07RUSSIA-articleLarge.jpg

Phát biểu tại Hội thảo An ninh Munich hồi đầu tháng 2/2016, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã cảnh báo rằng Nga và phương Tây đang tiến đến một "cuộc Chiến tranh Lạnh mới". Ông phê phán các nhà lãnh đạo phương Tây coi Nga như mối đe dọa lớn nhất và băn khoăn rằng hiện giờ là năm 2016 hay năm 1962. Một số nhà phân tích cho rằng chủ nghĩa bài Mỹ của các nhà lãnh đạo Nga đơn thuần là phương tiện và có liên quan đến chính sách, tuy vậy có nhiều điều để nói hơn thế. Quan điểm rằng Mỹ đang cố gắng hủy hoại Nga xuất hiện với nhiều hình thức và mức độ đa dạng trong suốt lịch sử Liên bang Xô Viết và nước Nga ngày nay. Chẳng hạn thuyết âm mưu của Xô Viết được biết đến với tên gọi là "Kế hoạch Dulles", trong đó Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Allen Dulles bị buộc tội phá hoại Liên bang Xô Viết trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh do đã bí mật làm đồi bại nền di sản văn hóa và chuẩn mực đạo đức Xô Viết. Học thuyết này đã nhận được sự đồng tình khá lớn. Tướng Andrey Sidorenko trong hồi ký của mình đã gọi "kế hoạch Dulles là một tuyên bố chân thật nhất về việc các lực lượng đặc biệt lên kế hoạch nhằm vào Nga".

Trong bài phỏng vấn trên tờ báo Nga nổi tiếng "Argumenty I Fakty" cũng vào đầu tháng 2 vừa qua, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga Leonid Reshetnikov khẳng định "Mỹ lần đầu tìm cách phá hoại Nga vào năm 1917 với việc hỗ trợ cho những người Boshevik, rồi Washington liên tục tìm cách thúc đẩy Đức Quốc xã chống lại Liên Xô vào cuối những năm 1930 rồi đến năm 1991”. Cố vấn an ninh hàng đầu của Tổng thống Vladimir Putin, ông Nikolay Patrushev cũng có nhận định tương tự, cho rằng Mỹ tìm cách "chia cắt nước Nga". Bản thân Tổng thống Putin cũng cáo buộc phương Tây làm nước Nga suy yếu bằng cách lấy cắp tài nguyên thiên nhiên của nước Nga.

Nhiều nhà lãnh đạo Liên Xô còn có khao khát vượt qua Mỹ. Nhà xã hội học Nga Lev Gudkov viết rằng từ những năm 1960, khẩu hiệu của Tổng Bí thư Kruschev là "bắt kịp và vượt qua Mỹ" đã trở thành tuyên ngôn về mục tiêu chính sách của Liên Xô. Điều này hình thành nhân tố cốt lõi trong quan điểm về chính trị quốc gia của bản thân giới lãnh đạo Nga. Sau khi Liên Xô sụp đổ, nhiều nhà lãnh đạo Nga, bao gồm cả những người trong lực lượng tình báo, tiếp tục giữ quan điểm cứng rắn về Mỹ. Trong mắt của nhiều lãnh đạo Nga hiện thời, Mỹ chiếm không gian vũ đài thế giới mà vốn dĩ thuộc về Nga, bởi Nga sở hữu vũ khí hạt nhân, có bề dày lịch sử và văn hóa, diện tích lãnh thổ lớn nhất, cùng nhiều yếu tố khác. Mối bận tâm này ngày càng kích thích quan niệm rằng Mỹ luôn tập trung vào Nga, nỗ lực phá hoại Nga và hầu hết những gì đang diễn ra trên trường quốc tế đều xảy ra theo ý muốn của Mỹ. Điều đó giải thích vì sao trong cách nói của các nhà lãnh đạo Nga, Mỹ chịu trách nhiệm cho hầu hết mọi xu thế phát triển chính trên thế giới, bao gồm mọi vấn đề mà Nga đối mặt trong và ngoài nước.

Không ai có thể mô tả nguồn gốc của những định kiến này tốt hơn Gerge Kennan- nhà ngoại giao, khoa học chính trị và sử học người Mỹ, người ủng hộ chính sách "ngăn chặn Xô Viết" mà Mỹ đã làm vào năm 1946. Ông cho rằng tận sâu trong quan điểm của Kremlin về thế giới là cảm giác về sự mất an toàn theo bản năng của Nga. Moskva có mối liên hệ kinh tế với phương Tây phát triển, họ lo ngại về những xã hội tiến bộ hơn, hùng mạnh hơn, có quy mô hơn trong khu vực. Thách thức là ở chỗ khó có thể thay đổi được nếp suy nghĩ của nhiều nhà lãnh đạo Nga, trong khi cơ hội là phần lớn người Nga lại không có quan điểm cứng rắn về phương Tây và họ đang ngày càng muốn cải thiện quan hệ với châu Âu và Mỹ.

Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ và phương Tây cần tiếp tục giữ kênh liên hệ nhân dân để thúc đẩy những quan điểm tích cực hơn trong xã hội Nga đối với phương Tây. Họ cũng cần lưu ý rằng hệ tư tưởng của giới lãnh đạo Nga ngày nay vẫn không thay đổi khi họ dựa trên một nền tảng lịch sử và tâm lý sâu sắc. Về mặt chính trị, điều này có nghĩa là Nga dưới thời Tổng thống Putin sẽ tiếp tục coi Mỹ là đối thủ chính và sẽ xây dựng chính sách đối ngoại dựa trên quan điểm đó mặc dù giới lãnh đạo Nga có phát biểu công khai như thế nào tại các diễn đàn quốc tế. Tình hữu nghị và sự tái thiết quan hệ song phương thành công là điều khó mà có được trong tương lai gần.

Tác giả là Maria Snegovaya, Tiến sỹ Triết học tại Đại học Columbia, Mỹ. Bài viết đăng trên trang Viện nghiên cứu “Brookings”.

Hùng Sơn (gt)