Tổng thống Philippines Benigno Aquino sẽ thăm chính thức Canada từ ngày 7-9/5 với chặng dừng chân ở các thành phố Ottawa, Toronto, Winnepeg và Vancouver - những nơi có cộng đồng người Philippines đông đúc. Chuyến thăm này diễn ra vào thời điểm rất thích hợp, vì năm nay Philippines đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), và hội nghị thượng đỉnh APEC sẽ được tổ chức ở Manila vào tháng 11 tới. Trong khi đó, Canada - cũng là nước thành viên APEC - đang làm việc chăm chỉ để thiết lập lại uy tín đối tác đối thoại đáng giá cho APEC và đặc biệt là cho Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Báo "Thư tín địa cầu" cho rằng sự quan tâm của Canada tới ASEAN là hướng đi đúng nhưng còn thận trọng. Nếu Canada muốn thể hiện cam kết đối với khu vực trong các lĩnh vực kinh doanh, nhân đạo và an ninh thì Canada nên tập trung nỗ lực hơn vào Philippines, nước thành viên sáng lập ASEAN và có số người nhập cư vào Canada khá cao (năm 2012, người nhập cư Canada gốc Philippines chiếm số lượng lớn thứ hai - sau Trung Quốc - với gần 33.000 người. Năm 2013, thứ hạng này bị đẩy xuống thứ ba - sau Trung Quốc và Ấn Độ - nhưng vẫn vượt qua con số 27.000 người, chiếm 10,5% tổng số người nhập cư Canada hàng năm).

Philippines từ nền kinh tế yếu trong thời gian dài nay đang trên đà tăng trưởng đều đặn từ 6-7% GDP mỗi năm, cho dù đói nghèo vẫn là vấn đề lớn, với 25% trong số 100 triệu dân có cuộc sống ở ngưỡng đói nghèo, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB). Đối với Canada, việc Philippines làm Chủ tịch APEC là cơ hội để xây dựng mối quan hệ đang phát triển mạnh mẽ giữa hai nước, chủ yếu là do cộng đồng người Philippines khá đông và thành công tại Canada. Canada còn là đích đến quan trọng đối với lực lượng lao động tạm thời từ Philippines. Năm 2013, người lao động Philippines ở Canada gửi về trong nước lượng kiều hối 2,3 tỉ USD, chiếm 10% tổng số kiều hối của quốc đảo Đông Nam Á.

Dòng kiều hối lớn là thuận lợi cho Philippines, nhưng nó cũng phơi bày một thực tế là các sáng kiến kinh tế ở Philippines bị “bóp nghẹt”, các công nhân giỏi nhất và năng động nhất của Philippines đang ồ ạt di cư ra nước ngoài. Canada được hưởng lợi trực tiếp từ cuộc di cư này của người Philippines. Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Canada Ed Fast sẽ trở lại Philippines vào tháng 6 tới để tham gia cuộc họp các bộ trưởng thương mại khu vực APEC, đồng thời mang theo đoàn đại biểu doanh nghiệp tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, quốc phòng-an ninh, công nghệ thông tin-truyền thông (ICT) và công nghệ cơ sở hạ tầng-công trình bền vững.

Tuy nhiên, chính cộng đồng Philippines ở Canada đại diện cho các liên kết song phương mạnh mẽ nhất. Do tiềm năng xây dựng của mối quan hệ nhân dân và mong muốn của Philippines tăng cường nguồn lực con người và thúc đẩy các sáng kiến, Canada nên làm sâu sắc cam kết đối với quốc gia ASEAN này. Trong 2 năm qua, số lượng sinh viên Philippines sang Canada học tập đã tăng gấp đôi lên gần 3.000 sinh viên, tuy so với Ấn Độ con số này nhỏ hơn 10 lần, còn số sinh viên của Trung Quốc ở Canada đạt 95.000 người.

Năm 2012, Canada và Philippines đã thành lập Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Song phương và đây là sự khởi đầu tốt. Ngoài ra, Canada có chương trình viện trợ phát triển khiêm tốn trị giá 16 triệu USD cho Philippines, tập trung vào hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và người nông dân cũng như việc phát triển du lịch địa phương và nâng cao cơ hội đào tạo nghề, việc làm cho thanh niên.

Canada đã tuyên bố tái cam kết với khu vực châu Á-Thái Bình Dương và đã có những động thái thắt chặt mối liên kết với các nước ASEAN. Tham gia đàm phán TPP và bổ nhiệm đại sứ tại ASEAN là những bước đi của cam kết này. Trong khi thiết lập các ưu tiên, sự can dự sâu sắc hơn của Canada - và có thể là thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược - với Philippines chắc chắn sẽ được đưa lên hàng đầu. Nếu Canada muốn can dự một cách nghiêm túc vào châu Á, mối quan hệ chặt chẽ hơn với Philippines là nơi rất tốt để bắt đầu.

Nhật Linh (gt)