Trung Quốc cần đến các cường quốc khu vực hạng trung như Malaysia cũng nhiều như họ cần Trung Quốc.

Phần lớn, chuyến thăm Bắc Kinh kéo dài 4 ngày của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad vừa qua gắn liền với điều đang trở thành kịch bản tiêu chuẩn cho các nhà lãnh đạo đến viếng thăm từ các nước láng giềng yếu kém hơn của Trung Quốc. Mahathir ca ngợi mô hình phát triển của Trung Quốc và yêu cầu Bắc Kinh giúp chống đỡ các vấn đề kinh tế trong nước của Malaysia. Và giống như những người đồng cấp của ông trên khắp Đông Nam Á, Mahathir không ra về tay trắng; hai bên đã ký kết một vài thỏa thuận, trong đó có một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương và một cam kết của Trung Quốc nhập khẩu dầu cọ và nông sản của Malaysia. Kịch bản này dường như có lẽ phản ánh các yếu tố của hệ thống triều cống của Trung Quốc phong kiến, mà ở đó các nước chư hầu ngoại vi sẽ tìm kiếm thương mại và sự ủng hộ với Trung Quốc đổi lấy việc phải thể hiện sự tôn kính. Đó là bởi một trật tự khu vực lấy Trung Quốc làm trung tâm, với các nước láng giềng yếu kém hơn của họ bị ràng buộc về mặt kinh tế và chiến lược với quỹ đạo của Bắc Kinh, về bản chất là điều hiện nay Bắc Kinh đang tìm cách thuyết phục khu vực này chấp nhận.

Những nét tương đồng trong lịch sử của các tham vọng của Trung Quốc hiện đại chắc chắn không bị Mahathir, ở tuổi 93 vẫn còn nhanh nhẹn, lãng quên, người lần đầu tiên bước vào Chính phủ Malaysia vào năm 1964, khi Bắc Kinh vẫn còn đang vật lộn với hậu quả của “Đại nhảy vọt” dưới thời Mao Trạch Đông. Tuy nhiên, thủ tướng không đảm nhận vai trò người cầu xin. Đúng hơn là để đặt mối quan hệ song phương căng thẳng này vào vị thế cân bằng hơn, Mahathir đã miêu tả Malaysia là đi theo dấu chân của Trung Quốc sau những giai đoạn ít vẻ vang hơn của lịch sử Trung Quốc. Chẳng hạn, ngay sau khi đắc cử vào tháng 6/2018, Mahathir đã viện dẫn kinh nghiệm của Trung Quốc đàm phán lại “các hiệp ước không công bằng” – một loạt hiệp ước nhục nhã mà triều đại nhà Thanh khi bị đe dọa tấn công đã ký kết với các cường quốc phương Tây vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 – như là lý do hợp lý của ông để đình chỉ khoảng 23 tỷ USD trong các dự án của Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) do Trung Quốc hỗ trợ vốn được ký kết với Chính quyền Malaysia trước đây. Và trong một buổi họp báo gần đây với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, ngay sau khi từ chối những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm khôi phục các dự án này, trên thực tế Mahathir đã miêu tả BRI là “một phiên bản mới của chủ nghĩa thực dân” trong khu vực. (Dĩ nhiên, những phần lãnh thổ của Trung Quốc bị thực dân hóa là kết quả của các hiệp ước bất công).

Dù sao thì việc thủ tướng được tiếp đón rất nồng nhiệt (và mang về nước nhiều điều tốt đẹp) cũng cho thấy rằng Bắc Kinh đang rút ra được bài học từ những sai lầm trong quá khứ, điều hướng các bãi mìn chính trị ở các nước đối tác vào thời điểm các dự án BRI ngày càng phải đối mặt với sự xem xét kỹ lưỡng trên khắp toàn cầu. Nó cũng phản ánh mức độ Trung Quốc vẫn cần đến Malaysia nhiều thế nào – và cách thức các cường quốc hạng trung như Malaysia hiện nay có thể uốn nắn mối quan hệ “triều cống” theo các mục tiêu của riêng họ.

Trung Quốc nhìn thấy gì ở Malaysia?

Sáng kiến “Vành đai và Con đường” trải dài và được định nghĩa một cách mơ hồ phục vụ cho một loạt mục tiêu của Trung Quốc. Một số dự án cơ sở hạ tầng nhằm mục đích mở cửa các tuyến đường thương mại đi vòng qua các nút thắt trên biển, mà nếu bị ngăn chặn thì sẽ khiến nền kinh tế Trung Quốc bị tổn hại, trong khi hội nhập các tỉnh kém phát triển hơn ở vùng nội địa Trung Quốc với nền kinh tế toàn cầu, giúp giảm bớt những sự mất cân bằng của cải quá mức giữa vùng ven biển và nội địa. Một số dự án BRI nhằm mục đích vun đắp tầm ảnh hưởng chính trị mà Bắc Kinh hy vọng có thể sử dụng để kéo các nước có tầm quan trọng chiến lược vào quỹ đạo của mình. Một số dự án (chẳng hạn như các cảng biển nước sâu) rốt cuộc là nhằm có chức năng như các căn cứ để Trung Quốc phát triển lực lượng hải quân biển khơi – hoặc ít nhất đó là điều những người chỉ trích BRI khẳng định. Ở một số nước, Bắc Kinh đơn giản là đang sử dụng sức mạnh ngoại giao của họ để giành được các hợp đồng cho các công ty ở trong nước và duy trì nền tảng công nghiệp rộng lớn của Trung Quốc hoạt động tốt mặc dù nền kinh tế Trung Quốc bước vào một giai đoạn tăng trưởng chậm kéo dài.

Vai trò của Malaysia trong BRI thể hiện tất cả các mục tiêu này. Giá trị chiến lược của nước này chủ yếu xuất phát từ vị trí của họ ở một trong những tuyến đường biển tấp nập nhất thế giới. Khoảng trống giữa bán đảo Malaysia và đảo Borneo của Malaysia là cửa ngõ phía Nam đến Biển Đông và một con đường lớn cho thương mại bằng đường biển về phía Eo biển Malacca, mà bán đảo Malaysia chạy dọc theo chiều dài eo biển này. Khoảng 80% dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc đi qua các vùng biển này; gần một nửa hàng xuất khẩu của Trung Quốc cũng vậy. Việc chặn lối đi này sẽ là một mối đe dọa mà Bắc Kinh không thể chịu đựng được. Malaysia cũng là một bên tranh chấp đối với các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ tham lam của Trung Quốc ở Biển Đông. Về bản chất, Bắc Kinh nôn nóng ngăn chặn nước này tập hợp với các nước tuyên bố chủ quyền khác như Philippines và Việt Nam chống lại thái độ quyết đoán của Trung Quốc ở vùng biển này – chưa nói đến việc liên kết chặt chẽ với Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc.

Kết quả là Malaysia là một trọng tâm của BRI. Các dự án quan trọng nhất như hai tuyến đường sắt mới, khi được kết nối với các tuyến đường đang được xây dựng xuyên qua Lào và Thái Lan, sẽ vận chuyển hàng xuất khẩu từ tỉnh Côn Minh chậm phát triển của Trung Quốc đến các cảng do Trung Quốc tài trợ ở cả hai bên bờ biển của bán đảo Malaysia, có tiềm năng sẽ làm xói mòn sự chi phối của Singapore (nơi có sự hiện diện quân sự đáng kể của Mỹ) đối với hoạt động vận tải biển của khu vực. (Mahathir đã đình chỉ cả hai dự án đường sắt, trong đó có một dự án đã hoàn thiện một phần mà Malaysia đã trả gần 5 tỷ USD). Các công ty Trung Quốc cũng giành được một loạt dự án phát triển thương mại lớn và hai đường ống dẫn khí tự nhiên (cũng đã bị hủy bỏ), cũng như dự án xây dựng bất động sản và đảo Forest City khổng lồ gần Singapore mà giờ đây Mahithir nói rằng sẽ không cho phép người nước ngoài mua (tức là người Trung Quốc).

Trung Quốc nhận thấy một cơ hội để thúc đẩy tầm ảnh hưởng của họ đối với các vấn đề chiến lược với người tiền nhiệm của Mahathir, cựu Thủ tướng Najib Razak. Tổ chức dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO) của Najib (tình cờ cũng do Mahathir lãnh đạo từ năm 1980-2003) đã cai trị đất nước này kể từ khi giành độc lập vào năm 1957. Tuy nhiên, bắt đầu vào năm 2015, Najib có dính líu tới một vụ bê bối tham nhũng lớn liên quan đến một quỹ đầu tư quốc gia mắc nợ trầm trọng tên là 1MDB. Cả Najib và các phụ tá của ông bị cáo buộc đánh cắp gần 4,5 tỷ USD từ quỹ này, trong đó có khoảng 700 triệu USD đã vào các tài khoản cá nhân của thủ tướng.

Để ổn định quỹ này và chấm dứt vụ bê bối trước cuộc bầu cử, Najib đã quay sang phía Trung Quốc. Theo chính quyền mới của Mahathir, ít nhất Najib đã bán các tài sản nhà nước cho các công ty Trung Quốc với những điều khoản có lợi và gửi các khoản vay của Trung Quốc thông qua một loạt công ty bình phong để bù đắp vào quỹ tiền của 1MDB. Đổi lại, Trung Quốc có được các hợp đồng để phát triển các dự án BRI của họ, với việc Malaysia phải gánh chịu gánh nặng nợ nần dài hạn không thể chấp nhận được. Việc tài trợ cho hai dự án đường ống dẫn khí tự nhiên như vậy được cho là đã bị “rửa tiền” thông qua một công ty có quan hệ với một phụ tá của Najib vào lúc tâm điểm của vụ bê bối 1MDB (một nhân vật mà các quan chức Malaysia nói hiện đang trốn lệnh bắt giữ ở Trung Quốc). Najib luôn im lặng một cách đáng chú ý về vấn đề tranh chấp lãnh thổ của hai nước trên Biển Đông. Thậm chí Malaysia còn mua 2 chiếc tàu chiến của Trung Quốc.

Dĩ nhiên, việc Bắc Kinh đánh cược vào UMNO đã phản tác dụng. Sau 15 năm đứng ngoài lề chính trị, Mahathir có khả năng thống nhất phe đối lập vốn rạn nứt sâu sắc và hất cẳng người trước đây ông từng bảo trợ trong cuộc bầu cử vào tháng 5/2018. Ông đã làm điều này một phần bằng cách biến sự cứu trợ tài chính của Trung Quốc cho Najib trở thành một vấn đề lớn trong cuộc vận động tranh cử, cáo buộc Najib bán chủ quyền của Malaysia và hứa hẹn giảm bớt tầm ảnh hưởng của Trung Quốc nếu đắc cử. Một Najib dường như từng không thể tổn hại giờ đây đang chờ đợi phiên xét xử đối với các cáo buộc rửa tiền, một câu chuyện mang tính cảnh tỉnh cho các chính phủ khác về tính mơ hồ của BRI có thể làm gay gắt thêm tình cảm bài Trung Quốc ngấm ngầm như thế nào – và cảnh tỉnh Bắc Kinh về việc bị mắc kẹt trong luồng chính trị địa phương sai lầm.

Vạch ra đường hướng của riêng mình

Tuy nhiên, việc Mahathir quay trở lại nắm quyền đã không giáng một đòn chí tử chính xác cho những tham vọng của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Trong chuyến thăm của Mahathir, thủ tướng đã rút lại những lời chỉ trích gay gắt nhất của ông đối với Bắc Kinh trong chiến dịch vận động tranh cử, cố gắng đổ lỗi gánh nặng nợ nần ngày càng tăng của nước này lên người tiền nhiệm của ông thay vì khoản cho vay mang tính trục lợi của Trung Quốc. Quả thật, hầu như không có bằng chứng rõ ràng cho thấy rằng phản ứng dữ dội trước đầu tư của Trung Quốc thực sự là điều đã làm xoay chuyển cuộc bầu cử. Vì nhiều lý do khác nhau, đảng Mặt trận Dân tộc (liên minh do UMNO lãnh đạo) đã đánh mất sự ủng hộ của người dân trong hơn 1 thập kỷ, và những tin tức truyền miệng cho thấy sự ủng hộ lâu dài của người dân dành cho Mahathir đủ để đưa phe đối lập lên vị trí hàng đầu. Câu châm ngôn rằng “tất cả chính trị là địa phương” có thể đã sáo mòn, nhưng nhìn chung nó cũng đúng. Việc làm ăn kinh doanh với Trung Quốc có thể sẽ không có rủi ro chính trị ghê gớm đối với việc các nhà lãnh đạo Malaysia tiến lên.

Trung Quốc cũng không thực sự cần phải lo ngại việc Mahathir mở ra một quan hệ đối tác Mỹ-Malaysia mạnh mẽ hơn đáng kể hay có động thái quyết liệt để chống lại các lợi ích chiến lược của Trung Quốc. Chẳng hạn, trong chuyến thăm của mình, nghe nói Mahathir cũng không gây áp lực đối với Bắc Kinh về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Kể từ khi lên nắm quyền, ông đã đề xuất một lệnh cấm tất cả tàu chiến nước ngoài neo đậu ở các cảng ven biển – một đề xuất không đi đến đâu cả, nhưng phản ánh thời vận không liên kết ở Malaysia có lợi cho chiến lược của Trung Quốc đến mức độ nó hạn chế sự hiện diện của Mỹ và Nhật Bản ở các vùng biển tranh chấp. Quả thật, trong 22 năm đầu tiên Mahathir nắm quyền, quan hệ của Malaysia với phương Tây thường cùng lắm cũng chỉ là không vững chắc. (Trái lại, dưới thời Najib, quan hệ của Malaysia với Mỹ vẫn tương đối ổn định mặc dù Bộ Tư pháp Mỹ và truyền thông Mỹ đóng vai trò nòng cốt trong việc phơi bày vụ bê bối 1MDB).

Giống như hầu hết các nước ở Đông Nam Á, Malaysia nôn nóng “đi nước đôi” và tránh việc rõ ràng ủng hộ Trung Quốc hay Mỹ và các đồng minh của họ. (Có lẽ nước hưởng lợi lớn nhất của động lực này sẽ là Nhật Bản, mạnh thường quân chính của Malaysia trong phần việc đầu tiên của Mahathir khi cầm quyền và là nơi thủ tướng đến thăm đầu tiên sau cuộc bầu cử vừa qua). Những quan ngại lớn nhất của họ là ở trong nước, xét tới tình hình địa lý bất ổn và thành phần sắc tộc của họ, và họ hầu như không có lợi ích gì trong việc bị mắc kẹt giữa những làn đạn giữa các nước lớn hơn. Rốt cuộc, điều mà chuyến thăm của Mahathir nêu bật nhất là Trung Quốc cần đến các cường quốc khu vực hạng trung như Malaysia nhiều như họ cần Trung Quốc – và trong một khu vực mang tính cạnh tranh chiến lược như Đông Nam Á, thì điều này cho họ định hướng nào đó để vạch ra đường hướng của riêng mình.

Theo Geopolitical Features

Trần Quang (gt)