AEC được coi là một “doanh nghiệp lớn” nhằm tạo ra thị trường và cơ sở sản xuất chung duy nhất, cho phép dòng chảy tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động có tay nghề cao cũng như luân chuyển dòng vốn dễ dàng hơn trong khu vực Đông Nam Á. Nếu ASEAN là một nền kinh tế hợp nhất, nó sẽ là nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới với tổng GDP 2.600 tỷ USD trong năm 2013. Nếu xu hướng tăng trưởng tiếp tục như hiện nay, ASEAN có thể sẽ đứng thứ tư thế giới vào năm 2030. Với hơn 625 triệu người, thị trường tiềm năng ASEAN sẽ lớn hơn thị trường của Liên minh châu Âu hay Bắc Mỹ. Bên cạnh Trung Quốc và Ấn Độ, ASEAN có lực lượng lao động lớn thứ ba thế giới và không giống như Trung Quốc, ASEAN có lực lượng lao động trẻ và nhân khẩu học thuận lợi. ASEAN cũng là một trong khu vực kinh tế cởi mở nhất thế giới, với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa hơn 1.200 tỷ USD- chiếm gần 54% tổng GDP của ASEAN và 7% xuất khẩu toàn cầu. Tuy nhiên, thương mại nội bộ ASEAN chỉ đạt khoảng 25%.

AEC có bốn mục tiêu chính: tạo ra một thị trường và cơ sở sản xuất duy nhất; tăng khả năng cạnh tranh; thúc đẩy phát triển kinh tế hợp lý; và hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Trong dịp kỷ niệm 40 năm thành lập vào năm 2007, ASEAN đã thông qua Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Kinh tế ASEAN, và nhấn mạnh hoàn thành mục tiêu trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020.

Các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký AEC tại Kuala Lumpur, Malaysia, vào tháng trước, nhưng thỏa thuận này dường như ​​sẽ có rất ít tác dụng tức thì. Công dân ASEAN sẽ được phép làm việc tại các nước ASEAN khác, nhưng chỉ trong tám lĩnh vực, bao gồm cả kỹ thuật, kế toán, du lịch. Những lĩnh vực này chỉ chiếm 1,5% việc làm trong khu vực. Với tư cách là chủ tịch ASEAN năm 2015, Thủ tướng Malaysia Najib Razik cho biết, trong khi hàng rào thuế quan khu vực thấp, việc xây dựng các khuôn khổ thể chế để đảm bảo sự di chuyển tự do của người dân và dòng vốn, đồng thời loại bỏ các rào cản cản trở sự tăng trưởng và đầu tư vẫn chưa nhận được sự ủng hộ hoàn toàn.

Tất nhiên, vấn đề lớn đối với AEC bây giờ là việc Indonesia, thành viên lớn nhất và quan trọng nhất của ASEAN, sẽ giải quyết những thách thức đó như thế nào, mà đây lại là những vấn đề kinh tế và ngoại giao mang tính cốt lõi.

Nhà phân tích David Nellor mới đây nhận xét Chính phủ Indonesia vẫn chưa thể thuyết phục được các nhà kinh tế quốc tế về việc nước này đã chuyển hướng sang chính sách kinh tế mang tính xây dựng hơn và dưới sự lãnh đạo chính trị, Indonesia có đủ khả năng để thực hiện chính sách đó. Chính sách kinh tế của Indonesia hiện vẫn còn trong tình trạng lấp lửng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến AEC. Tăng trưởng của Indonesia đã rơi xuống còn 4% so với mức hơn 6% trong những năm gần đây. Nellor viết: “Trong vài năm qua, một loạt biện pháp can thiệp pháp lý đã khuyến khích đầu tư và mở rộng cơ sở hạ tầng…. Uy tín chính sách của Chính phủ Indoneisa bị tụt giảm do thành tích yếu kém của nước này và môi trường khó khăn bên ngoài, song vấn đề này đã được phóng đại. Tuy nhiên, những nỗ lực cải cách của Chính quyền Jokowi là chưa đủ để giải quyết thách thức đó”.

Cải cách đến nay chỉ tập trung vào những lĩnh vực phục vụ cho các nhóm lợi ích và sử dụng quyền lực chính trị để bảo vệ sự độc quyền của mình. Liam Gammon thuộc Đại học Quốc gia Úc cho rằng các đề xuất nhằm mục đích cải cách thị trường, về mặt chính trị, là “rất độc hại” ở Indonesia- và mâu thuẫn với hồ sơ theo dõi riêng của ông Jokowi. Trong năm 2015, các bộ trưởng của ông Jokowi đã dành nhiều công sức để tái cấp vốn cho các doanh nghiệp nhà nước bằng tiền của những người nộp thuế, tăng thuế quan và thúc đẩy mục tiêu sai lầm về “tự cung tự cấp thực phẩm”. Theo ông Gammon, đầu năm 2015, Tổng thống Jokowi đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi ông bổ nhiệm một sỹ quan có “dính líu đến chính trị nhưng dễ bị mua chuộc” làm Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia sau khi ông này vận động được giới chức lãnh đạo Indonesia. Trước sự phẫn nộ của công chúng, ông Jokowi đã phải hủy bỏ việc bổ nhiệm nhưng sự việc này rõ ràng ảnh hưởng đến uy tín chống tham nhũng của ông.

Theo giới phân tích, Chính phủ Indonesia còn một chặng đường dài để giải quyết vấn đề môi trường đầu tư vốn bị các hoạt động chính trị cản trở. Các phe phái trong giới chính trị- kinh doanh ở Indonesia đang tranh giành ảnh hưởng đối với những điều khoản trong các hợp đồng béo bở, cố gắng giành quyền tiếp cận các hợp đồng dịch vụ hoặc cổ phần của công ty giá rẻ.

Môi trường quốc tế đã giáng một đòn mạnh vào tăng trưởng của Indonesia vốn dựa trên xuất khẩu tài nguyên. Tăng trưởng thực tế của Indonesia không có cơ hội đạt mức 7% hoặc cao hơn, trừ phi ông Jokowi thực hiện cải cách cơ cấu chính trị sâu rộng. Nếu không có một chương trình nghị sự kinh tế chủ động, vị thế lãnh đạo ngoại giao của Indonesia trong ASEAN và rộng hơn trong khu vực sẽ tiếp tục bị giảm sút. Đây là sân khấu mà Indonesia sẽ cần có đòn bẩy ngoại giao để có thể tập hợp sự ủng hộ cho chương trình cải cách quốc gia. Tuy nhiên, thời gian có lẽ không còn cho Indonesia và cả với ASEAN nữa.

 

Theo East Asia Forum

Văn Cường (gt)