Nhìn từ động hướng quân sự của Mỹ thời gian gần đây, dường như Mỹ đang tiếp tục tăng cường trạng thái đối đầu quân sự với Trung Quốc. Ví dụ, ngày 8/3, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Aston Carter tuyên bố, trong vài năm tới, số lượng tàu chiến của hải quân Mỹ được triển khai tại Thái Bình Dương sẽ tăng từ 52% hiện nay lên 60% vào năm 2013 trong tổng số tàu chiến của lực lượng hải quân Mỹ, trong đó còn bao gồm việc tăng thêm một tàu sân bay, nâng số tàu sân bay được triển khai tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương lên 6 chiếc. Trong các quân chủng của Mỹ, hải quân là quân chủng có khả năng nhất thể hiện năng lực tác chiến toàn cầu của Mỹ. Lục quân tạm thời không nói đến, so sánh với không quân thì hải quân càng cho thấy rõ năng lực tác chiến viễn dương và năng lực tác chiến lâu dài trong điều kiện chiến tranh của quân đội Mỹ. Trong các binh chủng của hải quân Mỹ, lực lượng có khả năng tấn công viễn dương và có sức đột phá mạnh nhất cũng chính là không quân hải quân lấy tàu sân bay làm bàn đạp tấn công. Tàu sân bay là “sân bay di động trên biển”. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, quần thể chiến đấu của tàu sân bay luôn là lực lượng nòng cốt của quân đội Mỹ trong việc thực thi triển khai can thiệp quân sự ở nước ngoài. Trong nhiều cuộc khủng hoảng quốc tế, sự lựa chọn đầu tiên của Chính phủ Mỹ nhằm phản ứng trước diễn biến tình hình chính là việc điều động tàu sân bay, đồng thời dựa vào quần thể chiến đấu của tàu sân bay để nhanh chóng chủ động giành quyền kiểm soát về hải quân và không quân tại khu vực xảy ra chiến sự. Sự lựa chọn này chủ yếu xuất phát từ thực tế, quần thể chiến đấu của tàu sân bay luôn trong trạng thái chuẩn bị chiến tranh cao, năng lực phản ứng nhanh mạnh, có sức răn đe lớn, bên cạnh đó còn có đặc điểm như bán kính tác chiến lớn, thời gian duy trì trạng thái chiến tranh dài. Ngoài ra, khi quy hoạch dự toán ngân sách quốc phòng tài khoá 2013, để nghiên cứu phát triển máy bay ném bom tàng hình tầm xa thế hệ mới, Lầu Năm Góc đã phân chia ngân sách riêng cho dự án này. Gần đây, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, tướng Norton A Schwartz, cho biết sở dĩ Mỹ tăng cường khoản đầu tư lớn cho nghiên cứu phát triển máy bay ném bom tàng hình tầm xa thế hệ mới là “tính đến việc có thể xuyên thủng và phá tan mạng lưới phòng không của Trung Quốc”. 

Phải chăng Mỹ đang tăng cường đối đầu quân sự với Trung Quốc? 

Tướng Norton A Schwartz cho rằng tại các tỉnh duyên hải miền Đông, Trung Quốc đã triển khai mạng lưới phòng không dày đặc, có tính năng tốt nhất trên thế giới; Iran cũng triển khai hệ thống phòng không nhất thể hoá tại các địa điểm trọng yếu xung quanh các cơ sở hạt nhân. Tướng Norton A Schwartz chỉ ra rằng để đối phó với năng lực quân sự có tính thách thức của Trung Quốc đang trong quá trình phát triển hiện nay, việc Lầu Năm Góc nghiên cứu phát triển máy bay ném bom tàng hình tầm xa thế hệ mới là một bộ phận hợp thành quan trọng của “khái niệm tác chiến nhất thể hoá không quân hải quân” đang được Mỹ quy hoạch triển khai. Trong khi Mỹ đang thu hẹp mặt trận quân sự trên phạm vi toàn cầu, thì tàu sân bay của hải quân Mỹ triển khai tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương không những không giảm mà còn có xu hướng tăng lên. Để có thể xé toang mạng lưới phòng không của Trung Quốc, không quân Mỹ cũng đang gấp rút xây dựng một phi đội máy bay ném bom tàng hình tầm xa thế hệ mới. Theo những động thái trên, quân đội Mỹ đã liệt Trung Quốc vào đối tượng cần đề phòng nhất. Đánh giá chiến lược của Mỹ cho rằng Trung Quốc là quốc gia đối địch lớn nhất trong tương lai và Mỹ gần như đã và đang chuẩn bị mọi phương án cho xu hướng này. Trong suy nghĩ của các nhà chiến lược Bắc Kinh, hầu hết các dự án đầu tư vào quân sự và nghiên cứu phát triển vũ khí của Mỹ đều có yếu tố Trung Quốc, coi Trung Quốc là kẻ thù giả tưởng chủ yếu nhất của Mỹ. Ngày 5/1/2012, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã công bố Chiến lược quân sự mới của Mỹ trong tương lai 10 năm tới, trong đó có 3 đặc điểm nổi bật là thu hẹp quy mô, thay đổi kết cấu và quan tâm khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong dự toán ngân sách quốc phòng của Mỹ năm tài khoá 2013, ngân sách chi cho lục quân bị cắt giảm nghiêm trọng, ngân sách chi cho không quân và hải quân vẫn tiếp tục được duy trì ở mức tương đối, đây chính là ý nghĩa cốt lõi trong chiến lược quân sự mới của Mỹ được thể hiện trên phương diện chi ngân sách quân sự. Phân tích kỹ chiến lược an ninh và triển khai quân sự của Mỹ trong những năm gần đây, nhận định cho rằng Mỹ đã tăng cường trạng thái đối đầu quân sự toàn diện với Trung Quốc tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương là vẫn còn quá sớm. Nhìn chung, chính sách “quay trở lại châu Á” của Chính quyền Obama trên thực tế nội dung cốt lõi là tăng cường quan hệ đối tác với các tổ chức và đồng minh khu vực, tái cân bằng trật tự ưu tiên ngoại giao, cân bằng quân sự khu vực, mở rộng thị trường thương mại với châu Á và duy trì quan hệ ổn định với Trung Quốc. Trong khi đó, Obama có thực hiện thuận lợi chính sách “quay trở lại châu Á” hay không, mấu chốt ở chỗ có thể duy trì quan hệ ổn định với Trung Quốc hay không. 

Iran làm cho Mỹ khó có thể ra tay 

Đối với lợi ích cốt lõi của phương Tây, cơ sở vũ khí hạt nhân Iran là vấn đề mang tính toàn cầu. Iran là cường quốc trung bình, sức mạnh tổng hợp vượt xa so với Irắc, Ápganixan, Libi và Xyri, trong khi đó Iran lại nằm kề con đường xuất khẩu dầu mỏ chủ yếu của vịnh Pécxích, đó là eo biển Hormuz, sử dụng vũ lực đối với Iran, tất yếu sẽ khiến eo biển này bị phong toả, đồng nghĩa với việc huyết mạch chính của nguồn năng lượng thế giới bị cắt đứt, nhất là đối với các quốc gia châu Âu đang lâm vào cuộc khủng hoảng nợ công, việc gây ra cuộc khủng hoảng này sẽ làm tăng thêm nhiều gánh nặng và nhân tố không xác định. Tuy nhiên, hiện nay các quốc gia phương Tây vẫn đang tăng cường gây sức ép với Iran trên tất cả các mặt như ngoại giao, kinh tế, quân sự. Cho dù Iran cương quyết không nhượng bộ trong vấn đề hạt nhân, cuối cùng sẽ khiến Mỹ, Ixraen phát động một cuộc tấn công quân sự đối với Iran, nhưng đây sẽ giống như việc chọc vào tổ ong, hậu quả ác tính đối với Mỹ, Ixraen là có thể nhìn thấy. NATO phát động chiến tranh đối với hai nước nhỏ là Irắc và Ápganixtan còn kéo dài đến 10 năm, cho dù mục tiêu tấn công của NATO lần này chỉ giới hạn bởi các cơ sở hạt nhân của Iran, không cuốn vào chiến tranh mặt đất, song Iran hoàn toàn có thể thực hiện chiến lược phản công “anh đánh theo cách của anh, tôi đánh theo cách của tôi”, chiến tranh sẽ lan rộng đến các khu vực khác. Tóm lại, chiến tranh Mỹ, Ixraen-Iran sẽ không thể kết thúc trong thời gian ngắn. Như vậy, sau khi Mỹ có thể kiểm soát được Iran, nguyên khí quốc gia sẽ hao kiệt nghiêm trọng, khả năng gây áp lực quân sự to lớn đối với Trung Quốc sẽ không còn như trước. Tóm lại, chỉ căn cứ vào việc Mỹ tăng cường tập trung lực lượng hải quân, không quân vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đã vội vàng đưa ra nhận định Oasinhtơn đang có ý đồ tăng cường trạng thái đối đầu quân sự với Trung Quốc, sẽ là không thận trọng. Trên thực tế, khi Mỹ tập trung quân lực tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, còn có ý đồ đối phó với các thách thức đến từ Iran, Trung Á, một số quốc gia Tây Á và còn tính toán đến việc cung cấp bảo đảm quân sự cho chiến lược kinh tế toàn cầu trong thế kỷ mới của Mỹ. 

Theo Mạng Tân Hoa (ngày 19/3)

Lê Sơn (gt)