Tổng thống Nga Vladimir Putin đang đứng giữa ngã ba đường. Các cuộc khủng hoảng và những trách nhiệm mà Nga phải đối mặt đã rơi vào tình trạng bấp bênh. Khi tình trạng suy thoái kinh tế của Nga tiếp tục, bị kéo dài bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây và giá dầu mỏ ảm đạm, lạm phát đã tăng vọt, tiền lương sụt giảm và tỷ lệ đói nghèo đang gia tăng ở nhịp độ chưa từng thấy kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998. Các chiến dịch quân sự có giới hạn ở miền Đông Ukraine và Syria đã khơi dậy chủ nghĩa dân tộc, tạo điều kiện cho chính phủ duy trì sự được lòng dân. Trong khi đó, các lực lượng NATO đang tăng cường gần biên giới của Nga, gia tăng sức ép lên quân đội Nga. 

Trong phần lớn hơn 16 năm cầm quyền của mình, Putin vẫn là một người theo chủ trương ôn hòa, theo các tiêu chuẩn của Nga. Ông không đứng ở phe theo xu hướng cải cách tự do cấp tiến, mà cũng không nằm trong số những kẻ hiếu chiến điên cuồng về an ninh, mà nằm đâu đó ở giữa, các chính sách chọn lọc kỹ lưỡng từ mỗi bên cho phù hợp với tình hình. Trong những năm qua, Putin đã sử dụng một loạt chiến lược bao trùm toàn bộ nền chính trị. Nhưng trong những năm sắp tới, cách tiếp cận theo chủ trương ôn hòa này – dao động giữa các chiến lược trong khi tìm cách duy trì sự cân bằng – sẽ không còn hiệu quả nữa. Các phe phái bị phân cực trong Điện Kremlin, và trong số dân chúng Nga, đang thúc giục nhà lãnh đạo Nga thay đổi chiến thuật.

Một đất nước bị phân cực

Thông thường, các quan chức và cố vấn cấp cao không công khai chỉ trích Putin, cũng không đòi hỏi việc xem xét lại toàn bộ chiến lược nhà nước. Nhưng khi tình hình của Nga trở nên bấp bênh hơn, thì ngay cả giới tinh hoa của Điện Kremlin cũng bày tỏ sự lo ngại. Vào tháng 5, một trong những các cố vấn tài chính lâu năm của Putin và hai quan chức cấp cao của Bộ Tài chính đã cho đăng một bài viết mang tính chỉ trích trên tờ The National Interest. Bài viết chỉ trích sự phụ thuộc tiếp tục của Nga vào thu nhập từ dầu mỏ, chỉ trích gay gắt chính phủ vì đã không thực hiện được các cải cách kinh tế. Mặc dù quan điểm của nhóm tác giả không có gì mới, nhưng sự chỉ trích công khai từ một trong những cố vấn được tín nhiệm nhất của Putin cho thấy rằng bất đồng quan điểm ở trong nước đã đạt tới cấp ra quyết định trong chính phủ. Vào cuối tháng đó, nhật báo Vedomosti của Nga đã cho đăng một cuộc trò chuyện bị rò rỉ giữa Putin và cựu Bộ trưởng Ngoại giao Alexei Kudrin, người đã nói với Putin rằng ông có thể lựa chọn hoặc là các tham vọng chính trị và tình trạng đình trệ, hoặc là sự ôn hòa về chính trị và tăng trưởng kinh tế.

Các chính sách kinh tế của Putin không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra nỗi kinh hoàng ở Điện Kremlin. Vào giữa tháng 4, người đứng đầu Ủy ban điều tra Nga đã viết một bài xã luận tuyên bố rằng Nga chưa sẵn sàng về mặt quân sự để đối mặt với một cuộc chiến mới. Bản cáo trạng mở của một nhân vật có tiếng trong bộ quốc phòng về các chính sách an ninh quốc gia của Putin đã châm ngòi cho một cuộc tranh cãi nảy lửa giữa các chính trị gia và các sĩ quan quân đội, mà nhiều người trong số đó cũng có chung quan điểm chỉ trích, kêu gọi một chính sách an ninh chủ động hơn. Phe hiếu chiến khác ở Điện Kremlin đã đưa ra các báo cáo trong những tháng gần đây đề xuất gần như hủy bỏ các mối quan hệ về tài chính và kinh tế của Nga với phương Tây và “đàn áp thẳng tay” việc sử dụng ngoại tệ, các khoản vay và các cuộc tiếp xúc kinh doanh.

Trong dân chúng, các ý kiến bị chia thành hai phần tương đương. Các cuộc thăm dò ý kiến hồi tháng 2 từ Trung tâm Levada cho thấy sự bất đồng về kiểu hệ thống kinh tế mà Moskva nên thực hiện. Trong khi 52% người Nga tham gia khảo sát ủng hộ một nền kinh tế do chính phủ kiểm soát, thì có 26% ủng hộ một nền kinh tế kiểu phương Tây, và 22% lựa chọn giữ nguyên mô hình kinh tế hiện tại. Và mặc dù tình trạng suy thoái là mối quan ngại hàng đầu của người dân Nga, nhưng 75% ủng hộ chính phủ chống lại sự nhượng bộ về vấn đề Ukraine mà sẽ khiến phương Tây nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Dù khát vọng “giải cứu nền kinh tế” của họ mạnh mẽ thế nào chăng nữa, thì người Nga có vẻ vẫn không sẵn sàng hy sinh chính sách đối ngoại vì điều đó. Ngay cả vậy, đòi hỏi của người dân phải có sự thay đổi về kinh tế đang tăng lên: số lượng các cuộc phản kháng về kinh tế đã tăng thêm 40% trong năm 2015.

Một vấn đề quen thuộc

Đối với các nhà lãnh đạo Nga trong suốt lịch sử, những vấn đề này dường như đều quen thuộc. Khi Leonid Brezhnev lần đầu tiên lên nắm quyền vào năm 1964, Liên Xô đang ở trong tình trạng hoang mang hỗn loạn. Sản lượng công nghiệp giảm mạnh, và hệ thống kế hoạch tập trung được thiết lập đã cho thấy rằng nó không thể xử lý được những sự phức tạp của nền kinh tế Liên Xô rộng lớn. Để ứng phó, các nhà lý luận kinh tế và giới tinh hoa Xôviết bị “ve vãn” bởi ý tưởng phân quyền và tự do hóa các hệ thống kinh tế và tòa án của nước này. Tuy nhiên, Brezhnev đã bác bỏ các cải cách được đề xuất và thay vào đó đưa nền kinh tế Xôviết chuyển hướng sang một trọng tâm duy nhất: sản xuất dầu mỏ. Từ năm 1960 đến năm 1980, Liên Xô tăng gấp bốn lần sản lượng dầu mỏ của nước này lên 12 triệu thùng/ngày, và các tiêu chuẩn sống cũng gia tăng một cách tương xứng. Giá dầu cao đã làm biến đổi nền tài chính của Xôviết. Chi tiêu quốc phòng tăng thêm 40% trong khoảng thời gian từ năm 1965 đến năm 1970 và tiếp tục gia tăng trong những năm tiếp theo, chiếm 15% tổng sản lượng quốc gia (GNP) trong năm cuối cùng nắm quyền của Brezhnev vào năm 1982. Mặc dù đầu tư vào máy móc và nông nghiệp cũng được thực hiện, nhưng chúng bị lu mờ khi so sánh với chi tiêu an ninh quốc gia.

Vào thời điểm Brezhnev mất khi còn đang nắm quyền, nền kinh tế bị đình trệ, và cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ thì quyết liệt một cách nguy hiểm. Sau đó thêm hai nhà lãnh đạo nữa qua đời khi còn đang nắm quyền, Mikhail Gorbachev, tương đối trẻ và hoạt bát ở tuổi 54, được bổ nhiệm làm tổng bí thư đảng Cộng sản vào năm 1985. Gorbachev khi đó bắt đầu dẫn dắt một nhóm gồm giới tinh hoa già nua, những người là hiện thân cho chủ nghĩa gia đình trị, tham nhũng và tính kiêu căng tự phụ. Do tuổi đã cao, nên họ không muốn lối sống tiện nghi của mình bị đe dọa. Và ban đầu, Gorbachev đã cố gắng tôn trọng những mong muốn của họ, không thực hiện nỗ lực cải cách nào. Nhưng vào lúc đó, Liên Xô phải đối mặt với một loạt khủng hoảng đủ lớn để gây đe dọa đến toàn bộ hệ thống. Sự thừa mứa dầu mỏ toàn cầu của những năm 1970 đã đẩy giá dầu lao dốc từ 38 USD/thùng (khoảng 117 USD ở thời điểm hiện tại) xuống dưới đến 10 USD/thùng (chưa đến 22 USD ở thời điểm hiện tại). Ba vụ mùa đói kém liên tiếp vào đầu những năm 1980 đã gây ra sự thiếu hụt lương thực ở Liên Xô, khi đó là nước sản xuất nông nghiệp lớn thứ hai thế giới, khi cuộc chiến tranh dai dẳng của nước này ở Afghanistan – cũng như các chiến dịch nhỏ hơn ở Nicaragua và Caribe – tiếp tục. Các phong trào dân tộc chủ nghĩa và thân phương Tây ở Ba Lan và Tiệp Khắc đe dọa tính ổn định của khối Xôviết, và mối quan hệ của Xôviết với Mỹ cũng căng thẳng hơn thường lệ.

Gorbachev bắt đầu nhận thấy những rạn nứt sâu sắc trong hệ thống này. Ông công khai tố cáo người tiền nhiệm của mình, gán cho sự cai trị của Brezhnev là “Kỷ nguyên của sự đình trệ”. Nhiều người dân Xôviết coi Chính quyền Brezhnev là thời đại của sự thịnh vượng và sức mạnh quân sự đã đưa Liên Xô có được quan hệ bình đẳng với Mỹ. Tuy nhiên, Brezhnev đã dựng lên một cơ cấu không thể duy trì được khi không có giá dầu ở mức cao ngất ngưởng. Kết quả là, Chính phủ Xôviết buộc phải bắt đầu hoạt động với một ngân sách thâm hụt và phải vay mượn trên các thị trường quốc tế - điều chưa từng được nghe thấy trong những kỷ nguyên trước đây của Xôviết. Tóm lại, Liên Xô sắp sửa phá sản. Trong khi đó, cuộc chiến tranh chẳng đem lại kết quả gì ở Afghanistan, quân đội Xôviết bắn rơi một máy bay dân sự của hãng hàng không Korean Air Lines và thảm họa hạt nhân Chernobyl, phần còn lại của thế giới cũng bắt đầu chứng kiến những sự rạn nứt.

Gorbachev quả thực không muốn đặt dấu chấm hết cho Liên Xô hoặc những dàn xếp của nước này trên khắp thế giới. Tuy nhiên, đồng thời, ông phải cải cách hệ thống nhằm giải quyết nhiều sức ép mà Nga chắc chắn phải đối mặt. Nhà lãnh đạo Xôviết này đã rút quân ra khỏi Afghanistan, giảm quy mô các lực lượng vũ trang và cắt giảm chi tiêu quân sự. Ông mở ra một đối thoại với Tổng thống Mỹ Ronald Reagan về việc cắt giảm vũ khí hạt nhân, bắt đầu một sự tan băng với phương Tây. Và dưới sự cải tổ kinh tế, chính trị và sự minh bạch, Gorbachev đã đưa ra các cải cách chính trị và xã hội sâu rộng. Những thay đổi chính sách đã mất nhiều năm để thực hiện, và cuối cùng, kết quả đã không như dự định nhà lãnh đạo Xôviết: đất nước của ông, như ông từng biết về nó, đã sụp đổ.

Đưa ra lựa chọn

Putin đã rơi vào đúng cái bẫy từng “cám dỗ” Brezhnev, sau đó để cho Gorbachev đả kích kịch liệt. Hệ thống của Nga dễ bị tổn thương trước những cú sốc, cả ở bên trong lẫn bên ngoài. Nó sẽ có khả năng xoay xở trong nhiều năm tới – cũng như hệ thống yếu kém của Xôviết đã làm vậy vào cuối những năm 1970 đầu những năm 1980 – nhờ vào sự ưa thích lâu dài của dân chúng dành cho Putin và sự chống đối cải cách của những người thân hữu với ông. Tuy nhiên, điều đang trở nên rõ ràng hơn là phải đối mặt với các vấn đề trong nước và sức ép ở nước ngoài, người Nga ở trong và ngoài chính phủ đang bắt đầu cân nhắc giai đoạn tiếp theo của nước này. Những quyết định của hôm nay sẽ ảnh hưởng đến nước này trong những năm tới. Vấn đề là phải quyết định xem điều gì sẽ được ưu tiên.

Người dân Nga vốn đã cảm nhận được ảnh hưởng của tình trạng suy thoái. Nhưng chi tiêu xã hội ngày càng tăng nhằm xoa dịu những ảnh hưởng của nó sẽ để lại ít tiền bạc hơn cho các khu vực khác. Nhằm hạn chế tình trạng bất ổn, Điện Kremlin đang tập hợp sự ủng hộ trên khắp cả nước cho chiến dịch quân sự ở nước ngoài của họ. Nhưng sự phô trương sức mạnh quân sự của Nga đang kéo căng các mối quan hệ của họ với phương Tây và hạn chế đầu tư nước ngoài vào nước này. Đến lượt mình, sự thiếu vắng đầu tư đang làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái.

Mặc dù Nga có thể thoát ra khỏi thời kỳ suy thoái kinh tế trong một vài năm tới, nhưng sự khan hiếm đầu tư nước ngoài ngày nay trong tương lai sẽ làm trì hoãn các dự án lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực dầu mỏ. Cuối cùng, điều này sẽ khiến sản lượng dầu mỏ giảm sút. Những người đề xướng cải cách tự do do đó chủ trương giảm bớt các chiến dịch quân sự ở nước ngoài và nhượng bộ về vấn đề Syria và Ukraine nhằm cải thiện quan hệ với phương Tây và một lần nữa tiếp thêm sinh lực cho đầu tư ở Nga. Mặt khác, khi NATO tăng cường quân ở các vùng biên giới của Nga, Moskva cần phải triển khai một sự hiện diện quân sự mạnh mẽ, không chỉ để ngăn chặn sự xâm lấn hơn nữa, mà còn để duy trì sự ủng hộ trong nước. Điều này gây ra một vấn đề cấp bách khác, quân đội Nga rất cần được hiện đại hóa, và nếu Điện Kremlin không đầu tư lúc này thì trong dài hạn, quân đội sẽ tụt hậu so với các nước có tốc độ phát triển tương đương. Nhưng Điện Kremlin sẽ cấp vốn cho sự biến đổi này như thế nào – bằng tiền lấy từ ngân sách chi tiêu xã hội vốn đã ít ỏi, hay bằng cách tạm hoãn đầu tư năng lượng?

Đối với Putin, quyết định giảm bớt những căng thẳng với nước ngoài và cải cách ở trong nước, hay đương đầu với những thách thức đang gia tăng ở nước ngoài là một quyết định khó khăn. Nhưng kỷ nguyên “lắp ráp” dần từng chiến lược sắp đi đến hồi kết. Giờ đây, điều cấp bách hơn bao giờ hết là Nga cần phải lên kế hoạch cho tương lai.

Theo Stratfor

Văn Cường (gt)