên ngoài Trung Quốc xảy ra đầu tiên ở Việt Nam và trường hợp tử vong đầu tiên bên ngoài Trung Quốc được xác nhận là ở Philippines. Tính đến ngày 2/3, có 200 ca đã được xác nhận và nhiễm mới ở khu vực này, trong đó Singapore và Thái Lan bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Điều này cho thấy số ca nhiễm virus ở Đông Nam Á nhìn chung không tăng mạnh. Trong khi đó, số ca nhiễm ở các quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Italy và Iran đã tăng vọt. Virus SARS-CoV-2 cũng bắt đầu xâm nhập Đức, Pháp và phần còn lại của châu Âu, Mỹ, Kuwait, Bahrain và nhiều nơi khác ở Trung Đông, làm gia tăng mối lo ngại về một đại dịch có thể xảy ra.

Ngay cả trước phiên họp khẩn cấp ở Lào, các nước ASEAN đã thực hiện các bước để giúp Trung Quốc trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Cho dù có những bất đồng giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á, đáng chú ý nhất là các tranh chấp hàbiển ở Biển Đông, nhưng những động lực nhân đạo và mối đe dọa chung do dịch bệnh gây ra đã khiến những khác biệt đó tạm thời được gạt sang một bên. Chẳng hạn, một công ty con thuộc Tập đoàn Sinar Mars của Indonesia đã quyên góp 14,4 triệu USD trong khi một đơn vị khác gấp rút sản xuất các sản phẩm bảo vệ và vệ sinh để trao cho tỉnh Hồ Bắc, tâm dịch Covid-19. Hội Chữ thập đỏ Singapore đã gây quỹ để hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất; trong khi đó, Chính phủ Singapore đã cung cấp 1 triệu USD tài trợ hạt giống ngoài việc quyên góp thuốc, vật tư y tế và bộ dụng cụ xét nghiệm chẩn đoán. Việt Nam quyên góp hàng hóa và vật tư y tế trị giá 500.000 USD, trong khi đó, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cung cấp viện trợ y tế trị giá 100.000 USD. Malaysia, nhà sản xuất găng tay y tế lớn nhất thế giới, đã tặng Vũ Hán 18 triệu đôi găng tay y tế. Hội Chữ thập đỏ Philippines đã thu gom và quyên góp được 3 triệu khẩu trang từ một nhà sản xuất trong nước; Chính phủ Philippines cũng tặng Trung Quốc các mặt hàng thực phẩm và vệ sinh cơ bản.

Chưa bàn đến những sáng kiến quý báu này, thiệt hại khổng lồ về kinh tế và xã hội do dịch Covid-19 gây ra đòi hỏi phải có một chiến lược mang tính phối hợp nhiều hơn. Điều này khiến các bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN và Trung Quốc tổ chức phiên họp đặc biệt do Philippines và Trung Quốc đồng chủ trì tại thủ đô của Lào. Trong tuyên bố chung của hội nghị, 11 quốc gia đã đồng ý tăng cường hợp tác trong việc chia sẻ thông tin y tế cũng như trong các hoạt động thực tiễn để tăng cường khả năng chuẩn bị và ứng phó trong trường hợp khẩn cấp. Họ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác trong việc thông tin về nguy cơ và sự tham gia của cộng đồng để đảm bảo mọi người được thông tin kịp thời và chính xác, do đó ngăn chặn thông tin sai lệch và tin tức giả mạo. Malaysia đã bắt giữ một số đối tượng tung tin đồn về virus, và các nhà lãnh đạo khu vực đã lên tiếng chống lại tình trạng hoảng loạn và phân biệt đối xử.

Hội nghị cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường các cơ chế hợp tác do ASEAN và Trung Quốc dẫn đầu trong việc chống lại các bệnh truyền nhiễm và công nhận mức độ phát triển khác nhau của mỗi quốc gia thành viên trong hệ thống y tế công cộng. Các bên đồng ý giảm thiểu tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng các sản phẩm y tế khẩn cấp, đồng thời thúc đẩy việc nghiên cứu và phát triển các loại thuốc và vắc-xin. Họ cũng nhấn mạnh giá trị của đối thoại và trao đổi chính sách để theo kịp những tiến triển mới nhất trong việc kiểm soát virus và điều trị bệnh do virus gây ra. Những bước đi này có thể đóng góp nhiều vào việc thể chế hóa hợp tác y tế giữa hai bên để có thể vượt ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.

ASEAN và Trung Quốc cũng cam kết giảm thiểu tác động bất lợi của dịch Covid-19 đối với các nền kinh tế khu vực và phát triển xã hội. Tác động của dịch bệnh đã được cảm nhận rõ ràng. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đông Nam Á và thị trường du lịch nội địa. Du lịch mang lại nguồn thu lớn cho các nền kinh tế địa phương, và các mùa cao điểm đối với ngành du lịch như dịp Tết Nguyên đán là thời điểm virus tấn công mạnh nhất. Thái Lan, nơi đón nhận khoảng 11 triệu lượt khách đến từ Trung Quốc năm 2019, đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 do khủng hoảng. Singapore cũng đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2020 xuống còn -0,5% đến 1,5%. Hoạt động xuất khẩu của các nước trong khu vực sang Trung Quốc đối với các sản phẩm như dầu cọ, cao su, đồng, nhiên liệu và các khoáng sản khác đã gặp khó khăn.

Tận dụng công nghệ, ASEAN và Trung Quốc đã đồng ý hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ và vừa, cũng như những nước dễ chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Trong Năm kinh tế số ASEAN-Trung Quốc, hai bên sẽ thúc đẩy thương mại điện tử để duy trì các hoạt động kinh tế cho đến khi tình hình trở lại bình thường. Điều này có thể mang lại cơ hội không chỉ cho các đại gia thương mại điện tử Trung Quốc như Alibaba và JD.com mà còn cho các “kỳ lân” Đông Nam Á mới nổi như Grab, Go-Jek, Sea, Lazada và nhiều doanh nghiệp khác. Với việc tiến trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng và nhiều dự án thành phố thông minh đang được triển khai, tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh, cơ sở hạ tầng Internet ngày càng được cải thiện, và thương mại kỹ thuật số tại thị trường Đông Nam Á 62 triệu dân ngày càng phát triển. Trong khi dịch bệnh khiến nhiều người hạn chế tụ tập tại các trung tâm mua sắm, nó lại mở ra nhiều không gian hơn cho hoạt động kinh doanh trực tuyến. Sự bùng phát dịch Viêm đường hô hấp cấp (SARS) vào năm 2003 đã thúc đẩy thương mại kỹ thuật số ở Trung Quốc. Dịch Covid-19 cũng có thể làm thay đổi thương mại điện tử Đông Nam Á. Hai bên cũng nhất trí duy trì hoạt động trao đổi thương mại, đầu tư và giao lưu giữa nhân dân các nước, cũng như tăng cường tương tác trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Khi dịch bệnh lan sang các khu vực địa lý rộng lớn hơn vào tháng thứ ba kể từ khi bùng phát, việc hợp tác chắc chắn sẽ được chú trọng hơn. Tính đến ngày 2/3, Hàn Quốc đã có 4.688 ca được xác nhận và nhiễm mới, châu Âu 2.809 ca và Trung Đông 1.561 ca. Tổng thống Donald Trump trong bài phát biểu của mình sau ca tử vong đầu tiên ở Mỹ vì dịch bệnh nguy hiểm này, đã đồng ý rằng dịch Covid-19 sẽ đưa thế giới xích gần nhau hơn. Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã thừa nhận những nỗ lực chưa từng có của Bắc Kinh trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus. Những nỗ lực đó dường như đã được đền đáp khi số ca nhiễm trong nước đã suy giảm. Mặc dù việc phong tỏa trên quy mô lớn và việc huy động nhanh chóng nhân lực và vật lực khó có thể thực hiện ở các nước khác bên ngoài Trung Quốc nhưng khả năng là một số biện pháp can thiệp đã được áp dụng cho các khu vực khó khăn. Khi Trung Quốc cùng với các nước láng giềng như ASEAN tìm ra được nhiều biện pháp đối phó hiệu quả thông qua hợp tác, thì Bắc Kinh có thể đóng góp nhiều hơn vào chiến dịch toàn cầu chống lại dịch Covid-19. Việc Bắc Kinh phái một nhóm chuyên gia Trung Quốc tới Iran mới đây có thể báo trước việc sẽ có các phái đoàn y tế tương tự được cử đến các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề khác, cho dù Trung Quốc vẫn phải tiếp tục cuộc chiến chống dịch bệnh này ở trong nước.

Lucio Blanco Pitlo là nghiên cứu viên tại Tổ chức Con đường tiến bộ châu Á-Thái Bình Dương. Bài viết được đăng trên The Diplomat

Minh Anh (gt)