Mặc dầu đã nắm quyền trong 3 năm nhưng Tổng thống D. Medvedev vẫn còn là một ẩn số chính trị. Đối với những người chỉ trích, ông là người có quyền lực về chính trị rất hạn chế mặc dù giữ một vị trí có quyền lực tối cao, được đa số 109 triệu dân Nga bầu ra nhưng phải dưới sự chỉ đạo của một người: đó là người thầy, người bạn, Thủ tướng Vladimir Putin.

Một kịch bản được biết đến rộng rãi ở Mátxcơva là ông Medvedev sẽ sớm thông báo các kế hoạch để nhường bước cho ông Putin trở lại làm tổng thống (nhiệm kỳ lần thứ ba) vào tháng 5/2012.

Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn kéo dài gần một giờ với “Thời báo tài chính”, ông Medvedev đã cho thấy ông sẽ không theo kịch bản này. Ông không chỉ muốn tiếp tục làm tổng thống trong nhiệm kỳ thứ hai mà còn nói rằng nếu đắc cử, ông sẽ thực hiện chương trình hiện đại hóa nước Nga, theo đuổi thị trường tự do, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và mở rộng nền dân chủ nước Nga vốn đang bị hạn chế.

Trong 3 năm vừa qua, ông Medvedev đã giúp cải thiện mối quan hệ Nga-Mỹ. Tổng thống Medvedev cũng được coi là có vai trò quan trọng trong việc thiết lập lại mối quan hệ mong manh với phương Tây sau khi đã xuống rất thấp trong cuộc xung đột tháng 8/2008 ở Grudia.

Lo ngại ông Putin có thể quay lại làm tổng thống vào năm 2012, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã cố gắng ủng hộ ông Medvedev về mặt chính trị để đối trọng với ông Putin, người vẫn được coi là có quyền lực mạnh hơn. 

Các nhà bình luận cho rằng một khi ông Putin trở lại làm tổng thống, quan điểm chống phương Tây sẽ có thể gây trở ngại cho những nỗ lực cải thiện quan hệ với phương Tây thời Medvedev. Các quan chức Mỹ nói rằng sự gắn kết khá thoải mái giữa ông Medvedev và ông Obama là một trong những yếu tố chính đóng góp vào sự tái khởi động quan hệ Mỹ-Nga.

Theo Andrew Kuchins của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Oasinhtơn, nếu ông Putin quay trở lại làm tổng thống, mối quan hệ giữa Nga và Mỹ sẽ xấu đi nhanh chóng và điều đó sẽ không có lợi cho ông Obama trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ.

Tuy nhiên, Mỹ không đơn độc trong việc ủng hộ ông Medvedev. Một bức điện mật của Bộ Ngoại giao Mỹ từ tháng 2/2010 bị WikiLeaks tiết lộ cho biết một quan chức ngoại giao cao cấp của Pháp “đã miêu tả những nỗ lực lâu dài của Pháp làm cho Medvedev mạnh lên".

Đức, đối tác châu Âu quan trọng nhất của Nga, cũng đặt kỳ vọng vào ông Medvedev, mặc dù Medvedev đã làm Béclin thất vọng do những thất bại của ông trong việc tiếp tục tiến hành các cải cách mạnh hơn nữa. Năm ngoái, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã công khai tuyên bố ủng hộ chương trình “hiện đại hóa” của Tổng thống Medvedev.

  Theo FT

 Mỹ Anh (gt)