Nước Mỹ lâu nay vẫn đi theo xu hướng toàn cầu hóa. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã thề sẽ " đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại", trong khi các quốc gia từng là cường quốc trong lịch sử nhân loại một thời như Trung Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ lấy chủ nghĩa dân tộc hồi tưởng làm động cơ dẫn dắt đất nước. Năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố sẽ "tạo ra sự hồi sinh vĩ đại của dân tộc Trung Quốc". Cũng trong năm này, Tổng thống Nga Vladimir Putin quay trở lại nắm quyền tại Điện Kremlin và bắt đầu dự án "đưa nước Nga vĩ đại trở lại". Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Tayyip Erdogan cũng đang tìm cách khơi gợi tinh thần dân tộc từ thời kỳ vinh quang của đế chế Ottoman.

Bầu không khí chính trị tại Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang gióng lên hồi chuông cảnh bảo về những mối nguy hiểm của việc khơi lại nỗi luyến tiếc chủ nghĩa dân tộc. Cả ba quốc gia này đều mong muốn phục hồi sự vĩ đại lừng danh thiên hạ một thời của mình, kết hợp với chiến dịch tuyên truyền của chính phủ chống lại những lực lượng thù địch bên ngoài và những "kẻ thù từ bên trong", những kẻ chống lại chủ nghĩa dân tộc. Các nền dân chủ hiện nay đều có xu hướng khơi gợi chủ nghĩa dân tộc, chẳng hạn như Nhật Bản, Ấn Độ, Hungary, Anh... Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang dẫn đầu một chiến dịch đầy nhiệt huyết làm hồi sinh tinh thần dân tộc quốc gia khi nhắc lại thời kỳ oanh liệt của nước Nhật ở thế kỷ 19. Khi đó, Nhật Bản là quốc gia hùng mạnh nhất châu Á. Tại Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi đã lãnh đạo phong trào dân tộc Hindu, vừa kêu gọi hiện đại hóa Ấn Độ, vừa khơi gợi tinh thần tự hào của người Hindu trong lịch sử. Tại Hungary, Thủ tướng Viktor Orban là người theo chủ nghĩa dân tộc, tỏ ra nuối tiếc những phần lãnh thổ mà Hungary bị mất sau Chiến tranh Thế giới Thứ nhất.

Sự kiện "Brexit" (nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) vừa qua cũng bắt nguồn từ sự luyến tiếc chủ nghĩa dân tộc. Những người tuyên truyền cho chiến dịch "Brexit" đã đề cao một "nước Anh toàn cầu", gợi lại những ký ức về một nước Anh thống trị toàn thế giới chứ không phải chỉ là một thành viên của câu lạc bộ gồm 28 quốc gia châu Âu hiện giờ.

Chính những tác động tiêu cực của toàn cầu hóa đã mang lại những thay đổi nói trên. Những ảnh hưởng của chủ nghĩa tư bản toàn cầu, bao gồm vấn đề di cư trên diện rộng và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, đã làm gia tăng nỗi luyến tiếc về một thời ổn định hơn, đồng nhất hơn và lấy quốc gia làm trọng tâm. Những hành động làm sống lại chủ nghĩa dân tộc ở một nước có thể sẽ kích động các phong trào tương tự ở các nơi khác. Ồng Trump đã coi "Brexit" là nguồn cảm hứng và không che giấu sự ngưỡng mộ đối với ông Putin.  

Còn một lý do nữa dẫn đến tình trạng này là nhiều người cho rằng chủ nghĩa dân tộc hồi tưởng có thể dẫn đến sự dịch chuyển sức mạnh kinh tế và chính trị từ phương Tây sang châu Á. Điều này có nghĩa là sự giàu có và ảnh hưởng trên toàn cầu của Mỹ đang bị xói mòn. Đối với những nước lớn tại châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ, sức mạnh toàn cầu chuyển dịch sẽ khơi dậy những tham vọng làm sống lại sự vĩ đại dân tộc và văn hóa, vốn bị che phủ trong thời kỳ chủ nghĩa đế quốc phương Tây. Với các nước như Nga, Trung Quốc, Anh, Nhật Bản và Ấn Độ, tất cả đều theo khuôn mẫu của chủ nghĩa dân tộc hồi tưởng. Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia trên thế giới đều theo xu hướng này. Hầu hết các quốc gia phương Tây dân chủ như Canada, Úc và hầu hết các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu đều không bị lôi cuốn vào chủ nghĩa dân tộc. Thật khó tưởng tượng được khẩu hiệu "đưa nước Đức vĩ đại trở lại" sẽ thành hiện thực ở Đức. Tại nhiều quốc gia, thể lực ủng hộ, cổ súy chủ nghĩa dân tộc vẫn chỉ là một lực lượng mới trong xã hội mà thôi.

Tại Anh, Mỹ, hầu hết những nhà chính trị lớn, có uy tín tại các nước này cho đến hiện nay vẫn theo xu hướng nhìn về phía trước. Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã nói về việc "xây dựng cây cầu nối để bước sang thế kỷ 21", còn Tổng thống Mỹ đương nhiệm Barack Obama thì phát động chiến dịch "hy vọng và thay đổi". Tại Anh, cựu Thủ tướng Tony Blair đã nói về một "Cool Britannia" (nước Anh sành điệu), đồng thời tìm cách gây dựng lại hình ảnh một nước Anh tôn nghiêm theo phong cách cổ điển và trầm lắng để trở thành "Nước Anh sành điệu" trong suốt những năm đầu nhiệm kỳ của mình. Trong khi đó, cựu Thủ tướng David Cameron thì chứng tỏ mình là một người bảo thủ mang phong cách hiện đại. Ở Nga trước thời Tổng thống Vladimir Putin, người ta quan tâm hướng về tương lai hơn là muốn đưa nước Nga trở lại thời kỳ đế chế vàng son trị thiên hạ một thời.

Những lời kêu gọi lòng yêu nước hiện là một phần chuẩn mực trong những thông điệp chính trị trên khắp thế giới. Tuy nhiên, phải nhìn nhận một cách công bằng là chủ nghĩa dân tộc hồi tưởng chỉ trở thành nguy hiểm khi nó thù địch với tất cả những quốc gia bên ngoài. Trong bối cảnh đó, khả năng đụng độ giữa các hệ tư tưởng mang tính dân tộc sẽ gia tăng. Có một thực tế là khả năng đối đầu giữa chủ nghĩa dân tộc của nước Mỹ với chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc tại Thái Bình Dương dường như đã gia tăng kể từ khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Đối với những người theo chủ nghĩa dân tộc hồi tưởng, việc chỉ ra những sai trái của " những kẻ ngoại bang" sẽ dễ hơn là chỉ ra được những phức tạp trong lịch sử dân tộc mình. Lịch sử có thể tạo ra nguồn cảm hứng, làm sống lại tinh thần dân tộc tại Mỹ hay nơi nào đó trên thế giới, nhưng đồng thời cảnh báo tất cả chúng ta về một thế giới với nguy cơ đối đầu hơn là hợp tác để phát triển.

Theo "Financial Times" (ngày 2/1)

 

Hương Trà (gt)