chinaflag1.jpg

Năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng kêu gọi xây dựng một “châu Á cho người châu Á”, và phát biểu này khi đó bị xem là khá khiêu khích. Tuy nhiên, dường như điều này không chỉ còn là viễn cảnh hay lời kêu gọi, mà đang dần trở thành một thực tế rõ ràng. Hiện có 3 nhân tố có thể dẫn tới sự hình thành của một châu Á đa cực:

Thứ nhất là sự bất ổn và những xáo trộn trong trật tự khu vực, nảy sinh từ chính sách “nước Mỹ trên hết” của Chính quyền Donald Trump. Xu hướng bảo hộ và dân tộc chủ nghĩa của chính quyền mới tại Washington đã khiến sự hiện diện và vai trò của Mỹ tại châu Á đứng trước những dấu hỏi lớn.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Trump đã nhiều lần bày tỏ sự hoài nghi đối với các mối quan hệ liên minh và cam kết của Mỹ tại châu Á. Mặc dù sau đó đã dịu giọng hơn, song những hành động và thái độ thiếu kiên định của người đứng đầu Nhà Trắng vẫn khiến các nước châu Á không khỏi lo ngại về độ tin cậy của cường quốc này, nhất là đối với việc giải quyết các vấn đề khu vực.

Yếu tố thứ hai sẽ thay đổi bản đồ địa chính trị khu vực, chính là vai trò trung tâm của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Cấu trúc khu vực do ASEAN dẫn đầu bắt đầu lộ rõ những lỗ hổng và sự mong manh khi khối này vào năm 2012 lần đầu tiên không thể ra được một tuyên bố chung trong cuộc gặp của các nhà lãnh đạo. Những rạn nứt càng thể hiện rõ hơn khi tới năm 2016 vừa qua, một tuyên bố chung đã bị rút lại do các nước thành viên thiếu đồng thuận trong việc đề cập tới các tranh chấp ở Biển Đông. Nguyên nhân của những rạn nứt này, không gì khác, chính là Trung Quốc.

Năm 2017, ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập. Cùng lúc đó, mục tiêu tạo dựng những cơ chế và sự đồng thuận về mặt ngoại giao và giải quyết xung đột của khối đang hứng chịu không ít cản lực. Điều này diễn ra ở thời điểm nhiều bất đồng đang tồn tại giữa các nước thành viên, và càng cho thấy nguyên tắc về sự đồng thuận tuyệt đối hay không can thiệp vào nội bộ các quốc gia khác - vốn là tôn chỉ hoạt động của ASEAN - đang dần trở nên lỗi thời trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay.

Yếu tố thứ ba, và cũng là nhân tố sẽ dẫn đến những thay đổi cơ cấu đáng chú ý trong trật tự khu vực chính là sự trỗi dậy của Trung Quốc, với sáng kiến “Vành đai và Con đường” và tham vọng trở thành một cường quốc biển. Chính những hành động và mục tiêu mà Trung Quốc hướng đến đang khiến các quốc gia khu vực không khỏi quan ngại.

Trước đây, cấu trúc khu vực chủ yếu hình thành dựa trên hệ thống các liên minh song phương chính thức và quan hệ đối tác giữa Mỹ với các nước châu Á. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sự hiện diện ngày một nhiều của các sáng kiến đa phương hay ba bên là thực tế phản ánh nỗ lực của các cường quốc khu vực trong việc phát triển một trật tự mới mà không dựa vào Mỹ, Trung Quốc hay ASEAN.

Mặc dù vai trò của Washington trong khu vực ngày càng bị thu hẹp, song các nước và vùng lãnh thổ tại châu Á không hề có ý định vào quỹ đạo của Trung Quốc, đang nỗ lực khẳng định mình để tự tạo ra một trật tự mới cân bằng hơn.

Lấy những ví dụ điển hình như Ấn Độ mới đây đã chào đón Dalai Lama, lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng; Hàn Quốc chấp thuận triển khai THAAD bất chấp sự phản đối dữ dội của Trung Quốc; Nhật Bản triển khai tàu chiến Izumo tới Biển Đông và tăng cường hợp tác biển với các quốc gia tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Trung Quốc; Đài Loan cương quyết từ chối công nhận “Nhận thức chung 1992”; Indonesia tăng cường các biện pháp bảo vệ chủ quyền trong khi Úc mạnh mẽ lên án Trung Quốc khai thác trái phép tài nguyên biển và hủy hoại môi trường…

Không chỉ vậy, dù Mỹ đã rút khỏi Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) song Nhật Bản và Úc vẫn tiếp tục thúc đẩy hiệp định này. Hơn thế nữa, nguy cơ TPP "chết yểu" càng khiến các quốc gia quyết tâm hoàn thành Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Cùng lúc ấy, Nhật Bản đang dần vươn lên trở thành một cường quốc khu vực, với những bước tiến ban đầu là sửa đổi bản Hiến pháp hòa bình để cho phép quân đội nước này trở nên chủ động và năng động hơn trong bối cảnh nhiều bất ổn và nguy cơ như hiện này. Ấn Độ cũng có cách tiếp cận chủ động hơn với khu vực, thể hiện qua những sáng kiến quy mô như Dự án Mausam hay các tuyến đường thương mại vận chuyển những mặt hàng như vải bông và gia vị, một mô hình thu nhỏ của sáng kiến “Vành đai và Con đường”.

Với những gì đang diễn ra, “Châu Á của người châu Á” - tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - rất có thể sẽ trở thành hiện thực, song thay vì trở thành một trật tự mới dưới sự lãnh đạo của Trung Quốc, thay thế trật tự cũ do Mỹ dẫn đầu, đây có thể hướng tới hình thành một châu Á đa cực.

Theo “The Interpreter

Mỹ Anh (gt)