65 năm đã trôi qua kể từ khi Ấn Độ và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong giai đoạn này, hai nước đã phát triển mối quan hệ bền vững và mạnh mẽ dựa trên sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Mặc dù có khoảng cách tâm lý vốn bị chia rẽ bởi sự khác biệt về ý thức hệ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhưng hai nước đã có đủ sáng suốt để phát triển các mối liên kết hữu ích trong hợp tác thương mại và kinh tế.

Về hợp tác chính trị chiến lược

Quan hệ song phương đã chứng kiến sự thay đổi mô hình từ năm 2000 khi hai nước tìm cách tạo ra một quan hệ đối tác toàn cầu mới. Cho đến thời điểm đó, mối quan hệ Ấn Độ-Nhật Bản chủ yếu chỉ giới hạn trong các cam kết kinh tế như nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA) và thương mại. Ngày nay, mối quan hệ đó đã đa dạng hơn và đan xen nhiều lợi ích bao gồm an ninh khu vực và toàn cầu, chống khủng bố, giải trừ vũ khí hạt nhân, an ninh hàng hải, hợp tác về năng lượng, biến đổi khí hậu và cải tổ Liên hợp quốc. Sự hiểu biết lẫn nhau về lợi ích quốc gia và ngoại giao đã được cải thiện rõ rệt, trong khi sự hội tụ chiến lược cũng như điểm tương đồng về quan điểm có xu hướng gia tăng và tạo ra cơ hội chưa từng có cho một mối quan hệ đối tác gần gũi hơn. Hai nước chia sẻ nhiều mối quan tâm và lợi ích chung ở khu vực.

Được biết sẽ có một sự thay đổi chiến lược trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong vòng 10 hoặc 20 năm tới, cả Ấn Độ lẫn Nhật Bản đều mong muốn tăng cường hợp tác để đảm bảo rằng một sự thay đổi lớn như vậy, và khi nó xảy ra, sẽ không làm mất cân bằng quyền lực trong khu vực. Là hai nền dân chủ sôi động, Ấn Độ và Nhật Bản muốn đóng góp vào sự phát triển của một trật tự khu vực mới, mở cửa, đa cực, dựa trên luật pháp và không có sự thống trị của bất kỳ một quốc gia đơn phương nào.

Sau tuyên bố vào năm 2000 của Thủ tướng Yoshiro Mori về mối quan hệ đối tác toàn cầu giữa Ấn Độ và Nhật Bản, cả hai nước đã hành động nhanh chóng để bổ sung thêm các nội dung chiến lược cho quan hệ đối tác. Năm 2005, Thủ tướng Shinzo Abe và người đồng cấp Ấn Độ Manmohan Singh đã mở rộng quan hệ đối tác toàn cầu với các vấn đề chiến lược, đồng thời hai bên đã tạo ra một số cơ chế bao gồm cả việc tăng cường hợp tác ở hội nghị thượng đỉnh hàng năm. Một số cơ chế đối thoại khác ở cấp bộ trưởng và thứ trưởng trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hàng hải và hợp tác năng lượng cũng đã được thiết lập để thúc đẩy mối quan hệ đối tác đa tầng. Toàn bộ quá trình đó đã được làm nổi bật khi hai nước ký Tuyên bố về Hợp tác an ninh vào tháng 10/2008. Điều này thể hiện tầm quan trọng mà Tokyo giành cho Ấn Độ trong khi trên thực tế Nhật Bản chỉ có một thoả thuận tương tự với Mỹ và Úc. Bên cạnh đó, một khía cạnh quan trọng của tuyên bố là nhấn mạnh tới nhu cầu phối hợp chính sách song phương trong các vấn đề khu vực cũng như hợp tác trong các diễn đàn đa phương ở châu Á như Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF).

Trong bối cảnh này, điều quan trọng cần lưu ý là cả ông Manmohan Singh và ông Taro Aso (sau đó là Thủ tướng Nhật Bản) đã nhấn mạnh rằng quan hệ đối tác giữa Ấn Độ và Nhật Bản không hướng tới bất kỳ nước thứ ba nào và ít nhất là Trung Quốc. Mặc dù có những vấn đề song phương với Trung Quốc, nhưng cả Ấn Độ lẫn Nhật Bản đều tin tưởng vào sự tham gia của Bắc Kinh về kinh tế cũng như an ninh. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ và Nhật Bản. Quan hệ mật thiết với Trung Quốc là một yếu tố quan trọng thúc đẩy hòa bình khu vực. Cả Ấn Độ lẫn Nhật Bản đều hiểu rằng trong bất kỳ cấu trúc nào của trật tự khu vực trong tương lai, Trung Quốc sẽ là nhân vật nổi bật và sẽ là khôn ngoan khi tìm cách lồng ghép Trung Quốc vào dòng chảy chính của khu vực và biến Bắc Kinh trở thành một bên liên quan có trách nhiệm.

Tiếp sau tuyên bố đó, sự phát triển quan hệ giữa Ấn Độ và Nhật Bản chứng tỏ sự hội tụ nhiều hơn các lợi ích chiến lược giữa hai nước. Điển hình là đã có sự kết hợp mạnh mẽ giữa chính sách “Hành động hướng Đông” của Thủ tướng Modi và chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở và tự do” của Thủ tướng Abe. Ngoài ra, sáng kiến mới nhất của hai nước là thúc đẩy hình thành tuyến Hành lang tăng trưởng Á-Phi nhằm cải thiện kết nối kinh tế và cơ sở hạ tầng ở cả hai châu lục và đây có thể là dự án cung cấp một giải pháp thay thế cho sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc. Ngoài ra, hai nước cũng đã thành lập hai diễn đàn 3 bên với Mỹ, Úc và thường xuyên họp để thảo luận về tình hình chiến lược đang thay đổi ở châu Á bao gồm các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, sự quyết đoán của Trung Quốc ở biển Hoa Đông, Biển Đông, khủng bố và thiên tai.

Về hợp tác quốc phòng-an ninh

Hợp tác quốc phòng giữa hai nước cũng đã chứng kiến những tiến bộ đáng kể trong những năm gần đây. Bộ trưởng quốc phòng hai nước gặp nhau trong các cuộc đối thoại quốc phòng hàng năm để thảo luận về một loạt vấn đề liên quan đến hợp tác song phương. Thủ tướng Modi đã bày tỏ sự hết sức quan tâm tới việc thúc đẩy Nhật Bản đóng vai trò then chốt trong lĩnh vực sản xuất quốc phòng của Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ đã nới lỏng đáng kể các quy định của mình để chào đón các công nghệ nước ngoài lớn hơn trong lĩnh vực quốc phòng. Chính phủ Nhật Bản cũng đã sửa đổi chính sách chuyển giao công nghệ quốc phòng cho nước ngoài. Có một thực tế, tình huống “cùng thắng” đã được cả hai quốc gia sử dụng. Các cuộc đàm phán về việc Ấn Độ mua các thủy phi cơ US-2i của Nhật Bản có thể là một ví dụ điển hình cho sự hợp tác song phương này.

Trong khi đó, an ninh hàng hải là một chủ đề quan trọng khác mà cả hai nước đều có các lợi ích hội tụ. Cả hai đều cam kết tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không và thương mại hợp pháp không bị cản trở trong các vùng biển rộng mở. Về các tranh chấp ở Biển Đông, họ đã khẳng định rằng tất cả các bên liên quan đến tranh chấp cần tìm kiếm một giải pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc có các hành động đơn phương. Trong bối cảnh này, cần lưu ý rằng cả Ấn Độ lẫn Nhật Bản đã thực hiện một số bước đi cụ thể để bảo vệ an ninh hàng hải khi cả hai đều phụ thuộc vào thương mại biển. Ngoài việc tiến hành các cuộc tập trận hải quân song phương, Nhật Bản đã tham gia thường xuyên các cuộc tập trận hải quân 3 bên “Malabar” hàng năm với Mỹ và Ấn Độ từ năm 2015.

Về hợp tác kinh tế và đầu tư

Hợp tác kinh tế vẫn tiếp tục tạo nền tảng cho mối quan hệ đối tác Ấn-Nhật Bản và ông Modi quan tâm đến việc đảm bảo sự tham gia của Nhật Bản trong một số dự án cơ sở hạ tầng quan trọng. ODA của Nhật Bản đang được sử dụng để hiện đại hóa các ngành then chốt ở Ấn Độ bao gồm giao thông, truyền thông, điện, thủy lợi, cảng biển, môi trường và y tế. Đặc biệt quan trọng là sự trợ giúp của Nhật Bản đối với việc thành lập các hệ thống vận tải tập trung ở các thành phố lớn như Bangalore, Chennai, Kolkata và Mumbai. Ấn Độ là nước đầu tiên nhận ODA của Nhật Bản vào năm 1958, và trở thành nước nhận viện trợ lớn nhất từ Tokyo kể từ năm 2005. Nhật Bản cũng tham gia sâu vào một số dự án hàng đầu ở Ấn Độ như Hành lang vận tải Delhi-Mumbai, Hành lang công nghiệp Delhi-Mumbai và Hành lang công nghiệp Chennai-Bangalore. Những sự hợp tác này sẽ làm thay đổi bản đồ công nghiệp của Ấn Độ trong những năm tới.

Trong chuyến thăm gần đây nhất tới Ấn Độ và tham dự hội nghị thượng đỉnh song phương lần thứ tư, ông Abe và ông Modi đã dự lễ chính thức khởi công xây dựng hệ thống tàu điện cao tốc đầu tiên của Ấn Độ, nối từ thành phố Mumbai tới Ahmedabad. Điều này đã mang lại tầm quan trọng đáng kể cho ông Abe khi quan tâm đến việc cung cấp cơ sở hạ tầng chất lượng cao của Nhật Bản cho các nước châu Á. Nhiều người tin rằng dự án Mumbai-Ahmedabad có thể thiết lập một tiêu chuẩn cho các nước khác.

Trong những năm gần đây, Chính phủ Ấn Độ đã khuyến khích Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế ở khu vực Đông Bắc Ấn Độ, vốn vẫn còn lạc hậu do thiếu cơ sở vật chất và hạ tầng. Nhật Bản hiện đang tham gia thực hiện một số dự án quan trọng trong khu vực bao gồm xây dựng đường cao tốc, điện, nước thải, quản lý nước và tài nguyên thiên nhiên. Gần đây, cả Ấn Độ lẫn Nhật Bản đã thành lập một cơ quan điều phối để tăng cường việc thực hiện hiệu quả các dự án khác nhau. Về thương mại và đầu tư, theo các cuộc khảo sát của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), Ấn Độ là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất của Nhật Bản. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật Bản đã tăng đáng kể trong những năm gần đây. FDI tích lũy của Nhật Bản ở Ấn Độ trong giai đoạn từ năm 2000 đến tháng 3/2017 lên tới 25,6 tỷ USD, và trở thành nhà đầu tư lớn thứ ba ở Ấn Độ. FDI của Nhật Bản chiếm 8% tổng lượng FDI của Ấn Độ.

Cuộc gặp thượng đỉnh song phương mới đây đã tạo cơ hội cho lãnh đạo hai nước thực hiện các biện pháp thúc đẩy dòng đầu tư của Nhật Bản. Tuy nhiên, khối lượng thương mại song phương vẫn còn thấp cho dù hai nước đã ký Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) từ năm 2011. CEPA vẫn không tạo ra những kết quả như mong đợi. Do đó, cả hai nước cần phải tìm kiếm những thay đổi trong CEPA để đảm bảo rằng thương mại song phương sẽ có những tiến bộ đáng kể trong vài năm tới.

Tóm lại, có thể thấy rằng quan hệ đối tác Ấn Độ-Nhật Bản đã chứng kiến nhiều sự thay đổi quan trọng kể từ năm 2000. Hợp tác giữa hai nước đã trở thành một thành tố quan trọng đóng góp vào hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và mối quan hệ đó được thúc đẩy bởi sự kết hợp của các yếu tố chiến lược và kinh tế. Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã tạo ra mối quan tâm chiến lược chung. Nhưng cả Ấn Độ lẫn Nhật Bản tin rằng sẽ là khôn ngoan nếu thu hút sự tham gia của Trung Quốc về mặt kinh tế cũng như an ninh. Họ tin rằng sự tham gia tích cực về kinh tế cùng với sự minh bạch hơn trong chiến lược quân sự của Trung Quốc có thể làm cho Bắc Kinh trở thành một bên liên quan có trách nhiệm trong khu vực và thậm chí góp phần tạo ra sự hiểu biết lẫn nhau tốt hơn giữa các nước trong khu vực.

K.V.Kesavan,  chuyên gia nghiên cứu cao cấp thuộc Viện nghiên cứu các nhà quan sát Ấn Độ (ORF). Bài viết được đăng trên Viện Nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương (IAPS).

Văn Cường (gt)