Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Mỹ, Anh vẫn quyết định tham gia Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (AIIB) với tư cách là thành viên sáng lập. Điều này cho thấy Chính phủ Anh đã nhận thức rất rõ về tầm quan trọng của tư cách thành viên sáng lập AIIB trong việc duy trì vị thế trung tâm tài chính thế giới của mình. Quyết định tham gia AIIB với tư cách là một trong những thành viên sáng lập mà Chính phủ Anh công bố hôm 16/3 vừa qua được nhiều người hoan nghênh vì hai lý do: Thứ nhất, cho thấy sự rõ ràng về chiến lược và nhận thức trong giới lãnh đạo chóp bu của nước này. Đó là, trong chính sách với Trung Quốc cần phải thúc đẩy lợi ích quốc gia hơn là chỉ nhằm lấy lòng các nước đồng minh. Thứ hai, quyết định đó cho thấy tính thực dụng của London sau một thời gian dài quan hệ giữa Anh và Trung Quốc ở trong tình trạng "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt".

Quyết định tham gia AIIB là sự can dự mang tính chiến thuật và thực dụng của London, theo đó những lợi thế của Anh một lần nữa lại được phát huy. Nếu chỉ để tìm kiếm "chất kết dính" trong quan hệ với Bắc Kinh thì có lẽ vai trò chủ chốt trong nhiệm vụ này của London phải là Bộ Ngoại giao chứ không phải là Bộ Tài chính. Tuy nhiên, điều đáng chú ý ở đây là Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne vốn có mối quan hệ khá thân thiết với Mỹ, lại chính là người đưa ra chủ trương tham gia AIIB.

Dường như không có nhiều tham vấn (nếu có) giữa London và Washington trước khi Chính phủ Anh công bố quyết định trên. Động thái này khiến nhiều quan chức Mỹ bị bất ngờ, đồng thời cũng cho thấy sự độc lập hiếm hoi từ phía Anh trước đồng minh quan trọng nhất. Anh rất ít khi làm trái ý Mỹ, song trong vấn đề này London có động cơ quá lớn để có thể khước từ yêu cầu của Washington. May mắn là sau đó không lâu nước Anh đã được "minh oan" phần nào khi cả Đức, Pháp và Italy nhanh chóng đồng ý tham gia AIIB và có nhiều khả năng Hàn Quốc và Úc cũng sẽ có hành động tương tự. Như vậy, Anh đã đóng vai trò "lĩnh ấn tiên phong", làm được việc quan trọng và có ý nghĩa. Động thái này thậm chí còn nhận được sự hoan nghênh từ Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - những định chế tài chính được cho là sẽ bị cạnh tranh bởi chính AIIB.

Vậy tại sao những việc này lại xảy ra? Một phần câu trả lời chính là nhu cầu rất lớn của châu Á đối với nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Chỉ riêng Hong Kong - một nền kinh tế nhỏ trong khu vực - hiện đang có kế hoạch chi tới hơn 1 tỷ USD cho các dự án phát triển hạ tầng trong những năm tới. Các nền kinh tế khác trong khu vực thậm chí còn cần nhiều vốn hơn thế. Với một chiến lược đúng đắn, AIIB sẽ không cần phải cạnh tranh với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) hay bất cứ định chế nào khác. Nhu cầu đối với nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng ở Châu Á có thể vượt xa số vốn dự kiến ban đầu 200 tỷ USD của AIIB nên sẽ có nhiều không gian cho nhiều "người tham gia cuộc chơi" khác. Hơn nữa, lý lẽ mà London đưa ra cũng rất hợp lý: Tại sao lại phải ngồi ngoài khi mà bạn có thể là một phần không thể thiếu của ngân hàng mới và ít nhất bạn cũng đảm bảo được rằng ngân hàng này sẽ phát triển theo những quy chuẩn quốc tế?

Bên cạnh thực tế này, sự phản ứng của Washington rõ ràng là yếu ớt. Có vẻ như Mỹ đã quá nóng nảy khi phản đối việc thành lập AIIB chỉ vì Trung Quốc có vai trò lãnh đạo trong ngân hàng này. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew ngày 18/3 thừa nhận rằng nước này thậm chí từng phải cân nhắc tới một vai trò lớn hơn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong các định chế như IMF hoặc chấp nhận rủi ro Trung Quốc không có đại diện ở những định chế này. Nếu như Mỹ không có khả năng mở rộng phạm vi ảnh hưởng trong những định chế này thì sao có thể hy vọng Washington làm tốt trong những vấn đề khác? Vì vậy nước Anh đã đúng khi vạch ra kế hoạch cho riêng mình và họ cần phải ban hành chính sách đối với Trung Quốc từ London chứ không phải từ Washington.

Trên thực tế, nước Anh không còn bị "cô độc" với kế hoạch này khi các đối tác khác trong Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định tham gia AIIB. Thậm chí giờ đây ở Washington cũng đã có những bàn tán rằng những định kiến về AIIB đang thay đổi. Vì vậy, tổn hại về mặt ngoại giao giữa Anh và đối tác quan trọng nhất của nước này có thể sẽ không đáng kể. Tuy nhiên, công việc khó khăn thật sự bắt đầu từ thời điểm này khi Anh cần phải có tiếng nói mạnh mẽ trong AIIB nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ. Quan hệ song phương Trung-Anh thời gian qua có thể coi là một thất bại đối với London nhưng đến năm 2015 mọi vấn đề có vẻ sáng sủa hơn. Dư luận chung kỳ vọng rằng quyết định tham gia AIIB của London sẽ mở ra một kỷ nguyên mới, thành công hơn trong quan hệ giữa Anh và Trung Quốc.

Theo “Chatham House

Hùng Sơn (gt)