us-china-relations.jpg

Với chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Mỹ trong tuần này, mối quan hệ Mỹ-Trung sẽ được xem xét kỹ lưỡng. Trang mạng The Diplomat đã phỏng vấn Michael Tai thuộc Trung tâm nghiên cứu phát triển Đại học Cambridge, và là tác giả cuốn sách Quan hệ Mỹ-Trung trong thế kỷ 21: Vấn đề lòng tin, về tình trạng của mối quan hệ này và những gì cả hai bên nên tìm cách đạt được trong chuyến thăm của Tập Cận Bình.

The Diplomat (+): Trong cuốn sách của mình, ông tập trung vào vai trò của lòng tin trong quan hệ quốc tế, lập luận rằng sự tin tưởng như vậy rất quan trọng, đặc biệt là giữa các cường quốc mới nổi và các cường quốc lâu đời. Nhưng liệu Mỹ và Trung Quốc có thể để xây dựng lòng tin, do sự khác biệt lớn giữa hệ thống chính trị và giá trị của họ?

Michael Tai (-): Vấn đề này không nằm ở những khác biệt trong hệ thống chính trị và các giá trị nhiều như trong quan niệm của Washington rằng không ai có thể thách thức uy quyền của Mỹ. Washington áp dụng đạo đức một cách chọn lọc. Quả thực, nước này không có vấn đề gì khi làm bạn với các quốc gia có hệ thống chính trị và các giá trị hoàn toàn khác biệt, thậm chí các chế độ tham nhũng và đàn áp, miễn là họ phục vụ lợi ích của Mỹ. Chính sách đối ngoại của Mỹ được định hướng bởi các chuẩn mực đạo đức hay tầm nhìn của một “thành phố chói lọi trên đỉnh đồi” ít hơn bởi những lợi ích của một tầng lớp tinh hoa. Trong khi tuyên bố ủng hộ dân chủ và tự do, Mỹ có một lịch sử phá hoại hay lật đổ các chính phủ được bầu lên một cách dân chủ (ở Indonesia, Iran, Guatemala, Chile…), những chính phủ chọn không phục tùng Washington. Nước này sử dụng quyền lực của mình trong các thể chế như IMF và Ngân hàng Thế giới để thúc đẩy lợi ích của các công ty Mỹ trước các nước đang phát triển. Lòng tin được dựa trên lời nói và việc làm của một người. Khi nói đến sự tin tưởng, lịch sử có ý nghĩa quan trọng.

Chính phủ Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc) cũng không phải không có nhược điểm. Những thử nghiệm kinh tế và tranh giành quyền lực trong thời kỳ Đại nhảy vọt và Cách mạng Văn hóa đã dẫn đến nạn đói, biến động xã hội và sự tổn thất của hàng triệu sinh mạng vô tội. Tuy nhiên, kể từ khi cải cách thị trường bắt đầu vào năm 1978, Trung Quốc đã từ một nước nghèo, lạc hậu trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tiêu chuẩn sống đã tăng lên đáng kể nhưng tình trạng ô nhiễm và nạn tham nhũng cũng tăng nhanh không kém. Người ta có thể nói đây là những cơn đau ngày càng lớn của một nền văn minh cổ đại xây dựng trong 50 năm, mà phương Tây, với nguồn tài nguyên thuộc địa to lớn của nó, phải mất đến 500 năm. Tuy nhiên, quan hệ đối ngoại của Trung Quốc đã được định hướng phần lớn bởi học thuyết không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác, một nguyên tắc do Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru và thủ tướng đầu tiên của Trung Quốc, Chu Ân Lai, xây dựng vào năm 1954. Người Trung Quốc tiến hành quan hệ đối ngoại bất kể hệ thống chính trị, và trong khi Mỹ vận hành hàng trăm căn cứ quân sự trên toàn thế giới, không có một binh lính Trung Quốc nào ở nước ngoài (trừ nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc) và không có lịch sử lật đổ các chính phủ nước ngoài.

Nhưng lòng tin có thể được xây dựng thông qua sự đồng cảm. Đồng cảm là việc đặt mình vào vị trí của người khác. Chúng ta có khuynh hướng tin tưởng những người tỏ ra họ hiểu chúng ta, đặc biệt là khi nó được thể hiện thông qua hành động. Chúng ta chiếm được lòng tin bằng cách biểu thị sự đồng cảm. Đồng cảm mang theo sự tôn trọng và có sức mạnh biến kẻ thù thành bạn bè.

+ Ông cho rằng nhìn chung Trung Quốc hiểu về các chính sách và hành động của Mỹ nhiều hơn Mỹ hiểu về Trung Quốc. Tại sao vậy? Theo ông khoảng cách trong sự hiểu biết này có những tác động gì đối với quan hệ Mỹ-Trung?

- Sự hiểu biết liên quan đến năng lực cảm thông của một quốc gia. McDonald’s, Coca Cola, Starbucks, Nike, IBM, Boeing và Apple đã trở thành những từ ngữ cửa miệng ở Trung Quốc, trong khi những bộ phim của Hollywood như Iron Man, Mission Impossible, và Harry Potter có doanh thu phòng vé lớn nhất ở đó. Nhưng hiếm khi có trường hợp ngược lại. Trong khi trẻ em Trung Quốc học nhiều lịch sử của Mỹ, thì các trường học của Mỹ dạy ít nếu không muốn nói là không gì hết về Trung Quốc. Nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc không tiếc chi phí để con cái của họ thành thạo tiếng Anh, bắt đầu từ lớp ba và một số còn từ mẫu giáo. Có 400 triệu người Trung Quốc (nhiều hơn toàn bộ dân số Mỹ) học tiếng Anh so với 200.000 người Mỹ học tiếng Trung Quốc. Năm ngoái, 274.000 người Trung Quốc học ở Mỹ (tăng 16,5% so với năm trước đó) so với 14.413 sinh viên Mỹ tại Trung Quốc (giảm 3,2% so với năm trước đó). Nhìn chung, người Mỹ hiểu biết rất ít về Trung Quốc. Sự bất đối xứng này là có vấn đề. Cách thức chúng ta nhìn nhận bản thân và thế giới quan trọng bởi vì trực giác của chúng ta định hình nỗi sợ hãi, những ấn tượng và các mối quan hệ của chúng ta.

Cũng có rất nhiều thông tin sai lệch mà người Trung Quốc sẽ không thể phản bác do sự kiểm soát của phương Tây đối với truyền thông quốc tế. Chẳng hạn, những nỗ lực của Trung Quốc nhằm xuất khẩu phát triển sang thế giới thứ ba thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng rất cần thiết ngay lập tức bị gạt bỏ như là chủ nghĩa thực dân mới vị kỷ. Khi Mỹ lên án người Trung Quốc vì những vi phạm nhân quyền này kia, họ đã không tính đến thực tế rằng Chính phủ Trung Quốc đã thành công trong việc đưa hơn 500 triệu công dân nước này thoát khỏi đói nghèo cùng cực trong 30 năm qua, cũng như thực tế là người dân trung bình Trung Quốc hiện nay được hưởng các quyền con người cơ bản như thức ăn, chỗ ở, học hành và chăm sóc sức khỏe hơn bất cứ thời điểm nào trong lịch sử. Học giả Harvard John Fairbank đã cảnh báo từ sớm rằng xã hội Trung Quốc rất khác Mỹ và các nhà hoạch định chính sách Mỹ sẽ thất bại trừ khi họ tính đến những khác biệt này. Ông cho rằng nên đánh giá các vấn đề của Trung Quốc trong bối cảnh văn hóa và lịch sử của đất nước này, nhưng hầu như không ai ở Washington chú ý.

+ Những lĩnh vực vấn đề nào đem lại nền tảng phong phú nhất cho sự hợp tác và xây dựng lòng tin giữa Mỹ và Trung Quốc? Chẳng hạn, có thể có hợp tác về các vấn đề khí hậu để làm đối trọng với tính tiêu cực trong lĩnh vực an ninh?

- Giảm nhẹ vấn đề khí hậu đem lại một cơ hội lịch sử để hợp tác. Sự ấm lên toàn cầu là một mối đe dọa hiện hữu. Người ta sẽ nghĩ rằng hai người cùng trên một chiếc thuyền ở biển động để tự bảo vệ mình sẽ gạt sang một bên những khác biệt và hợp tác với nhau. Tuy nhiên, nước có thu nhập cao không phải gánh chịu hiện tượng thời tiết cực đoan và mực nước biển dâng cao nhiều như các nước nghèo (mặc dù các nước có thu nhập cao phải chịu trách nhiệm về việc phát thải phần lớn carbon dioxide vào khí quyển trong 200 năm qua). Dù trên cùng một chiếc thuyền, họ không chia sẻ cùng ý thức về sự cấp bách. Người Trung Quốc đã đạt được tiến bộ đáng kể từ khi Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 được thông qua vào năm 2011, và theo một báo cáo mới đây của Trường Kinh tế London, khí thải nhà kính của Trung Quốc có thể bắt đầu giảm đi trong vòng 10 năm, sớm hơn 5 năm so với dự kiến trước đây. Trong khi đó, Washington vẫn trì hoãn ngay cả khi nhiều bang và thành phố của Mỹ đã có những bước đi táo bạo để hạn chế khí thải carbon.

Tháng 11/2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cùng nhau cam kết mở rộng nghiên cứu và phát triển năng lượng sạch, cải tiến công nghệ thu giữ carbon, đưa ra các sáng kiến về thành phố khí hậu thông minh và các biện pháp khác nhằm giải quyết sự ấm lên toàn cầu. Họ cũng hứa giải quyết những trở ngại lớn đối với hiệp ước khí hậu toàn cầu. Nhưng các công ty dầu mỏ phương Tây tiếp tục phản đối điều luật về khí carbon, và quyết định của Obama phê chuẩn việc khoan dầu ở Bắc Cực làm xói mòn thông điệp khí hậu của chính ông.

Liệu hợp tác về khí hậu có chống lại được sự tiêu cực trong lĩnh vực an ninh hay không vẫn còn là điều phải xem xét vì Washington tỏ ra quyết tâm kiềm chế Trung Quốc. Chiến dịch gây cản trở Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và việc Mỹ khuyến khích binh lính Nhật Bản chiến đấu ở nước ngoài theo “quyền phòng vệ tập thể” đem lại cho người Trung Quốc nhiều bằng chứng hơn nữa về sự thù địch của Mỹ. Thật khó để hiểu được lòng tin có thể phát triển như thế nào khi mà các nhà lãnh đạo Mỹ, bất chấp những tuyên bố lịch thiệp về quan hệ đối tác và hợp tác, coi Chính phủ Trung Quốc là bất hợp pháp và phá sản về mặt đạo đức, và mong muốn nó sụp đổ (sự thay đổi chế độ).

+ Cuốn sách của ông ra mắt vào tháng 5/2015 – kể từ đó, sự tiêu cực xung quanh mối quan hệ Mỹ-Trung dường như đã đạt tới những tầm cao mới, đặc biệt là về các vấn đề thông tin mạng và Biển Đông. Nhận định của ông về tình trạng của mối quan hệ Mỹ-Trung hiện nay như thế nào? Ông cảm thấy lạc quan hay bi quan hơn về các mối quan hệ trong tương lai?

- Greg Austin đã có một cuộc tranh luận hay về “Tuyên truyền của Mỹ về Biển Đông và không gian mạng” trên The Diplomat.
Bên cạnh những đánh giá về đặc điểm đạo đức của Trung Quốc, ác cảm của Mỹ đối với Trung Quốc được bắt nguồn từ cảm giác lo lắng về sự trỗi dậy của nước này và viễn cảnh về sự suy tàn của Mỹ. Nhưng cũng có những lợi ích bất di bất dịch mạnh mẽ có được từ chiến tranh. Các nhà thầu quốc phòng như Lockheed Martin, Boeing, General Dynamics và Raytheon đã nhận được hơn 286 tỷ USD theo hợp đồng chỉ riêng trong năm 2014, hay hơn 63% tổng chi tiêu của Chính phủ Mỹ cho các hợp đồng. Điều này đang diễn ra trong thời điểm mà cơ sở hạ tầng rất cần được thay mới (năm 2013, Hội Kỹ sư xây dựng dân dụng Mỹ xếp cơ sở hạ tầng của quốc gia này vào hạng D+). Do chuỗi cung ứng vũ khí (và các công việc liên quan) trên thực tế trải rộng khắp mọi bang, nên gần như các nghị sĩ có phận sự bỏ phiếu ủng hộ chi tiêu cho quân sự.

Trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, sức mạnh quân sự của Liên Xô được thổi phồng là sự đảm bảo cho chi tiêu quốc phòng hào phóng hơn bao giờ hết. Nhưng với sự tan rã của Liên Xô, người ta cần tới một sự biện minh mới. Trung Quốc đã trở thành kẻ thù “thuận tiện” mặc dù cán cân quân sự vẫn nghiêng hẳn về phía Mỹ. Chẳng hạn, năm 2011, ngân sách quốc phòng của Mỹ là 739,3 tỷ USD, chiếm gần một nửa tổng chi tiêu quân sự toàn cầu. Lớn hơn gấp 8 lần so với ngân sách quốc phòng của Trung Quốc, nó chiếm 4,91% GDP so với con số 1,27% của Trung Quốc.

Những lợi ích cố hữu ngăn cản sự đồng cảm đối với bất kỳ nhà nước nào tình cờ cản trở họ. Mỹ vô cùng may mắn khi được bao bọc bởi 2 đại dương, bảo vệ nước này khỏi bị xâm lược. Mỹ chưa bao giờ phải chịu đựng kiểu chiến tranh khốc liệt mà họ gây ra cho những nước khác hết lần này đến lần khác. Mặt khác, người Trung Quốc đã phải trải qua một cuộc xâm lược và hủy diệt tàn bạo trên quy mô lớn. Nhật hoàng Hirohito đã cho phép tiến hành cuộc chiến “ba sạch” (sanko sakusen) – giết sạch, đốt sạch, cướp sạch. Rana Mitter đưa ra số người Trung Quốc bị giết trong Chiến tranh thế giới thứ hai là 15 triệu người (so với 500.000 người Mỹ). Chỉ trong 6 tuần, binh lính Nhật Bản đã tàn sát 300.000 dân thường và cưỡng hiếp 80.000 phụ nữ sau khi chiếm giữ thành phố Nam Kinh năm 1937. Cuộc kháng chiến chống Nhật (1937-1945) chỉ là hành động cuối cùng trong một chuỗi dài các cuộc xâm lược gây tê liệt, bắt đầu bằng cuộc xâm lược của người Anh 100 năm trước đây trong Chiến tranh Nha phiến (1839-1942).

Hãy tưởng tượng xem nếu tất cả những điều này từng xảy ra với Mỹ. Những mức độ thương vong đầy thảm họa đã có tác động hình thành rất lớn tới nước Cộng hòa Trung Hoa. Người Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố rằng họ không tìm kiếm chiến tranh hay bá quyền và trong lễ kỷ niệm 70 năm chấm dứt cuộc đấu tranh đầy cay đắng để sinh tồn, Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết cắt giảm PLA thêm 300.000 binh lính nữa ngay cả khi Mỹ “xoay trục sang châu Á” và củng cố liên minh xung quanh Trung Quốc. Đây sẽ là lần thứ 11 nước này cắt giảm biên chế quân đội kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949. Lần cắt giảm lớn nhất là 1 triệu sĩ quan và binh lính trong khoảng thời gian 1985-1990, gần 1/4 các lực lượng vũ trang. Washington chỉ phải tự đặt mình vào vị trí của Trung Quốc để hiểu rõ hơn xuất phát điểm của họ. Đáng buồn là, các nhà hoạch định chính sách Mỹ hầu như không thể hiện sự tôn trọng lịch sử hoặc thiên hướng đồng cảm, mà rõ ràng thích nhìn nhận thế giới theo phương diện “trò chơi được mất ngang nhau” gây tranh cãi.

+ Nếu được cố vấn cho Tổng thống Obama hoặc Chủ tịch Tập Cận Bình, ông có lời khuyên nào cho họ về cuộc gặp thượng đỉnh tại Washington, D.C. hay không?

- Nền kinh tế của Trung Quốc năm 2014 trong điều kiện thực tế đã vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới (hơn 18.000 tỷ USD). Đơn giản là người ta không thể kiềm chế nền kinh tế lớn nhất thế giới, một nền kinh tế tiếp tục mở rộng nhanh chóng ở mức 7% bất chấp sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu. Điều này được thể hiện đầy đủ qua nỗ lực thất bại nhằm gây trở ngại cho AIIB.

Trật tự kinh tế và tài chính có lợi cho phương Tây nhưng bất lợi cho phần còn lại là không thể đứng vững được về mặt đạo đức. Sự trỗi dậy của Trung Quốc đe dọa trật tự đó. Mỹ không chỉ chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc mà còn là sự trỗi dậy của những nước còn lại. Nước này tìm cách duy trì cán cân quyền lực Bắc-Nam nhưng điều đó đang trở nên khó khăn hơn. Cùng với sự nổi lên của khối BRICS, việc đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng trong những chương trình như “Một vành đai, một con đường” sẽ đẩy nhanh sự phát triển trong Thế giới thứ ba và về cơ bản tổ chức lại các mối quan hệ trong không gian, kinh tế và chính trị. Chẳng hạn, những tuyến đường sắt cao tốc sẽ mở cửa các khu vực rộng lớn của vùng nội địa Á-Âu, châu Phi và Amazon và tạo điều kiện thuận lợi cho việc di cư xuyên lục địa trên quy mô lớn, và làm xói mòn khái niệm nhà nước dân tộc theo Hiệp ước Westphalia. Biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm hiện tượng con người rời bỏ nhà cửa và sự khác biệt về thu nhập và sẽ ngày càng thể hiện sự nghi ngờ tới chủ nghĩa tiêu dùng lãng phí, thêm vào đó là tính hợp pháp của chủ nghĩa tư bản. Đồng thời, việc tách khỏi dầu mỏ sẽ làm suy yếu ưu thế của đồng USD và sẽ dẫn tới sự nổi lên của các cơ chế tiền tệ mới. Rất khó để kìm hãm những sự thay đổi mang tính kiến tạo đang diễn ra này.

Không hẳn là các nhà lãnh đạo Trung Quốc được trời phú cho khả năng thấu hiểu đặc biệt, nhưng giống như những nhà hàng hải người Bồ Đào Nhà từng đi vòng quanh Mũi Hảo Vọng và mở ra 5 thế kỷ thống trị của phương Tây, Trung Quốc tình cờ trở thành nơi hội tụ của nhiều nhân tố sẽ tạo nên kỷ nguyên tiếp theo. Về mặt lịch sử, Trung Quốc là một công cụ mới đem đến sự thay đổi, và sự trỗi dậy tình cờ của nước này không nên bị coi là một mối đe dọa mà là một cơ hội để xây dựng một ngày mai tốt đẹp hơn, công bằng hơn. Sẽ là khôn ngoan hơn nếu Mỹ và Trung Quốc hợp tác với nhau để kiểm soát sự thay đổi này một cách hòa bình, với việc cả hai bên đều cho và nhận. Một cuộc xung đột giữa hai cường quốc hạt nhân lục địa về các bãi đá và bãi ngầm ở Biển Đông không chỉ là quá mạo hiểm; đó là đỉnh điểm của sự ngớ ngẩn.

Theo “The Diplomat

Vũ Hiền