Một tuần trước lễ kỷ niệm 1 năm cầm quyền của chính phủ Liên minh Dân chủ Quốc gia (NDA), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi được cho là sẽ đánh dấu sự kết thúc năm hoạt động ngoại giao sôi động của mình bằng chuyến thăm tới Trung Quốc (dự kiến từ 14-16/5). Đối với Ấn Độ, không có mối quan hệ nào phức tạp và thách thức hơn mối quan hệ với Trung Quốc.

Những sai lầm của ông Jawaharlal Nehru (1889-1964), Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ, trong xử lý vấn đề với Trung Quốc đã phủ bóng đen lâu dài lên mối quan hệ song phương. Các đời thủ tướng Ấn Độ sau đó đều hoài nghi, thậm chí “nghi ngờ thái quá” khi xử lý vấn đề với Trung Quốc. Cựu Thủ tướng Manmohan Singh nói ông đã dành thời gian đáng kể để đọc kỹ những hồ sơ của bậc tiền bối Nehru về Trung Quốc để tránh lặp lại bất kỳ lỗi lầm nào. Tuy nhiên, những sai lầm của cố Thủ tướng Nerhu trong nhận định về Trung Quốc không thể tránh khỏi. Thực tế là ngày 7/11/1950, Sardar Vallabhbhai Patel (chính khách Ấn Độ thời Nerhu) đã lưu ý với ông này về sự thiếu tin cậy trong quan hệ song phương và khuynh hướng chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc tại châu Á. Lời “tiên tri” của ngài Patel và sự lưu ý đối với ông Nerhu đã bị vùi trong các hồ sơ của Chính phủ Ấn Độ trong nhiều thập niên và mới được công bố cách đây một thập niên và hiện có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng Internet.

Nếu Trung Quốc sáp nhập Tây Tạng từ thời Nehru thì nay họ đang tìm cách chiếm đoạt lãnh hải ở Biển Đông. Khi cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông coi người Liên Xô như những “tên đế quốc xã hội” thì lúc đó cũng không có ai chỉ trích Trung Quốc. Tuy nhiên, không giống như những năm 50 của thế kỷ 20, khi thế giới có thái độ ôn hòa đối với chính sách lấn chiếm đất của Trung Quốc, hiện đã có những mối quan ngại lớn hơn về hành động gây hấn của nước này ở châu Á. Trong khi giới lãnh đạo phương Tây có vẻ lộn xộn trong phản ứng với những động thái của Trung Quốc, Ấn Độ đã theo đuổi một chính sách cân bằng và thông minh trong can dự với nước này ở mọi cấp có thể, trong khi vẫn cảnh giác về những hành động quyết đoán của Bắc Kinh.

Một trong những điểm tích cực về quan hệ Ấn-Trung trong thập niên qua là quan hệ thương mại và tiếp xúc giữa nhân dân hai nước được tăng cường. Điểm nổi bật trong chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của ông Modi là cuộc gặp với cộng đồng người Ấn Độ ở nước này. Trong khi điều này thu hút sự chú ý về sự hiện diện tăng lên của người Ấn Độ tại Trung Quốc, Ấn Độ có thể phải làm nhiều hơn nữa để tạo điều kiện cho người Trung Quốc tới Ấn Độ. Hàng triệu người theo đạo Phật ở Trung Quốc hẳn sẽ muốn thăm Ấn Độ nếu nước này trở thành điểm đến hấp dẫn hơn. Các mối tiếp xúc giữa giới chuyên gia và các thể chế cũng phải tăng lên.

Đã đến lúc quan hệ song phương phải được đẩy xa hơn các mối quan hệ chính thức giữa chính phủ với chính phủ bởi quan hệ Ấn-Trung đã trở nên ổn định hơn. Có nhiều lý do giải thích tại sao Trung Quốc không muốn thúc đẩy quan hệ quá mức với Ấn Độ. Thứ nhất, Ấn Độ đã thể hiện khả năng có thể vượt qua được những “cơn bão” chính trị và kinh tế, cho thấy sự kiên cường của nhà nước Ấn Độ. Thứ hai, mặc dù có những yếu kém, nền kinh tế Ấn Độ đã thể hiện khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Thứ ba, chính sách ngoại giao linh hoạt của New Delhi đã cho phép họ mở rộng những lựa chọn địa chính trị. Cuối cùng, thái độ hiếu chiến của Trung Quốc đối với các nước láng giềng khiến nhiều quốc gia châu Á nhìn nhận tốt hơn về sự nổi lên của Ấn Độ.

Vấn đề mà giới lãnh đạo chính trị của Ấn Độ phải đương đầu là sức mạnh quốc gia toàn diện của Trung Quốc. Kinh tế Trung Quốc hiện lớn gấp 5 lần Ấn Độ... Do vậy, mối quan hệ Ấn-Trung phát triển như thế nào trong những năm tới sẽ phụ thuộc vào việc liệu người Trung Quốc còn tin vào quan điểm của Đặng Tiểu Bình rằng thế kỷ 21 không thể là thế kỷ của châu Á nếu Trung Quốc và Ấn Độ không phối hợp với nhau.

Rõ ràng, thế kỷ 21 sẽ không phải là thế kỷ của một mình Trung Quốc hay Mỹ. Các điều kiện địa chính trị và địa kinh tế tạo điều kiện cho nước Anh trở thành “Great” (Great Britain) trong thế kỷ 19 và tạo điều kiện để Mỹ nổi lên thành cường quốc tế giới trong thế kỷ 20 nay không còn đối với Trung Quốc hoặc bất cứ nước nào khác. Thế giới “đơn cực” của đế chế Anh và Mỹ là một sự lầm lạc của lịch sử. Nếu Trung Quốc thành công trong việc trở thành thế lực siêu việt ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và thế lực chi phối ở lục địa Á-Âu, thì tất nhiên họ sẽ nổi lên thành thế lực chi phối thế giới trong thế kỷ 21 và điều đó sẽ buộc tất cả các nước lớn khác xích lại với nhau để đối phó.

Tác giả Sanjaya Baru là chuyên gia về chiến lược và địa-kinh tế thuộc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế, đồng thời là chuyên viên cao cấp danh dự của Trung tâm nghiên cứu chính sách (CPR) ở New Delhi. Bài viết đăng trên “The Hindu” (ngày 11/5)

Hương Trà (gt)