Japanese submarine2.jpg

Với chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống, người dân Mỹ có thể hy vọng chính quyền mới sẽ là tác giả của một báo cáo Đánh giá vị thế hạt nhân có thể khác hẳn với báo cáo năm 2010 của Chính quyền Obama. Điều này chủ yếu bởi hai nhà lãnh đạo này có thế giới quan cơ bản khác nhau. Bất kể chính quyền mới chọn hướng đi nào, một điều chắc chắn là: Các đối thủ của quốc gia này đặt ra một thách thức ngày càng gây nản lòng khi đề cập đến các vũ khí hạt nhân.

Trong khi Obama xứng đáng với sự tín nhiệm lớn vì đã dành nhiều thời gian suy nghĩ về sự răn đe hạt nhân hơn bất kỳ tổng thống nào thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, những ưu tiên ngân sách đang cạnh tranh nhau đã khiến cho kho vũ khí hạt nhân của Mỹ cũ kỹ hơn bao giờ hết. Cả các phương tiện phóng và đầu đạn đều cần được thay thế vì các thành phần và công nghệ của hệ thống đã lỗi thời. Hiện tại, Tên lửa hành trình đối trọng tầm xa (LRSO), máy bay ném bom tàng hình B-21 và Chương trình răn đe chiến lược trên mặt đất (GBSD) được lên kế hoạch như những sự thay thế cho các hệ thống phóng hiện hành, nhưng những hệ thống mới này đã lỗi thời ít nhất 1 thập niên.

Khiến tình hình tồi tệ thêm, các đối thủ của Mỹ đã dành thập niên vừa qua để mở rộng (Trung Quốc và Triều Tiên) và hiện đại hóa (Nga, Trung Quốc và Triều Tiên) các lực lượng hạt nhân của mình. Chẳng hạn, họ đang triển khai cả các đầu đạn mới lẫn các hệ thống phóng mới mà tích hợp một số bước phát triển khiến cho các vũ khí của họ khó bị các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ nhắm bắn vào hơn. Vì Mỹ không làm điều tương tự, nên lợi thế của Mỹ về cả công nghệ và khoa học vũ khí lẫn công nghệ phương tiện phóng đều giảm sút trong khi các nước khác – đặc biệt là Trung Quốc và Nga – tiếp tục thúc đẩy khoa học và công nghệ của các chương trình vũ khí hạt nhân của họ.

Trong khi Mỹ đang ở những giai đoạn đầu hiện đại hóa các lực lượng hạt nhân của mình, bất cứ thảo luận nào về việc hiện đại hóa hạt nhân toàn diện cần được diễn ra có lưu ý đến các đối thủ. Những mô tả về việc các đối thủ của Mỹ đang làm gì để triển khai các lực lượng hạt nhân không thấy có trong các cuộc tranh luận về chính sách và chiến lược. Trái ngược với những khẳng định của một số nhà phê bình hạt nhân, Mỹ không cần phải lo sợ một cách cố hữu những nỗ lực hiện đại hóa của các đối thủ của mình hay xem chúng như là sự bắt đầu của một cuộc chạy đua vũ trang mới. Giống như một con dao cùn có thể nguy hiểm hơn một con dao sắc, các lực lượng hạt nhân hiện đại có thể và thực sự đóng góp vào sự ổn định chiến lược bằng việc khiến cho một nước cảm thấy an toàn. Điều quan trọng nhất là việc một đối thủ dự định sẽ sử dụng các vũ khí hạt nhân của họ như thế nào.

Trong khi cuộc tranh luận hiện tại ở Washington tập trung vào việc liệu Mỹ có cần hiện đại hóa các vũ khí hạt nhân và liệu họ có đủ khả năng dành 6% ngân sách quốc phòng cho một sự răn đe hạt nhân hay không, thì các đối thủ của họ lại đang không có tranh luận nào như vậy. Nga, Trung Quốc và Triều Tiên đang hung hăng tiến về phía trước vì họ nhìn thấy những tiến bộ về các năng lực hạt nhân đóng một vai trò quan trọng trong việc răn đe hay đánh bại Mỹ trong khi họ thúc đẩy các lợi ích khu vực của mình.

Nga

Nga có kho vũ khí hạt nhân đa dạng và ghê gớm nhất trong số các nước vũ khí hạt nhân. Ngoài một bộ ba chiến lược máy bay ném bom tầm xa được trang bị các tên lửa hành trình hạt nhân mới, các tên lửa đạn đạo được phóng từ tàu ngầm, cũng như các tên lửa đạn đạo liên lục địa trong hầm chứa, cơ động trên đường bộ và cơ động trên đường sắt, Nga còn sở hữu một kho vũ khí hạt nhân “chiến thuật” – ước tính ít nhất là 2000 vũ khí. Không có gì là bất ngờ trước việc NATO, mà triển khai ước tính khoảng 200 bom trọng lực hạt nhân B-61, ở vào một thế bất lợi rõ ràng nếu Nga tìm cách lôi kéo liên minh này vào một cuộc chiến tranh hạt nhân có giới hạn. Với một chính sách công khai mà bao gồm “leo thang để xuống thang”, Nga có vẻ như tin rằng nước này có thể sử dụng các vũ khí hạt nhân chiến thuật của mình hoặc là để củng cố các thành tựu thông thường trên chiến trường và chấm dứt một cuộc chiến tranh hoặc là thay đổi phương hướng của một cuộc xung đột nếu nước này bắt đầu thua…

Có lý do để tin rằng Tổng thống Putin xem những sự nâng cấp gần đây đối với các lực lượng hạt nhân chiến thuật của Nga là một công cụ truyền thông hữu hiệu mà truyền tải cam kết của Nga không chỉ hiện đại hóa hạt nhân mà còn chiến đấu và chiến thắng một cuộc xung đột hạt nhân. Vì kho vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga ưu việt hơn kho vũ khí hạt nhân của NATO về cả quy mô lẫn các lựa chọn phóng, nên hoàn toàn hợp lý khi tin rằng Putin nghĩ là ông có lợi thế và có thể ép buộc Mỹ ngồi vào bàn đám phán trong trường hợp xung đột. Một vài trong số các nỗ lực hiện đại hóa của Nga là đáng lưu ý.

Các lực lượng tên lửa chiến lược, mà điều hành lực lượng tên lửa đạn đạo của Nga, đã triển khai một số tên lửa đạn đạo liên lục địa mới khi nó tìm cách thay thế các vũ khí thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Nga hiện đang thay thế các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) SS-18 và SS-19 Mod 3 còn lại của mình – mà đã được thiết kế và triển khai gần như đồng thời với các ICBM Minuteman III của Mỹ – bằng các ICBM SS-27 Topol-M và SS-29 Yars-M, mà đã được thiết kế vào những năm 1990 và 2000. Những ICBM này có thể được phóng từ các hầm chứa và các xe mang bệ phóng tự hành (TEL) cơ động trên đường bộ hoặc đường sắt. Định vị và xác định mục tiêu các ICBM cơ động là đặc biệt khó khăn và mang lại cho người Nga một cuộc tấn công thứ hai được đảm bảo. Năm 2020, người Nga sẽ triển khai tên lửa Sarmat RS-28 mà được gọi là “kẻ hủy diệt đất nước” bởi vì nó có thể chứa 15 phương tiện tái nhập nhiệt hạch và được trang bị các hệ thống đối phó phòng thủ được thiết kế nhằm đánh bại các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo.

Nga cũng đang triển khai một lớp mới tàu ngầm tên lửa đạn đạo để thay thế hạm đội gồm 6 tàu ngầm lớp Delfin (Delta IV) của mình, mà được hạ thủy trong giai đoạn 1984-1992. Tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Borei mới, mà là tàu ngầm êm nhất Nga từng sản xuất, có thể chở được tới 16 trong số các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) Bulava SS-NX-30 mới – một vũ khí có tính chính xác và hủy diệt hơn. Với tàu ngầm lớp Borei đầu tiên đi vào hoạt động năm 2009, lớp tàu ngầm mới nhất này vẫn đang gia nhập hạm đội. 8 chiếc dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động năm 2020.

Nga cũng đang hiện đại hóa đội máy bay ném bom Bear-H Tu-95 và Blackjack Tu-160 trong khi nước này thiết kế và triển khai một máy bay ném bom tàng hình mới. Người Nga cũng đã bắt đầu triển khai một tên lửa hành trình phóng từ trên không (ALCM) hạt nhân mới. Được triển khai đầu tiên vào năm 2014, Kh-102 có thể được phóng bởi cả hai loại máy bay ném bom của Nga trong khi vẫn ở trong không phận của Nga và đến được nước Mỹ lục địa. Do độ cao mà chúng bay và tiết diện radar của chúng, Mỹ thậm chí không thể nhìn thấy những vũ khí này trước khi chúng vào được không phận của Mỹ.

Nga cũng đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong thiết kế đầu đạn, điều này quan trọng vì cả Mỹ và Nga đều đang trở nên ngày càng quan ngại rằng đối phương có thể phá hủy các đầu đạn đang bay tới thông qua các hệ thống phòng thủ. Các nhà thiết kế vũ khí hạt nhân của Nga đã tập trung các nỗ lực của mình vào việc đảm bảo các đầu đạn của họ phát nổ với năng suất mong đợi và chính xác tại thời gian và địa điểm đã định. Trong khi thông tin nguồn mở bị hạn chế, xem ra Nga đang đạt được những tiến bộ trong các lĩnh vực này.

Có lẽ điều đáng quan ngại nhất là cách hành xử của Tổng thống Putin. Ông không chỉ hành động một cách quyết đoán chống lại các nước láng giềng, mà còn đặc biệt lớn tiếng khi để thế giới biết rằng Nga sẽ dựa vào kho vũ khí hạt nhân của mình để bảo vệ quốc gia và các lợi ích của mình. Việc Nga mới đây vi phạm Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung, bãi bỏ “Hiệp ước MOX” và mối quan ngại đang gia tăng rằng Nga sẽ không thực hiện các nghĩa vụ của mình theo Hiệp ước START mới mang lại nhiều lý do cho sự bất an. Nga cũng đã nói rằng nước này sẽ không thương lượng về quy mô kho vũ khí hạt nhân chiến thuật của mình, điều là sự báo động lớn nhất đối với NATO.

Trung Quốc

Mặc dù Trung Quốc được cho là duy trì một kho vũ khí hạt nhân nhỏ hơn nhiều so với Mỹ và Nga, nhưng hiểu biết của chúng ta về chương trình vũ khí hạt nhân của Trung Quốc có giới hạn vì Trung Quốc khá mập mờ. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng Trung Quốc duy trì năng lực thực hiện đòn phản công hạt nhân đang trở nên mạnh hơn nhờ những nỗ lực hiện đại hóa được thiết kế nhằm mang lại cho Trung Quốc một bộ ba hạt nhân thích hợp với các đầu đạn hạt nhân tiên tiến.

Trọng tâm trong răn đe hạt nhân của Trung Quốc có thể thấy trong các tên lửa đạn đạo của nước này. DF-5 (CSS-4) là một tên lửa nhiên liệu lỏng được triển khai lần đầu tiên vào giữa những năm 1980. ICBM đẩy hạng nặng này được thiết kế để sử dụng cùng một đầu đạn hiệu suất cao đơn lẻ với tầm bắn khoảng 7000 dặm (tương đương khoảng 11.265 km) và độ chính xác khoảng ¼ dặm (tương đương 0,4 km). Là một phần trong nỗ lực hiện đại hóa của Trung Quốc, DF-5 dự định sẽ được thay thế bởi DF-41, một ICBM đẩy hạng nặng, sử dụng nhiên liệu đặc, mà có độ chính xác và thời gian phản ứng được cải thiện một cách đáng kể.

Trung Quốc cũng triển khai DF-31 (CSS-9) – một ICBM sử dụng nhiên liệu đặc được triển khai lần đầu tiên vào năm 2006. Trung Quốc mới đây đã nâng cấp lên một phiên bản DF-31A, mà có thể đến được Mỹ với 3 đầu đạn của nó. Một phiên bản nữa là DF-31B – một vũ khí cơ động trên đường bộ. Ước tính có 20 tên lửa DF-5 và 15 tên lửa DF-31 trong tình trạng sẵn sàng hoạt động ở Trung Quốc. Nếu được nạp đủ số lượng đầu đạn, Trung Quốc có khả năng phóng các vũ khí loại đương lượng nổ khoảng 105 megaton sang Mỹ. Với “chiến lược phản giá trị” của mình mà tập trung vào việc xác định mục tiêu là các thành phố của Mỹ, lực lượng tên lửa đạn đạo của Trung Quốc đáng quan ngại một cách sâu sắc và là một mối đe dọa sự tồn tại đối với Mỹ.

Người Trung Quốc cũng đang thiết lập một sự răn đe trên biển liên tục với việc tung ra tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Tấn. Chiếc tàu đầu tiên được đưa vào hoạt động vào năm 2010 và dự định sẽ có cả thảy 5 chiếc. Các tài liệu nguồn mở mô tả tàu ngầm lớp Tấn rất ồn nên có thể bị Hải quân Mỹ phát hiện và theo dõi, điều khiến cho nó thua kém tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Mỹ và Nga. Tuy nhiên, đó là một bước đi rõ ràng về phía sự bình đẳng đối với Trung Quốc vì Bắc Kinh chưa bao giờ có được một tàu ngầm hạt nhân vận hành, đặc biệt là cái có thể vận hành một cách hiệu quả ở vị trí đủ gần với bờ biển Mỹ để tấn công lục địa nước này. Tàu ngầm SSBN mới sẽ mang tận 12 tên lửa đạn đạo JL-2 (CSS-NX-4), mà có tầm bắn khoảng 5000 dặm (tương đương 8046 km).

Trung Quốc cũng đã triển khai máy bay ném bom H-6K vào năm 2009 – một phiên bản hiện đại hóa của máy bay ném bom H-6 thời Liên Xô – mà có thể mang tên lửa hành trình CJ-10K. Mặc dù tên lửa CJ-10K được cho là mang một đầu đạn thông thường, nhưng Trung Quốc có năng lực kỹ thuật để triển khai một biến thể hạt nhân. Với việc Trung Quốc tìm kiếm sự thống trị khu vực ở châu Á, tầm bắn 2200 dặm (tương đương 3540 km) của H6-K mang lại cho máy bay đủ sức mạnh để tấn công các mục tiêu ở khu vực.

Người ta cũng cho rằng Trung Quốc hiện đang gia tăng số lượng vũ khí trong kho dự trữ của mình với con số ước tính khoảng 200-300. Vì Trung Quốc không được cho là đang tích cực tạo thêm urani làm giàu cao hay plutoni cấp độ vũ khí, nên quy mô cuối cùng của kho vũ khí nước này có thể bị giới hạn chặt chẽ ở mức thấp hơn quy mô kho vũ khí của Mỹ và Nga. Tuy nhiên, tính mập mờ của chương trình vũ khí hạt nhân của Trung Quốc và chiến lược hạt nhân của Trung Quốc gây khó khăn cho các nhà phân tích phương Tây trong việc đánh giá chính xác các mục tiêu đầy tham vọng và nguyên tắc sử dụng của nước này. Đánh giá sơ qua chương trình này, người ta cho rằng Trung Quốc có một chương trình phát triển vũ khí ngang tầm với Mỹ và Nga.

Triều Tiên

Chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên được thiết kế nhằm mang lại cho chế độ ông Kim một sự răn đe để ngăn chặn một cuộc xâm lược của Mỹ và Hàn Quốc. Chế độ gia đình Kim không thể đánh bại một cuộc tấn công thông thường hay hạt nhân. Thế nên ở Bình Nhưỡng, năng lực tấn công Mỹ và các đồng minh của nước này được xem là sống còn nhằm ngăn một cuộc tấn công như vậy. Mỹ muốn Triều Tiên quay trở lại các cuộc đàm phán 6 bên và đồng ý phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nhưng một động thái như vậy không có khả năng xảy ra.

Trong khi Triều Tiên cho thấy năng lực sản xuất một thiết bị hạt nhân và có một chương trình tên lửa đạn đạo đang hoạt động, chúng ta không rõ liệu nước này có thể phóng các đầu đạn hạt nhân của mình ở phía trên một ICBM cơ động trên đường KN-08 hay không. Hiện tại, không có bằng chứng nguồn mở nào cho thấy Triều Tiên đã nỗ lực kết hợp một đầu đạn hạt nhân với bất kỳ tên lửa đạn đạo nào của mình. Tuy nhiên, không có khả năng là các nhà khoa học và kỹ sư Triều Tiên sẽ không vược qua được những thách thức đang tồn tại vì Kim Jong-un đang tập trung vào vũ khí hạt nhân.

Việc thiếu hoàn toàn sự minh bạch về chương trình hạt nhân của Triều Tiên khiến nước này có tính đe dọa rất lớn. Trong thuyết hạt nhân của mình, Triều Tiên vừa tuyên bố một chính sách “không sử dụng trước” vừa đe dọa một cuộc tấn công phủ đầu bằng hạt nhân. Như đã thể hiện trong quá khứ, Kim Jong-un khó hiểu và khó đoán, khiến cho chương trình vũ khí của Triều Tiên đặc biệt đáng lo ngại đối với Hàn Quốc và Nhật Bản.

Đánh giá cuối cùng

Có 3 điểm đáng nhớ. Một là, các đối thủ của Mỹ chưa bao giờ ngừng phát triển và triển khai các vũ khí hạt nhân và phương tiện phóng mới. Chỉ duy có Mỹ là ngây thơ tin rằng các vũ khí hạt nhân ít quan trọng hơn đối với an ninh quốc gia. Ưu thế thông thường của Mỹ khiến cho các vũ khí hạt nhân quan trọng hơn bất cứ thời điểm nào trong thời đại hạt nhân. Chiến thắng của Mỹ trong Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991 thực sự cho thấy việc Mỹ chi phối chiến trường thông thường trong nhiều năm – khiến cho các vũ khí hạt nhân được dùng như đòn cân bằng lớn và sự răn đe của quân đội viễn chinh Mỹ.

Hai là, trong thời đại của các kho vũ khí hạt nhân nhỏ hơn và các vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp hơn, việc đảm bảo rằng mọi vũ khí đều đến được mục tiêu của nó và có khả năng tiêu diệt mục tiêu đó quyết định tính ổn định của sự răn đe hạt nhân. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, các kho vũ khí mà vượt quá 20.000 vũ khí hạt nhân chiến lược được triển khai có thể vận hành đã đảm bảo tính ổn định của sự răn đe nhờ vào số lượng tuyệt đối của chúng. Tuy nhiên, ngày nay, với việc quy mô của kho vũ khí giảm 90% và các đối thủ của Mỹ vừa phát triển các hệ thống phòng thủ mà có thể tiêu diệt các tên lửa sắp tới – hệ thống phòng thủ trên không tích hợp S-400 của Nga là một ví dụ – vừa di chuyển dưới lòng đất với các cơ sở then chốt, các vũ khí hạt nhân và hệ thống phóng cũ kỹ của Mỹ có thể sớm nhận thấy không thể giữ một cách hiệu quả các mục tiêu then chốt trong vòng nguy hiểm.

Ba là, ngược lại với những lập luận được đưa ra bởi các nhà phê bình hạt nhân, Mỹ sẽ không khởi động một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân bằng việc hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình. Với việc nền kinh tế Mỹ lớn hơn nền kinh tế trì trệ của Nga 5 lần, việc duy trì một cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ không phải là một lựa chọn khả thi đối với Nga. Trung Quốc bị hạn chế trong việc sản xuất các vũ khí hạt nhân của mình bởi kho dự trữ nguyên liệu phân hạch khá nhỏ. Do đó, những lập luận như vậy mang tính phóng đại hơn là chỉ ra được các đối thủ của Mỹ có thể phản ứng ra sao trước việc nước này tiến hành hiện đại hóa.

Khi Mỹ cân nhắc việc chi từ 6-7% ngân sách quốc phòng cho việc hiện đại hóa các vũ khí hạt nhân, người Mỹ cần hiểu rằng các đối thủ của họ không bao giờ ngừng hiện đại hóa. Một nước Nga quyết đoán và một Trung Quốc có năng lực hơn giờ sở hữu các kho vũ khí rất mạnh. Điều này làm gia tăng mối đe dọa mà Mỹ phải đối mặt. Việc ngăn chặn hiệu quả những mối đe dọa này sẽ đòi hỏi Mỹ phải thay thế các vũ khí của mình, được xây dựng nhằm chống lại mối đe dọa tồn tại cách đây 4 thập niên. Mối đe dọa mà chúng ta đối mặt hôm nay đã khác rất nhiều./.

TS. Adam B. Lowther là Giám đốc Trường Nghiên cứu về Khả năng Răn đe Hạt nhân tại Kirtland, AFB. Bài viết đăng trên “War on the rocks”.

Hương Trà (gt)