Trước đây, Ấn Độ hầu như tập trung bày tỏ tình đoàn kết chính trị với Việt Nam, ngày nay New Delhi cần cùng Hà Nội thăm dò những triển vọng để định hình cán cân lực lượng tại châu Á. 

Trên thực tế, quan hệ của Ấn Độ với Việt Nam trước đây chỉ tập trung vào lĩnh vực ngoại giao chứ không được triển khai trên lĩnh vực kinh tế do nền kinh tế của hai nước khi đó vẫn đóng cửa. Mãi đến những năm 90 của thế kỷ 20, cả hai nước mới mở cửa kinh tế, đặt nền móng để có thể xây dựng quan hệ hợp tác kinh tế song phương. Sau khi Việt Nam mở cửa lĩnh vực dầu mỏ cho các công ty nước ngoài, các công ty Ấn Độ nằm trong số những công ty đầu tiên giành được hợp đồng. An ninh năng lượng và hợp tác kinh tế là trọng tâm của cuộc hội đàm vừa qua giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Manmohan Singh, song bối cảnh địa chính trị hiện nay tại châu Á đòi hỏi sự phối hợp chiến lược lớn hơn giữa Việt Nam và Ấn Độ. Đối với Việt Nam, Ấn Độ là trung tâm của chiến lược tìm kiếm bạn bè mới thông qua một loạt quan hệ đối tác chiến lược. Về phần mình, đã đến lúc New Delhi cần thừa nhận vai trò của Việt Nam đối với an ninh Ấn Độ. 

Nhiều tầng lớp ở Ấn Độ hiện nay vẫn nhìn Việt Nam qua lăng kính của thế kỷ 20 và coi Việt Nam là biểu tượng của sức mạnh chống chủ nghĩa thực dân. Đối với nhiều thế hệ ở Ấn Độ, các cuộc chiến thắng lợi của Việt Nam trước Pháp và Mỹ đã giúp Việt Nam trở thành biểu tượng thực sự của chủ nghĩa dân tộc. Tuy nhiên, hiện nay Hà Nội và Washington đã xích lại gần nhau do có chung mối lo ngại về một Trung Quốc ngày càng nổi lên. Ấn Độ hiện đang can dự với một Việt Nam rất khác. Với số dân 90 triệu người và tăng trưởng kinh tế nhanh trong những năm gần đây, Việt Nam đang nổi lên như một thế lực mạnh mẽ. Vì vậy, Ấn Độ phải nhìn Việt Nam từ lăng kính thực dụng hơn chứ không phải theo chủ nghĩa tình cảm của quá khứ. 

Vì phải tìm kiếm một chỗ rộng hơn để chống chọi với nước Trung Quốc láng giềng, Việt Nam đang tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ và Nhật Bản. Việt Nam cũng đang nối lại mối quan hệ quốc phòng truyền thống với Nga. Thậm chí, mặc dù tìm cách đối trọng với Trung Quốc, song Việt Nam vẫn tăng cường quan hệ với nước này. Việt Nam không có ý định tạo nên một cuộc đối đầu quân sự vô ích với Trung Quốc và hiểu rõ sự phức tạp của thế giới đa cực. Xây dựng quan hệ đối tác mạnh với Ấn Độ là một phần quan trọng trong chiến lược đa dạng hóa quốc phòng của Việt Nam. Kể từ khi chính thức ký Tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2007, Ấn Độ đã mở rộng mạnh mẽ quan hệ hợp tác quốc phòng với Việt Nam.

Có tin cho biết New Delhi đã chấp nhận cấp cho Hà Nội gói tín dụng 100 triệu USD để mua tàu tuần tra của Ấn Độ; Hải quân Ấn Độ cũng đồng ý đào tạo thủy thủ tàu ngầm cho Việt Nam khi Hà Nội bắt đầu mua 6 tàu lớp kilo từ Nga; Ấn Độ có thể xem xét giúp Việt Nam hiện đại hóa lực lượng hải quân và giúp họ sử dụng các hệ thống vũ khí mới. Việt Nam đã chào đón các tàu hải quân Ấn Độ vào khu vực Biển Đông từ năm 2000 và thường xuyên tạo điều kiện cho tàu Ấn Độ cập cảng. 

Mặc dù có những thuận lợi đáng kể trong hợp tác an ninh giữa Việt Nam và Ấn Độ, song vẫn còn một số lo ngại tại New Delhi về nguy cơ Ấn Độ bị lôi vào cuộc xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Biển Đông. Trong khi vị trí địa lý hạn chế vai trò của Ấn Độ tại Thái Bình Dương, sự can dự hải quân mạnh mẽ với Việt Nam sẽ phục vụ nhiều mục tiêu của Ấn Độ: Thứ nhất, một Việt Nam an ninh sẽ góp phần ổn định một vùng duyên hải ngày càng quan trọng đối với lợi ích thương mại và an ninh năng lượng của Ấn Độ. Thứ hai, hợp tác an ninh hàng hải với Việt Nam sẽ tăng cường các nguyên tắc bền vững về tự do hàng hải và bảo vệ Biển Đông như những vùng biển chung của toàn cầu. Thứ ba, Ấn Độ không còn coi Ấn Độ Dương và Biển Đông như những “sân khấu” riêng biệt nữa.

Sự hiện hiện hải quân bền vững của Ấn Độ tại Biển Đông phải được coi như một yếu tố quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương của New Delhi. Việt Nam đã đặt Ấn Độ vào trung tâm của chiến lược an ninh quốc gia, và Ấn Độ cũng nên làm như vâỵ.

Tác giả là Tiến sĩ Raja Mohan, chuyên viên đặc biệt của Viện nghiên cứu Nhà quan sát Ấn Độ (ORF). Bài viết đăng trên “The Indian Express” .

Vũ Hiền (gt)