asean-cambodia.jpg

Sau năm 2015 đầy sóng gió, ASEAN dường như lại bước vào năm 2016 nhiều bất định. Việc giá hàng hóa sụt giảm mạnh, đồng nội tệ của các nước trong khu vực đều mất giá so với đồng USD và mức cầu của thế giới yếu (trong đó có Trung Quốc) đã khiến các nền kinh tế ASEAN tăng trưởng chậm lại. Một số quốc gia trong khu vực cũng phải "vật lộn" với những vấn đề nội bộ như khủng hoảng tái cấu trúc kinh tế ở những nền kinh tế có thu nhập trung bình (Malaysia), nợ hộ gia đình cao (Malaysia và Thái Lan), kinh tế yếu (Thái Lan) và sự nổi lên của tâm lí bảo hộ (Indonesia)... Vì vậy, "Sáng kiến kết nối Mỹ-ASEAN", mới được Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo tại hội nghị cấp cao lịch sử với giới lãnh đạo ASEAN vừa qua nhằm điều phối sự can dự kinh tế của Mỹ trong khu vực, là rất đáng được hoan nghênh. Theo ông Obama, Washington có kế hoạch thiết lập một mạng lưới 3 trung tâm ở Đông Nam Á là Singapore, Jakarta (Indonesia) và Bangkok (Thái Lan) để kết nối doanh nhân, nhà đầu tư và các doanh nghiệp song phương. Trong khi vẫn còn thiếu kế hoạch chi tiết, sáng kiến này dự kiến sẽ tập trung vào 4 lĩnh vực chính là kết nối kinh doanh, kết nối năng lượng, kết nối đổi mới và kết nối chính sách.

Trụ cột thứ nhất là nhằm mục đích tạo thuận lợi cho hội nhập thương mại và kinh tế khu vực trong khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và thúc đẩy quan hệ doanh nghiệp Mỹ và ASEAN trong những lĩnh vực như công nghệ thông tin và truyền thông, cơ sở hạ tầng. Trụ cột thứ hai là tìm cách hỗ trợ tính kết nối, các mục tiêu năng lượng sạch, an ninh năng lượng do ASEAN đặt ra, trong khi trụ cột thứ ba nhằm hỗ trợ kỹ thuật cho nhiều chương trình khác nhau liên quan đến đổi mới, khoa học và kinh doanh. Cuối cùng, chính sách kết nối tìm cách hỗ trợ ASEAN trong việc tạo ra những chính sách thuận lợi cho thương mại và đầu tư, đổi mới kỹ thuật số, tăng trưởng kinh tế bền vững và công bằng.

Lý do địa chính trị cho sự can dự kinh tế sâu hơn của Mỹ với ASEAN có thể được góp phần bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc và những liên kết kinh tế ngày càng chặt chẽ giữa ASEAN và Trung Quốc - vốn là đối tác thương mại ngoài khu vực lớn nhất của ASEAN. Bắc Kinh cũng đang có một thỏa thuận thương mại tự do với ASEAN trong khi Washington chưa có. Do đó, Sáng kiến kết nối Mỹ-ASEAN có thể là một động thái được tính toán để thể hiện rằng ngoài việc đóng góp vào an ninh khu vực, Mỹ vẫn còn nhiều thứ để "hấp dẫn" Đông Nam Á trong lĩnh vực phát triển kinh tế. Đáng chú ý, Mỹ đã tỏ dấu hiệu cho thấy nước này cũng sẽ tổ chức một loạt hội thảo để hỗ trợ các nước thành viên ASEAN khác như Indonesia, Philippines và Thái Lan sớm tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

ASEAN có rất ít thứ để mất và nhiều điều có lợi với những liên kết kinh tế lớn hơn với Mỹ. Chẳng hạn, sự phục hồi kinh tế tiếp diễn ở Mỹ có thể cân bằng với mức cầu đang chậm từ Trung Quốc - nước đang trong quá trình chuyển đổi kinh tế từ một cơ sở xuất khẩu sang tiêu thụ trong nước và từ sản xuất sang dịch vụ như động lực mới của tăng trưởng. Bên cạnh đó, Mỹ cũng có thể hưởng lợi từ sự can dự kinh tế sâu hơn với ASEAN. Hiện ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ tư của Mỹ. Đầu tư hai chiều cũng phát triển và Mỹ hiện là nhà đầu tư lớn thứ 4 trong ASEAN. Đẩy mạnh hội nhập kinh tế trong ASEAN sẽ đưa ra một thị trường tiêu thụ ngày càng phát triển cho giới doanh nghiệp Mỹ, với sự mở rộng của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam và Indonesia. Theo khảo sát triển vọng doanh nghiệp ASEAN 2015, các công ty Mỹ lạc quan về tiềm năng của khu vực với tư cách một thị trường lớn và điều này không có gì ngạc nhiên khi gần 60% dân số ASEAN dưới 35 tuổi.

Việc Mỹ lựa chọn 3 trung tâm kết nối ở ASEAN là Jakarta, Singapore và Bangkok để điều phối nguồn lực cũng rất thích hợp. Ban Thư ký ASEAN hiện đặt trụ sở tại Jakarta, trong khi một lượng lớn doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở Singapore. Bên cạnh đó, Bangkok cũng là nơi chính phủ Mỹ đặt một số văn phòng khu vực quan trọng. Điều có ý nghĩa là Mỹ và ASEAN cần tiếp tục động lực của Hội nghị Cấp cao Sunnylands để khởi động Sáng kiến kết nối Mỹ-ASEAN càng sớm càng tốt, bắt đầu với những thông tin chi tiết hơn về các kế hoạch và chương trình cụ thể sẽ được thực hiện. Việc biến sáng kiến này thành hành động cụ thể sẽ củng cố những tín hiệu tích cực về lợi ích tiếp diễn của Mỹ ở ASEAN.

Tác giả Tham Siew Yean là nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak. Bài viết đăng trên nhật báo "Today" (ngày 26/2).

Mỹ Anh (gt)