hires_071116-N-0455L-007.jpg

 

Cụm từ “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” được chính thức đưa vào Sách Trắng Quốc phòng của Úc lần đầu tiên vào năm 2013. Bên cạnh cấu trúc địa chính trị, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng có thể được nhìn nhận như một mạng lưới đang thay đổi của các dân tộc. Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều có những lý do địa-chính trị và địa-kinh tế để quan tâm đến cấu trúc không gian này.

Tiến sĩ Gurpreet S Khurana, Giám đốc điều hành tại Viện Biển Quốc gia Ấn Độ, trong bài viết có tiêu đề “An ninh các tuyến đường biển: Triển vọng hợp tác Ấn-Nhật” mới đây cũng đã phân tích ý nghĩa của cụm từ “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” xét từ góc độ Ấn Độ. Ông cho rằng cụm từ này như một khái niệm khu vực hoặc khái niệm không gian, phục vụ những lợi ích ngày càng tăng của Ấn Độ như một thế lực khu vực đang nổi lên.

Rõ ràng, Chính phủ Liên minh Dân chủ Quốc gia (NDA) hiện nay tại Ấn Độ muốn phục hồi tăng trưởng kinh tế bằng cách thu hút thêm đầu tư của nước ngoài. Phần lớn giao thương của Ấn Độ diễn ra trên biển nên việc giải quyết những mối đe dọa hiện nay và trong tương lai bằng việc chú trọng nhiều hơn đến cấu trúc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có tầm quan trọng hàng đầu đối với Ấn Độ. New Delhi đã từ chối đề nghị của Bắc Kinh tham gia dự án “Một vành đai, một con đường” bởi e ngại rằng điều đó có thể kiềm chế Ấn Độ. Chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi tới các nước láng giềng của Ấn Độ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trước khi tới thăm Trung Quốc (hồi tháng 5 vừa qua) không những chứng tỏ tầm quan trọng chiến lược của khu vực này đối với Ấn Độ, mà còn chứng tỏ Ấn Độ muốn chống lại những mối đe dọa tiềm tàng của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trong khi theo đuổi chính sách ngoại giao thực dụng, cấu trúc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cho phép Ấn Độ tăng cường hơn nữa chính sách “Hướng Đông/Hành động phía Đông”. Vị trí chiến lược trong khu vực cũng giúp Úc trở nên quan trọng trong chính sách “Hành động phía Đông” của Ấn Độ. Đổi lại, trong nỗ lực tránh phụ thuộc vào Trung Quốc, Úc đã ký các thỏa thuận hợp tác an ninh mới với Ấn Độ. Cảm nhận được tình trạng mất an ninh từ ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực, Ấn Độ đã tăng cường hợp tác về an ninh, quốc phòng với Nhật Bản, Việt Nam và Mỹ, đồng thời tăng cường quan hệ an ninh với ASEAN, đẩy mạnh hợp tác với các quốc đảo ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Thủ tướng Modi cũng tăng cường các cuộc tiếp xúc với cộng đồng Ấn kiều tại Úc, Fiji, Mauritius và Hàn Quốc trong thời gian gần đây nhằm làm nổi bật các mối liên kết lịch sử, văn hóa để tăng vai trò của Ấn Độ trong khu vực.

Giống như Ấn Độ, Trung Quốc cũng hướng sự chú ý tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để đáp ứng các nhu cầu về năng lượng và kinh tế của họ. Bên cạnh đó, sự hiện diện của Mỹ trong khu vực cũng khiến Bắc Kinh “quan tâm hơn” đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hiệp định Quan hệ Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một hiệp định tự do thương mại do Mỹ khởi xướng không bao gồm Trung Quốc - đã được suy diễn rằng đây là một công cụ kinh tế nhằm kiềm chế sự nổi lên của Trung Quốc tại khu vực Đông Á.

Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có nhiều tuyến giao thông đường biển (SLOC) quan trọng và rất quan trọng đối với hoạt động vận chuyển năng lượng của Trung Quốc. Bắc Kinh từ lâu đã sử dụng các chiến lược nhằm tìm kiếm một “vị trí thường trực” tại khu vực Ấn Độ Dương bởi khu vực này có thể phát triển cơ sở hạ tầng dài hạn nhằm giảm sự phụ thuộc của vận tải hàng hóa Trung Quốc qua Eo biển Malacca.

Những điểm giống nhau giữa Ấn Độ và Trung Quốc không chỉ về tầm cỡ diện tích và dân số mà cả các lợi ích quốc gia của mỗi nước. Ấn Độ và Trung Quốc đều là “đầu tàu” kinh tế lớn của thế giới, an ninh biển có ý nghĩa quan trọng đối với cả hai nước. Đây là những lý do khiến New Delhi và Bắc Kinh đang “đầu tư” thời gian, sức lực và vốn liếng vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Theo “IPCS” (ngày 19/6)

Vũ Hiền (gt)