Úc cần phải suy xét lại mối quan hệ của mình với Trung Quốc. Ngoài những thay đổi chính sách nhỏ nhưng quan trọng, Úc cần "nghĩ lớn hơn" ở tầm chiến lược và dài hạn. Điều này đòi hỏi phải có sự tham gia của toàn xã hội Úc, bao gồm chính trị gia, công chức, sĩ quan quân đội, lãnh đạo doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục, hội thanh thiếu niên và tổ chức cộng đồng.

Úc là quốc gia trong nhóm G-20 hầu hết phụ thuộc vào Trung Quốc về kim ngạch xuất khẩu. Gần 1/3 giá trị xuất khẩu của Úc là sang Trung Quốc. Khách du lịch Trung Quốc là nhóm du khách lớn nhất đến Úc (hơn 1 triệu người mỗi năm) và cũng là nhóm chi tiêu nhiều nhất. Ước tính khoảng 54% nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc được nhập khẩu từ Úc. Gần 1/5 số sinh viên Trung Quốc ra nước ngoài chọn "xứ sở chuột túi” để học tập và nghiên cứu.

Người nhập cư Trung Quốc là một phần quan trọng của xã hội Úc kể từ đầu thế kỷ XIX. Hiện nay, có hơn 482.000 người Úc được sinh ra ở Trung Quốc và tiếng Quan Thoại là ngôn ngữ thứ hai thường được dùng nhất. Hơn 100 tỉnh, thành của Úc và Trung Quốc có quan hệ kết nghĩa với nhau, thậm chí giữa Wagga Wagga - một thị trấn nhỏ của Úc chỉ với 63.000 dân, và Côn Minh - thủ phủ tỉnh Vân Nam của Trung Quốc có dân số gấp 100 lần. Tuy nhiên cũng có những nhược điểm đối với mối quan hệ tương tác này. Vậy Úc đã sẵn sàng cho một tương lai mà Trung Quốc vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với nước này hay chưa?

Thứ nhất, vấn đề Trung Quốc được đưa vào chương trình nghị sự của cuộc họp nội các thường kỳ sẽ là một sự khởi đầu. Hơn một thập kỷ qua chưa có một cuộc họp nội các nào tập trung vào cách tiếp cận toàn diện đối với Trung Quốc. Mới đây, Ủy ban An ninh Quốc gia Úc đã triệu tập tất cả các bộ trưởng liên bang để thảo luận, đóng góp ý kiến về vấn đề Trung Quốc, và sau đó đã thông qua một chiến lược mới đối với Trung Quốc

Thứ hai, chính quyền bang và liên bang nên cùng với các doanh nghiệp hỗ trợ lập một chương trình trao đổi sâu rộng và lâu dài, nhằm cung cấp kinh nghiệm phát triển kinh tế, chính trị của hai nước và tạo ra mạng lưới chuyên gia gồm các "ngôi sao" đang lên trong mọi lĩnh vực từ chính trị đến quản lý nhà nước, doanh nghiệp của hai nước.

Thứ ba, Úc cần thành lập một cơ quan ngang bộ với nhiệm vụ thúc đẩy quan hệ Úc-Trung khi nước này bước vào một kỷ nguyên khó đoán định và đầy thử thách. Cơ quan này sẽ đóng vai trò cầu nối trung thực và đáng tin cậy, ngay cả khi quan hệ hai nước có những áp lực, căng thẳng. Với việc tập trung vào mối quan hệ giao lưu nhân dân, các hoạt động của cơ quan này cũng nên bao gồm các cuộc hội thảo, các chương trình giáo dục, đào tạo tại Úc và Trung Quốc... Một cơ quan như vậy sẽ rất hữu ích cho Úc vì nó sẽ cung cấp một diễn đàn đáng tin cậy dù không chính thức, nơi các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể tham gia với các chuyên gia Úc và cộng đồng rộng lớn hơn. Cơ quan này thậm chí có thể phụ trách công tác chuẩn bị cho Cuộc đối thoại cấp cao Úc-Trung Quốc và các diễn đàn khác để đảm bảo các cuộc thảo luận thẳng thắn.

Thứ tư, việc tìm hiểu các nền văn hóa và xã hội châu Á nên được bắt buộc càng sớm càng tốt, khi trẻ em Úc bắt đầu đi học. Sáng kiến này không chỉ đơn thuần về việc học ngôn ngữ châu Á, mặc dù đây là một thành phần quan trọng. Thay vào đó, ý tưởng lớn này nhằm mục đích cho mọi trẻ em và thanh thiếu niên Úc có thể đạt được một sự hiểu biết sâu sắc hơn về các nền văn hóa và xã hội ở châu Á - khu vực sân nhà của Úc. Một khóa học ngôn ngữ châu Á cũng nên bắt buộc đối với tất cả sinh viên cao đẳng và đại học. Đây sẽ là sự chuẩn bị tốt cho tương lai của người dân Úc, trong đó khu vực châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ đóng vai trò quan trọng. Việc này còn có tác dụng chống lại tư tưởng bài ngoại và phân biệt chủng tộc do sự thiếu hiểu biết.

Chính sách giáo dục không cần tập trung đặc biệt vào Trung Quốc. Sự hiểu biết phong phú hơn về các nền văn hóa và xã hội châu Á sẽ giúp những chủ nhân tương lai của Úc đánh giá sâu sắc hơn về ảnh hưởng của Trung Quốc trong lịch sử cũng như vai trò và những tham vọng thời nay của Trung Quốc trong khu vực.

Nhưng việc "nghĩ lớn hơn" là chưa đủ. Những ý tưởng lớn đòi hỏi sự lãnh đạo, quyết tâm và một tầm nhìn dài hạn. Sự ủng hộ mạnh mẽ của Thủ tướng Malcolm Turnbull về cách tiếp cận mới đối với Trung Quốc là điều kiện bắt buộc dù chưa đủ. Cuối cùng, nó còn tùy thuộc vào các nhà lãnh đạo và người dân để "chuyển hóa" sự tham gia của Úc với Trung Quốc. Điều đó nên bắt đầu với sự nhìn nhận rằng Trung Quốc đang ngày càng quan trọng đối với những giá trị mà Úc đánh giá cao nhất: hòa bình, thịnh vượng và an ninh.

Tác giả là ông Bates Gill, Giáo sư nghiên cứu chiến lược châu Á-Thái Bình Dương tại Đại học Quốc gia Úc và bà Linda Jakobson, Giám đốc sáng lập Viện nghiên cứu các vấn đề về Trung Quốc. Bài viết đăng trên "Diễn đàn Đông Á".

Nhật Linh (gt)