Vậy, những thách thức này là gì và ảnh hưởng như thế nào đối với vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khu vực? "

Để thích ứng và cạnh tranh, chiến lược của Mỹ phải phản ánh một sự hiểu biết thấu đáo về nguồn gốc của sự thay đổi ở Châu Á. Mỹ không thể cạnh tranh đồng thời cả địa chính trị và kinh doanh trừ khi Mỹ hiểu được cặn kẽ nguồn lực cạnh tranh của mình. Mỹ vẫn chi phối phần lớn nền kinh tế toàn cầu, nhưng ở một số giai đoạn, bóng phủ kinh tế toàn cầu của Mỹ hiện nay nhỏ hơn so với năm 2008, thậm chí nhỏ hơn nhiều so với năm 1998. Hai thời điểm này là rất quan trọng bởi cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998 đã đánh dấu một thập kỷ đầy biến động, làm tăng các cuộc tranh luận gay gắt ở châu Á về sự phụ thuộc quá nhiều vào nền kinh tế phương Tây. Sau năm 2008, nhiều nước châu Á đã tập trung vào nhu cầu thị trường mới nổi, trong khu vực và nội địa.

Cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997-1998 đã gây tổn thất nặng nề cho nhiều nước châu Á. Lúc đó, Mỹ gần như đã "cắt đứt liên hệ với khu vực và sống khép kín". Washington đã từ chối bảo lãnh cho Thái Lan năm 1997, chỉ ba năm sau khi giải cứu Mexico. Nhiều nước châu Á bắt đầu tìm kiếm các giải pháp trong khu vực. Các ý tưởng hoán đổi tiền tệ, các thỏa thuận đầu tư, thương mại chỉ dành riêng cho khu vực châu Á, các quỹ trái phiếu khu vực và những ý tưởng khác đã xuất hiện và phát triển trong giai đoạn này. Nhiều ý tưởng đó đã không có sự tham gia của Mỹ.

Hiện nay, các thành phần thúc đẩy kinh tế có thể được nhìn thấy trong quan hệ Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), đối thủ cạnh tranh chính của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó bao gồm các thành viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 6 cường quốc khu vực nhưng không có Mỹ. Tuy nhiên, chủ nghĩa liên kết khu vực châu Á ngày nay sẽ đặt ra một thách thức khó khăn hơn so với biến thể của nó trong những năm 1990, một phần do bối cảnh tình hình đã thay đổi. Trung Quốc không phải là nước duy nhất thúc đẩy chủ nghĩa liên kết khu vực châu Á. Trong những năm 1990, Nhật Bản đã thúc đẩy một Liên minh Tiền tệ châu Á. Gần đây nhất, New Delhi tham gia Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Bắc Kinh lãnh đạo và Nhóm BRICS bất chấp mâu thuẫn ngày càng tăng giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Trung Quốc đang tìm cách lợi dụng chủ nghĩa liên kết khu vực châu Á để tập hợp chính sách kinh tế và đối ngoại của mình theo những cách chưa từng có. Việc Bắc Kinh cam kết chi những khoản tiền khổng lồ là nhằm tạo đòn bẩy cho các mục tiêu ngoại giao và kinh tế. Bị các đối thủ vây quanh, Trung Quốc được cho là "nạn nhân" của vị trí địa chiến lược của nước này. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang hưởng lợi từ vị trí địa lý kinh tế rất thuận lợi của mình.

Với những lý do như vậy, việc thúc đẩy mối liên kết khu vực châu Á là không thể tránh khỏi, bất kể quan điểm thế nào đi nữa của Washington. Vì vậy, Mỹ nên ủng hộ những gì đang xảy ra- chẳng hạn cơ chế đối thoại liên kết khu vực châu Á - như Mỹ ủng hộ các thể chế ở châu Âu.

Cuối cùng, các nhà hoạch định chính sách Mỹ phải trả lời ba câu hỏi:

Thứ nhất, những nhóm liên kết khu vực châu Á nào hay những hiệp định nào Mỹ có thể chấp nhận hoặc ảnh hưởng đến lợi ích cốt lõi của Mỹ? Những hiệp định thương mại hoặc những rào cản phi thuế quan ở khu vực sẽ giải quyết mối lo ngại này. Một ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng liên kết khu vực châu Á tài trợ xây dựng cầu, đường, các tuyến đường sắt cũng giúp các công ty Mỹ hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng tốt hơn vì Washington không thể cung cấp tài chính cho các dự án quy mô lớn.

Trong khi đó, Washington cần sự gắn kết cả chiến lược và chiến thuật. Hiện nay, Mỹ không có điều đó: Chính quyền Obama ban đầu cho rằng các thể chế khu vực châu Á không đe dọa lợi ích của Mỹ. Với Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, chủ yếu là hội thảo tọa đàm, Mỹ khuyến khích các đồng minh tham gia và cuối cùng Mỹ cũng tham gia. Nhưng bây giờ, với AIIB - một phương tiện sẽ cung cấp hàng tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng - Washington lại không khuyến khích các đồng minh tham gia và cũng tự gạt mình ra ngoài.

Thứ hai, ý tưởng liên kết khu vực châu Á sẽ bổ sung các biện pháp tiếp cận khu vực ưa thích của Mỹ? Một quỹ dự phòng châu Á và AIIB rất có thể sẽ bổ sung cho các cấu trúc hiện tại. Thay vì phản đối hoàn toàn, Washington ít nhất nên tìm cách trở thành quan sát viên của AIIB. Hoặc nếu lo ngại thiếu các tiêu chuẩn về môi trường và chống tham nhũng, khi đó Mỹ cần phải cố gắng định hình các tiêu chuẩn của tổ chức, hơn là đứng ngoài cuộc.

Thứ ba, Washington không thể đánh bại một thứ gì đó mà không có gì trong tay hay đơn giản đưa ra trò chơi cho riêng mình. TPP có lẽ là ví dụ rõ ràng nhất. Nếu một sự sắp xếp giống như RCEP đe dọa lợi ích của Mỹ, thì tại sao chính phủ Mỹ không dành sự quan tâm thỏa đáng cho TPP. Chính quyền Mỹ cần phải làm việc với Cơ quan Xúc tiến Thương mại của Quốc hội và "đem hiệp định đó về nhà".

Trên hết, Washington cần tăng cường ngoại giao kinh tế ở Châu Á. Điều này có nghĩa là khuyến khích một trật tự kinh tế thị trường mở cửa, tự do ở khu vực này. Cuối cùng, TPP là cần thiết nhưng chưa đủ. Một chương trình nghị sự mở rộng sẽ bao gồm các hiệp định đầu tư song phương với Trung Quốc và Ấn Độ, quan hệ đối tác công - tư sáng tạo để đưa Mỹ vào phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực Đông Nam Á. Quốc hội Mỹ cũng cần phải chú trọng hơn vào cải cách các thể chế tài chính quốc tế.

Mỹ vẫn sẽ là một cường quốc Thái Bình Dương và là một đối trọng chiến lược cần thiết ở khu vực. Những năm gần đây, trong bối cảnh Trung Quốc khiến các nước láng giềng lo ngại, vai trò an ninh của Mỹ đã được củng cố. Tuy nhiên, khi các nước Châu Á ngày càng dựa các sản phẩm hàng hóa, kinh tế của Trung Quốc, Washington có nguy cơ mất vai trò lãnh đạo trong khu vực. Mỹ chưa bao giờ e sợ cạnh tranh, nhưng để bảo vệ lợi ích, người Mỹ phải thích ứng với những thay đổi của Châu Á.

Theo “Diễn đàn Đông Á"

Anh Thư (gt)