navy(2).jpg

Từ năm 1945 đến năm 2016, tầng lớp trung lưu Mỹ đã ủng hộ trật tự thế giới tự do được Mỹ tạo dựng, chủ yếu là vì trật tự ấy đem lại những lợi ích rõ ràng dưới các hình thức như an ninh, thị trường, việc làm và gia tăng thu nhập. Người dân Mỹ đóng thuế, gia nhập quân đội và nhất loạt bỏ phiếu cho những lãnh đạo theo chủ nghĩa quốc tế ủng hộ trật tự này.

Thế rồi Donald Trump xuất hiện, thúc đẩy chủ nghĩa biệt lập mà giành được sự ủng hộ của cử tri Mỹ. Thật khó để cắt nghĩa một cuộc bầu cử, nhưng nhiều nhà quan sát đã chỉ ra rằng chối bỏ “chủ nghĩa toàn cầu” là điểm then chốt khiến ông Trump được ưa thích và điều này đặc biệt đúng đối với khoảng 80.000 cử tri - những người giúp Trump giành chiến thắng sát nút ở các bang Michigan, Pennsylvania và Wisconsin. Tại sao những cử tri thuộc “Vành đai công nghiệp” này lại phải tiếp tục gánh chịu mất mát cho “nền hòa bình kiểu Mỹ (Pax Americana)? Mô hình này đâu còn mang lại lợi ích cho họ. Người dân nơi đây đã phải đối mặt với thực tế mất việc làm trong ngành chế tạo, suy giảm mức sống mà nguyên nhân theo họ là cạnh tranh từ Trung Quốc và các hiệp định thương mại như NAFTA. Họ phải chứng kiến nhiều thay đổi văn hóa do toàn cầu hóa và không thích điều đó. Họ thấy rõ tiền đóng thuế và mồ hôi xương máu của mình bị Mỹ sử dụng để giương cao một trật tự quốc tế mà theo họ chỉ làm lợi cho kẻ khác. Tại sao Mỹ phải làm thế giới an toàn hơn để Trung Quốc hưởng lợi từ đầu tư và Saudi Arabia trở nên thịnh vượng?

Quả thực ít cử tri trung lưu Mỹ lý giải động cơ họ ủng hộ ông Trump là vì muốn “chối bỏ một trật tự thế giới tự do”, nhiều người bỏ phiếu cho Trump vì các lý do khác và trên thực tế bà Clinton vẫn vượt trên ông Trump cả triệu phiếu phổ thông. Donald Trump thể hiện bản thân theo một cách thức thô ráp và đa sắc thái hơn. Nhưng những bài phát biểu của ông cho thấy Tổng thống đắc cử Mỹ theo đuổi một cấu trúc thế giới rất khác biệt so với trật tự được hình thành từ năm 1945. Trump đề xuất một chính sách đối ngoại thiên về sử dụng sức mạnh Mỹ để đem lại lợi ích trực tiếp cho Mỹ theo một cách thức đơn phương và mang tính giao dịch, thay vì bảo vệ các thiết chế và nguyên tắc tự do trong các liên minh song phương hay đa phương.

Đề xuất mang tính chuyển đổi này giống như những gì Richard Nixon đã làm vào ngày 15/8/1971, khi ông đơn phương thay đổi luật chơi của hệ thống tiền tệ toàn cầu khi chúng không còn mang lại lợi ích cho Mỹ. Trước thời điểm này, Mỹ vẫn theo đuổi đường hướng bảo đảm khả năng chuyển đổi tuyệt đối của đồng USD sang vàng ở mức giá cố định đối với các ngân hàng trung ương nước ngoài, giúp duy trì một tỷ giá cố định trên thế giới (hệ thống Bretton Woods). Nhưng rồi quyền lực Mỹ suy giảm trong những năm 1960. Châu Âu và Nhật Bản bứt phá mạnh khi Mỹ phải tiêu tốn nhiều cho cuộc chiến tốn kém ở Việt Nam. Hệ thống tiền tệ giờ không còn ổn định, khi nhiều nước liên tục điều chỉnh tỷ giá chuyển đổi với đồng USD và dự trữ vàng của Mỹ tụt giảm. Nixon bất ngờ chấm dứt hệ thống Bretton Woods, thả nổi tỷ giá và áp mức thuế 10% đối với hàng hóa nhập khẩu. Cả thế giới phải thích ứng với tỷ giá thả nổi, Mỹ giành lại được thị trường và xuất khẩu lạm phát ra ngoài, cải thiện cán cân thương mại. Ở một chừng mực nào đó, sự suy giảm sức mạnh Mỹ trong những năm 2000 do sự nổi lên của Trung Quốc và các nước khác chắc chắn cũng sẽ được phản ánh trong một sự thay đổi về tư thế quốc tế của Mỹ, và đây là điều Donald Trump dường như muốn hướng đến.

Hiện chưa thể đoán biết chính xác chính sách đối ngoại của ông Trump sẽ như thế nào. Có thể xuất hiện nhiều cách giải thích dựa trên một số ít yếu tố đã xuất hiện. Một số nhà quan sát thậm chí đề xuất những diễn biến khác thường kiểu như một “quy trình luận tội” (kịch bản 1). Người khác nghĩ ngôn từ đao to búa lớn của Trump cùng với phong cách không chính thống – ví như thái độ ghét bỏ thương mại tự do và các đồng minh của ông – sẽ bị cản trở bởi hệ thống cân bằng quyền lực cũng như trách nhiệm của ông trên cương vị lãnh đạo thế giới tự do. Trong kịch bản này, ở một chừng mực nào đó, ông Trump sẽ bị đồng hóa bởi hệ thống và cuối cùng trở về với chính sách đối ngoại truyền thống của đảng Cộng hòa (kịch bản 2). Một số lại dự đoán về những xáo trộn. Họ dẫn chứng rằng hệ thống quản trị của Mỹ vốn đã mang tính cạnh tranh, có nghĩa là giới quan chức tự thân có thiên hướng đối địch nhau do thiếu một cơ chế điều phối chặt chẽ. Họ nghi ngờ liệu một tổng thống thiếu kinh nghiệm, thích đặt người khác vào cuộc đua tranh (như Reince Preibus và Steve Bannon), đề cử những quan chức không có kĩ năng quản lý tốt và liên tục đăng các mẩu tweet thể hiện quan điểm cá nhân về lợi ích an ninh quốc gia thiết yếu liệu có đủ sức kiểm soát sự đấu đá quan liêu nội bộ (kịch bản 3).

Vậy nhưng vẫn còn một trường hợp khác liên quan (kịch bản 4) và sẽ chiếm ưu thế - dù cũng chỉ là phỏng đoán, dựa trên vị thế suy giảm của Mỹ trong trật tự quốc tế và phân tích nêu trên về bầu cử năm 2016. Theo đó, ông Trump sẽ thực hiện những gì đã tuyên bố: Washington sẽ từ bỏ vai trò cảnh sát toàn cầu để theo đuổi một tư thế đơn phương là lãnh đạo của một nhóm tận dụng ưu thế của các tài sản của Mỹ để đạt được một thỏa thuận tốt hơn dựa trên vị thế Mỹ. Donald Trump cho thấy ông không hào hứng với việc nêu cao các quy tắc dân chủ tự do và nhân quyền, luôn chỉ trích các luật lệ tự do thương mại. Có thể ông không chủ động làm suy yếu Liên hợp quốc, nhưng không thể chắc rằng ông Trump sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục đóng góp tiền cho tổ chức này. Trump có thể sẽ để nước khác lãnh trách nhiệm đó, vì dường như ông không còn muốn thấy một nước Mỹ như vị thần Atlas gánh cả trái đất trên vai trong thần thoại Hy Lạp. Và Trump sẽ chối bỏ phí tổn liên quan đến Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.

Việc Mỹ rũ bỏ vai trò người bảo vệ cho trật tự quốc tế tự do có nghĩa là một trật tự khác xuất hiện. Trong kịch bản này, Tổng thống Trump có thể tiến đến gần hơn một hệ thống khu vực ảnh hưởng mà trong đó các cường quốc sẽ kiểm soát khu vực kế bên. Nếu điều này trở thành hiện thực, Tổng thống Nga Vladimir Putin không còn phải lo lắng về sự can thiệp vào các tham vọng của ông ở Ukraine, trong khi ông Tập Cận Bình có thể an vui với thực tế Trung Quốc mặc nhiên có ảnh hưởng tại các vùng phụ cận. Thế nhưng ngay cả kịch bản này cũng vẫn phải có sự đổi chác và giới hạn. Đến một ngưỡng nào đó, những bên tham gia khác sẽ muốn xem mình có thể tiến đến đâu và thu được những gì mà không bị trừng phạt. Khi đó, ông Trump có thể bị buộc phải tái khẳng định chỗ đứng của Mỹ bằng can dự quân sự ở một nơi nào đó trên thế giới, nhằm phát đi thông điệp nhưng không mạo hiểm một cuộc chiến tranh lớn với các cường quốc đối thủ như Nga hay Trung Quốc. Một kiểu can dự như vậy có thể giống với những gì Ronald Reagan đã làm ở Grenada năm 1983, hoặc thậm chí trên quy mô lớn hơn.

Kịch bản này liệu có dẫn tới một chính sách đối ngoại thành công? Ít nhất, nó cũng giúp xác lập lại bá quyền Mỹ và cũng không quá khó để nhận ra những lợi ích khả dĩ mà nước Mỹ thu được từ cách tiếp cận đơn phương, mang tính giao dịch. Nhiều đồng minh ở vùng Vịnh, trước hết là Saudi Arabia, có thể sẵn sàng chi tiền nhiều hơn để tiếp tục nhận được hợp tác an ninh với Mỹ và điều đó cũng có thể đúng với cả Hàn Quốc và Nhật Bản (trả nhiều hơn không ngăn chặn được việc nhận phần thêm trong trao đổi). Các đồng minh NATO đang tăng đáng kể ngân sách quốc phòng.

Nếu gây sức ép trước đồng minh mà đem lại hiệu quả trong một thế giới nguy hiểm hơn thì với đối thủ sẽ như thế nào? Trung Quốc có thể là ví dụ điển hình. Tổng thống đắc cử Trump khiến mọi người đều ngạc nhiên khi chấp nhận nghe cuộc điện thoại chúc mừng từ Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, đi ngược lại chính sách “một Trung Quốc” bấy lâu của Mỹ. Hai ngày sau, ông tiếp tục tăng cường chỉ trích việc Trung Quốc thao túng đồng nhân dân tệ, thiết lập tiềm lực quân sự ở Biển Đông. Nhưng 3 ngày sau, ông lại đề cử Terry Branstad, một người bạn lâu năm của Tập Cận Bình, làm đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh. Ai đó có thể xem chuỗi hành động này dưới lăng kính của kịch bản 3 hay kịch bản 4. Nếu cắt nghĩa theo kịch bản 4, ông Trump chỉ đang áp dụng những bài học trong cuốn “Nghệ thuật đàm phán” của chính mình: Mở ra các vấn đề mới mà từng được cho là đã được giải quyết để mở rộng đối thoại, kế đến làm đối thủ ngạc nhiên, khiêu khích và tung bài tẩy, rồi lại chìa tay bắn tín hiệu sẵn sàng thảo luận.

Nhiều người có thể phản đối, cho rằng Trump không phải là một nhà chiến lược lớn và lý giải kiểu vậy dễ tạo cảm giác Trump được tiếng là người có khả năng nhìn xa trông rộng. Có thể điều đó đúng, nhưng không ai được quên rằng Trump đã chiến thắng trước toàn bộ giới quyền uy trong vòng bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa; kế đến là thắng cử trước Clinton trong sự ngỡ ngàng của hầu hết các chuyên gia. Thành công của ông Trump ít nhất có nghĩa là ông ta cũng có tài năng đặc biệt trong đánh giá các mối quan hệ quyền lực, tìm ra được những điểm dễ tổn thương của đối thủ, giành sự ủng hộ từ những bên tham gia khác. Không thể biết những kĩ năng này có thành công khi Trump áp dụng chúng sang chính trị quốc tế hay không. Nếu đúng, kịch bản 4 nổi lên không hẳn là do có một Kissinger hay Brzezinski tại Nhà Trắng, mà là bởi tổng thống có bản năng ra quyết định nhằm tối đa hóa lợi ích của Mỹ ngay cả trong cơn khủng hoảng.

Giờ xuất hiện 2 luồng ý kiến phản đối về khả năng thành công của kịch bản này. Một là, chính trị quốc tế không phải là ngành bất động sản. Đôi khi không thể đạt được một thỏa thuận tốt, nhưng lại có cả một thực đơn về những lựa chọn tồi mà không có khả năng từ bỏ, kể cả khi ai đó muốn Mỹ giảm vai trò của mình. Tệ hơn, tính toán hoặc nhận định sai lầm về những bên tham gia khác có thể đưa đến kết cục buộc phải chọn giữa thoái lui hay leo thang. Nói cách khác, đàm phán thất bại đồng nghĩa với sự bẽ mặt hay chiến tranh. Sự phản đối thứ hai gây lo lắng nhiều hơn. Nếu Tổng thống Trump thành công khi theo đuổi chính sách đối ngoại ở kịch bản 4, điều này sẽ có tác động sâu rộng đến hệ thống toàn cầu, đến độ nhiều năm sau Mỹ sẽ thấy mình hoạt động trong một môi trường rất khác biệt, thậm chí là thù địch hơn. Các đối thủ có thể từ chối thỏa thuận mà Nhà Trắng đưa ra và tung con bài nắm giữ. Họ cũng có thể liên kết với nhau để có được thỏa thuận tốt hơn từ Mỹ. Các đồng minh có thể cho rằng an ninh của mình không còn do Mỹ bảo đảm và từ đó hoặc là mạo hiểm đặt cược (chẳng phải đây là điều Tổng thống Philippines Duterte đang làm), hoặc là tự xây dựng năng lực quốc phòng cho riêng mình, đưa đến một thế giới nguy hiểm hơn vì chạy đua vũ trang mà ở đó vấn đề phổ biến hạt nhân sẽ có tính cấp thiết mới.

Các bên tham gia khác lại xem các luật chơi mới hoặc xu thế không luật lệ chiếm ưu thế và theo đuổi tham vọng lãnh thổ bấy lâu bất chấp thiệt hại mà những nước yếu hơn phải chịu. Cuộc chiến chống khủng bố, ưu tiên hàng đầu của ông Trump, có thể sẽ gặp cản trở, do một số nước bực dọc và từ chối tham gia cùng Mỹ vì không còn thấy Mỹ đứng về phía mình. Những chiều hướng vậy chỉ làm gia tăng chủ nghĩa dân tộc ở khắp mọi nơi. Thành công hay thất bại, hình mẫu chính sách đối ngoại này chắc chắn thúc đẩy xu thế cạnh tranh đa cực, làm suy yếu trật tự thế giới với đặc điểm thiếu hợp tác và nhiều căng thẳng hơn. Cần lưu ý rằng ông Trump trong kịch bản này không tạo ra một thế giới như vậy. Hành động của ông chỉ thúc đẩy và khuếch đại tiến trình vốn đã diễn ra do sự tụt giảm tương đối của quyền lực Mỹ, cũng như việc ông Obama ưa thích sự kiềm chế. Ví như ở Trung Đông, kiểu kiềm chế như vậy với hệ quả là khoảng trống quyền lực đã khiến một số nước đòi hỏi lợi ích của mình một cách quyết đoán hơn. Ông Obama hẳn nhiên đã bắt đầu theo đuổi một quan điểm khiêm tốn và thực tế, tăng khả năng thắng thế của kịch bản 4.

Trong mọi tình huống, sự thay đổi về bá quyền Mỹ và sự xáo trộn của trật tự thế giới chẳng phải là tin tốt lành đối với các đồng minh của Mỹ, từ Úc, Nhật Bản cho tới Liên minh châu Âu. Ngay cả trong kịch bản 4 nêu trên, Donald Trump chắc chắn sẽ không làm suy yếu nghiêm trọng NATO chỉ bởi ông xem đây là tài sản để đàm phán với Vladimir Putin. Thế nhưng thách thức với đồng minh sẽ mang tính phổ quát hơn. Họ có thể e sợ trở thành lá bài mặc cả trong thảo luận toàn cầu của Trump trước các cường quốc khác. Mỹ có thể không bỏ rơi Đài Loan, nhưng cũng không loại trừ khả năng Trump đưa ra một giải pháp ngoại giao khác, ít được Đài Loan ưa chuộng hơn để đổi lấy nhượng bộ từ Trung Quốc trên nhiều mặt trận khác. Và nếu Trump đạt thỏa thuận với Tập Cận Bình về các vấn đề kinh tế và an ninh, Liên minh châu Âu sẽ nhận thấy mình bị bán khống. Có nhiều viễn cảnh xuất hiện. Ví như Trump có thể yêu cầu Trung Quốc tăng nhập khẩu 50 tỷ USD từ Mỹ, đơn giản chỉ bằng việc Bắc Kinh ký hợp đồng mua máy bay Boeing, các nhà máy điện do GE xây dựng thay vì mua các sản phẩm cùng loại của Airbus hay AREVA của châu Âu. Các thể chế thuần tính như Liên minh châu Âu sẽ thấy khó hòa hợp trong một thế giới với cường quốc mạnh bạo như Trung Quốc, Mỹ hay Nga. Liên minh châu Âu vẫn yếu về sức mạnh cứng, chủ nghĩa đơn phương hay chủ nghĩa trọng thương và sẽ phải tăng cường lực lượng, củng cố tình đoàn kết để tồn tại trong một thế giới nhiều siêu cường.

Đương nhiên không ai có thể biết chắc Trump sẽ định hình trật tự thế giới như thế nào. Nhưng dịch chuyển quyền lực trong hệ thống quốc tế và các động lực từ cuộc bầu cử Mỹ có nhiều khả năng sẽ đưa tới sự xuất hiện của một nước Mỹ hoàn toàn khác biệt so với những gì đã quen thuộc trong 7 thập kỉ qua. Thế giới sẽ phải thích ứng và kết quả có thể là những gì mà Thucydides từng nói “Kẻ mạnh sẽ làm điều họ muốn; kẻ yếu sẽ phải chịu đựng những gì họ phải chịu”./.

Theo “War on the rocks

Mỹ Anh (gt)