XiJinping.png

Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân năm nay đem lại một cơ hội mới cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama thảo luận về mối đe dọa toàn cầu nghiêm trọng nhất đối với an ninh hạt nhân: sự thách thức của Triều Tiên trong vấn đề hạt nhân. Vụ thử hạt nhân lần thứ tư vào tháng 1 và vụ phóng tên lửa tầm xa vào tháng 2 của Triều Tiên đã trở thành chất xúc tác cho sự hợp tác của Trung Quốc với Mỹ để thông qua một nghị quyết mạnh mẽ hơn kỳ vọng của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, theo đó lên án Triều Tiên vì các nỗ lực phát triển hạt nhân của nước này. Một lợi ích chiến lược có từ lâu trong sự ổn định trên bán đảo Triều Tiễn vẫn là lý do hàng đầu của Trung Quốc trong việc duy trì các mối quan hệ gần gũi với Bình Nhưỡng và đôi khi chống lại các nỗ lực quốc tế trừng phạt chế độ tại Triều Tiên vì các hoạt động hạt nhân của nó. Nhưng hội nghị thượng đỉnh năm nay diễn ra vào một thời điểm khi sự tức giận của Trung Quốc đang tăng lên đối với việc Triều Tiên sẵn sàng coi sự ủng hộ của Trung Quốc là dĩ nhiên và đặt các lợi ích chiến lược của Trung Quốc vào thế nguy hiểm.

Các hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng

Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân, được Tổng thống Obama khởi động vào năm 2010 đã tập trung vào sự cần thiết phải bảo vệ các nguyên liệu hạt nhân để chúng không rơi vào tay các phần tử khủng bố hay thành phần phi nhà nước khác. Những hội nghị này, được tổ chức 2 năm 1 lần, cũng đem lại cơ hội cho các cuộc thảo luận bên lề giữa các nhà lãnh đạo về các mối đe dọa cấp bách đối với an ninh hạt nhân toàn cầu, trong đó có các cuộc tham vấn giữa Mỹ và Hàn Quốc trong hội nghị năm 2012 tại Seoul và các cuộc đàm luận về Triều Tiên được trông đợi giữa Obama, Tập Cận Bình, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bên lề hội nghị năm nay.

Trong hơn một thập kỷ qua, Trung Quốc vừa được coi là một đối tác quan trọng để đạt được quá trình phi hạt nhân hóa tại Triều Tiên, vừa được coi là bên tạo điều kiện (dù cố ý hay không cố ý) cho sự phát triển hạt nhân của Triều Tiên, và là bên đảm bảo cho sự tồn tại của chế độ Triều Tiên. Các vai trò khác nhau này của Bắc Kinh được thúc đẩy bởi 3 lợi ích của nước này về Triều Tiên mà đôi khi xung đột với nhau: không chiến tranh, không bất ổn và không hạt nhân. Các cuộc đàm phán 6 bên do Bắc Kinh tổ chức, một diễn đàn ngoại giao nhằm mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên, phục vụ như là một cầu nối cho phép Trung Quốc tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên dưới thời Chính quyền George W. Bush. Bên trong khuôn khổ này, Tuyên bố chung của 6 bên tháng 9/2005 đã chứng tỏ là đỉnh cao của ngoại giao đa phương đối với Triều Tiên, trong đó Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và Triều Tiên nhất trí với các nguyên tắc gắn quá trình phi hạt nhân hóa với bình thường hóa quan hệ ngoại giao, phát triển kinh tế, và các mục tiêu hòa bình dựa trên một khuôn khổ “hành động cho hành động”.

Theo sau vụ thử hạt nhân lần đầu tiên của Triều Tiên vào tháng 10/2006, vai trò cầu nối của Trung Quốc giữa Mỹ và Triều Tiên đã chịu nhiều áp lực. Thành công ban đầu của Bắc Kinh trong việc nối lại các cuộc đàm phán 6 bên chỉ vài tuần sau vụ thử hạt nhân đã đi kèm với một sự quở trách công khai mạnh mẽ chưa từng thấy từ phía Trung Quốc đối với Triều Tiên và một sự nguội lạnh trong quan hệ chính trị cấp cao giữa 2 nước.

Để đáp trả vụ thử hạt nhân lần thứ hai của Triều Tiên vào tháng 6/2009, Trung Quốc đã nhất trí với một nghị quyết được củng cố đáng kể của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhưng sau đó lại quyết định rằng ủng hộ Triều Tiên thay vì cư xử lạnh nhạt với nước này có thể là một cách tiếp cận hiệu quả hơn mà cũng sẽ giúp khôi phục ảnh hưởng của Trung Quốc tại Bình Nhưỡng. Tháng 10/2009, chuyến thăm của cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tới Bình Nhưỡng vào dịp kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ Trung-Triều đã đánh đấu sự thay đổi của Trung Quốc hướng tới một sự ủng hộ cấp cao dành cho Triều Tiên. Cách tiếp cận tích cực hơn của Trung Quốc bao gồm gia tăng hỗ trợ tài chính, các cam kết về phối hợp chính trị chặt chẽ hơn, và có tới 8 cuộc gặp giữa Kim jong-il và các nhà đàm phán cấp cao của Trung Quốc trong năm 2011. Tuy nhiên, hệ quả của việc này là Trung Quốc cũng đã trở thành bên bảo vệ và tạo điều kiện cho Triều Tiên, khi Bắc Kinh bảo vệ Bình Nhưỡng trước sự trừng phạt quốc tế tại Liên hợp quốc sau vụ tàu hải quân Cheonan của Hàn Quốc bị chìm vào tháng 3/2010 và vụ Triều Tiên nã pháo vào đảo Yeonpyeong vào tháng 11 sau đó. Thay vì gây áp lực đối với Triều Tiên, Trung Quốc đã ưu tiên sự ổn định, với việc Ôn Gia Bảo nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm căng thẳng và “sử dụng mọi nỗ lực của chúng ta để thúc đẩy hòa bình và ổn định tại Đông Bắc Á”.

Sự bất hòa dưới thời Kim Jong-un

Sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Triều Tiên đã chấm dứt với cái chết của Kim Jong-il vào tháng 12/2011 và sự nổi lên của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un, người kể từ đó đã thể hiện sự ngờ vực và khinh thường đối với các nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiềm chế sự phát triển hạt nhân của Triều Tiên. Vụ thử hạt nhân lần thứ ba của Triều Tiên đã diễn ra vào tháng 2/2013, trùng với thời điểm Tập Cận Bình lên nắm quyền với tư cách là nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc và dường như thể hiện sự độc lập đối với Bắc Kinh. Kết quả của hành động này là sự bất hòa và lạnh nhạt nghiêm trọng giữa Trung Quốc và Triều Tiên, bất chấp việc hai nước này có chung nguồn gốc hệ tư tưởng cũng như các ràng buộc mang tính đồng chí và địa lý.

Sau vụ thử hạt nhân lần thứ ba của Triều Tiên, Tập Cận Bình đã ủng hộ một nghị quyết cứng rắn hơn kỳ vọng của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, có lập trường gay gắt hơn về việc Trung Quốc lâu nay cung cấp năng lượng cho Triều Tiên, và cho phép Trung Quốc thực hiện các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Tập Cận Bình sau đó tới Sunnylands, California để tham dự một hội nghị thượng đỉnh song phương với Obama vào mùa Hè năm 2013, nơi ông tỏ ý sẵn sàng thăm dò hợp tác Trung-Mỹ về vấn đề Triều Tiên. Ông tuyên bố rõ ràng rằng quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là một ưu tiên đối với Trung Quốc, bên cạnh duy trì sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Tập Cận Bình nói với Obama rằng Trung Quốc và Mỹ “có chung lập trường và mục tiêu”. Tuy nhiên, lập trường chung của Trung Quốc đối với Triều Tiên vẫn kiên định khi nước này cùng theo đuổi “hòa bình, ổn định và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên”.

Tập Cận Bình đã thể hiện sự bất mãn của mình đối với Kim Jong-un bằng cách từ bỏ các nỗ lực duy trì một mối quan hệ đặc biệt với Đảng Lao động Triều Tiên, đảng sáng lập và nắm quyền tại nước này. Mối quan hệ song phương bị hạ cấp xuống mức “quan hệ bình thường giữa các nhà nước” vào năm 2013. Tập Cận Bình cũng đã 6 lần gặp Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cho dù chưa từng gặp trực tiếp Kim Jong-un. Ông đã nhấn mạnh vào những cam kết phi hạt nhân hóa của Triều Tiên như là một điều kiện tiên quyết để nối lại các trao đổi lãnh đạo cấp cao với Bình Nhưỡng.

Vụ xử tử Jang Song-theak vào tháng 12/2013 đã nổi lên như là một chướng ngại hơn nữa cho sự tiến triển của quan hệ Trung-Triều dưới thời Kim Jong-un. Jang Song-thaek, một đặc phái viên tại Trung Quốc, đã là đối tác chính bên phía Triều Tiên trong việc thiết lập hai khu phát triển kinh tế lớn tại Hwanggeumpyong và Rason dọc biên giới hai nước. Vụ xử tử Jang Song-thaek thể hiện một cú sốc và bước lùi đối với hợp tác chính trị Trung-Triều. Tuy nhiên trong khi quan hệ ngoại giao giữa hai nước trở nên nguội lạnh, các trao đổi kinh tế vẫn tiếp tục diễn ra. Thương mại song phương chính thức đạt đỉnh vào năm 2014 ở mức 6,87 tỷ USD. Trung Quốc đã công bố các hạn chế đối với quan hệ tài chính của Triều Tiên vào tháng 5/2013, nhưng việc thực thi không đều đặn các biện pháp trừng phạt bên phía Trung Quốc đã chẳng làm được gì nhiều để ngăn chặn các doanh nghiệp nhà nước của Triều Tiên gắn mình vào các chuỗi cung cấp của Trung Quốc, vốn là một biện pháp hiệu quả để né tránh các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc và có được nguyên liệu cho sự phát triển tên lửa và hạt nhân.

Việc Triều Tiên đột ngột mời Lưu Vân Sơn, nhân vật đứng thứ 5 trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, tham dự lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên vào tháng 10/2015 dường như ra tín hiệu cho một sự tan băng trong quan hệ. Trong bài diễn văn vào tháng 10, Kim Jong-un không trực tiếp nhắc tới sự phát triển hạt nhân, nhưng Bình Nhưỡng cũng không đem lại cho Lưu Vân Sơn một cam kết từ bỏ phát triển hạt nhân. 3 tháng sau, Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ tư.

Ban đầu, Trung Quốc đã có phản ứng chậm trước vụ thử hạt nhân lần thứ tư. Ngoại trưởng Vương Nghị, chứ không phải Chủ tịch Tập Cận Bình, đã có các cuộc trò chuyện qua điện thoại với những người đồng cấp bên phía Hàn Quốc và Mỹ. Phải gần 1 tháng sau vụ thử, Tập Cận Bình cuối cùng mới có các cuộc trò chuyện qua điện thoại với Obama và Park Geun-hye. Trong cuộc điện thoại với Tập Cận Bình, Park Geun-hye đã thúc giục có các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với Triều Tiên và đề nghị Trung Quốc sử dụng lực đòn bẩy của mình đối với chế độ Kim Jong-un. Đáp lại, Tập Cận Bình nói rằng “trong bất kỳ trường hợp nào, Trung Quốc trước sau như một sẽ nỗ lực để thực hiện quá trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, bảo vệ hòa bình và ổn định trên bán đảo và giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại và đàm phán”.

Các ưu tiên thay đổi đối với Trung Quốc?

Sự thách thức của Triều Tiên đối với Trung Quốc đã khuyến khích sự hợp tác chặt chẽ hơn của Trung Quốc đối với các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc, khi Triều Tiên công bố về một vụ phóng tên lửa ngay trước thềm chuyến thăm tới Bình Nhưỡng vào tháng 2 của Vũ Đại Vĩ, đại diện của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán 6 bên. Vụ phóng đã làm gián đoạn các hoạt động ăn mừng Tết Nguyên đán và thúc đẩy sự hợp tác của Trung Quốc với Mỹ về một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mà tương đương với một lời kêu gọi các nước thành viên cô lập Triều Tiên và kiểm tra mọi hàng hóa được chuyên chở ra vào nước này bằng tàu thủy. Khó có thể tưởng tượng Kim Jong-un có thể làm gì để khiến Trung Quốc, nhà bảo trợ và bên ủng hộ bên ngoài lớn nhất của ông, tức giận hơn nữa.

Tuy nhiên cho tới nay, Kim Jong-un có lý do hợp lý để coi sự hỗ trợ về kinh tế của Bắc Kinh là dĩ nhiên. Ông biết rằng các mục tiêu chính của Bắc Kinh là ngăn chặn bất ổn và chiến tranh trên bán đảo, vì vậy ông có thể phán đoán rằng Trung Quốc có thể sẵn lòng chấp nhận một Triều Tiên có năng lực hạt nhân để tránh những nguy cơ lớn hơn của cuộc xung động quân sự tiềm tàng. Tương tự, Kim Jong-un có thể lợi dụng các lo sợ địa chiến lược của Trung Quốc: Đối với Bắc Kinh, điều duy nhất tồi tệ hơn một vùng đệm Triều Tiên ngang ngạnh là một biên giới chung với một bán đảo thống nhất dưới sự kiểm soát của Seoul, ràng buộc trong một liên minh với Washington.

Một trong số các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc là đảm bảo rằng các quan hệ của nước này với nước láng giềng Triều Tiên vẫn ở mức thân mật. Nhưng sự thù địch đang gia tăng từ Triều Tiên có thể khiến Trung Quốc chú ý tới các đảm bảo của Hàn Quốc và nhận ra rằng một bán đảo thống nhất có thể là một kết quả có lợi. Bắc Kinh có thể được trấn an nếu có một cách thức rõ ràng để tránh sự hỗn loạn, đình chỉ chương trình hạt nhân của Kim Jong-un, và bắt đầu mà gần như không có sự ràng buộc. Đây quả thực là một yêu cầu khó khăn, nhưng nếu Tập Cận Bình và Obama mở rộng sự phối hợp chính sách về Triều Tiên khi xét tới các nguy cơ chung nảy sinh từ cam kết của chế độ Kim Jong-un đối với việc trở thành một nhà nước hạt nhân, nó sẽ đánh dấu một khởi đầu quan trọng./.

Tác giả Scott A. Snyder là nhà nghiên cứu cao cấp về Hàn Quốc và Giám đốc Chương Chính sách Mỹ - Hàn Quốc. Bài viết đăng trên “Council on forein relations” (ngày 31/3/).

Vũ Hiền (gt)