I- Hp tác kinh tế thương mi là đim sáng nh

Tháng 10/2003 tại Bali ở Inđônêxia, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã kêu gọi các nhà lãnh đạo ASEAN hàng năm cùng tổ chức Hội nghị cấp cao về thương mại và đầu tư Trung Quốc-ASEAN và Hội chợ triển lãm Trung Quốc-ASEAN, bắt đầu từ năm 2004 tại thành phố Nam Ninh, thủ phủ Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Tháng 10 năm 2011 hai hoạt động lớn này đã là lần thứ 8 diễn ra theo đúng ý tưởng ban đầu. Sau 8 năm, đặc biệt lại là 20 năm kể từ năm 1991 khi Trung Quốc và ASEAN thiết lập quan hệ đối thoại đến nay, bước tiến triển và thành tựu trong quan hệ Trung Quốc-ASEAN đã được thể hiện qua lời phát biểu của Thủ tướng Ôn Gia Bảo: “Là nước lớn ngoài khu vực, Trung Quốc là nước đầu tiên tham gia ‘Hiệp ước thân thiện và hợp tác ASEAN’, nước đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN, nước đầu tiên thành lập Khu thương mại tự do với ASEAN, đi đầu cam kết ký Nghị định thư về ‘Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân’, kiên định ủng hộ ASEAN phát huy vai trò chủ đạo trong hợp tác Đông Á”. 

Năm 2001, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và ASEAN chỉ có 7,96 tỉ USD, năm 2010 đã đạt 292,78 tỉ USD, tăng gần 37 lần. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN. Từ tháng Tư năm nay, ASEAN cũng đã thay thế Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, để đề phòng và ngăn ngừa “sự đe dọa của Chủ nghĩa Cộng sản”, tại Băngcốc, các nước Inđônêxia, Thái Lan, Xinhgapo, Philíppinvà Malaixia đã thành lập Liên minh các quốc gia Đông Nam Á (Hiệp hội các nước Đông Nam Á), gọi tắt là ASEAN. Có thể nói, từ khởi điểm ban đầu sự lựa chọn của ASEAN là chống lại Trung Quốc. Tuy nhiên, từ năm 1991 khi Trung Quốc và ASEAN khởi động tiến trình đối thoại, quan hệ song phương đã nhanh chóng “nhảy vọt”. Tháng 7/1996, Trung Quốc chính thức trở thành đối tác đối thoại toàn diện của ASEAN; Cuối năm sau, hai bên tuyên bố thành lập quan hệ đối tác láng giềng tin cậy lẫn nhau hướng đến thế kỷ 21; năm 2003 lại bắt đầu cố gắng thiết lập quan hệ đối tác chiến lược hướng đến hòa bình và phồn vinh. Phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị cấp cao về thương mại và đầu tư Trung Quốc-ASEAN lần thứ 8, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho biết Trung Quốc thực tâm thực ý muốn phát triển quan hệ với ASEAN. Để thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại song phương lên một tầm cao mới, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã đề xuất trong tương lai phải làm tốt mấy trọng điểm lớn, đó là cùng thành lập Khu thương mại tự do, liên lạc thông suốt với nhau, mở rộng hợp tác đầu tư song phương, đưa hợp tác kinh tế khu vực đi vào chiều sâu, mở rộng giao lưu trong lĩnh vực nhân văn. Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhấn mạnh “nếu giữ vững nguyên tắc bình đẳng, tin cậy lẫn nhau, tìm điểm đồng gác lại bất đồng thì chúng ta sẽ có thể vượt qua được những khác biệt về chính trị, kinh tế, tôn giáo, văn hóa v.v. để loại bỏ tất cả mọi khó khăn trở ngại, thúc đẩy hợp tác song phương phát triển, cùng phồn vinh”. 

Đây là Hội nghị cấp cao về thương mại và đầu tư, Thủ tướng Ôn Gia Bảo chỉ điểm lại như thế chứ không nói cụ thể những “khó khăn trở ngại” đó là gì. Tuy vậy, những người hiểu rõ quan hệ Trung Quốc-ASEAN đều biết rất rõ, rằng hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN không nghi ngờ gì đang ở vào thời kỳ sôi động nhất, có hiệu quả nhất trong lịch sử, nhưng hai bên thực sự cũng đã gặp phải một số khó khăn mới. Năm 2006 là dịp kỷ niệm 15 năm Trung Quốc-ASEAN thiết lập quan hệ đối thoại, trong khi tổ chức Hội chợ triển lãm và Hội nghị cấp cao về thương mại và đầu tư, hai bên cũng đồng thời tổ chức Hội nghị cấp cao kỷ niệm với nghi thức rất cao tại sơn trang Lệ Viên ở Nam Ninh. Sau hội nghị, Thủ tướng Ôn Gia Bảo và tổng thống hoặc thủ tướng chính phủ của 10 nước ASEAN còn ra Tuyên bố chung, đã thu hút sự quan tâm của báo chí các nước. Năm nay là năm thứ 20 Trung Quốc và ASEAN thiết lập quan hệ đối thoại, cũng là năm giao lưu hữu nghị Trung Quốc-ASEAN. Vào tháng 8 các nhà lãnh đạo cả hai bên tuy đã gửi điện chúc mừng nhau, cũng đã tổ chức tiệc chiêu đãi kỷ niệm tại Bắc Kinh nhưng sơn trang Lệ Viên đã không thể tiếp tục trở thành nơi tụ họp lý tưởng để các nhà lãnh đạo 11 nước thể hiện quan hệ. Những cân nhắc, tính toán để không tổ chức hội nghị kỷ niệm cấp cao chắc chắn không ít, nhưng thực tế này ít nhất cũng thể hiện những thay đổi tế nhị trong quan hệ Trung Quốc-ASEAN. 

Mức độ quan tâm của báo chí nước ngoài đối với Hội chợ triển lãm Trung Quốc-ASEAN lần thứ 8 năm nay không cao, vì đã bị một số yếu tố khác xen vào làm mất đi tiêu điểm như vậy. Vào cuối tháng 9 Chính phủ Mianma bị sức ép trong nước đã đơn phương ngừng dự án xây dựng nhà máy thủy điện Myitsone trên sông Irrawaddy chủ yếu do Trung Quốc đầu tư mà không thương lượng với Trung Quốc. Báo chí nước ngoài đồn đoán quan hệ hữu nghị truyền thống Trung Quốc-Mianma có phải vì thế mà sinh ra lục đục? Ngày 5/10, hai tàu chở hàng của Trung Quốc đã bị những người có vũ trang không rõ thân phận tấn công ở khu vực sông Mê Công trong phạm vi lãnh thổ Thái Lan, 13 thủy thủ của Trung Quốc bị hại, nguyên nhân vụ án đến nay vẫn chưa được làm rõ, hung thủ vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật. Ngày 18/10, Philíppin đã bắt giữ 25 chiếc thuyền câu của Trung Quốc đang tác nghiệp ở khu vực bãi Lễ Nhạc (Reed Bank) thuộc quần đảo Nam Sa (Trường Sa), Philíppin không những từ chối xin lỗi Trung Quốc mà còn từ chối trả lại thuyền cho Trung Quốc. 

II- Tranh chấp Biển Đông là thách thức lớn nhất 

Điều khiến người ta lo ngại nhất không ngoài vấn đề Biển Đông. Từ năm 2010 đến nay việc tranh chấp diễn ra ở vùng biển Biển Đông dường như có chiều hướng mở rộng thêm, giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philíppin lần lượt xảy ra nhiều vụ tranh chấp. Các vụ tranh chấp cứ dồn dập xảy ra, liên tục dẫn đến từng đợt phản đối ngoại giao. Đồng thời, các nước liên quan cũng đang tăng cường lực lượng hải quân. Philíppin đã mua một tàu tuần tra được gọi là “tàu quân sự hạng nhất” của Mỹ. Việt Nam đã tăng thêm tàu cảnh giới theo dõi Trung Quốc, còn mua tàu ngầm lớp KILO và tàu hộ vệ mang tên lửa tiên tiến nhất của Nga. Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế Anh quốc nhận xét “châu Á đã chạy đua vũ trang, tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng”. 

Sự việc không chỉ dừng lại ở mức độ như vậy. Nước ngoài khu vực can thiệp cũng từng bước có xu hướng mạnh lên. Ngày 12/10, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, Ấn Độ đã cố ý ký với Việt Nam thỏa thuận cùng khai thác hai lô dầu khí ở Biển Đông. Nội các mới ở Nhật Bản vừa nhậm chức mới tròn một tháng cũng cử Ngoại trưởng Koichiro Genba triển khai chuyến thăm Đông Nam Á 5 ngày, bắt đầu từ ngày 11/10, liên hệ móc nối với ASEAN về vấn đề lợi ích ở hải dương. Hãng tin Jiji của Nhật Bản đưa tin Nhật Bản đang có kế hoạch cùng với các nước Đông Nam Á như Việt Nam và Philíppin thành lập một cơ quan phối hợp về vấn đề chủ quyền và đảm bảo tự do an ninh hàng hải ở Biển Đông, dự tính sẽ trình bản đề án liên quan lên Hội nghị cấp cao Đông Á sẽ họp vào tháng 11 này. 

Ngoại trưởng Mỹ H. Clinton cũng công bố bài viết dài trên tạp chí “Chính sách ngoại giao” của Mỹ có tựa đề “Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ”, cho biết rõ là “trọng tâm của nước Mỹ nhất định phải chuyển sang châu Á-Thái Bình Dương”. Cùng với cuộc chiến tranh ở Libi dần dần kết thúc, quân đội Mỹ sẽ hoàn toàn rút khỏi Irắc vào cuối năm nay, kế hoạch rút quân khỏi Ápganixtan cũng đã được đưa vào chương trình nghị sự, nước Mỹ trở lại châu Á đã chắc chắn, trong đó ASEAN sẽ là một trong những trọng điểm để Mỹ đặt chân tới. Ngày 23/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta đã gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng của 10 nước ASEAN tại Bali của Inđônêxia. Panetta cho biết các bên đã trao đổi ý kiến về “tự do hàng hải”, đồng thời nhấn mạnh Mỹ sẵn sàng phát triển quan hệ hợp tác với ASEAN. Báo Yomiuri của Nhật Bản lý giải, thực tế này cho thấy Mỹ đang tích cực chuẩn bị can thiệp vào công việc ở Biển Đông. 

III- Kiểm nghiệm trí tuệ ngoại giao của Trung Quốc 

Ngày 20/10, trong khi hội kiến với những nhân vật lãnh đạo cấp cao nước ngoài đến tham gia Hội chợ triển lãm Trung Quốc-ASEAN lần thứ 8, Thủ tướng Ôn Gia Bảo thể hiện rõ thái độ, cho biết Trung Quốc sẵn sàng cùng với các nước hữu quan giải quyết ổn thỏa tranh chấp trên biển. Tại lễ khai mạc Hội nghị cấp cao về thương mại và đầu tư Trung Quốc-ASEAN trong ngày thứ hai, Thủ tướng Ôn Gia Bảo khi phát biểu đã không có từ ngữ nào nhắc đến vấn đề Biển Đông. Nội dung bài phát biểu với tựa đề “Đi sâu hợp tác cùng phồn vinh” chỉ có hơn 3.000 chữ, không nhắc đến bất kỳ tranh chấp nào mà đã 34 lần sử dụng từ “hợp tác”. 

Tuy thế, muốn loại bỏ tất cả mọi trở ngại trong quan hệ Trung Quốc - ASEAN đương nhiên sẽ không hề dễ dàng, trong đó tranh chấp trên biển chắc chắn sẽ là trở ngại lớn nhất. Bài viết trên tờ “Thời báo eo biển” của Xinhgapo ngày 17/10 cho rằng Trung Quốc đang đứng trước một làn sóng tranh chấp mới ở Biển Đông. Bài báo cho biết tháng 7 năm nay, ASEAN và Trung Quốc đã tuyên bố thực hiện bước đột phá trong vấn đề về biển khiến người ta có nhiều kỳ vọng, nhưng sau khi Bắc Kinh rõ ràng vẫn không muốn đàm phán về những quy tắc liên quan đến hành vi ở Biển Đông, ASEAN đã từ chối đề nghị của Trung Quốc về tổ chức đàm phán song phương giữa các quan chức cấp cao. ASEAN còn từ chối tham gia cuộc hội thảo về tự do và an ninh hàng hải ở Biển Đông do Bắc Kinh đề nghị, cho rằng đây là chiến thuật của Bắc Kinh trong khi trương lên chiêu bài hợp tác của mình lại đồng thời làm trì hoãn việc xây dựng những quy tắc hành vi. 

Một thời gian dài đến nay, Trung Quốc đã thi hành chính sách “gác lại tranh chấp, cùng khai thác”. Nhưng xét tình hình như hiện nay thì tranh chấp dường như đã không thể gác lại. Bằng cách nào để làm cho vấn đề Biển Đông không đi đến chỗ làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển hòa bình của Trung Quốc, không trở thành vũ khí để ASEAN công kích Trung Quốc, cũng không trở thành con bài để nước ngoài khu vực kiềm chế Trung Quốc, những vấn đề nói trên đang đòi hỏi Trung Quốc phải có “trí tuệ lớn” về phương diện ngoại giao. 

Tuy nhiên, tranh chấp Biển Đông không liên quan đến tất cả các nước ASEAN, thái độ của các nước ASEAN đối với Trung Quốc cũng có phần khác nhau. Hiệu trưởng trường Đại học Quốc phòng Nhật Bản Iokibe Makoto trong bài viết của mình có nói, cùng với kinh tế phát triển, Trung Quốc cũng bộc lộ tài năng về chính trị và quân sự. Trước hiện thực này, các nước như Lào và Campuchia, thậm chí cả Thái Lan về cơ bản đều đối xử như trước một hiện tượng tự nhiên, bình tĩnh tiếp nhận sự thực Trung Quốc trở thành nước lớn, một hình mẫu về việc đành phải “thuận theo thời thế để mưu sinh”. Triển vọng này đã để lại cho Trung Quốc một phần không gian để xoay chuyển. 

  Theo Tạp chí “Tuần tin tức Trung Quốc” (ngày 31/10/2011)

Viết Tuấn (gt)