3581_5243922870a89-386x288.jpg 

Tháng 7 vừa qua đã chứng kiến hai ví dụ quan trọng về việc mối quan hệ chiến lược Nhật-Ấn được cải thiện tổng thể: Thứ nhất là cuộc tập trận hải quân ba bên Nhật-Ấn-Mỹ kéo dài một tuần, trong bối cảnh Ấn Độ và Trung Quốc đang có tranh chấp tại cao nguyên Doklam; Thứ hai là thỏa thuận hạt nhân Ấn-Nhật bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20/7. Thỏa thuận đã được ký tại Tokyo ngày 11/11/2016 trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Theo thỏa thuận này, 6 lò phản ứng điện hạt nhân mới sẽ được xây dựng. Ấn Độ và Nhật Bản cũng đang hợp tác để xây Hành lang tăng trưởng Á-Phi (AAGC). Dự án này được công bố ngày 23/5 trong cuộc họp thường niên lần thứ 52 của Ngân hàng Phát triển Châu Phi (AfDB), tổ chức tại Gandhinagar, bang Gujarat.

Trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, Ấn Độ đang tìm kiếm những lợi thế từ Nhật Bản và đã được Nhật Bản hợp tác hỗ trợ xây dựng giai đoạn 1 dự án Metro Delhi. Ngoài ra, theo các phương tiện truyền thông, dự án đường sắt kết nối Mumbai-Ahmedabad của Ấn Độ dự kiến sẽ là một nội dung quan trọng trong chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Shinzo Abe từ ngày 12-14/9 tới. Nhật Bản cũng tham gia các dự án lớn khác của Ấn Độ, như Hành lang Công nghiệp Delhi-Mumbai - dự án đã được bắt đầu cách đây một thập kỷ.

Trong hơn 15 năm qua, đầu tư của Nhật Bản đã đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng của Ấn Độ. Tổng số vốn đầu tư của Nhật Bản vào các lĩnh vực khác nhau trên khắp Ấn Độ giai đoạn 2000-2017 là hơn 25 tỷ USD. Hiện tại, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ 3 ở Ấn Độ, và đầu tư từ Nhật Bản đã tăng đáng kể trong giai đoạn 2016-2017. Các khoản đầu tư của Nhật Bản ở Ấn Độ trong giai đoạn này đạt 4,7 tỷ USD, tăng 80% so với 2,6 tỷ USD trong giai đoạn 2015-2016. Đáng chú ý, Nhật Bản còn cam kết đầu tư khoảng 35 tỷ USD cho giai đoạn 2014-2019 để thúc đẩy các ngành sản xuất và cơ sở hạ tầng của Ấn Độ. Chính phủ Nhật Bản thậm chí đã giao nhiệm vụ cho tập đoàn tài chính Mizuho Financial Group tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào Ấn Độ.

Đầu tư của Nhật Bản vốn chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực như ô tô, viễn thông và thiết bị điện. Tuy nhiên, những năm gần đây, FDI từ Nhật Bản đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực. Theo Thời báo Kinh tế, "các khoản đầu tư từ Nhật Bản đang ngày càng trở nên đa dạng, các lĩnh vực nhận được đầu tư FDI giai đoạn 2016-2017 bao gồm bán lẻ, dệt may, đồ ăn gia dụng, thực phẩm, nước giải khát và dịch vụ ngân hàng.

Theo một cuộc khảo sát do chính phủ Nhật Bản tiến hành, bang Haryana ở miền Bắc Ấn Độ đã nhận được nhiều khoản đầu tư nhất. Nhật Bản cũng đã lên kế hoạch thành lập khoảng 12 khu công nghiệp trên khắp Ấn Độ, tại các bang và tiểu bang khác nhau như Tumkur ở Karnataka, Ghilot ở Rajasthan, Mandal ở Gujarat, Supa ở Maharashtra, Ponneri ở Tamil Nadu, Neemrana ở Rajasthan, Jhajjar ở Haryana và khu công nghiệp Intergra Industrial ở Greater Noida. Thị trấn Neemrana ở bang Rajasthan, cách New Delhi 3 giờ lái xe, là nơi tập trung các công ty lớn của Nhật Bản như Toyota Motor, Daikin Industries Ltd và Hitachi Ltd trên một khu công nghiệp rộng 1.100 mẫu dành riêng cho các công ty Nhật Bản, giải quyết việc làm cho khoảng 10.000 người.

Những khoản đầu tư cũng như các khu công nghiệp của Nhật Bản đã mở rộng khắp Ấn Độ, ngoại trừ khu vực Đông và Đông Bắc đất nước. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi khi gần đây tầm quan trọng khu vực Đông Bắc đang ngày càng gia tăng, bởi vai trò kết nối của nó với Đông Nam Á. Trong một phát biểu, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết cần phải xây dựng khu vực Đông Bắc trở thành cửa ngõ với Đông Nam Á. Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee cũng nhấn mạnh rằng với nguồn tài nguyên thiên nhiên không lổ và chất lượng nguồn nhân lực, vùng Đông Bắc nước này có tiềm năng trở thành một điểm đến đầu tư quan trọng và là trung tâm kinh tế-thương mại.

Trên thực tế, Nhật Bản đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng khu vực Đông Bắc. Tháng 4/2017, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã ký một thỏa thuận với New Delhi nhằm cung cấp hơn 610 triệu USD cho giai đoạn I của Dự án Cải thiện kết nối mạng giao thông khu vực Đông Bắc và các dự án quan trọng khác ở Meghalaya và Mizoram. Nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng và đầu tư tại Ấn Độ là rất lớn. Theo báo cáo của Price Waterhouse Coopers (PwC), công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, Ấn Độ cần khoảng 48 tỉ USD để phát triển mạng lưới đường bộ tại khu vực Đông Bắc nước này.

Gần đây, các bang miền Đông và Đông Bắc Ấn Độ như Assam đã có những thỏa thuận trực tiếp với Nhật Bản. Đại sứ Nhật Bản tại Ấn Độ Kenji Hiramatsu khi tới nhậm chức, đã đến bang Manipur thuộc khu vực Đông Bắc vào tháng 5 vừa qua, nhân kỷ niệm 73 năm trận chiến Imphal giữa quân đội Ấn Độ (khi đó là thuộc địa của Anh) với quân đội Nhật Bản. Cùng với trận Imphal, trận chiến Kohima đã làm khoảng 70.000 lính Nhật bỏ mạng. Đại sứ Nhật Bản tại Ấn Độ Kenji Hiramatsu cho biết ông sẽ xây dựng một viện bảo tàng chiến tranh tại tiểu bang này.

Nhật Bản nên gia tăng sự hiện diện tại Đông Bắc Ấn Độ bằng cách đầu tư cơ sở hạ tầng vào khu vực này bởi điều đó sẽ giúp tăng cường khả năng kết nối với Đông Nam Á thông qua Myanmar. Ngoài ra, điều này cũng gửi một thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc rằng Bắc Kinh không thể ngăn cản được cách tiếp cận hướng về phía Đông Bắc của Ấn Độ, trong bối cảnh New Delhi đang quan ngại về Hàng lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan.

Tridivesh Singh Maini là nhà phân tích chính sách thuộc Trường Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Jindal, Đại học OP Jindal, Sonipat. Sandeep Sachdeva là nhà phân tích chính sách độc lập. Bài viết đăng trên “The Diplomat.”

Hương Trà (gt)