Việc phát triển các mối quan hệ gần gũi giữa Nga và Trung Quốc không phải là điều đã được dự đoán. Trong phần lớn nửa sau Chiến tranh Lạnh, hai nước đã có mối quan hệ lạnh nhạt, hay thậm chí là thù địch. Các cuộc tập trận quân sự Vostkok 2 năm 1 lần của Nga thường là nhằm chống lại một kẻ thù tưởng tượng giống với Trung Quốc. Cho dù các mối quan hệ ấm lên giữa hai nước trong thập kỷ qua, và các mối quan hệ giữa Nga với phương Tây đã xấu đi đáng kể vào năm 2013, vẫn chưa rõ sự gần gũi mới giữa Nga và Trung Quốc sẽ trở thành một liên minh mạnh mẽ hay không. Có rất nhiều điểm chưa rõ, vì thế chúng ta hãy bắt đầu với những gì đã biết. Nga đã và đang gia tăng nỗ lực vào việc chống lại phương Tây sau cuộc đại chinh phục Crimea và cuộc xung đột Ukraine. Moskva sẽ không chùn bước trong một thời gian; có thể cho tới khi Putin rời nhiệm sở, việc sẽ không xảy ra cho tới sớm nhất là năm 2018. Lập trường của Trung Quốc – có đôi chút mơ hồ và khó có thể xác định chính xác - là ẩn số quan trọng hơn trong phương trình này.

Một báo cáo của RAND chia các liên minh thành 3 loại: mang tính chiến thuật, lịch sử và tự nhiên. Các liên minh mang tính chiến thuật là các mối quan hệ một đêm và những sự hẹn hò tiếp xúc thông thường của thế giới địa chính trị. Chúng điển hình là nhiều trong việc giải quyết một lợi ích chung và không có sự tồn tại thực sự vượt ra ngoài điều đó. Kiểu thứ hai là liên minh lịch sử: mối quan hệ ổn định, lâu dài tồn tại qua bất cứ sự kiện, mối đe dọa hay chủ đề cụ thể nào. Kiểu liên minh thứ ba là liên minh mang tính tự nhiên: các mối quan hệ quốc tế mang tính bạn bè tâm giao. Các liên minh tự nhiên là liên minh có quan điểm chia sẻ về thế giới và cách thế giới hoạt động và nên vận hành. Tất cả những gì nói về sự hợp tác Nga-Trung ngày càng tăng về cơ bản đang thăm dò bản chất của liên minh giữa hai nước này. Liên minh này mang tính chiến thuật, lịch sử hay tự nhiên? Liệu những nước này chỉ đang hẹn hò tiếp xúc hay họ thực sự có mối quan hệ sâu sắc? Do các mối quan hệ không ổn định giữa hai nước trong thế kỷ trước, những lợi thế của một liên minh lịch sử là thấp. Cứ cho là cả hai nước đều có các hệ thống chính trị-kinh tế tư bản chủ nghĩa nhà nước phi dân chủ, nhưng ngay cả chủ nghĩa Cộng sản cũng không đủ để giữ họ ở bên nhau trong Chiến tranh Lạnh, khi họ bất đồng về ai là người theo đường lối Macxit, Leninnít nhiều hơn.

Việc hiểu được liệu những nước này hiện nay có chia sẻ một thế giới quan hay không có nghĩa là nhìn vào những tiêu chuẩn, lợi ích, lịch sử và tất cả kiểu những vấn đề hỗn độn và phức tạp khiến cho bất cứ câu trả lời ngắn gọn nào cũng không hoàn chỉnh. Nhưng những ngày này, đó gần như là về các thể chế toàn cầu. Hãy lấy ví dụ đất nước Dirkastan (tưởng tượng) có chính phủ dân bầu đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chính hoàng cung. Nếu các vị hỏi giới trí thức phương Tây cho rằng điều đó là tiến triển tốt hay xấu, câu trả lời nhất trí là cuộc đảo chính đáng lo ngại và tồi tệ. Chắc chắn là có nhiều ngoại lệ trong cuộc sống thực, nhưng tôi chỉ đang nói về sự phản ứng theo bản năng; lật đổ một chính phủ dân bầu bằng vũ lực nhìn chung bị phản đối như một vấn đề về nguyên tắc. Theo quan điểm của Trung Quốc, câu trả lời có thể giống như thế này hơn “Tại sao các vị quan tâm? Đó có phải là việc của các vị đâu?” và có lẽ cũng là “Các vị cũng nhận ra đó là một đất nước hư cấu, đúng không?”

Phương Tây nhìn chung nuôi dưỡng rất nhiều ý tưởng về nhân quyền, dân chủ, sự đa dạng, quyền của những người đồng giới, và quyền phụ nữ,… mà họ tin rằng đại diện cho những chân lý cơ bản, phổ biến, hợp đạo đức. Những quan điểm hợp với luân thường đạo lý này mạnh mẽ tới mức phương Tây về cơ bản sẽ thường nói rằng những đòi hỏi cụ thể về đạo đức này quan trọng hơn bất cứ quyền tự quyết định mang tính ý niệm nào. Đối với những nước không thuộc ý thức hệ này, sự đề cao của phương Tây đối với những chủ đề này thường không chỉ được xem là một cái cớ phi đạo lý cho việc can thiệp vào công việc của các nước khác, mà còn là một cách hành xử kiêu ngạo trong khi nói với những nước khác là họ thua kém về mặt đạo đức như thế nào.

Sự căng thẳng này thực sự là một phần lớn của những gì tạo ra một lập luận không đối xứng về việc phương Tây có lật đổ các chính phủ thông qua “các cuộc cách mạng màu” và những diễn biến như phong trào Mùa Xuân Arập hay không. Theo quan điểm của phương Tây, nó được xem là giúp đỡ các nước trong quá trình phát triển và lớn mạnh tự nhiên của họ hơn là sự ngang nhiên thâu tóm quyền lực chính trị. Ở Moskva và những nơi khác, nó được nhìn nhận chính xác dưới cùng ánh sáng như là việc tài trợ cho một cuộc đảo chính trong Chiến tranh Lạnh.

Trở lại Dirkastan, hiện nay khi mà một chính phủ mới lên nắm quyền, chúng ta có thể hỏi việc có các mối quan hệ tốt đẹp với Dirkastan quan trọng như thế nào. Nhà quan sát phương Tây có thể trả lời rằng các mối quan hệ tốt đẹp là quan trọng, do phương Tây ủng hộ chế độ dân chủ tự do, thương mại tự do và văn minh, và các mối quan hệ tốt đẹp cho thấy Dirkastan ít nhất có thể kiểm nghiệm được bằng việc đứng về phía đúng của lịch sử. Tuy nhiên, nhà quan sát Trung Quốc có thể trả lời: “Dirkastan ở chỗ quái nào nhỉ?” Dirkastan càng ở gần Trung Quốc thì mối quan hệ Trung Quốc-Dirkastan càng trở nên quan trọng.

Mối quan hệ này trở lại thành thứ tạo ra cuộc xung đột giữa phương Tây và Nga: những phạm vi ảnh hưởng. Liệu những nước này có nên có tiếng nói nhiều hơn về công việc của các nước láng giềng so với các nước xa xôi không? Ở Tây Bán cầu, câu trả lời của phương Tây là có và đã tạo ra nền tảng của học thuyết Monroe. Nhưng một chuỗi dài những sự kiện sau Chiến tranh thế giới thứ hai đã thấy phương Tây ngày càng ít có xu hướng tin vào những lập luận về phạm vi ảnh hưởng địa lý mạnh mẽ. Việc này đặc biệt nổi bật ở Ukraine, nơi nguồn gốc của cuộc chiến hiện nay có thể phần nào được quy cho việc nước này theo đuổi một tương lai châu Âu thay vì Nga.

Trung Quốc khá đồng tình với những lập luận về phạm vi ảnh hưởng này, nhưng có thể không hoàn toàn trung thành với chúng như Nga. Trung Quốc bận rộn ở châu Phi, hỗ trợ các nỗ lực cứu trợ dịch Ebola và gửi lực lượng gìn giữ hòa bình đến Nam Sudan. Tiền và các nhà ngoại giao Trung Quốc xuất hiện ở những nơi khác trên thế giới, bắt đầu một con kênh khổng lồ ở Nicaragua, và thiết lập một sự hiện diện quy mô lớn ở Iceland. Trong khi những thứ này có thể bị gạt bỏ như những phát triển hoàn toàn vì lợi ích riêng, chúng cho thấy một xu hướng khá thú vị hơn.

Trong chừng mức mà phương Tây có một phạm vi ảnh hưởng, trong 2 thập kỷ qua, phạm vi này đã phát triển lên để bao gồm toàn cầu. Ví dụ, hãy nhắc đi nhắc lại việc Mỹ hành xử như một cảnh sát của thế giới. Một phần đây là tiến triển quá nhanh không thể tránh khỏi của sự toàn cầu hóa. Ảnh hưởng của phương Tây mở rộng ra mọi nơi mà nó có lợi ích kinh tế, mà hóa ra là có ở khắp nơi. Khi Trung Quốc dần hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu hóa, nước này sẽ nhận thấy các thương gia của mình ngày càng đi xa quê hương; các sứ quán và các nhà ngoại giao chắc chắn là đi theo sau họ.

Những thay đổi trong tư thế toàn cầu của Trung Quốc phản ánh một thế tiến thoái lưỡng nan mà nước này đối mặt khi đấu tranh với các thể chế và quy chuẩn toàn cầu hiện nay. Nếu sự phản ứng tốt nhất trước những thách thức này chủ yếu được xem là mang tính chính trị, thì Trung Quốc có thể trung thành hơn với những lập luận về phạm vi ảnh hưởng. Ảnh hưởng chính trị có thể được xem là cuộc cạnh tranh được mất ngang nhau. Trong cách suy nghĩ này, nếu Việt Nam theo đuổi mối quan hệ gần gũi hơn với Mỹ, thì nước này sẽ phải đánh đổi mối quan hệ của mình với Trung Quốc. Do đó, những nỗ lực của phương Tây theo đuổi sự dân chủ hóa khắp thế giới về cơ bản làm giảm bớt ảnh hưởng và an ninh toàn cầu của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có thể lựa chọn xem xét phản ứng của nó đối với những tiêu chuẩn toàn cầu đang phát triển trên phương diện kinh tế. Trong trường hợp đó, sự can dự không phải là được mất ngang nhau; nó có thể là cùng có lợi. Chẳng hạn, con kênh mới ở Nicaragua có thể mang lại lợi ích cho cả Trung Quốc lẫn Mỹ theo các cách khó có thể tưởng tượng theo một quan điểm chặt chẽ về phạm vi ảnh hưởng. Một mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ sẽ không tự động chặn trước một cuộc xung đột hay thậm chí một cuộc chiến tranh, nhưng nó có nghĩa là sự can dự tăng thêm từ một phía không phải trả giá bằng sự mất ảnh hưởng của phía kia. Chính vì vậy tương lai mối quan hệ của Trung Quốc với phương Tây xoay quanh việc liệu Bắc Kinh ưu tiên chính trị hay kinh tế khi phản ứng trước những ảnh hưởng toàn cầu đang thay đổi. Cũng không có một câu trả lời dễ dàng dành cho Trung Quốc về vấn đề này. Thực trạng chính trị ở Bắc Kinh là việc chế ngự những thay đổi nhanh chóng và sự phát triển ồ ạt ở một đất nước 1,35 tỷ dân là hết sức khó khăn, đặc biệt là khi giới tinh hoa cầm quyền không sẵn có một số phương tiện và “các van áp suất” của chế độ dân chủ.

Một cách mà Bắc Kinh có thể duy trì sự kiểm soát chính trị là bằng cách kích động tình cảm dân tộc chủ nghĩa và khuấy động những sự oán giận lịch sử, điều mà Trung Quốc làm tốt và thường làm. Tuy nhiên, sự nguy hiểm ở đây là tình cảm như vậy có thể vượt ngoài tầm kiểm soát và có thể đẩy Bắc Kinh vào tình thế khó khăn. Hay nếu không đẩy vào tình thế khó khăn, thì ít nhất vào con đường kiên định chống phương Tây mà cuối cùng sẽ dẫn đến các mối quan hệ gần gũi hơn với Nga. Chính phủ Trung Quốc cũng có thể cân nhắc thực tế là việc duy trì sự giàu có và hạnh phúc cho dân chúng có thể là một cách quan trọng để bưng bít mọi việc. Cách tiếp cận này phụ thuộc nặng nề vào cách tiếp cận tất cả cùng có lợi về mặt kinh tế đối với việc can dự với phương Tây và các thị trường của nó, và cuối cùng có thể dẫn đến việc đặt Trung Quốc vào vị thế kiểu nhà nước trung gian hòa giải giữa phương Tây và Nga.

Thực sự không có cơ hội cho Trung Quốc tích cực ủng hộ phương Tây chống lại Nga vì nhiều lý do trong ngắn hạn, chủ yếu là do một hậu quả mang tính tàn phá mà một động thái như vậy sẽ có thể gây ra cho nguồn cung năng lượng và nền kinh tế nước này. Nhưng trong dài hạn hơn, mối quan hệ về địa lý giữa Trung Quốc và Nga ẩn chứa một số mầm mống gây ra cuộc xung đột trong tương lai. Cả Trung Quốc lẫn Nga đang trong quá trình xâm nhập về chính trị và kinh tế vào Trung Á. Nga cảm thấy nó có cái gì đó như là một quyền yêu sách lịch sử, do những nước đó đều nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của Moskva trong kỷ nguyên Liên Xô. Trong khi đó, Trung Quốc đã và đang thúc đẩy Con đường tơ lụa mới đi qua Trung Á, như một phần trong những nỗ lực của nước này xây dựng các mạng lưới kinh tế toàn cầu mới. Tương tự, Nga có thể chưa bao giờ có khả năng làm lay chuyển nỗi lo sợ dai dẳng xuất hiện cùng với việc nhận ra rằng Siberia, trong khi giàu tài nguyên một cách đáng kinh ngạc, đang kém phát triển và có dân cư phân bố thưa thớt, và nằm ngay phía bên kia biên giới của một nước đói năng lượng với dân số đông đúc.

Vì vậy, tất cả những điều này có nghĩa gì? Cho đến nay, dường như hai nước Trung Quốc và Nga chỉ vừa mới hẹn hò tiếp xúc. Nhưng ai mà biết được cuộc nói chuyện thân mật của họ là về cái gì?./.

Theo “Vice.com

Vũ Hiền (gt)