Gần đây, đã có mối quan tâm ngày càng tăng rằng chính sách ngoại giao dưới thời Tổng thống Joko "Jokowi" Widodo không còn coi ASEAN là một ưu tiên trong khi hầu hết các quốc gia khu vực đều kỳ vọng ASEAN sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong tương lai. Indonesia, quốc gia lớn nhất khu vực hay "anh cả", được cho vẫn sẽ tích cực trong ASEAN để đảm bảo uy tín khu vực và quốc tế của mình. Tuy nhiên, chính sách đối ngoại của Tổng thống Jokowi đối với ASEAN vẫn chưa rõ ràng. Qua các tuyên bố về chính sách đối ngoại, có vẻ như Jokowi chỉ ưu tiên các mối quan hệ đối ngoại khi nó mang lại lợi ích rõ ràng cho quốc đảo. "Chính sách ngoại giao của chúng tôi là tích cực và độc lập. Chúng tôi làm bạn với tất cả các nước; nhưng chỉ khi làm như vậy khi nó mang lại lợi cho nhân dân. Không kết bạn nếu chúng ta bị thiệt thòi”. 

Ông Jokowi dường như cũng cố gắng trả lời câu hỏi liệu ông có tiếp tục theo đuổi chiến lược ngoại giao của người tiền nhiệm Susilo Bambang Yudhoyono, người đã đưa ra phương châm đối ngoại "một triệu người bạn và không kẻ thù". Theo ông Jokowi, lợi ích quốc gia là yếu tố trung tâm trong việc ra quyết định làm bạn với nước nào: "Nếu kết bạn không mang lại lợi ích gì thì tôi sẽ không làm điều đó. Tiến hành các cuộc họp là tốt, nhưng không quá nhiều”. Điều đó có vẻ là logic ngoại giao của Jokowi khi nhìn nhận ASEAN và chính sách đối ngoại nói chung. Tất cả mọi thứ chỉ dựa trên lợi ích. 

Học giả KJ Holsti đã định nghĩa rằng chính sách đối ngoại là hành động của chính phủ được thiết kế để giải quyết vấn đề hoặc để thúc đẩy sự thay đổi trong một môi trường, chính sách, thái độ, hành vi của các quốc gia khác. Như vậy chính sách đối ngoại là một quyết định chiến lược được thực hiện bởi một quốc gia nhằm đóng góp và ảnh hưởng đến môi trường, hành vi của các quốc gia khác. Lợi ích kinh tế là quan trọng, nhưng chưa bao giờ được coi là yếu tố duy nhất trong chính sách đối ngoại. Nếu điều đó xảy ra, quốc gia dân tộc sẽ hành động như các công ty tư nhân vốn tìm cách tối đa hóa lợi nhuận mà thôi. Trong trường hợp của ASEAN, sự thay đổi rõ ràng trong chính sách đối ngoại của Indonesia đặc biệt đáng ngạc nhiên. ASEAN luôn là nền tảng trong chính sách đối ngoại của Indonesia từ thời Tổng thống Soeharto. Không chỉ bởi vì khu vực Đông Nam Á đã trở thành một trong những khu vực phát triển nhanh nhất thế giới, ASEAN cũng đã chịu ảnh hưởng lớn bởi vai trò tích cực của Indonesia. 

Chính quyền Tổng thống Yudhoyono đã có những thành công đáng kể trong chính sách ngoại giao đối với ASEAN, chẳng hạn như "tiến trình dân chủ" mà Indonesia tiến hành tại Myanmar hay quốc đảo thể hiện vai trò ngoại giao tuyệt vời trong việc giải quyết cuộc xung đột Thái Lan-Campuchia. Tăng trưởng kinh tế cao ở một số nước thành viên ASEAN cũng có thể được quy cho sự thành công của việc duy trì hòa bình trong khu vực. Tổng thống Philippines Benigno Aquino coi Indonesia là người bạn thật sự, Tổng thống Myanmar Thein Sein thừa nhận vai trò của Indonesia trong tiến dân chủ và ổn định của khu vực. 

Là một phần của truyền thống ASEAN, các nhà lãnh đạo mới được bầu sẽ có các chuyến thăm xã giao tới các nước trong khu vực trước khi đến thăm các nước ngoài ASEAN. Tuy nhiên, nghi thức truyền thống này dường như đã bị Jokowi làm gián đoạn khi chuyến công du quốc tế đầu tiên của ông trên cương vị mới là tới Trung Quốc. Tháng 11/2014, Jokowi tham dự APEC tại Bắc Kinh, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Myanmar và G-20 ở Brisbane, Australia. Đó là ba chuyến thăm làm việc, trong khi các "chuyến thăm hữu nghị" tới Malaysia, Thái Lan, Philippines, Singapore đã biến mất khỏi lịch trình của mình, nguyên nhân có thể Tổng thống Jokowi muốn tạo ấn tượng rằng chính phủ của ông khẩn trương "bắt tay vào việc" ngay lập tức. 

Tuy nhiên, trong quan hệ ngoại giao, có những vấn đề sâu xa khác mà chúng ta cần phải chú ý đến, trong đó có truyền thống đi thăm bạn bè ASEAN đầu tiên. Bên cạnh ấn tượng rằng Jokowi đã gạt ASEAN khỏi các ưu tiên trong chính sách đối ngoại, ông cũng được đánh giá đang đẩy Indonesia gần gũi hơn với Trung Quốc. Tại Hội nghị Á-Phi vào tháng Tư vừa qua, truyền thông đã loan báo rằng Trung Quốc đang thống trị các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ở Indonesia, báo hiệu sự thay đổi trọng tâm ngoại giao khi quốc đảo trải thảm đỏ cho Trung Quốc. Trớ trêu thay, Ủy ban Điều phối Đầu tư Indonesia (BKPM) đã thất vọng bởi sự tràn ngập các cam kết đầu tư của Trung Quốc trong sáu tháng đầu tiên của nhiệm kỳ của Tổng thống Jokowi, nhưng trong số 10 hiệp định đầu tư với Trung Quốc thì chỉ có một được cụ thể hóa cho đến nay. 

Sự hiểu biết của Jokowi về giá trị lịch sử và địa chính trị của ASEAN đã được thể hiện qua chiến dịch tranh cử tổng thống vừa qua. Jokowi đã tuyên bố rằng sẽ tốt hơn nếu Indonesia đứng ngoài vấn đề giữa các nước ASEAN khác liên quan đến Biển Đông. "Đó là một vấn đề của các nước khác. Nếu chúng ta thể hiện vai trò cũng là tốt, nhưng nếu chúng ta không có những giải pháp đúng, nỗ lực ngoại giao của chúng ta sẽ không dẫn đến bất cứ điều gì, thì tại sao chúng ta phải làm điều đó?”, những tuyên bố kiểu này của Jokowi chỉ thêm phần khẳng định nhận thức về ASEAN của vị tổng thống mới. Tuy nhiên, tin tưởng rằng Jokowi thực sự quan tâm thúc đẩy hợp tác ASEAN, sẽ tham gia theo hướng tiếp cận táo bạo về ASEAN, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực vào cuối năm nay, vai trò của Indonesia được chờ đợi sẽ đem đến kết quả tích cực hơn cho tương lai khu vực.

Tantowi Yahya, Phó Chủ tịch Ủy ban An ninh-Đối ngoại, Hạ viện Indonesia. Bài viết được đăng trên The Jakarta Post.

Trần Quang (gt)