Gần 45 năm sau, khi ra tranh cử tổng thống và phát biểu trước một đám đông đầy nhiệt huyết, ông hồi tưởng: “Tôi đã chờ cậu ta. Tôi tự nhủ rằng mình phải dạy cho cậu ta một bài học”. Người bạn học đã sống sót sau cú bắn, ông kể lại, và có lẽ đã nhận được một bài học. Và mặc dù bị cấm tham dự lễ tốt nghiệp, Duterte vẫn lấy được bằng luật.

Đó là một câu chuyện kinh điển về Duterte, khi ông không phải là kẻ gây hấn mà là người bị kích động, dùng súng để bảo vệ danh dự của mình. Chắc chắn là ông đã “thay trời hành đạo”, nhưng bằng cách đó, ông đã có được sự tôn trọng đầy miễn cưỡng từ phía những kẻ đã khiến ông tổn thương. Cách kể chuyện cũng đúng phong cách của Duterte: vừa khoe khoang vừa tỏ ý tự ti.

Trong suốt chiến dịch tranh cử của mình và giai đoạn đầu nhiệm kỳ tổng thống – và thực tế là trong toàn bộ đời sống công khai của ông – những câu chuyện mà Duterte đã kể và cách ông kể chúng đã gây được tiếng vang trong công chúng. Chiếc quần bò, áo sơ mi kẻ ca-rô và cặp kính phi công cũng vậy. Việc ông thể hiện cả tính chân thực lẫn sức mạnh vũ lực của mình đều có sức hấp dẫn lâu dài.

Sau nửa chặng đường làm tổng thống, tỷ lệ ủng hộ của dân chúng đối với Duterte đã lên tới gần 80%. Sự yêu mến của dân chúng đã giúp đưa các ứng viên trong liên minh của ông đi đến chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 5/2019. Lần đầu tiên trong vòng 80 năm, không có ứng viên đảng đối lập nào giành được ghế trong Thượng viện của nước này, tất cả là nhờ Duterte đã tiếp tục nuôi dưỡng trí tưởng tượng của người Philippines và sức ảnh hưởng của các đồng minh của ông trong các phe cánh chính trị nước này. Duterte nắm quyền kiểm soát Quốc hội, nơi các đồng minh của ông chiếm đa số áp đảo, và Tòa án tối cao với đông đảo thành viên do ông bổ nhiệm. Phe đối lập theo tư tưởng tự do đã suy yếu, thất bại của những ứng cử viên mạnh nhất thuộc phe này trong các cuộc bầu cử đều đáng kinh ngạc và nhục nhã. Phần lớn giới báo chí đã bị hăm dọa đến mức trở nên dễ bảo. Và nhiều người trong công chúng đã cổ vũ cuộc chiến chống ma túy của tổng thống, khiến các giáo sĩ Cơ đốc giáo và những người ủng hộ nhân quyền mất dần ưu thế.

Trong 3 năm làm tổng thống, Duterte đã chứng tỏ là một nhà môi giới quyền lực khéo léo và một chiến thuật gia chính trị bậc thầy. Những lời huênh hoang lan man của ông về giới tinh hoa, những kẻ sử dụng ma túy và các băng nhóm tội phạm đều góp phần khiến người dân thất vọng hơn đối với hệ thống tư pháp bị phá vỡ và giới cầm quyền tắc trách của đất nước. Ông đả kích cụm từ “đế quốc Manila” và “đế quốc Mỹ”, nói lên những nỗi oán hận đang âm ỉ đối với giới tinh hoa trong nước và trên thế giới. Duterte đang dẫn đầu một làn sóng chính trị, không chỉ ở Philippines mà còn trên toàn thế giới, nơi chủ nghĩa hẹp hòi làm nên tên tuổi của ông đang giành được chỗ đứng. Làm thế nào một vị cựu thị trưởng 75 tuổi và luôn mang theo súng đến từ phía Nam Philippines lại hòa hợp đến vậy với thời khắc chính trị toàn cầu hiện nay?

Sách lược Davao

Trước khi bị Duterte biến thành “phòng thí nghiệm” cho phong cách chính trị bạo lực của ông, Davao, một thành phố cảng rộng lớn trên bờ biển phía Nam Mindanao, là nơi nuôi dưỡng phong trào nổi dậy do cộng sản lãnh đạo. Đầu những năm 1980, nhà độc tài ốm yếu của Philippines, Ferdinand Marcos, đã mất dần quyền lực. Cùng lúc đó, nhóm du kích cộng sản đang giành được ưu thế, đặc biệt là ở Mindanao. Tại Davao, nhóm này đã chiêu mộ thêm người ủng hộ tại các khu ổ chuột, các trường đại học, những người có chuyên môn xuất thân từ tầng lớp trung lưu đang lớn tiếng lên án các hành vi lạm dụng của chế độ độc tài.

Đảng Cộng sản Philippines chủ yếu hoạt động ở các vùng nông thôn, và vào thời kỳ đỉnh điểm giữa những năm 1980, họ đã tập hợp được một đội quân gần 25.000 nông dân khỏe mạnh. Nhưng họ cũng đã xuất hiện ở khu vực thành thị. Trong kế hoạch thử nghiệm chiến tranh đô thị, họ đã thành lập các đơn vị “chim sẻ”, những biệt đội gồm 2-3 người di chuyển rất nhanh và thường không gây chú ý khi họ bắn hạ các sĩ quan cảnh sát và binh lính trên đường phố. Ở Davao, thành trì của họ là một khu ổ chuột có tên gọi Agdao, sau đó đã trở thành chiến trường giữa quân du kích thành thị và quân đội, mang lại cho nơi này biệt danh “Nicaragdao”, gợi nhắc tới tình trạng bạo lực ở Nicaragua.

Davao đã nhanh chóng được biết đến như là thủ phủ chết chóc của Philippines. Xác người la liệt trên các đường phố hoặc bị ném xuống biển, nạn nhân của các vụ tàn sát chính trị và trả thù cá nhân, cũng như của các vụ hạ sát do những kẻ tống tiền và tội phạm hình sự thông thường gây ra. Luật pháp và trật tự đã bị phá vỡ. Năm 1986, Marcos đã bị lật đổ sau một cuộc nổi dậy của người dân trên đường phố Manila. Dưới sức ép từ phía quân đội và Mỹ, chính quyền của Tổng thống mới Corazon Aquino đã điều động quân đội và dân phòng tiến hành một cuộc đàn áp tàn bạo chống lại những người Cộng sản.

Davao sau đó đã trở thành nơi thử nghiệm các cuộc đàn áp nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn. Năm 1987, cựu Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Ramsey Clark đã dẫn đầu một phái đoàn tới Philippines và phát hiện ra rằng Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) có dính líu đến sự trỗi dậy của các nhóm dân phòng. Chính phủ Mỹ cũng hỗ trợ về kỹ thuật cho các chiến dịch chống quân nổi dậy của quân đội Philippines ở Mindanao. Trong thời gian đó, người dân được trang bị súng trường và dao dài tuần tra trên đường phố để săn lùng những kẻ bị tình nghi là Cộng sản. Những đội viên dân phòng chống Cộng sản này đã bị lôi kéo bởi các chương trình phát thanh mang tính kích động cố ý thổi phồng mối hiểm họa Đỏ. Khi đang đưa tin ở Davao vào cuối những năm 1980, tác giả bài viết đã gặp các nhóm vũ trang này trên đường phố. Ông cũng gặp Jun Pala, phát thanh viên đã đi vòng quanh thành phố với khẩu súng lục ổ quay Smith & Wesson dắt trong áo khoác bò và một quả lựu đạn đung đưa trên thắt lưng. Mỗi ngày lên sóng 6 tiếng, Pala đã chỉ mặt gọi tên từng kẻ bị tình nghi là Cộng sản – luật sư, nữ tu và linh mục, các nhà hoạt động, các quan chức địa phương.

Chính trong thời kỳ kinh hoàng này, Duterte – một công tố viên chính phủ - đã tham gia chính trường ở Davao. Khi Marcos bị hất cẳng và tất cả các quan chức địa phương bị thay thế, Duterte đã được bổ nhiệm làm quyền phó thị trưởng, nhờ các mối quan hệ của mẹ ông với phe đối lập chống Marcos. Hai năm sau, ông ứng cử chức thị trưởng, đối đầu với Pala và một chính trị gia có uy tín hơn, và đã giành chiến thắng. Với tư cách là thị trưởng, ông vừa là người bảo trợ vừa là trọng tài giữa các nhóm đối địch, khiến các nhóm này đọ sức với nhau trong một chiến lược “chia để trị”. Và khi cuộc đọ sức kết thúc, ông đã tập hợp phe phái từ mọi phía, thu nạp cả những người từng đứng trong hàng ngũ Cộng sản để làm việc cho ông trong chính quyền thành phố và cảnh báo cả các băng nhóm tội phạm lẫn những kẻ Cộng sản ngoan cố phải rời đi nơi khác – hoặc ra đi mãi mãi. Ông rất thân với giới cảnh sát; cảnh sát trưởng thành phố này, Ronald Dela Rosa, là con trai đỡ đầu của ông.

Trong suốt 22 năm làm thị trưởng, Duterte đã cai trị như một vị giáo trưởng ưa kiểm soát. Ông đã áp đặt lệnh giới nghiêm đối với trẻ vị thành niên, cấm hút thuốc ở hầu hết các địa điểm công cộng, hạn chế bán rượu, và thẳng tay trừng trị những người vi phạm luật giao thông và những người phạm lỗi lặt vặt. Ông cũng bổ sung các chương trình phúc lợi xã hội, lập ra một trong những đường dây khẩn cấp 911 thành công nhất đất nước, cung cấp dịch vụ cho những phụ nữ bị lạm dụng và xây dựng phòng khám cho người nghèo. Ông đã làm vui lòng giới kinh doanh bằng cách cắt giảm nạn tham nhũng và đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Những công dân mệt mỏi hoan nghênh một Davao an toàn hơn, được điều hành hiệu quả hơn và thịnh vượng hơn.

Bí mật dơ bẩn của Davao

Durterte đã tự do vay mượn sách lược từ cả phe Cộng sản lẫn phe chống nổi dậy. Ông đã tấn công dồn dập giới truyền thông không phải với bóng ma của chủ nghĩa cộng sản mà là nạn tội phạm. Giống như Pala, ông đã chiếm sóng phát thanh, tổ chức một chương trình truyền hình phát sóng hàng tuần, nơi ông lớn tiếng lên án quân trộm cướp và những kẻ buôn bán ma túy. Trong một tập của chương trình truyền hình ngày Chủ nhật của ông năm 2001, ông đã đọc to 500 cái tên của các nghi phạm ma túy và tội phạm tại các khu dân cư nghèo nhất thành phố. Carolyn Arguillas, một ký giả ở Davao, đã phỏng vấn ngài thị trưởng khoảng 1 tháng sau khi phát sóng, và cô đưa tin rằng ít nhất 4 người trong danh sách của Duterte bị phát hiện đã chết vào thời điểm phỏng vấn. 17 đối tượng khác bị tình nghi buôn bán ma túy và giật điện thoại di động, trong đó có cả trẻ vị thành niên, đã bị sát hại ngay sau đó.

Những kẻ giết người phần lớn đều là những tay súng đeo mặt nạ hoặc đội mũ trùm đầu cưỡi xe máy, đôi khi hành động giữa thanh thiên bạch nhật. Có lúc, những kẻ giết người để lại các tấm bìa các-tông giúp xác định nạn nhân là những kẻ buôn bán ma túy hoặc kẻ trộm. Đây là những vụ “giết người thị chúng”, nhằm mục đích vừa để loại bỏ mục tiêu vừa mang tính cảnh cáo. Đó là công việc của Đội tử thần Davao, gồm những tên côn đồ, cựu du kích và các đội viên dân phòng chống cộng sản thất nghiệp, đã bắn gục những kẻ móc túi, những tay buôn bán ma túy và tội phạm lặt vặt khác. Amado Picardal, một vị linh mục sống tại Davao thời kỳ này, nhớ lại lúc ông đang làm lễ cho một đám cưới tại nhà thờ vào một chiều cuối năm 2008. Ông kể với tác giả bài viết vào cuối năm 2016, chỉ vài tháng sau khi Duterte trở thành tổng thống: “Tôi nghe thấy tiếng súng ở bên ngoài, vì vậy sau lễ Misa, tôi chạy ra và nhìn thấy thi thể của một cậu bé trạc 15-16 tuổi nằm dài trong bãi đỗ xe. Cảnh sát đứng quanh đó, và họ chỉ nổ súng vào không khí như thể cho phép những tên sát nhân trốn thoát trên chiếc xe máy của chúng”. Picardal đã giúp thu thập tài liệu về hơn 1.400 vụ giết người của Đội tử thần từ năm 1998 đến năm 2015. Ông đã lên tiếng phản đối các vụ giết người trong nhiều năm, và ông phải lẩn trốn vào tháng 8/2018, sau khi chứng kiến một số kẻ có vũ trang đang lượn quanh tu viện mà ông thường lui tới. Ông cho biết Đội tử thần Davao thường mượn chiến thuật từ nhóm du kích Cộng sản, những người đã hành quyết hội ăn trộm gia súc và nhiều tên lưu manh khác trong phạm vi do họ kiểm soát. Những tên sát nhân cưỡi xe máy gợi nhớ đến các đơn vị “chim sẻ”, một vài thành viên trong nhóm này sau đó đã gia nhập Đội tử thần Davao.

Đây chính là bí mật dơ bẩn của Davao. Trừ một số ít người trong giới báo chí, giới tu sĩ Cơ đốc giáo và các nhóm dân sự, người dân chủ yếu vẫn chấp nhận lôgích “thay trời hành đạo” của Duterte. Năm 2001 khi vẫn đang là thị trưởng, ông đã nói với Arguillas: “Nói một cách thực sự chân thành và trung thực, tôi thà thấy tội phạm chết còn hơn là những nạn nhân vô tội bị giết một cách nhẫn tâm”. Trên thực tế, nạn nhân của Đội tử thần phần lớn là những kẻ lừa đảo tầm thường, không phải là những tên sát nhân. Hơn nữa, tuyên bố này ngụ ý rằng người dân chỉ có 2 sự lựa chọn: giết hoặc bị giết. Nguyên tắc xét xử theo pháp luật không phải là một sự lựa chọn. Người dân Davao biết câu trả lời cho câu hỏi của Duterte trong một bài phát biểu năm 2015: “Chúng ta là thành phố an toàn thứ 9. Các bạn nghĩ tôi đã làm như thế nào? Tôi đã giành lấy danh hiệu một trong những thành phố an toàn nhất thế giới bằng cách nào?”. Họ vẫn đồng lõa trong im lặng.

Từ Davao tới phủ tổng thống

Davao là nơi Duterte học cách quản trị. Ông đã cải tạo thành phố này, và nó đã cải thiện ông. Đó cũng chính là tấm vé đưa ông đến cương vị tổng thống: Ông cam kết sẽ mang lại hòa bình và thịnh vượng cho đất nước như cách ông đã làm đối với quê hương mình. Ông là tác giả và là người bảo vệ cho mô hình của Davao – hãy hình dung một Singapore với những tên côn đồ thay vì các nhà kỹ trị. Khế ước xã hội mà ông trao cho các cử tri của mình ở Davao – Tôi sẽ bảo vệ các bạn nhưng xin đừng đặt câu hỏi – chính là những gì hiện ông đang đưa ra cho người Philippines.

Duterte không có kinh nghiệm điều hành ngoài thời gian làm thị trưởng thành phố. Điều hành Davao là tất cả những gì ông biết. Đây là lý do giải thích tại sao ông muốn được gọi là “thị trưởng của Philippines” thay vì là “tổng thống”. Các mối quan ngại của một vị thị trưởng rất vi mô: tội phạm, ổ gà, giấy phép kinh doanh. Duterte không phải là một nhà tư tưởng. Luận điệu của ông chống lại giới tinh hoa đế quốc ở Manila và Mỹ, và các đề xuất của ông với Trung Quốc và Nga đều do cảm xúc chi phối chứ không phải do ý thức hệ. Đó là phương thuốc xoa dịu lòng tự trọng bị tổn thương. Đó cũng chính là tiểu xảo chính trị: dù trong chính sách đối ngoại hay đối nội, Duterte đều thích khiến cho các đối thủ của ông mâu thuẫn với nhau.

Quan điểm chính trị của Duterte được xác định bởi linh cảm, kinh nghiệm và bạn bè của ông. Ông không hứa hẹn sẽ mang lại cho người dân Philippines một vị chính khách. Ông mang lại một Duterte – Người trừng phạt tội phạm, người báo thù cho lòng tự trọng bị tổn thương của Philippines, và cũng là người sẽ xây dựng đường sá, sửa chữa giao thông và làm xoay chuyển nền dân chủ bế tắc của nước này.

Nhóm được Duterte tin cậy gồm những người ông đã biết và cùng làm việc ở Davao. Cố vấn chính trị thân cận nhất trong thời gian đầu nhiệm kỳ của ông là Leoncio Evasco, Jr., một vị linh mục Cơ đốc giáo, người đã rời bỏ tổ chức bí mật của Cộng sản trước khi trở thành chánh văn phòng cho Duterte khi ông còn là thị trưởng. Sau đó, Evasco đã bị thất sủng, dần bị loại khỏi cuộc đấu đá nội bộ giữa những người trong giới thân cận với tổng thống. Christopher “Bong” Go, người từng là phụ tá lâu năm ở Davao, cũng đã theo Duterte đến dinh tổng thống. Hiện là một thượng nghị sĩ, Go được cho là nhân vật được Duterte tin tưởng. Một số thành viên nội các có tầm ảnh hưởng lớn hơn đối với tổng thống – đáng chú ý là Bộ trưởng Tài chính Carlos Dominguez III và Jesus Dureza, người từng là cố vấn cho tổng thống về tiến trình hòa bình cho đến tận năm 2018 – đều là bạn học cùng lớp của Duterte từ thời niên thiếu ở Davao.

Chiến lược trị an của Duterte cũng lấy cảm hứng từ Davao. Kiến trúc sư cho chiến dịch chống ma túy của ông và cũng là tư lệnh cảnh sát quốc gia khi ông lên làm tổng thống là Dela Rosa, trước đây từng là cảnh sát trưởng của Davao và hiện cũng là một nghị sĩ. Dela Rosa đã đưa ra kỹ thuật trị an được gọi là tokhang, một dạng rút gọn kết hợp của từ “gõ cửa” và “thuyết phục” trong tiếng Visaya, qua đó cảnh sát và các quan chức địa phương sẽ tới gặp những nghi phạm có dính líu tới ma túy và thuyết phục những người này ngừng các hoạt động liên quan. Trong ngày đầu tiên trở thành tư lệnh cảnh sát quốc gia, Dela Rosa đã ra lệnh cho tất cả các đồn cảnh sát trong nước tiến hành các hoạt động tokhang. Nhiều nghi phạm bị cảnh sát ghé thăm đều đã chết hoặc bị bắn trong quá trình điều tra của cảnh sát, hoặc bị những kẻ ám sát đeo mặt nạ giết chết. Cuộc chiến chống ma túy của Duterte mang đậm dấu ấn Davao: lập ra một danh sách các nghi phạm, sau đó công khai danh tính và đe dọa họ, các vụ hành quyết tàn nhẫn của những tay súng cưỡi mô-tô, những mảnh giấy viết tay để lại cạnh xác chết và việc không ngừng thổi phồng mối đe dọa mang tính sống còn từ ma túy. Sự thực là mức độ sử dụng ma túy trái phép ở Philippines vẫn thấp hơn so với Mỹ hay Thái Lan, nhưng những cảnh báo của Duterte về việc trừng phạt những người sử dụng ma túy đã làm dấy lên nỗi lo sợ của người dân về mức độ an toàn.

Ngay cả hiện nay, Duterte đều dành một vài ngày trong tuần ở Davao, tự nhận là cảm thấy không thoải mái khi hòa nhập với xã hội Manila. Tầng lớp trung lưu mới, những người ủng hộ trung thành của ông, cũng cảm thấy khó chịu giống ông. Họ là những người Philippines đang làm việc ở khắp nơi trên thế giới với tư cách là bảo mẫu, y tá, thủy thủ và công nhân xây dựng, cũng như những người làm việc tại các tổng đài điện thoại đang mọc lên như nấm ở Manila và các thành phố khác – tầng lớp kỹ thuật số thấp nhất của nền công nghiệp công nghệ toàn cầu.

Giới cử tri ủng hộ Duterte bao gồm những người đàn ông và phụ nữ nghèo khổ, chăm chỉ và đầy tham vọng. Nền kinh tế toàn cầu đã trao cho họ tấm vé thoát nghèo chứ không mang lại sự sung túc. Họ khá giả hơn người nghèo, nhưng các lựa chọn của họ trong cuộc sống vẫn còn hạn chế. Họ không đủ khả năng mơ về những căn chung cư cao cấp của giới thượng lưu mới vươn cao tới tận chân trời, họ cũng không thể mua sắm trong những trung tâm thương mại bán đồ Gucci và Prada. Họ lo lắng về các vụ phạm tội lặt vặt, quãng đường đi làm dài lê thê và tương lai của con em họ. Họ phẫn nộ với giới nhà giàu vì đã bòn rút lợi nhuận từ một nền kinh tế đang phát triển ở mức trung bình 5-6% hàng năm trong hàng chục năm qua. Họ cũng bất bình với những người nghèo vì được hưởng lợi từ các chương trình xóa đói giảm nghèo. Họ giận dữ vì họ tuân thủ pháp luật, đóng thuế, làm việc trong nhiều giờ đồng hồ và vẫn cảm thấy bị chèn ép. Như nhà khoa học chính trị Philippines Julio Teehankee giải thích, “hiện tượng Duterte không phải là cuộc nổi dậy của người nghèo mà là do giới tinh hoa thúc đẩy. Đó là sự phản kháng đầy giận dữ của những người giàu có, những người giàu mới nổi, những người có cuộc sống sung túc và tầng lớp trung lưu mới với những thành công khiêm tốn (trong đó có các tổng đài viên, tài xế Uber và người lao động Philippines ở nước ngoài). Tuy nhiên, thay vì cảm thấy khấm khá hơn, bất chấp tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong 6 năm qua dưới thời Tổng thống Aquino, tầng lớp trung lưu vẫn phải chịu cảnh thiếu các dịch vụ công cộng, mật độ giao thông kinh hoàng trên đường bộ và đường hàng không, lo sợ về sự sụp đổ của nền hòa bình và trật tự, và âm thầm chứng kiến tiền thuế của họ bị bòn rút bởi nạn tham nhũng bất chấp những hứa hẹn về việc cải thiện sự quản trị.”

Sự gián đoạn của Duterte

Chắc chắn Duterte là nhân tố gây gián đoạn. Trong nỗ lực tranh cử tổng thống năm 2016, ông đã đánh bại sức mạnh đồng tiền và các cỗ máy của những đối thủ chính trị uy tín hơn. Chiến dịch của ông dựa vào số tình nguyện viên làm việc không lương và Facebook; ông đã trở thành vị tổng thống đầu tiên của Philippines lên nắm quyền nhờ sức mạnh của mạng truyền thông xã hội. Không giống như những người tiền nhiệm, ông đã gạt bỏ mọi sự giả vờ tôn trọng các chuẩn mực dân chủ. Ông cạnh khóe những người ủng hộ nhân quyền, tán thành việc cảnh sát giết người, và khuyến khích dùng bạo lực chống lại những kẻ sử dụng ma túy và tội phạm hình sự. Ông thể hiện giọng điệu thô lỗ trong những bài phát biểu tại các không gian công cộng, đặc biệt là mạng xã hội, nơi đội quân của ông gồm những người hay giễu cợt, những người có ảnh hưởng và những người theo dõi trung thành tiếp tục thể hiện sự căm ghét đối với những người chỉ trích ông.

Quan trọng hơn cả, tại văn phòng tổng thống, ông đã vô hiệu hóa những hạn chế về mặt pháp lý đối với quyền lực của tổng thống. Ông đã đàn áp giới báo chí độc lập, bắt giam một thượng nghị sĩ từng điều tra quá khứ của Đội tử thần, và lên kế hoạch cách chức một vị chánh án có tư tưởng độc lập trong Tòa án tối cao. Ông lớn tiếng lên án Giáo hội Cơ đốc giáo, vốn từng có lịch sử chống lại hành vi lạm quyền của tổng thống. Bằng cách làm thân với Trung Quốc và trở mặt với Mỹ (ông nổi tiếng vì đã gọi Tổng thống Mỹ Barack Obama bằng những từ tục tĩu), ông cũng đã đảo ngược chính sách đối ngoại của Philippines.

Duterte không phải là nhà lãnh đạo đầu tiên của Philippines dẫn đầu làn sóng dân túy. Ông lên nắm quyền gần như đúng 30 năm sau khi chế độ độc tài của Marcos sụp đổ. Khi đó, nền dân chủ của giới tinh hoa vốn hồi sinh từ đống tro tàn của chế độ chuyên chế đã mất đi ánh hào quang. Giới chính trị được bầu vào các cơ quan công quyền hậu Marcos được nhiều người đánh giá là tham nhũng, bất tài hoặc thờ ơ trước hoàn cảnh tuyệt vọng của người dân. Năm 1998, Joseph Estrada, siêu sao điện ảnh một thời, đã được bầu làm tổng thống nhờ tận dụng địa vị của mình trong giới nghệ thuật với tư cách là người bảo vệ dân nghèo. Năm 2004, bạn thân nhất của ông, ngôi sao phim hành động đầy sức hút Fernando Poe, Jr. đã suýt trở thành tổng thống nhờ đi theo hướng tương tự. Các chính trị gia “ngôi sao điện ảnh” này đã tìm được cho mình một nền tảng cử tri vững chắc trong số những người dân Philippines nghèo khổ nhất.

Bước ngoặt đánh dấu việc Duterte rời xa kịch bản của siêu sao điện ảnh là khi ông quyết định không tập trung vào người nghèo mà vào tầng lớp trung lưu nhiều tham vọng. Quả thực, họ đã có cuộc sống khấm khá dưới thời của ông. Ông đã miễn học phí cho họ ở các trường đại học của nhà nước, kéo dài thời gian nghỉ thai sản, tăng lương cho những người làm việc cho chính phủ, và cấp wifi miễn phí ở nơi công cộng. Ông cũng đã hứa hẹn giải tỏa lưu lượng giao thông và rút ngắn thời gian đi lại bằng chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng trọng điểm “Xây, xây, xây” trị giá 170 tỷ USD, chủ yếu do Trung Quốc và Nhật Bản tài trợ, được cho là sẽ làm thông thoáng các tuyến đường bộ, đường hàng không và đường biển tại những khu vực phát triển nhanh nhất đất nước.

Đây là cách Duterte định nghĩa nhiệm kỳ tổng thống của mình như thể rõ ràng ông vẫn là thị trưởng. Sau khi Marcos từ chức, các nhà cải cách dân chủ đã trao quyền cho các chính quyền địa phương, do đó trao quyền cho các ông chủ và các gia tộc chính trị địa phương, nhà Duterte cũng nằm trong số đó. Trên khắp cả nước, những gia tộc này chi phối các cơ quan công quyền tại khu vực của họ, cai trị để thúc đẩy các lợi ích và mở rộng quyền bá chủ của riêng mình.

Duterte thuộc nhóm các quan chức địa phương nắm quyền bằng cách đầu tư vào các vùng yếu kém để kích thích tăng trưởng, với mục tiêu khuyến khích hoạt động kinh doanh và phát triển tài sản. Nhóm quan chức này mang lại cho các công ty những ưu đãi tài chính hào phóng, cơ sở hạ tầng và bộ máy chính quyền hoạt động hiệu quả, và một nơi an toàn để kinh doanh. Các dự án bất động sản và công trình công cộng thường buộc các cộng đồng nghèo phải rời khỏi quê hương ngay cả khi họ đã nâng cao giá trị tài sản cho người giàu và tầng lớp trung lưu, nhưng bằng cách áp dụng hoặc tăng cường kiểm soát đối với những người bất đồng chính kiến, các chính trị gia địa phương cũng đảm bảo toàn thể công dân phải phục tùng mệnh lệnh. Từ lâu đã bị coi là cái nôi của nạn ma túy, bệnh dịch và tội phạm, các khu ổ chuột là những mục tiêu dễ dàng để cưỡng chế thu hồi tài sản, thường bằng bạo lực, và giữ gìn trị an một cách thô bạo. Cuộc chiến chống ma túy của Duterte đáng chú ý về phạm vi, tốc độ và sự công khai giết chóc, nhưng ở đây từ lâu đã tồn tại cuộc chiến với những người nghèo luôn sẵn sàng bị vứt bỏ.

Hành động của Duterte đã khiến Tổ chức Theo dõi nhân quyền đặt cho ông biệt danh “thị trưởng của đội tử thần” vào năm 2015. Nhưng ông không phải là người duy nhất: Việc sát hại tội phạm và những người bất đồng chính kiến không cần qua xét xử đã được ghi nhận tại nhiều nơi như Cebu, khu vực trung tâm của đất nước, và các tỉnh gần thủ đô hơn như Bulacan, Cavite và Laguna, nơi các hoạt động kinh doanh đang bùng nổ và các nhà phát triển bất động sản đang vươn lên. Trong một chuyến đi tới Manila đầu năm 2019, tác giả bài viết đã nói chuyện với những bà mẹ mất con trong cuộc chiến chống ma túy và hiện đang có nguy cơ mất đi những căn nhà bê tông chật chội và các kiến trúc lợp tôn mà họ gọi là nhà. Các trụ bê tông của hệ thống vận chuyển trên cao khổng lồ đang được dựng lên gần đó, và những gia đình này không còn nơi nào để đi.

Theo nhiều cách, nhiệm kỳ tổng thống của Duterte cho thấy sự tiếp nối, chứ không phải sự thay đổi. Ông đã phân chia quyền lực và các vị trí trong chính phủ cho những người bạn chí cốt, một vài người trong số đó đã bị cáo buộc tham nhũng nghiêm trọng. Cho đến nay ông đã cai trị như một nhà bảo trợ hạng xoàng, chứ không phải là một người diệt trừ nạn tham nhũng.

Giống như các vị tổng thống tiền nhiệm, ông đang cai trị một liên minh bất trị bao gồm nhiều dòng tộc chính trị. Nhận được sự ủng hộ của giới tinh hoa theo tư tưởng tự do, người tiền nhiệm của Duterte là Benigno Aquino III đã lên nắm quyền sau khi Marcos bị lật đổ. Liên minh của Duterte là sự chắp vá của dòng họ Marcos và nhiều dòng họ khác bị thải hồi bởi chính những người theo tư tưởng tự do đó. Chừng nào Duterte còn nắm quyền, điều này sẽ còn tồn tại, nhưng cho đến nay tổng thống vẫn tỏ ra không mấy quan tâm tới việc xây dựng một phe cánh sẽ giúp ông tồn tại lâu hơn. Các nhà tư tưởng tiến bộ hơn trong nội các của ông đã cố gắng tổ chức một phong trào chính trị lấy người dân làm nền tảng có tên Kilusang Pagbabago, hay còn gọi là “Phong trào thay đổi”, nhưng nỗ lực này đã thất bại.

Narendra Modi của Ấn Độ đã xây dựng cả một đảng chính trị lấy người dân làm nền tảng, và một phong trào chính trị dựa trên chủ nghĩa dân tộc Hindu. Viktor Orban của Hungary đã đưa ra một lý lẽ biện minh đầy trí tuệ cho việc ông bác bỏ nền dân chủ tự do và trật tự quốc tế tự do. Duterte bị so sánh với cả hai nhân vật trên. Chủ nghĩa hẹp hòi của ông có lẽ sẽ không tồn tại lâu dài, vì ông không có một phong trào, đảng hay hệ tư tưởng sẽ tiếp nối di sản của ông. Ông đã rụt rè nói bóng gió về con gái ông, Sara, người đang tiếp bước cha mình bằng cách trở thành thị trưởng của Davao, như một người kế nhiệm tiềm năng. Theo đúng truyền thống của Philippines, ông đang quay trở lại với gia đình. Hiện nay, chỉ có sức lôi cuốn kiểu bạo lực của Duterte mới có thể giữ vững được đất nước này.

Sheila S. Coronel là giáo sư tại trường Báo chí Columbia. Bài viết được đăng trong ấn phẩm của Tạp chí Foreign Affairs số tháng 9-10 năm 2019.

Kim Nguyên (gt)