Cả hai diễn biến này, tuy ở khai khu vực khác nhau, nhưng cũng có mối liên hệ nhất định. Trên Bán đảo Triều Tiên, việc Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc và áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên đã đẩy căng thẳng lên cao hơn. Và mới đây, quyết định mà Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) đưa ra đối với những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông có thể khiến cho những căng thẳng về vấn đề chủ quyền lãnh hải ngày một lớn.

Đối với Mỹ, đặc biệt là trong năm bầu cử tổng thống, đây là những điều hết sức tệ hại. Washington có thể là một cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, song hiện đang bị lôi kéo vào quá nhiều vấn đề ở những mức độ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Mỹ thậm chí còn không thực sự chi phối được số mệnh của mình. Mỹ phải đối diện với các căng thẳng ở châu Á còn nhiều hơn là ở châu Âu, và trong khi các kẻ thù và các đồng minh của Mỹ không ngừng cạnh tranh lẫn nhau thì Mỹ thường phải đóng vai trò “giải quyết hậu quả”.

Cùng với việc phải đối phó với nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin, Mỹ hiện phải đối mặt với một tình huống vô cùng khó xử và thậm chí là khó có thể giải quyết thỏa đáng. Nếu Washington tỏ thái độ quá nhân nhượng thì họ có thể bị coi là yếu đuối và khiến các phe phái khác có động lực để giải quyết vấn đề này theo cách của họ. Tuy nhiên, nếu Mỹ cương quyết kiểm soát tình hình và cản trở những kẻ thù tiềm năng thì chính Mỹ sẽ tự đẩy mình tới nguy cơ làm gia tăng căng thẳng và châm ngòi cho một cuộc xung đột mà họ khó có thể tránh khỏi.

Triều Tiên là một ví dụ điển hình. Đặc biệt là từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên năm quyền, Mỹ đứng trước một tình thế vô cùng phức tạp. Dưới sự lãnh đạo của nhà lãnh đạo trẻ tuổi này, Bình Nhưỡng càng trở nên khó lường. Điều mà cộng đồng quốc tế quan ngại nhất là Triều Tiên kiên quyết, thậm chí là sẵn sàng đánh đổi, đạt được mục tiêu trang bị quân sự, tiến tới chế tạo và sở hữu hệ thống tên lửa và vũ khí hạt nhân để đủ sức trở thành mối đe dọa lớn trong khu vực và trên thế giới.

Việc nghiên cứu phát triển các loại vũ khí này không đồng nghĩa với việc Bình Nhưỡng thực sự có tham vọng sử dụng chúng. Đa số các chuyên gia nước ngoài tin rằng mục đích chính của Triều Tiên trong việc theo đuổi “giấc mơ” sở hữu các loại vũ khí này là để ngăn chặn các thế lực nước ngoài can thiệp và thực hiện một cuộc thay đổi thế chế giống kiểu Iraq đối với Triều Tiên. Mặc dù vậy, rất khó để có những dự đoán chính xác về quốc gia bí ẩn nhất thế giới này, và rõ ràng không ai ngạc nhiên khi các nước láng giềng của Triều Tiên phải tính đến các biện pháp đề phòng.

Điều đó cho thấy quyết định triển khai THAAD ở Hàn Quốc là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, các hệ thống phòng thủ tên lửa như vậy cũng có thể đẩy căng thẳng lên cao dù chúng chỉ là hệ thống phòng thủ. Ở châu Âu, việc triển khai hệ thống lá chắn tên lửa ở Đông và Nam Âu, chủ yếu là để đối phó với mối đe dọa từ Trung Đông, rõ ràng đã khiến Nga tức giận, do lo ngại về việc mất đi khả năng tấn công các mục tiêu ở châu Âu bằng vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường từ lâu nay.

Do đó, có lẽ đây không phải lúc để áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với các quan chức và thể chế của Triều Tiên. Đáp trả biện pháp trừng phạt của Mỹ, Bình Nhưỡng cho biết họ sẽ đóng cửa kênh ngoại giao duy nhất với Mỹ qua phái bộ Liên hợp quốc. Về ngắn hạn, hậu quả dễ thấy nhất sẽ là tình hình hai công dân Mỹ hiện đang bị Triều Tiên giam giữ trở nên tồi tệ hơn. Còn về dài hạn, điều này sẽ khiến cho việc giải quyết các cuộc khủng hoảng trong tương lai trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, chìa khóa để giải quyết vấn đề Triều Tiên từ trước đến nay vẫn luôn là Trung Quốc. Bắc Kinh là đồng minh, và cũng là nhà tài trợ duy nhất của Bình Nhưỡng, và mặc dù Trung Quốc có những hạn chế nhất định trong việc kiềm chế các hoạt động của Triều Tiên thì họ mới là nước thực sự có những tác động đáng kể tới khía cạnh kinh tế và nhiều lĩnh vực khác của đất nước bị cô lập này. Vấn đề là quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng trong khu vực và Mỹ hiện đang bị xói mòn nghiêm trọng. Tuy nhiên khả năng xung đột toàn diện khó có thể xảy ra, thay vào đó, một cuộc chiến ở quy mô nhỏ, có liên quan tới Triều Tiên có nhiều nguy cơ trở thành hiện thực hơn. Điều này có lẽ là bởi Trung Quốc, một cường quốc thế giới về thương mại và xuất khẩu, không muốn bị cộng đồng quốc tế cô lập như Triều Tiên. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng có những tham vọng thực sự, với sức mạnh quân sự ngày một gia tăng và một chính phủ coi mục tiêu tăng cường sức mạnh địa chính trị là trọng tâm chính sách nội địa.

Do đó, phán quyết của tòa trọng tài đối với yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông có thể là một bước ngoặt, nhất là bởi nước này nhiều lần tuyên bố tẩy chay vụ kiện. Tuy nhiên, vấn đề của Bắc Kinh là hầu hết các quốc gia khác đều rất coi trọng vụ kiện và hơn thế nữa, tòa trọng tài đã phủ nhận mọi quyền mà Bắc Kinh tuyên bố đối với phần lớn vùng Biển Đông. Phán quyết mà PCA công bố có thể giúp các quốc gia như Philippines thêm tự tin và có động lực tiến hành những biện pháp mạnh mẽ hơn, song nó cũng có thể dẫn đến những hậu quả gây bất ổn nghiêm trọng. 

Đây không hoàn toàn là tin xấu. Mặc dù Tòa Trọng tài kết luận rằng Bắc Kinh đã vi phạm chủ quyền của Philippines, song phán quyết cũng đề xuất rằng các bên có thể chia sẻ quyền lợi- chẳng hạn như quyền đánh bắt cá- tại một số khu vực có tranh chấp như Bãi cạn Scarborough. Điều này có thể mở ra cơ hội hợp tác hoặc có thể sẽ làm tăng nguy cơ đối đầu.

Năm 2015, một cuộc thăm dò dư luận, do các chuyên gia an ninh quốc gia hàng đầu thực hiện, cho thấy nguy cơ chiến tranh thông thường hoặc chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Trung Quốc còn thấp hơn cả nguy cơ xảy ra một cuộc đụng độ tương tự giữa NATO và Nga. Tuy nhiên, nguy cơ các nước như Philippines, Nhật Bản và Việt Nam rơi vào một cuộc chiến với Trung Quốc thậm chí sẽ cao hơn rất nhiều.

Nếu hòa bình được xây dựng trên nền tảng đồng thuận, thì tình hình châu Á có lẽ đang đi theo hướng hoàn toàn ngược lại.

Theo Reuters

Văn Cường (gt)