1633e_us-military-clean-energy-china.jpg

Ngày 7/2, Phó Tham mưu trưởng Quân đội Mỹ Daniel Allyn cho biết chỉ có 3 trong số 50 lữ đoàn chiến đấu của quân đội Mỹ được đào tạo để đủ khả năng triển khai trong thời chiến. Ông cho rằng thực trạng này là do tình trạng thiếu ngân sách quốc phòng của Mỹ. Tuy nhiên, lý do không phải là vấn đề thiếu nguồn lực mà là quân đội không có khả năng duy trì lực lượng trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Hơn nữa, vấn đề ở đây chính là cấu trúc lực lượng lỗi thời mà quân đội Mỹ đã duy trì kể từ Chiến tranh Thế giới II. Tư duy hiện đại và một tổ chức mới cho quân đội Mỹ có thể giúp đảo ngược xu hướng này mà không cần phải tăng ngân sách.

Chỉ 4 năm trước đó, Tham mưu trưởng Quân đội Mỹ - Tướng Ray Odierno - tuyên bố rằng Mỹ chỉ có 2 lữ đoàn được đào tạo bài bản, và ông cũng đổ lỗi cho việc thiếu ngân sách khiến quân đội Mỹ rơi vào “khủng hoảng” ngân sách, mặc dù chi phí dành cho quốc phòng của Mỹ hàng năm lên tới hơn 148 tỷ USD. Con số này còn lớn hơn cả ngân sách quốc phòng của Nga, Đức và Nhật Bản cộng lại. Việc giữ nguyên ngân sách không phải là nguyên nhân khiến quân đội Mỹ giảm khả năng chiến đấu, mà vấn đề chính là cách thức chi tiêu và tổ chức làm sao để tạo ra sự khác biệt. Nga và Trung Quốc đều nhận ra bản chất thay đổi của chiến tranh và đã từ bỏ các hình thức ra đời từ Chiến tranh Thế giới II. Kết quả là, quân đội của họ đã được cải thiện đáng kể về vật chất lẫn tinh thần.

Bắt đầu từ năm 2010, các lực lượng mặt đất của Nga đã bắt đầu loại bỏ kết cấu vũ trí mà nước này sử dụng kể từ trận Stalingrad trong Chiến tranh Thế giới II để hỗ trợ việc chế tạo các vũ khí tích hợp nhỏ hơn và nguy hiểm hơn. Một phân tích về cải cách của Nga trên tờ “Infantry” của quân đội Mỹ năm ngoái đã cảnh báo rằng ở Đông Âu, Nga đã sử dụng một "phiên bản chiến tranh hỗn hợp" có tính tích hợp cao, đồng bộ và khả năng huỷ diệt lớn. Các tiểu đoàn mới của Nga "có đặc điểm là có tính tích hợp cao, vô cùng mạnh mẽ và đặc biệt là rất cơ động. Các tiểu đoàn gồm có một đội xe tăng, ba đội cơ giới hóa, một đội chống tăng, 2-3 khẩu pháo (với súng tự hành và pháo phản lực), hai khẩu phòng không.

Các lực lượng mặt đất của Trung Quốc cũng đã cải tổ và nâng cấp học thuyết chiến tranh. Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã bắt đầu tổ chức lại các chiến lược, chiến thuật chiến đấu chủ yếu của họ trong hơn một thập kỷ trước để tận dụng những tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ chiến tranh. PLA đã cắt giảm đáng kể lực lượng bộ binh để chuyển sang sử dụng vũ khí, khí tài quân sự hiện đại. Giống như người Nga, quân đội Trung Quốc hầu như đã loại bỏ hoàn toàn cấu trúc phân chia theo các nhóm chiến đấu nhỏ và đơn lẻ.

Trước cuộc xâm lược Iraq năm 2003, các lực lượng bộ binh Mỹ vẫn duy trì quá trình đào tạo thông thường và có lợi thế rõ ràng trên mặt đất so với Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, việc định hướng lại để trở thành “bậc thầy” của các chiến thuật chống nổi dậy đã dẫn đến một sự suy giảm đáng kể trong các kỹ năng chiến đấu thông thường. Quan trọng hơn, quân đội Mỹ đã mất một thập niên mà lẽ ra họ có thể tận dụng để hiện đại hóa, tái cơ cấu và hoàn thiện quân đội. Lợi thế mà Mỹ từng có so với Nga và Trung Quốc trước đây đã bị xói mòn. Nếu không có gì thay đổi, Quân đội Mỹ sẽ sớm tụt hậu so với quân đội Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện quân đội Mỹ vẫn còn cơ hội để khắc phục sự yếu kém trên.

Năm 2015, Đạo luật Quốc phòng Quốc gia (NDAA) đã cho phép thành lập Ủy ban Quốc gia về phát triển quân đội và giao nhiệm vụ cho Ủy ban này đến năm 2016 phải đánh giá quy mô và cấu trúc lực lượng của quân đội Mỹ trong tương lai. Một trong những khuyến nghị chính của Ủy ban này là "Quốc hội cần yêu cầu Bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Hội đồng Tham mưu Mỹ giám sát việc mô hình hóa các thiết kế của quân đội và các khái niệm hoạt động, bao gồm cả bộ phận trinh sát đặc nhiệm (RSG)". Hiện Nga và Trung Quốc đã bắt đầu chuyển sang cải tiến bộ phận chủ yếu này.

Chắc chắn việc “bảo lưu” ngân sách sẽ sớm được dỡ bỏ và trong bất cứ trường hợp nào, dường như quân đội Mỹ sẽ không có cơ hội tăng ngân sách như mong đợi. Nếu muốn có nhiều lực lượng quân đội sẵn sàng chiến đấu cao trong mọi tình huống thì Mỹ cần cải cách lĩnh vực quốc phòng một cách nghiêm túc.

Tác giả là Daniel Davis, chuyên gia cao cấp về quốc phòng Mỹ. Bài viết đăng trên trang “National Interest”.

Vũ Hiền (gt)