Chính sách Châu Á của ông Obama hiện nay gồm có ba nội dung chủ chốt: Thứ nhất là chiến lược ngoại giao nhằm cam kết sâu hơn với Tổ chức các nước Đông Nam Á (ASEAN) và các thể chế khu vực Châu Á liên quan, đặc biệt những thể chế tham gia vào Hội nghị Đông Á (EAS). Thứ hai là chiến lược kinh tế nhằm đưa ra sự tự do hoá thương mại chất lượng cao, chủ yếu trong khuôn khổ của Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), và thứ ba liên quan đến quân sự, lúc đầu được gọi là “xoay trục”, sau đó đổi lại là “tái cân bằng”.

Trung Quốc nhìn nhận những nội dung này với một sự nghi ngờ lớn và cho rằng chúng sẽ gây tổn hại đến lợi ích của mình. Trung Quốc xem việc Washington sử dụng Hội nghị cấp cao Đông Á để đề cập đến các tranh chấp ở Biển Đông là sự can thiệp trắng trợn và sự quốc tế hoá không cần thiết bởi Trung Quốc muốn giải quyết qua con đường song phương với từng nước. Trung Quốc coi Đối tác xuyên Thái Bình Dương là một cơ chế độc quyền nhằm chống lại ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc. Còn việc tái cân bằng của Washington, Trung Quốc coi nó là sự kiềm chế Trung Quốc với cái tên khác.

Đối với hầu hết các nước trong khu vực, kể cả một số đồng minh của Mỹ thì chiến lược tái cân bằng vốn đang được triển khai mạnh mẽ mặc dù có những điều chưa rõ ràng về những hạn chế ngân sách. Để tìm ra cách chấp nhận chiến lược tái cân bằng của Mỹ mà không tạo ra sự tức giận cho Trung Quốc thực sự là một trong những thách thức của Châu Á hiện nay.

Điều này lại càng tồi tệ hơn bởi các diễn biến ở Châu Á trong đó, Trung Quốc ngày càng lớn mạnh về kinh tế trong khi Mỹ vẫn là một cường quốc quân sự mạnh nhất. Nhiều người đã nhìn thấy sự nguy hiểm nghiêm trọng của chiều hướng này: “một Châu Á kinh tế” năng động và ngày càng hội nhập và “một Châu Á an ninh” bị chia rẽ bởi xung đột và các cường quốc chủ chốt không có thiện chí chính trị để giải quyết những mối lo ngại và căng thẳng sâu sắc. Hai là Châu Á này ngày càng trở nên không thể hòa giải được.

Nhưng một số người thì cho rằng điều đó không có nghĩa là một Châu Á kinh tế ngày càng bị hút vào Trung Quốc vì chính sự năng động của nó đã mang lại sự hội nhập kinh tế khu vực. Ngoài Trung Quốc, Nhật chính là một đồng minh và đối tác kinh tế chủ chốt của Mỹ đã khởi xướng tiến trình này và đang đóng vai trò chủ yếu trong đó.

Rõ ràng là hiện nay Châu Á hội nhâp kinh tế nhanh hơn trước đây và sự hội nhập này đã đi nhanh hơn các cơ chế hiện có để giải quyết các cuộc xung đột. Nhưng sự hội nhập kinh tế của Châu Á được thúc đẩy bởi các lực lượng thị trường hơn là ý chí chính trị và nó đã và sẽ không phải là sản phẩm duy nhất của Trung Quốc mà còn là của Nhật, Hàn Quốc, ASEAN và Ấn Độ, vốn những nước không chấp nhận sự thống trị của Trung Quốc.

Không có sự đảm bảo nào rằng sự hội nhập của Châu Á sẽ tiếp tục mạnh mẽ hơn. Chỉ cần một sự căng thẳng bùng nổ giữa các nền kinh tế lớn của Châu Á sẽ phá hủy sự hội nhập kinh tế nội khối Châu Á. Thí dụ người ta chỉ cần nhìn vào tác động tai hại của căng thẳng Nhật - Trung đối với các mối quan hệ thương mại và đầu tư là thấy rõ.

Đồng thời, những mối quan hệ kinh tế của Châu Á, không chỉ thông qua thương mại mà còn thông qua sản xuất, đầu tư và tài chính có những đầu tàu và chiều hướng lớn ở bên ngoài khu vực. Thí dụ sự phụ thuộc qua lại về kinh tế Mỹ - Trung còn lớn hơn mối quan hệ Nhật - Trung, Trung - ASEAN với tư cách là một lực lượng ổn định. Đây là một sự khác hẳn so với một khối kinh tế đóng kín, chặt chẽ có thể được mang nhãn hiệu một Châu Á kinh tế.

Nhưng đồng thời, trong khi Châu Á vẫn còn bị lôi cuốn vào những cuộc xung đột, nó cũng không thiếu các cơ chế làm giảm các cuộc xung đột. Sự phụ thuộc qua lại lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm giảm căng thẳng. Những tổ chức khu vực Châu Á không giống như Liên minh châu Âu, nhưng họ đóng vai trò hạn chế sự cạnh tranh giữa các cường quốc.

Hơn nữa, một Châu Á an ninh không sẵn sàng khép cửa lại với Mỹ vì họ không muốn Châu Á bị Trung Quốc thống trị. Trung Quốc có thể trở thành một kẻ khổng lồ về kinh tế nhưng nó không có đủ ý thức hệ để quyến rũ các đồng minh hay bè bạn tự nhiên hoặc không có sự tinh tế ngoại giao để giành lấy những người bạn dài hạn. Câu chuyện về “quyền lực mềm” của Trung Quốc, được quảng cáo ầm ĩ ngay từ thời kỳ đầu thì bây giờ càng không đứng vững và vẫn tiếp tục như vậy cho đến khi nào Trung Quốc có sự thông thoáng hơn về chính trị và có những sự kiềm chế về ngoại giao. Cho đến lúc đó thì Trung Quốc mới có thể giành được khả năng quân sự vươn tới các vùng kế cận lãnh thổ của họ nhưng điều đó cũng chưa đủ để thống trị các tuyến đường giao thông biển và những nước láng giềng bên cạnh. Vị thế “có khả năng khống chế nhưng không thống trị” hiện nay thực tế là tốt cho sự ổn định của Châu Á bởi vì nó đáp ứng được nhu cầu về địa vị quân sự của Trung Quốc mà không cho phép Trung Quốc áp đặt một học thuyết Môn-rô lên các nước láng giềng.

Khi một Châu Á với 2 diện mạo được hình thành, trong đó Châu Á kinh tế được thống trị bởi Trung Quốc và Châu Á an ninh bị thống trị bởi Mỹ, thì cũng không nhất thiết dẫn đến sự mất ổn định lớn hơn ở khu vực. Có nhiều lợi thế từ các mối quan hệ kinh tế và an ninh được khống chế bởi hai cường quốc khác nhau, ít nhất vì 3 lí do sau:

Thứ nhất, nó đảm bảo rằng cả Trung Quốc và Mỹ không thể quá nổi trội để tỏ ra hống hách. Chúng ta đã chứng kiến thế giới đơn cực trong đó Mỹ là một cường quốc quân sự và kinh tế nổi trội vì vậy có thể gây ra sự phản kháng, càng làm tăng khả năng xung đột và chiến tranh.

Thứ hai là tình huống Châu Á với 2 diện mạo sẽ làm Mỹ nản lòng không thực hiện chiến lược kiềm chế đối với Trung Quốc. Chiến lược này chỉ gây ra sự chia sẽ và phản tác dụng về mặt chiến lược. Một chính sách của Mỹ mà Châu Á cần là một chính sách cân bằng mà không kiềm chế. Trường hợp này sẽ xuất hiện việc các mối quan hệ kinh tế Mỹ - Châu Á, Mỹ - Trung Quốc tiếp tục lớn mạnh và Mỹ không đẩy chiến lược tái cân bằng quân sự của mình đi quá xa.

Thứ ba, một Châu Á trong đó Mỹ nổi trội về quân sự và Trung Quốc nổi trội về kinh tế cũng tạo ra sự thận trọng ngay cho các nước Châu Á, kể cả những nước là đồng minh của Mỹ. Điều này làm cho các nước khó có những thái độ gây kích động không cần thiết đối với Trung Quốc. Nhưng cũng không thể nói rằng một Châu Á trong đó sự hội nhập kinh tế bị Trung Quốc khống chế và cân bằng quân sự do Mỹ không chế sẽ loại bỏ được xung đột.

Nhưng xung đột có thể tránh được nếu một số biện pháp sau có thể được Mỹ, Trung Quốc và các nước Châu Á thực hiện. Đầu tiên, Washington không nên quá đẩy mạnh chiến lược tái cân bằng tới mức làm cho Trung Quốc cảm thấy không an toàn. Không may là chiến lược tái cân bằng với sụ khởi đầu và cốt lõi là sự phản ứng quân sự đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc đã trở thành một chính sách hỗn tạp qua đó các thành tố kinh tế và ngoại giao của chính sách Châu Á rộng lớn của Washington đã được lắp ghép. Trước chuyến đi sang Đông Nam Á của ông Obama sau khi đắc cử Tổng thống lần hai tháng 11/2012, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Thomas Donilon đã gộp việc tái cân bằng chủ yếu về mặt quân sự với chiến lược kinh tế trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương vốn loại trừ Trung Quốc và chiến lược ngoại giao và chính trị bao gồm làm sâu sắc hơn sự dính líu của Mỹ ở các thể chế khu vực của Châu Á như ASEAN và cấp cao Đông Á EAS.

Trung Quốc cũng phải có trách nhiệm làm giảm xung đột ở Châu Á. Các quan chức chính phủ Trung Quốc không nên kích động hoặc tỏ ra yếu ớt trước việc chủ nghĩa dân tộc bị sử dụng như một thứ vũ khí chống lại các nước láng giềng. Bắc Kinh nên thực tiễn hơn về lập trường của mình đối với xung đột ở Biển Đông. Bất cứ một động thái hung hăng nào của Trung Quốc sẽ bị phe phái diều hâu ở Washington lợi dụng và biến thành sự ủng hộ lớn hơn về chiến lược tái cân bằng quân sự nghiêng về kiềm chế hơn là cân bằng đối với khu vực.

Cuối cùng, các nước khác trong khu vực cũng nên kiềm chế, đặc biệt là Nhật Bản, nước vốn không dễ dàng khi đối mặt với chủ nghĩa dân tộc. ASEAN đang phải đương đầu với những bất ổn bởi vai trò chủ tịch ASEAN đáng chê trách của Campuchia năm 2012. Nhưng cũng không lo ngại gì chừng nào các thành viên ASEAN tiếp theo, đặc biệt là những thành viên sáng lập không phá vỡ hàng ngũ và làm ăn riêng với Trung Quốc. ASEAN cũng nên làm hết sức để khẳng định với Trung Quốc rằng việc ASEAN hoan nghênh Mỹ tái cam kết với khu vực ĐNÁ không làm tổn hại đến Trung Quốc.

Tóm lại, Chính quyền Obama nhiệm kỳ hai nên thận trọng triển khai việc tái cân bằng, tránh biến nó thành sự kiềm chế. Mỹ nên sử dụng những mối quan hệ kinh tế, sự phụ thuộc lẫn nhau, cả trong nội khối Châu Á cũng như xuyên Thái Bình Dương để tạo ra sự ổn định toàn diện ở khu vực.

Tác giả Amitav Acharya là Giáo sư chuyên ngành Quan hệ Quốc tế - Đại học American, Washington, Mỹ. Bài viết đăng trên tờ World Politics Review (ngày 8/1).

Hương Trà (gt)