Đánh giá những khả năng hiện nay và đã được lên kế hoạch của Trung Quốc, các mục tiêu và chiến lược của nước này là một đòi hỏi cấp bách. Không như trong lịch sử gần đây, Trung Quốc hiện nay là một cường quốc toàn cầu mới nổi. Nền kinh tế nước này lớn thứ hai thế giới, ngay sau Mỹ. Mỹ ủng hộ sự công nghiệp hóa nhanh chóng của Trung Quốc sau sự mở cửa của Tổng thống Richard Nixon. Sau này, nước này đã lợi dụng trật tự quốc tế tự do được Mỹ hậu thuẫn, bao gồm hệ thống thương mại toàn cầu, để xuất khẩu hàng hóa số lượng lớn sang các thị trường khắp thế giới. Trung Quốc cũng sử dụng gián điệp kinh tế chống lại Mỹ, sử dụng công cụ mạng và các công cụ khác để đánh cắp tài sản trí tuệ. Thêm vào đó, Trung Quốc đang sử dụng những quy định để buộc các công ty Mỹ phải chia sẻ những công nghệ cốt lõi của họ như điều kiện để được tiếp cận với người tiêu dùng Trung Quốc, cho dù sự tiếp cận tương đối tự do với các thị trường Mỹ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng của Trung Quốc.

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã đưa hàng trăm triệu người dân thoát khỏi cảnh nghèo đói, nhưng không phải là không có những hậu quả tiêu cực: Trong số đó có chế độ sinh một con đã áp dụng từ lâu, ô nhiễm môi trường quy mô lớn, và khoảng cách ngày càng gia tăng giữa người rất giàu và những người khác.

Trung Quốc nắm giữ hơn 1 nghìn tỷ USD nợ của Mỹ, và đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Trong năm 2015, thương mại của Mỹ với Trung Quốc đạt tổng cộng 659,4 tỷ USD – với thâm hụt thương mại của Mỹ ở mức 336,2 tỷ USD. Sự tiếp cận với thị trường Mỹ mang tính sống còn đối với tăng trưởng ngoạn mục của Trung Quốc và vẫn có ý nghĩa sống còn đối với tương lai của nước này.

Trung Quốc đã lấy sức mạnh kinh tế của mình làm đòn bẩy để xây dựng các khả năng quân sự, bao gồm không gian và chống hoạt động trong không gian; chiến tranh thông tin và điện tử; các tàu ngầm hạt nhân và các hệ thống khác cần để duy trì một khả năng phản công hạt nhân mạnh mẽ; các tàu sân bay; các tàu đổ bộ; các tàu khu trục; máy bay vận tải và nhiều hệ thống tên lửa khác. Nước này có các nguồn lực để phát triển hơn nữa những khả năng này và có được những khả năng mới.

Khi sức mạnh Trung Quốc gia tăng, nước này phát triển một tham vọng lớn: Trả lại sự vĩ đại cho Trung Quốc và thay thế Mỹ trở thành cường quốc thống trị thế giới. Bắc Kinh coi sự thống trị châu Á là một bước cần thiết để có được sự triển khai ưu thế toàn cầu sau cùng. Trong tương lai trước mắt, Trung Quốc tìm cách cản trở bất cứ sự can thiệp nào của Mỹ trong vùng ngoại vi biển của nước này. Mục đích của Bắc Kinh là ngăn chặn các nước khác tiếp cận “chuỗi đảo thứ nhất”, và tìm cách triển khai sức mạnh hướng tới “chuỗi đảo thứ hai”.
Khái niệm hai chuỗi đảo có khía cạnh phòng thủ lẫn tấn công. Về phòng thủ, Trung Quốc coi các chuỗi đảo này là quan trọng để tránh sự bao vây thù địch. Về tấn công, chúng có thể tạo điều kiện để xâm lược Đài Loan. Ngoài Đài Loan và tự vệ, Trung Quốc tìm cách không chỉ ngăn chặn và đánh bại sự can thiệp thù địch ở khu vực mà còn giảm thiểu vai trò khu vực của Mỹ, và tìm cách có được sự thống trị châu Á – trước hết là Đông Nam Á, và sau đến Trung Á.

Chiến lược khu vực của Trung Quốc có một điểm mạnh về quân sự và kinh tế. Rõ ràng Trung Quốc nhằm mục đích có được năng lực sử dụng lực lượng quyết định để đánh bại các mối đe dọa đến lợi ích của nước này, và giải quyết các tranh chấp lãnh thổ một cách nhanh chóng, trong khi ngăn chặn kịp thời sự can thiệp của Mỹ. Theo Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Tập Cận Bình đe dọa viện đến chiến tranh trong các khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Điểm nhấn thứ hai là kinh tế. Trung Quốc muốn đưa một mạng lưới gồm các nước ở châu Âu, châu Á và châu Phi vào quỹ đạo của mình. Kế hoạch “Vành đai và Con đường” và Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á là các công cụ then chốt để thực hiện mục tiêu này. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế lớn hơn với các cường quốc khu vực có nghĩa là làm xói mòn các liên minh của Mỹ bằng cách tạo ra các sáng kiến để không đi theo sự lãnh đạo của Mỹ. Bắc Kinh cũng cảnh báo các nước bạn bè ở châu Á rằng các mối quan hệ với Washington khiến họ dễ bị tổn hại trước sự can thiệp của Mỹ. Ngược lại, chính sách của Trung Quốc không phải là để can thiệp vào công việc nội bộ của họ.

Trong khi sự tập trung trong ngắn đến trung hạn của Trung Quốc là vào triển khai sức mạnh ở châu Á, những tham vọng dài hạn của nước này cũng vượt ra ngoài khu vực. Mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là sự thống trị toàn cầu. Bắc Kinh đang thiết lập sự hiện diện hải quân thường trực ở Ấn Độ Dương. Nước này đang giành được các cơ sở ở Vịnh Persian và ở Địa Trung Hải, và thăm dò các lựa chọn để hiện diện hải quân ở Đông Phi và Tây Phi.

Khi xây dựng sức mạnh quân sự của mình, Trung Quốc muốn tránh sai lầm của Liên Xô đặt gánh nặng không thể chống đỡ nổi lên nền kinh tế do chi tiêu quân sự quá nhiều. Nhưng khi quy mô nền kinh tế nước này đạt tới quy mô kinh tế của Mỹ, nước này cũng sẽ có thể muốn có khả năng quân sự có thể sánh được với Mỹ và trở thành một siêu cường thực sự, với ảnh hưởng định hình trật tự quốc tế.

Đường đi của Trung Quốc có những ý nghĩa quan trọng đối với Mỹ. Như Graham T. Allison lập luận trong cuốn sách của ông có tựa đề “Tất yếu sẽ có chiến tranh” (“Destined for War”), khi các cường quốc mới nổi thách thức các cường quốc thống trị, kết quả thường là chiến tranh. Một Trung Quốc hùng mạnh sẽ có thể hành xử quyết đoán, đặc biệt là trong những tham vọng lãnh thổ, tuyên bố chủ quyền của nước này đối với Đài Loan và yêu cầu của nước này đòi các nước láng giềng phải tôn trọng.

Sẽ có 3 yếu tố đặc biệt quan trọng trong cách thức chính sách đối ngoại của Trung Quốc bộc lộ như thế nào.

Thứ nhất, nhận thức của Bắc Kinh về cán cân sức mạnh tương đối với Mỹ là quan trọng. Hiện tại, cán cân đó vẫn nghiêng về phía Mỹ. Trung Quốc không muốn xung đột trực tiếp với Mỹ. Nước này hiểu những tác động của sự lãnh đạo về quân sự và công nghệ của Mỹ, giá trị của những khoản đầu tư Trung Quốc ở Mỹ, vai trò sống còn của thị trường Mỹ đối với hàng xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, và ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ. Trung Quốc vẫn nhận thức rõ nhu cầu phải “bắt kịp” của mình.

Đồng thời, các nhà lãnh đạo Trung Quốc coi Mỹ là một nước đang suy thoái và không thể duy trì mãi vai trò khu vực vượt trội. Việc này khuyến khích Bắc Kinh kiên trì theo đuổi các mục tiêu của nước này. (Tuy nhiên, có những ngoại lệ đối với sự kiên nhẫn này. Sau cuộc khủng hoảng tài chính một thập kỷ trước, có lẽ tin rằng Mỹ đã suy sụp nhanh hơn, nước này đã theo đuổi các mục tiêu khu vực của mình một cách hung hăng hơn).

Thứ hai nằm ở sự bất ổn bên trong. Một nền kinh tế khỏe mạnh giúp Trung Quốc duy trì sự ổn định, nhưng có nhiều nguyên nhân gây bất ổn tiềm tàng. Việc duy trì mãi khoảng cách giữa sự tiến bộ về kinh tế và về chính trị có thể đem đến ngày càng nhiều yêu cầu cần có quyền tự do, và việc chính phủ từ chối đáp ứng những yêu cầu này có thể tạo ra một động lực dẫn tới bất ổn. Cũng có những nguyên nhân khu vực và sắc tộc gây bất ổn. Một sự suy thoái nghiêm trọng trong nền kinh tế có thể làm leo thang bất ổn và thậm chí dẫn đến xung đột và tan rã – đặc biệt là nếu sự suy thoái tác động đến các khu vực hoặc các bộ phận dân số khác nhau một cách không công bằng.

Dù nguyên nhân là gì, sự bất ổn chính trị đáng kể có thể làm thay đổi khả năng tồn tại của nền kinh tế Trung Quốc và các chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của nước này. Dĩ nhiên, khó có thể dự đoán bản chất và mức độ của một tác động như vậy. Kết quả có thể là một Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn và hướng nội hơn, nhưng cũng hung hăng hơn ở nước ngoài. Sự hung hăng như vậy có thể là một công cụ làm dân chúng bất kham sao lãng khỏi sự bất hợp pháp ở trong nước.

Thứ ba là những phát triển khu vực và những phản ứng của Trung Quốc. Nhiều nước châu Á cảnh giác trước sự nổi lên của sức mạnh Trung Quốc và việc Bắc Kinh thúc đẩy bá quyền dưới thời Tập Cận Bình. Một số nước đã lên tiếng bày tỏ quan ngại của họ một cách công khai. Nhưng những nước khác, bao gồm một số đồng minh của Mỹ, tỏ ra kiềm chế bởi vì họ không muốn làm hỏng các mối quan hệ kinh tế. Nhật Bản, Việt Nam và Ấn Độ nằm trong số các nước bày tỏ sự báo động nhất. Moskva dường như nước đôi hơn, lựa chọn hợp tác với Trung Quốc để tránh bị cô lập khi đối mặt với các mối quan hệ đang xấu đi với phương Tây. Tuy nhiên, Nga cũng lo ngại rằng cán cân sức mạnh đang thay đổi đáng kể theo hướng có lợi cho Bắc Kinh. Qủa thật, hai nước này là các đối thủ ở Trung Á.

Những mối quan ngại trong khu vực về chính sách hung hăng của Trung Quốc có thể tạo ra những phản ứng hẳn sẽ kiềm chế Bắc Kinh. Các cường quốc láng giềng liên kết với Mỹ để đối trọng chống lại Trung Quốc. Việc Trung Quốc có thể tính toán sai và trở nên dính líu vào một cuộc xung đột khu vực kéo dài và tốn kém không nằm ngoài khả năng xảy ra.
Đánh giá lại chiến lược là một việc. Phát triển một chiến lược dài hạn bảo vệ và tăng cường các lợi ích của Mỹ là việc hoàn toàn khác. Như các nhà quan sát Trung Quốc và các nhà chiến lược bên ngoài chính phủ, những người trong Chính quyền Trump có thể bị chia rẽ. Một số có thể tin vào tăng cường can dự – mở rộng tham vấn kinh tế và chính trị với Trung Quốc, với mục đích đạt được quan hệ đối tác lâu dài và sự giúp đỡ lẫn nhau. Những người khác có thể lập luận ủng hộ sự kết hợp giữa ngăn chặn và kiềm chế.

Trong khi từng phương pháp trong số này có giá trị của nó, chúng có những hạn chế nghiêm trọng. Sự can dự có thể đảm bảo sự hợp tác của Trung Quốc trong các vấn đề quan trọng hiện nay như Triều Tiên và sự tiếp cận các thị trường Trung Quốc đối với hàng hóa và dịch vụ của Mỹ. Người ta dựa vào niềm tin rằng sự phát triển kinh tế tiếp diễn của Trung Quốc có khả năng biến Trung Quốc thành một quốc gia dân chủ hơn. Những người ủng hộ can dự có thể lập luận rằng bằng sự tham gia ngày càng tăng của Trung Quốc vào hệ thống quốc tế, Bắc Kinh dần dần có thể đi đến kết luận rằng hệ thống này và các quy chuẩn của nó phục vụ cho những lợi ích của nước này. Một số tuyên bố gần đây của Chủ tịch Tập Cận Bình, như trong hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2017 và bài diễn văn về Con đường tơ lụa mới vào tháng 5/2017 ủng hộ sự toàn cầu hóa, có thể được hiểu là một dấu hiệu tích cực. Những người ủng hộ can dự bên trong Chính quyền Trump có thể lập luận rằng vào thời điểm Trung Quốc trở nên đủ mạnh để thách thức trật tự quốc tế, nước này có thể đã ở trong đó.

Nhưng việc chỉ dựa vào mình sự can dự là mạo hiểm. Sự can dự mở rộng của Mỹ sẽ giúp Trung Quốc phát triển về mặt kinh tế, và do đó cả về mặt quân sự – việc cho phép nước này bắt kịp và thậm chí vượt Mỹ sớm hơn đã và đang diễn ra, và làm tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh.

Con đường ngăn chặn cộng với kiềm chế đối mặt với những hạn chế tương tự. Mục tiêu của cách tiếp cận này sẽ là cản trở Trung Quốc đạt được sức mạnh tương đối so với sức mạnh của Mỹ. Theo quan điểm này, Mỹ không chỉ tăng cường sức mạnh kinh tế và quân sự tổng thể, mà còn tìm cách kiềm chế và làm suy yếu sức mạnh của Trung Quốc. Nước này cũng sẽ chứng tỏ quyết tâm bằng cách phản đối các chính sách thù địch của Trung Quốc. Mỹ sẽ tăng cường các liên minh hiện nay, tập trung họ vào việc đối trọng với Trung Quốc và tạo dựng các liên minh và quan hệ đối tác mới. Washington sẽ phản đối các chính sách “Vành đai và Con đường” và bắt đầu hạn chế nhập khẩu hàng Trung Quốc vào các thị trường Mỹ và thị trường các đồng minh để làm chậm lại sự tăng trưởng kinh tế của Bắc Kinh. Nước này cũng có thể thăm dò các cách để hỗ trợ một cách hiệu quả hơn cho những người Trung Quốc tìm kiếm cải cách chính trị, quyền tự trị lớn hơn ở các địa phương. Washington cũng sẽ tăng cường các nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc đánh cắp các bí mật công nghệ của Mỹ.

Điểm yếu của cách tiếp cận này nằm ở giả định rằng Trung Quốc tất yếu đang trong quá trình trở thành một đối thủ toàn cầu thù địch – một lời tiên tri tự thực hiện. Tầm nhìn này cũng gây nguy hiểm cho sự hợp tác tiềm năng của Trung Quốc, điều có thể mang lại lợi ích cho Mỹ trong việc đối phó với Triều Tiên. Và nó gây nguy hiểm cho những lợi ích đáng kể mà Mỹ nhận được từ việc can dự.

Ngoài ra, nó sẽ khó có tính thuyết phục ở trong nước. Nó đòi hỏi phải huy động năng lượng quốc gia trên cơ sở những dự đoán bi quan và không chắc chắn. Hơn nữa, một chính sách ngăn chặn cộng với kiềm chế sẽ đòi hỏi sự hợp tác từ các đồng minh khu vực và từ hầu hết các nước công nghiệp tiên tiến trên thế giới.

Vì tất cả những lý do này, Chính quyền Trump cần một chiến lược khác có thể hoàn thành 3 việc: duy trì hy vọng vốn có vào sự can dự; ngăn ngừa sự thống trị châu Á của Trung Quốc, hạn chế sự gia tăng sức mạnh tương đối của sức mạnh Trung Quốc; và chống lại một Trung Quốc mạnh đang thách thức những lợi ích của Mỹ. Tác giả đề xuất chiến lược pha trộn giữa kiềm chế và can dự.

Chính quyền Trump nên đi theo chiến thuật mới này, hướng tới kiềm chế mà không từ bỏ can dự. Mục tiêu sẽ là thuyết phục người Trung Quốc một cách đáng tin cậy rằng trong khi Mỹ mở cửa để hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau, các hành động và thông điệp của Mỹ nên nhằm mục đích thuyết phục các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng một sự thúc đẩy cho bá quyền sẽ bị Mỹ, các đồng minh và đối tác của nước này, bao gồm các cường quốc khu vực chủ yếu, chống lại.

Dưới sự can dự và kiềm chế, Mỹ sẽ thông qua 12 nguyên lý sau:

1. Tăng cường sức mạnh kinh tế và quân sự tổng thể của Mỹ để duy trì một vị thế toàn cầu có lợi;

2. Duy trì sự dẫn đầu về công nghệ của Mỹ và ngăn cản các nước bạn bè và đồng minh góp phần gia tăng các khả năng quân sự của Trung Quốc bằng cách củng cố những biện pháp kiểm soát xuất khẩu hiện nay mà hạn chế sự tiếp cận với công nghệ của phương Tây;

3. Theo đuổi chiến lược cân bằng sức mạnh ở châu Á bằng việc khuyến khích các đồng minh và đối tác của Mỹ xây dựng các khả năng quân sự của họ và hợp tác với nhau để ngăn chặn sự bá quyền khu vực của Trung Quốc;

4. Tìm cách tăng cường các khả năng tương đối của mình ở châu Á để có thể đóng vai trò là nước giữ cân bằng và tránh đối mặt với một sự đã rồi khi một lợi ích quan trọng của Mỹ bị đe dọa – chẳng hạn bằng việc buộc Mỹ có nguy cơ phải chịu leo thang lớn và những thương vong cao để phục hồi nguyên trạng;

5. Ngăn cản Đài Loan tái thống nhất với Đại lục;

6. Sử dụng sự tiếp cận với các thị trường Mỹ và các đồng minh khu vực – mà sự thịnh vượng của Trung Quốc phụ thuộc vào đó – để làm đòn bẩy ra điều kiện cho cách hành xử của Trung Quốc; Thái Bình Dương

7. Tái cân bằng thương mại để làm giảm thâm hụt thương mại lớn;

8. Duy trì lợi thế công nghệ của mình và ngăn chặn những khả năng dễ bị tổn hại mới hoặc tăng thêm, đánh giá những thỏa thuận hiện tại với các đồng minh và các đối tác, cập nhật và đưa thêm vào những bước cần thiết để bảo vệ chống lại việc người Trung Quốc đánh cắp công nghệ và tránh chuyển giao công nghệ nhạy cảm;

9. Duy trì ở mức tối thiểu, nhưng mở rộng một cách thích hợp, sự tương tác chính trị, các mối quan hệ quân sự và văn hóa với Trung Quốc;

10. Điều chỉnh các mối quan hệ kinh tế bằng cách nhấn mạnh sự trao đổi lẫn nhau, như các mối quan hệ thương mại tái cân bằng mà làm giảm thâm hụt cán cân thương mại lớn;

11. Tăng cường hợp tác về các vấn đề khu vực, bao gồm vấn đề Triều Tiên và chủ nghĩa khủng bố;

12. Tăng cường hợp tác khu vực, ngăn chặn khủng hoảng và xử lý khủng hoảng, khuyến khích một tổ chức kiểu OSCE ở khu vực châu Á với sự tham gia của Trung Quốc và của Mỹ.

Hội nghị thượng đỉnh Đông Á có thể là ứng cử viên tốt nhất để phát triển thành một vai trò như vậy, vì nó có quyền thành viên phù hợp, nhưng nó sẽ cần được thể chế hóa một cách phù hợp và được ủy nhiệm đúng đắn.

Chiến lược can dự và kiềm chế này sẽ làm rõ với Bắc Kinh rằng họ hưởng lợi nhất bằng cách theo đuổi các lợi ích của mình mà không làm xói mòn hệ thống quốc tế. Nó sẽ truyền đạt cho Trung Quốc những cái giá tiềm tàng của việc trở nên thù địch bằng việc chứng tỏ rằng Mỹ sẵn sàng bảo vệ những lợi ích của nước này. Nó cũng nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ đáp lại những hành động tích cực của Trung Quốc. Một chiến lược can dự và kiềm chế sẽ mang lại tính linh hoạt để điều chỉnh sự cân bằng giữa can dự và kiềm chế, phụ thuộc vào tình trạng các khả năng, mục tiêu, chính sách và hành động của Trung Quốc. Sự hợp tác của Trung Quốc trong các vấn đề an ninh và kinh tế sẽ thu hút nhiều sự can dự hơn. Ngược lại, sự hợp tác thiếu thỏa đáng về vấn đề Triều Tiên, sự quyết đoán ở Biển Đông và sự hiếu chiến về vấn đề Đài Loan sẽ kích động một xu hướng ngả sang sự kiềm chế.

Sự kết hợp giữa kiềm chế và can dự hứa hẹn một cách tiếp cận ưu việt để bảo vệ các lợi ích của Mỹ.

Zalmay Khalilzad là cố vấn tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ. Nguyên là giám đốc hoạch định chính sách tại Lầu Năm góc, từng là đại sứ Mỹ tại Afgahnistan, Iraq và Liên Hợp Quốc. Ông là tác giả cuốn sách “The Envoy: From Kabul to the White House: My Journey through a Turbulent World”. Bài viết được đăng trên The National Interest.

Trần Quang (gt)