Va chạm lợi ích năng lượng giữa Trung Quốc và Nga tại khu vực Trung Á

20 năm đầu thế kỷ XXI được coi là “thời kỳ cơ hội chiến lược” phát triển trong hòa bình của Trung Quốc, cũng là thời kỳ then chốt thực hiện công nghiệp hóa và đô thị hóa với mức độ phụ thuộc liên tục gia tăng vào nguồn năng lượng của nước ngoài để phát triển kinh tế xã hội. Nhằm bảo đảm phát triển bền vững kinh tế, nhiệm vụ quan trọng để Trung Quốc thúc đẩy hợp tác năng lượng quốc tế là xây dựng hệ thống cung ứng năng lượng đa dạng, ổn định và đáng tin cậy, tăng cường hợp tác dầu khí với các quốc gia và khu vực sở hữu nhiều nguồn năng lượng trên thế giới. Hơn nữa, việc đi sâu hợp tác với các nước láng giềng như Nga và các quốc gia Trung Á trong lĩnh vực khai thác năng lượng và vận chuyển dầu theo đường ống, tranh thủ nguồn dầu khí từ đất liền ở xung quanh nhằm có nguồn cung ổn định lâu dài là khâu then chốt để Trung Quốc thực hiện chiến lược đa dạng hóa nhập khẩu năng lượng và phá vỡ “thế bế tắc tại eo biển Malắcca”.

Trung Á là một trong những khu vực dự trữ nhiều dầu mỏ và khí đốt nhất trên thế giới, lại có đặc điểm trữ lượng lớn, mới khai thác ít, đã thành “vùng đất tiềm năng” khai thác năng lượng thế giới thế kỷ XXI. Nhìn từ lịch sử phát triển năm nước Trung Á, ngành năng lượng như khí đốt, dầu mỏ là trụ cột phát triển kinh tế của những quốc gia này. Nhìn từ góc độ bổ sung lẫn nhau về thương mại, hàng hóa nhập khẩu chủ yếu của Trung Quốc từ các nước Trung Á là nguyên liệu thô mà trong nước thiếu. Bản chất của sự việc này được quyết định bởi điều kiện tài nguyên thiên nhiên quốc gia, cơ cấu sản xuất và giai đoạn phát triển kinh tế, cũng phù hợp với tư duy chiến lược của các nước Trung Á sử dụng năng lượng để thu hút đầu tư nước ngoài nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế.

Từ cấp độ tài chính, trải qua sự phát triển nhanh chóng trong 30 năm và tích lũy dự trữ ngoại hối trong một thời gian dài, nguồn vốn của Trung Quốc đang tích cực can dự sâu vào kinh tế của các quốc gia Trung Á. Đặc biệt là từ khi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới bùng nổ năm 2008 đến nay, hệ thống tài chính và kinh tế thực thể của Nga cùng các nước Trung Á đều bị tác động lớn, nhưng Trung Quốc không những thoát khỏi khủng hoảng do thay đổi tư duy và thực hiện những biện pháp kịp thời để ứng phó, mà còn sở hữu nguồn dự trữ ngoại hối trên 3000 tỷ USD, kiêu hãnh đứng đầu thế giới. Trong tình hình phương Tây và Nga thu hẹp đáng kể đầu tư kinh tế châu Á, Trung Quốc phát huy ưu thế tài chính của mình đã sử dụng mô hình “dầu mỏ đổi lấy tín dụng” để hợp tác năng lượng với các nước Trung Á. Tháng 4/2009, Trung Quốc và Cadắcxtan ký kết hiệp định Trung Quốc hỗ trợ tín dụng 10 tỷ USD cho Cadắcxtan. Tháng 6/2009, Trung Quốc ký hiệp định tín dụng cung cấp 4 tỷ USD cho Tuốcmênixtan. Hiện tại, các nước Trung Á không những coi Trung Quốc là đối tác thương mại chủ yếu, mà còn là nước đầu tư chiến lược quan trọng. Tín dụng do phía Trung Quốc cung cấp vừa trợ giúp các nước Trung Á duy trì và gia tăng khai thác năng lượng, vừa tạo điều kiện có lợi cho họ cung cấp năng lượng ổn định lâu dài cho Trung Quốc, phù hợp lợi ích của hai bên.

Lợi ích năng lượng của Trung Quốc tại khu vực Trung Á thể hiện: Thứ nhất, khu vực Trung Á nằm giữa lục địa Âu – Á, tiếp giáp phía Tây Trung Quốc là nơi có nguồn năng lượng dồi dào, là khu vực hợp tác chiến lược trọng điểm để Trung Quốc thực hiện phát triển ổn định phía Tây và mở rộng hợp tác đối ngoại về năng lượng. Thứ hai, ba nước có trữ lượng dầu mỏ lớn là Cadắcxtan, Tuốcmênixtan, Udơbêkixtan có hy vọng trở thành nước cung cấp dầu mỏ khí đốt tiềm năng của Trung Quốc. Thứ ba, trữ lượng urani của họ cũng rất khả quan, tiềm năng hợp tác năng lượng hạt nhân với Trung Quốc rất lớn. Thứ tư, vị trí vận chuyển quá cảnh của Trung Á quan trọng, xây dựng mạng lưới giao thông vận tải Âu - Á có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc bảo vệ an ninh vận chuyển năng lượng của Trung Quốc. Thứ năm, tài nguyên nước của Cưrơgưxtan và Tátgikixtan rất dồi dào nhưng tỷ lệ sử dụng ít, là một trong những khu vực có thể lựa chọn để hợp tác thủy điện với Trung Quốc trong tương lai. Về giai đoạn hiện nay, lĩnh vực trọng điểm hợp tác năng lượng với các quốc gia Trung Á là thăm dò khai thác dầu mỏ, khí đốt và quặng urani.

Dầu mỏ được Trung Quốc nhập khẩu từ khu vực Trung Á chủ yếu đến từ Cadắcxtan, trữ lượng dầu thô và lượng khai thác luôn đứng đầu các quốc gia trong khu vực, tiềm năng xuất khẩu dầu mỏ rất lớn. Lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc trong năm 2009 lần đầu tiên vượt quá 200 triệu tấn, lên tới 204 triệu tấn, vượt qua Nhật Bản trở thành nước nhập khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới, mức độ phụ thuộc vào dầu thô của nước ngoài đã vượt trên 50%, dự kiến năm 2020 tăng lên 65% nhu cầu dầu thô trong nước, do đó, nhiệm vụ đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng rất cấp bách. Hiện nay, thông qua tuyến đường ống dẫn dầu Trung Quốc – Cadắcxtan, mỗi năm, Trung Quốc nhập khẩu từ 10 đến 20 triệu tấn dầu thô, chiếm 10% lượng dầu thô nhập khẩu từ nước ngoài. Từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính đến nay, hai nước đã có những bước tiến triển mạnh mẽ trong lĩnh vực khai thác dầu khí. Năm 2008, những doanh nghiệp Trung Quốc chủ yếu là doanh nghiệp kinh doanh dầu mỏ đã khai thác 15 triệu tấn dầu thô tại Cadắcxtan (chiếm 21% lượng dầu thô khai thác hàng năm của nước này), gấp gần 2,5 lần lượng dầu mỏ mà các doanh nghiệp của Nga khai thác. Sau khi mua thành công một phần tài sản dầu khí của Cadắcxtan, lượng dầu thô mà các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư khai thác tại nước này năm 2009 đã tăng lên 18 triệu tấn, chiếm gần 23% tổng lượng dầu thô khai thác tại Cadắcxtan.

Về mặt khí tự nhiên, lượng dự trữ khí đốt của Tuốcmênixtan không những rất dồi dào mà tiềm năng xuất khẩu cũng rất khả quan. Quốc gia này là nước xuất khẩu khí đốt quan trọng nhất trong khu vực. Lượng khí tự nhiên của Cadắctan và Udơbêkixtan chủ yếu để tiêu thụ trong nước, khả năng xuất khẩu hạn chế. Tháng 12/2009, đường ống dẫn khí Trung Quốc-Trung Á bắt đầu vận hành. Căn cứ vào hiệp định khí đốt Tuốcmênixtan -Trung Quốc, Tuốcmênixtan sẽ xuất khẩu 40 tỷ m3 khí sang Trung Quốc thông qua đường ống này trong vòng 30 năm tới, còn Trung Quốc sẽ cung cấp cho họ 4 tỷ USD tín dụng ưu đãi. Việc mở ra tuyến đường ống này đã đánh dấu chiến lược đa phương hóa xuất khẩu của các nước Trung Á có bước tiến triển lớn, giảm bớt mức độ phụ thuộc quá mức vào đường ống dẫn khí qua Nga, nhưng hiển nhiên, điều này không phù hợp với lợi ích tổng thể của Nga mà khí đốt là ngành kinh tế mũi nhọn. Nga từng là quốc gia độc quyền nhập khẩu và vận chuyển quá cảnh khí đốt của Tuốcmênixtan ra nước ngoài.

Mặc dù hợp tác năng lượng giữa Trung Quốc và các quốc gia Trung Á luôn chủ yếu là hợp tác dầu khí, nhưng mấy năm gần đây cũng dần dần có xu hướng đa dạng, thể hiện nổi bật là hợp tác năng lượng hạt nhân với Cadắcxtan, xây dựng nhà máy điện và mạng lưới điện trong hợp tác với Cadắcxtan, Udơbêkixtan, Tátgikixtan và Cưrơgưxtan và hợp tác trong lĩnh vực khai thác than đá với Cưrơgưxtan.

Là hai nước láng giềng lớn của khu vực Trung Á, xuất phát từ lợi ích thương mại, an ninh quốc gia và địa chính trị, Trung Quốc và Nga đều hết sức coi trọng khu vực này, hai nước cần phải dựa vào nhau để ngăn chặn nước lớn khác thọc tay vào công việc Trung Á, bảo vệ an ninh khu vực Trung Á. Tuy nhiên, về mặt kiểm soát nguồn năng lượng và đường ống dẫn khí trong khu vực này, hai nước còn tồn tại bất đồng lợi ích: Là nước nhập khẩu năng lượng, Trung Quốc ra sức thực hiện đa dạng hóa nhập khẩu mặt hàng này, nhưng là nước sản xuất và vận chuyển xuyên quốc gia nguồn năng lượng, Nga lại cố gắng kiểm soát con đường vận chuyển đó và họ đã gây sức ép mạnh hơn đối với những quốc gia tiêu thụ năng lượng. Về lâu dài, khu vực Trung Á là không gian địa chiến lược không thể thiếu của Trung Quốc và Nga trong tương lai, cạnh tranh lẫn nhau và ảnh hưởng tiêu cực do cạnh tranh là không thể tránh khỏi, nhưng mặt khác, điều này cũng tạo thời cơ để hai nước nước mở rộng và đi sâu hợp tác hơn nữa.

Những năm gần đây, do chiến lược đa dạng hóa nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc được thúc đẩy vững chắc tại Trung Á, Nga cảm thấy lo ngại đối với việc Trung Quốc chia sẻ lợi ích kinh tế, đặc biệt là năng lượng trong khu vực. Nga cho rằng sự can dự nhanh chóng của Trung Quốc sẽ có thể gây ra hậu quả tiêu cực trên một số phương diện trong tương lai phát triển của Nga và khu vực Trung Á:

Trước hết, khả năng kiểm soát của Nga đối với năng lượng và nguyên liệu thô của Trung Á sẽ giảm sút, về trung và dài hạn, điều này sẽ làm tổn hại đến lợi ích năng lượng của Nga. Nếu cho rằng ngành sản xuất năng lượng như các lĩnh vực dầu mỏ, thủy điện, than của Nga dường như không chịu ảnh hưởng của tình hình năng lượng Trung Á, thì khí đốt và quặng urani lại là những tài nguyên cực kỳ quan trọng. Đặc biệt là trong giai đoạn then chốt cải cách ngành điện lực, Chính phủ Nga đã xây dựng quy hoạch phát triển cả sản xuất điện và cơ sở hạ tầng mạng lưới điện, một mặt phải đảm bảo cung ứng khí đốt cho nhà máy phát điện đang xây dựng, mặt khác phải thực hiện đa dạng hóa sản xuất năng lượng và cơ cấu tiêu dùng, đồng thời, xác định rõ hàng loạt chỉ tiêu cần phải đạt được vào trước năm 2030, trong đó, tỷ trọng điện hạt nhân trong cơ cấu ngành điện của Nga sẽ tăng từ 15,8% hiện nay lên tới 23-25%.

Từ đó, có thể thấy về mặt xu hướng năng lượng khu vực Trung Á, Trung Quốc và Nga đã tạo thành quan hệ cạnh tranh. Đối với hoạt động khai thác dầu mỏ và khí đốt tại khu vực Trung Á của Trung Quốc, Nga thể hiện đầy đủ địa vị quan trọng của họ - nước vận chuyển năng lượng xuyên quốc gia. Ngày 12/5/2007, lãnh đạo ba nước Nga, Cadắcxtan và Tuốcmênixtan cùng với Tổng thống Udơbêkixtan ra tuyên bố chung cho biết sẽ tiến hành cải tạo mới đối với đường ống dẫn khí từ Trung Á hiện có sang Nga, đồng thời, xây dựng thêm tuyến đường ống ven biển Caspi. Ngày 20/12/2007, Nga, Cadắcxtan và Tuốcmênixtan đã chính thức ký “Hiệp định đường ống dẫn khí tự nhiên ven biển Caspi”, dự kiến tuyến đường ống dẫn dầu từ Tuốcmênixtan sang Cadắcxtan đến Nga sẽ nối liền với tuyến đường cũ, thiết kế khả năng vận chuyển 2 tỷ m3 khí/năm. Một khi dự án đường ống dẫn khí đốt ven biển Caspi được thực hiện, khu vực Trung Á sẽ hình thành hệ thống ống dẫn khí với quy mô lớn nhất, tăng cường hơn nữa quyền lãnh đạo của Nga đối với việc vận chuyển năng lượng từ Trung Á ra bên ngoài. Ngoài ra, tiến triển trong lĩnh vực thăm dò khai thác urani giữa Trung Quốc với Cadắcxtan và Udơbêkixtan cũng ngày càng khiến Nga phải quan tâm lo ngại.

Thứ hai, khi hợp tác năng lượng giữa Trung Quốc với các quốc gia Trung Á không ngừng sâu rộng, môi trường cạnh tranh ngoài lĩnh vực năng lượng của các quốc gia trong khu vực cũng càng phức tạp hơn, đó là sự can dự tích cực của các doanh nghiệp năng lượng Trung Quốc sẽ làm gia tăng tranh chấp với các công ty nước ngoài, trong đó có các quốc gia ở Đông Á và phương Tây. Phía Nga cho rằng cạnh tranh quá mức sẽ phá vỡ sự cân bằng chiến lược giữa các khu vực tại lục địa Âu - Á, thúc đẩy các quốc gia Trung Á thực hiện chính sách rời xa Nga. Điều này không những làm cho nỗ lực liên kết năng lượng cũng như kinh tế của Nga trở thành con số không, mà còn có thể đẩy nhanh xu hướng phân hóa khu vực hậu Xô viết.

Thứ ba, trong giai đoạn hiện nay, cơ cấu thương mại “lấy sản phẩm chế tạo đổi lấy sản phẩm thô” hình thành giữa Trung Quốc với Nga và các quốc gia Trung Á không có lợi cho sự xác lập thực tế quan hệ đối tác chiến lược Trung - Nga tại khu vực này mà chỉ làm gia tăng khả năng xung đột lợi ích giữa hai bên. Đặc trưng tổng thể cơ cấu ngành sản xuất của các nước Trung Á là mô hình tập trung tài nguyên, trái ngược với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế Trung Quốc, trình độ phát triển kinh tế xã hội của các nước Trung Á khá thấp, mà phổ biến tồn tại hiện tượng thiếu vốn. Tình hình thực tế này làm cho nhiều dự án hợp tác lớn trong khu vực phụ thuộc vào đầu tư của Trung Quốc, để tình hình này tiếp tục kéo dài không những rất khó hình thành cục diện phát triển cùng có lợi, mà còn không phù hợp với lợi ích lâu dài của Trung Quốc. Nếu Nga và các nước Trung Á chỉ xem xét từ góc độ Trung Quốc giành được nguồn cung năng lượng tại khu vực này, thì tính chất mất cân bằng nghiêm trọng trong phát triển kinh tế sẽ không thể bảo đảm một môi trường đầu tư ổn định, an ninh tại khu vực này. Do đó, họ đều mong muốn Trung Quốc có thành tựu trong lĩnh vực hợp tác kinh tế khu vực, thúc đẩy cân bằng xuất nhập khẩu và đầu tư hai chiều, nâng cao khả năng cạnh tranh của cả khu vực trong nền kinh tế thế giới, từ đó tăng cường lợi ích chung giữa Trung Quốc và Nga trong bảo vệ an ninh khu vực Trung Á.

Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO): Con đường hiệu quả điều hòa quan hệ năng lượng giữa Trung Quốc và Nga

Mặc dù, Trung Quốc và Nga tồn tại khác biệt lớn về lợi ích năng lượng khu vực Trung Á, mục tiêu chiến lược mà hai nước theo đuổi cũng không hẳn giống nhau, nhưng lợi ích lâu dài của hai nước với các quốc gia Trung Á mang tính thống nhất một cách khách quan: Đó là cùng duy trì ổn định chiến lược lục địa Âu – Á, thúc đẩy phát triển lành mạnh kinh tế xã hội trong khu vực. Đối với Trung Quốc và Nga, sau sự kiện khủng bố 11/9/2001 ở Mỹ, từ góc độ địa chiến lược, Mỹ có ý đồ lợi dụng sự có mặt về quân sự tại Trung Á để kiềm chế hai nước Trung - Nga, mà đây lại là mối quan ngại lớn về an ninh xung quanh nước mình và lợi ích chiến lược tổng thể của Trung Quốc và Nga.

Lâu nay, Nga tự cho rằng ảnh hưởng của họ trong khu vực mạnh hơn các nước lớn khác, luôn thúc đẩy Tổ chức hiệp ước an ninh tập thể (ODKB) do Nga kiểm soát trở thành tổ chức an ninh chính của khu vực Trung Á, đồng thời, có ý đồ thông qua cơ chế quốc tế không bao gồm Trung Quốc như Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và cộng đồng kinh tế Đông Á để thúc đẩy tiến trình liên kết kinh tế khu vực. Tuy nhiên, sau sự kiện 11/9, Mỹ đã xác lập được ưu thế chiến lược tại khu vực Trung Á là nơi họ vốn ít đặt chân tới, trong khi thế lực của Nga trong khu vực này lại kém xa thời kỳ Liên Xô. Do đó, những năm gần đây, thái độ của Nga đối với việc tăng cường hợp tác Trung – Nga trong khuôn khổ Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) có xu hướng tích cực, bởi vì khác với các tổ chức SNG và ODKB do Nga giữ vai trò chủ đạo, sự cân bằng trong nội bộ khu vực của SCO là lợi ích của hai nước lớn. Chỉ giải quyết vấn đề Trung Á qua đàm phán trong khuôn khổ SCO, Trung Quốc và Nga mới có đầy đủ năng lực để chống lại sự thâm nhập của Mỹ tại khu vực Trung Á, mà nếu chỉ dựa vào sức của một nước thì không thể thực hiện được.

Là tổ chức hợp tác và an ninh khu vực, SCO có đặc điểm nổi bật khác là tạo điều kiện cho các nước Trung Á có thể tìm được con đường thúc đẩy hợp tác và an ninh với các nước lớn khu vực trên cơ sở bình đẳng. Do đó, các nước Trung Á rất muốn tham gia SCO và thực hiện những biện pháp thực tế nhằm phát triển an ninh và kinh tế khu vực, như xây dựng lòng tin, chống khủng bố, chống buôn bán ma túy, bảo vệ an ninh biên giới, hợp tác và đầu tư kinh tế thương mại, cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông và khai thác năng lượng. Trong khuôn khổ tổ chức SCO, tuy điều kiện khả năng của bốn nước thành viên (Cadắcxtan, Udơbêkixtan, Cưrơgưxtan, Tátgikixtan) không thể bằng được hai nước láng giềng lớn mạnh, nhưng mục tiêu chiến lược của họ cũng có điểm tương đồng với Trung Quốc và Nga: Trung Quốc, Nga dựa vào SCO để đối trọng với sự bá quyền của Mỹ, bốn nước kia lại sử dụng SCO để cân bằng các lực lượng bên ngoài. Do Trung Quốc là lực lượng để đối trọng với Mỹ, Nga, nên Trung Quốc tiến vào Trung Á có thể giúp các nước này xây dựng đường ống dẫn dầu mới, đồng thời tạo thêm hướng mới xuất khẩu năng lượng, vì thế, các nước Trung Á nói chung đều mong muốn tăng cường hợp tác năng lượng trong khuôn khổ SCO.

Sự phát triển của SCO là bức tranh thu nhỏ phản ánh sự thay đổi chính trị của nước lớn trong khu vực Trung Á. Những năm gần đây, Trung Quốc luôn tích cực tham gia hoạt động có liên quan đến SCO, đồng thời, thúc đẩy ngoại giao song phương mạnh mẽ với các quốc gia Trung Á, sử dụng các biện pháp thương mại, đầu tư để gia tăng ảnh hưởng trong khu vực này. Còn nước Nga hiện nay - siêu cường một thời - lại đóng vai trò nước lớn khu vực nhiều hơn. Trước ảnh hưởng và hành động tích cực của Trung Quốc ngày càng gia tăng trong khu vực này, Nga bắt đầu có nhận thức thực tế rằng SCO có thể trở thành vũ đài hợp pháp để họ theo đuổi lợi ích, chia sẻ trách nhiệm, giải quyết vấn đề cùng quan tâm, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Ở cấp độ chiến lược, Nga chủ yếu hy vọng SCO phát huy vai trò của Tổ chức an ninh tập thể, chỉ phát huy vai trò kinh tế hạn chế trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng chung. Trung Quốc thì hy vọng SCO có thể gặt hái thành công về thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực ở mức độ cao hơn và xây dựng không gian năng lượng thống nhất. Xuất phát từ những lo ngại đó, phía Nga rất nhạy cảm đối với đề xuất xây dựng khu vực mậu dịch tự do của phía Trung Quốc, lo lắng sự tự do trao đổi hàng hóa, tiền vốn, lao động sẽ dẫn đến “sự bành trướng kinh tế” của Trung Quốc đối với Nga và các quốc gia Trung Á, ảnh hưởng đến việc phát huy vai trò chủ đạo của Nga trong khối cộng đồng kinh tế Âu –Á và sự kiểm soát của Nga trong khai thác tài nguyên năng lượng và mạng lưới đường ống dầu khí xuất khẩu của khu vực Trung Á.

Trung Quốc và Nga đều là nước chủ chốt tham gia công việc Trung Á, tuy hai nước tồn tại bất đồng trong vấn đề Trung Á, nhưng trong cạnh tranh, hai bên có thể dần dần đi đến sự đồng thuận quan điểm “thiệt một bên là thiệt cả hai”. Cạnh tranh ở Trung Á cho dù về chính trị hay chiến lược đều không phù hợp với lợi ích của hai nước Trung - Nga, bởi vì điều này có thể làm cho nhiều nhân tố phá hoại trong khu vực (như chủ nghĩa khủng bố, buôn bán ma túy...) có điều kiện nảy sinh. Trên thực tế, vấn đề cấp bách nhất của hai nước là thúc đẩy hợp tác khu vực Trung Á, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng. Bởi vì, trong thời đại toàn cầu hóa với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng mạnh, năng lượng đã trở thành lĩnh vực hợp tác phát triển nhanh chóng nhất. Ván cờ năng lượng ở Trung Á, dù là tranh giành hay “cuộc chơi không có người thắng” giữa Trung Quốc và Nga không thể đem lại bất kỳ lợi ích lâu dài cho bên nào. Ngược lại, việc sử dụng hiệu quả tiềm lực năng lượng, thống nhất tiến trình liên kết kinh tế khu vực, tránh cạnh tranh vô tổ chức, cùng hưởng lợi từ các nguồn lực như chính trị, kinh tế, quân sự, năng lượng, cùng chống lại sức ép bên ngoài mới là con đường đáng tin cậy để Nga và các nước Trung Á phát triển mô hình đổi mới công nghiệp.

Phân tích trên có thể thấy việc thành lập Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) không những phản ánh lợi ích chung bảo vệ an ninh khu vực Trung Á, mà còn có thể trở thành sân chơi thuận lợi để phối hợp quan hệ năng lượng và tăng cường hợp tác khu vực. Tính chất bổ sung thế mạnh cho nhau của các nước thành viên SCO về nguồn năng lượng, thị trường năng lượng và vận chuyển năng lượng là rất rõ ràng. Hiện nay, nhiệm vụ cấp bách nhất trong hợp tác năng lượng của tổ chức này là phải xây dựng một cơ chế hợp tác liên quan đến cân bằng lợi ích giữa nước sản xuất, nước nhập khẩu, nước vận chuyển quá cảnh, xác định dự án hợp tác cấp thiết nhất, có khả năng nhiều nhất đem lại lợi ích thiết thực cho các nước thành viên, tạo ra cục diện cùng thắng lợi của tất cả các nước thành viên.

Theo cách nói của Nga, để cùng Trung Quốc thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, giai đoạn hiện nay phải tận dụng đầy đủ tiềm lực xuyên quốc gia của các nước thành viên, tăng cường vai trò cầu nối Âu - Á của khu vực này, hình thành không gian vận chuyển và mạng lưới giao thông xuyên quốc gia thống nhất, từ đó tạo cơ sở duy trì ổn định chiến lược nội bộ lục địa Âu - Á, cân bằng và phát triển bền vững nền kinh tế. Hiện nay, thúc đẩy xây dựng hành lang vận chuyển quốc tế trong khuôn khổ khu vực Trung Á và SCO là một trong những phương hướng nỗ lực của Nga, thể hiện rõ mong muốn của Nga nắm bắt cơ hội để củng cố vị thế vận chuyển quá cảnh của họ, đồng thời, họ cũng không muốn riêng Trung Quốc giành được tài nguyên ở Trung Á. Nga cố gắng thận trọng duy trì ý đồ chiến lược giữ thế cân bằng khu vực này.

Về phía Trung Quốc, trên thực tế, ngoài gia tăng nhập khẩu năng lượng từ Nga và các nước Trung Á - được coi là sự lựa chọn quan trọng hàng đầu trong chiến lược đa dạng hóa nguồn nhập khẩu năng lượng, một giải pháp lớn khác để tăng cường an ninh năng lượng của Trung Quốc là mở ra con đường vận chuyển đến thẳng châu Âu, cũng có nghĩa là Trung Quốc sẽ xây dựng lại “con đường tơ lụa năng lượng mới”, từng bước hình thành hệ thống hợp tác mang tính tổng hợp trên tất cả các tuyến, đồng thời cũng giúp các nước Trung Á mở rộng đường xuất khẩu năng lượng, từ đó phát triển liên kết kinh tế khu vực và chấn hưng nền kinh tế của các quốc gia trong khu vực này, có thể coi đây là nhất cử lưỡng tiện, các bên đều lợi.

Từ đó có thể thấy, ý tưởng mở ra “con đường tơ lụa năng lượng mới” của Trung Quốc và kế hoạch xây dựng “cầu nối lớn Âu-Á” của Nga và các quốc gia Trung Á gặp nhau từ nhiều hướng, có thể trở thành đầu mối vững chắc kết nối chặt chẽ lợi ích phát triển và lợi ích an ninh của các nước, vì thế, cũng là phương hướng đột kích trọng điểm trong hợp tác giữa Trung Quốc, Nga và các quốc gia Trung Á từ nay về sau. Những năm gần đây, Trung Quốc đã gia tăng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vận chuyển tại Trung Á, hàng loạt dự án mang tính điển hình có nhiều bên tham gia, cùng hưởng lợi ích lần lượt được triển khai, trong đó có các dự án sử dụng và mở rộng cơ sở hạ tầng năng lượng và mạng lưới hiện có (đường ống dẫn dầu, đường dây tải điện), cải tạo hiện đại hóa đường sắt, đường bộ. Việc xây dựng mạng lưới vận chuyển giao thông khu vực Trung Á vừa bảo vệ được lợi ích của Trung Quốc, vừa xem xét đến lợi ích của Nga, đem lại thành quả mà đối phương có thể nhìn thấy, giúp Nga thấu hiểu và tán đồng quan niệm an ninh năng lượng mới mà cốt lõi là “hợp tác cùng có lợi, phát triển đa chiều, hiệp đồng bảo đảm” mà Trung Quốc đưa ra. Không những thế, việc làm này còn tạo điều kiện để quan hệ Trung - Nga phát triển toàn diện, tăng cường lòng tin, thực hiện an ninh năng lượng chung.

Là lực lượng chủ đạo ổn định và phát triển lục địa Âu-Á, Trung Quốc và Nga ngày càng nhìn vào lợi ích lâu dài, nhưng họ đều không thể một mình hoàn thành nhiệm vụ hợp tác quy mô lớn xây dựng khu vực Trung Á và các khu vực xung quanh họ. Do đó, chỉ có xây dựng ý tưởng cùng có lợi thuận theo dòng chảy thời đại và thực tế khu vực này, tận dụng điều kiện thuận lợi của Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) để thúc đẩy hợp tác năng lượng, sử dụng nhân tố Trung Á để phát huy vai trò mang tính xây dựng tích cực hơn trong quan hệ năng lượng giữa Trung Quốc và Nga, mới khắc phục được khó khăn và trở ngại còn tồn tại trong hợp tác Trung-Nga, xây dựng hòn đá tảng và đảm bảo sân chơi hợp tác năng lượng kiểu mới.

Theo Tạp chí Ngoại giao Trung Quốc

Quốc Trung (gt)