619026874.jpg

Năm 2016 là một năm bước ngoặt của mối quan hệ Mỹ-Philippines nói riêng và của cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung ở Biển Đông nói chung. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, một nhà lãnh đạo hay có những phát biểu gây sốc và gây tranh cãi, chính là trọng tâm của những mâu thuẫn địa chính trị này, bởi ông liên tục đe dọa sẽ chấm dứt liên minh quân sự kéo dài một thế kỷ nay giữa Philippines và Mỹ. Ông Duterte liên tục đưa ra những phát biểu mang tính lăng mạ, đe dọa và đả kích, nhằm nhấn mạnh chính sách không khoan nhượng của ông trong cuộc chiến chống buôn bán ma túy bất hợp pháp tràn lan. Khi Washington đe dọa rút lại gói viện trợ của Tổ chức Thách thức Thiên nhiên kỉ (MCC) trị giá 433 triệu USD do “những quan ngại về luật pháp và các quyền tự do dân sự ở Philippines”, ông Duteter đã tỏ thái độ phớt lờ và khẳng định rằng "không có viện trợ của Mỹ, nước ông cũng không chết đói". Ông Duterte còn quả quyết rằng Trung Quốc sẵn sàng lấp đầy khoảng trống viện trợ mà Mỹ để lại. Việc Philippines phụ thuộc ngày càng nhiều vào Trung Quốc cho thấy bức tranh địa chính trị trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông, bắt đầu được tái định hình.

Trong ít nhất 3 năm qua, dưới sự lãnh đạo của chính quyền Tổng thống Benigno Aquino, Philippines luôn là đối thủ "đáng gờm" nhất của Trung Quốc ở Biển Đông. Nước này đã tiên phong kiện Trung Quốc lên Tòa trọng tài nhằm bác bỏ những yêu sách của Bắc Kinh (ở Biển Đông). Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của ông Duterte, Philippines ngay lập tức “lật mặt”, coi nhẹ phán quyết của Tòa trọng tài, mô tả những tranh chấp ở Biển Đông chỉ là vấn đề song phương đơn thuần, đồng thời chọn phương thức đối thoại và can dự chứ không đối đầu với Trung Quốc. Ông Duterte đã đơn phương nhạo báng chiến lược xoay trục sang châu Á của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ở một khía cạnh nào đó, Washington rất lo lắng về một “làn sóng Duterte” tiềm tàng sẽ gây tan rã các nước đồng minh trong khu vực.

Tuy nhiên, thắng lợi bất ngờ của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua đã tô thêm một nét mới vào bức tranh này. Tại khu vực, người ta hy vọng ông Trump sẽ có những hành động mạnh mẽ và quyết liệt hơn để chống lại sự bành trướng trên biển của Trung Quốc. Còn ở Manila, người dân cũng hy vọng rằng quan hệ Mỹ-Philippines sẽ được cải thiện dưới sự lãnh đạo của chính quyền mới ở Mỹ.

Trước đó, tháng 10/2016, ông Duteter tới Bắc Kinh, hứa hẹn sẽ "li khai" Mỹ và gia nhập "hệ ý thức" của Trung Quốc, đồng thời "gác lại" phán quyết của Tòa trọng tài về Biển Đông. Trong khi đó, chính quyền Obama không ngừng gia tăng chỉ trích vấn đề nhân quyền của Philippines. Các đồng minh then chốt khác ở phương Tây như Liên minh châu Âu (EU) và Liên hợp quốc (LHQ) cũng "hùa theo". Tự tin vào sự ủng hộ của Trung Quốc, nhà lãnh đạo Philippines đã cười nhạo và lăng mạ các nhà lãnh đạo hàng đầu của Mỹ. Đến cuối năm 2016, Philippines và Trung Quốc đã công khai đàm phán về một thỏa thuận quân sự lâu dài ngay khi ông Duteter vừa giảm bớt mối quan hệ quân sự với Mỹ

Nhiều người cho rằng ông Duterte không thể từ bỏ mối quan hệ liên minh kéo dài một thế kỷ với Mỹ, song ông cũng có thể giảm bớt một số lĩnh vực hợp tác quân sự song phương với Mỹ để đối lấy việc cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Các báo cáo mới nhất cho thấy sẽ không còn những cuộc tuần tra chung trên Biển Đông giữa Mỹ và Philippines nữa. Các cuộc tập trận quân sự lớn như Cuộc tập trận Tấn công Đổ bộ Philippines (Phiblex) và Cuộc tập trận Hợp tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trên biển (Carat) được cho là đã bị xóa bỏ. Số phận của cuộc tập trận quy mô lớn Balikatan (vai kề vai) hiện chưa được định đoạt.

Những bất đồng về vấn đề nhân quyền có thể làm mối quan hệ song phương giữa chính quyền của ông Duterte và ông Obama trở nên nghiêm trọng hơn. Những khoản viện trợ khổng lồ của Mỹ cho Philippines cũng như việc Mỹ cung cấp trang thiết bị và súng cho cảnh sát của Philippines hiện đã bị trì hoãn. Có thể nói, mối quan hệ song phương đang ở mức thấp nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, việc ông Trump đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua có thể sẽ giúp khôi phục liên minh đang tan vỡ này.

Trong rất nhiều dịp, ông Duteter không hề giấu diếm sự vui mừng của ông khi biết ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ. Kể từ sau chiến thắng của ông Trump hồi tháng 11/2016, ông Duterte đã nói những điều tích cực về Tổng thống Mỹ đắc cử, thậm chí còn thừa nhận rằng ông ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua. Ông nói: “Tôi thích giọng điệu (của ông Trump), nó giống với tôi…chúng tôi giống nhau. Và bạn biết đấy, những người giống nhau thường tụ tập lại với nhau”.

Có nhiều yếu tố cho thấy ông Duterte có thể lạc quan về ông Trump. Đầu tiên, chính quyền Duterte hy vọng người kế nhiệm ông Obama sẽ là một người thực dụng, luôn đặt các lợi ích chiến lược lên trên các vấn đề nhân quyền và dân chủ. Chưa kể sau cuộc điện đàm thân mật đáng ngạc nhiên với ông Trump, ông Duterte đã khẳng định rằng ông Trump thậm chí còn hỗ trợ cuộc chiếc chống ma túy của ông.

Ngoài ra, ông Duterte hy vọng Mỹ sẽ áp dụng một cách tiếp cận đơn phương mạnh mẽ hơn với các tranh chấp trên Biển Đông. Không giống như chính quyền Obama, vốn luôn gây áp lực lên các đồng minh như Philippines trong vấn đề gánh vác chi phí nhằm hạn chế yêu sách trên biển của Trung Quốc, ông Trump được kì vọng sẽ khởi động một chính sách “hòa bình thông qua sức mạnh” theo phong cách của Tổng thống Ronald Reagan. Theo toan tính của ông Duterte, điều này có nghĩa là Philippines có thể đứng ngoài các tranh chấp ở Biển Đông và để cho 2 siêu cường tự đối phó với nhau. Về lý thuyết, điều này sẽ cho phép ông duy trì mối quan hệ tương xứng với cả 2 cường quốc, trong khi vẫn duy trì phạm vi hành động cho Manila. Với ông Duterte, Philippines nên đứng ngoài cuộc đụng độ của “những gã khổng lồ” và chỉ "chăm chút" cho những lợi ích quốc gia hẹp của mình.

Việc dự đoán tương lai chính sách của các nhà lãnh đạo có tính khí thất thường như Duteter hay Trump có lẽ là một việc làm vô bổ. Việc dự đoán động cơ của họ thậm chí còn nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, hiện giờ, Manila lạc quan cho rằng người kế nhiệm của ông Obama có thể sẽ gạt sang một bên những "hạt sạn" gần đây trong mối quan hệ song phương để hướng tới một kỷ nguyên mới mà trong đó Mỹ sẽ chứng tỏ vai trò lãnh đạo ở châu Á theo hướng thực dụng hơn và mạnh mẽ hơn.

Tác giả Richard Javad Heydarian là Phó Giáo sư về quan hệ quốc tế và khoa học chính trị tại đại học De La Salle. Bài viết đăng trên “National interest” (ngày 28/12).

Hương Trà (gt)