Những vấn đề ở Philippines hiếm khi thu hút được sự chú ý ở Bắc Mỹ. Trong thời gian qua, nhan nhản trên các mặt báo ở đây là những thông tin về Covid-19, việc Lầu Năm Góc công bố dự thảo ngân sách quốc phòng tài khóa 2021, việc luận tội và tuyên bố Tổng thống Trump vô tội cùng những chủ đề khác. Sự sụp đổ một hiệp ước mơ hồ giữa Philippines và Mỹ hầu như không được ghi nhận trong các cuộc trao đổi về đối ngoại và quốc phòng.

Thật tệ. Việc chấm dứt Thỏa thuận Các lực lượng Thăm viếng Mỹ-Philippines (VFA) có thể khiến cả Đông Nam Á dậy sóng, không chỉ gây tổn hại cho quốc phòng Philippines mà còn tới chiến lược biển của Mỹ đối với Trung Quốc.

Đôi khi, dường như một xích mích ngoại giao nhỏ cũng gây ảnh hưởng lớn. Mới đây, chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte đã thông báo về ý định bãi bỏ VFA, trong đó quy định về các vấn đề như thẩm quyền hình sự đối với quân nhân Mỹ hay sự di chuyển của các tàu và máy bay trong vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của Philippines. Duterte đã nổi giận khi Đại sứ quán Mỹ hủy bỏ thị thực của Thượng nghị sĩ Ronald dela Rosa, cựu cảnh sát trưởng quốc gia, do những cáo buộc về việc tử hình tội phạm buôn lậu ma túy không qua xét xử. Nếu không có những thủ tục được định sẵn nhằm quản lý việc tiếp cận quân sự Philippines, Lầu Năm Góc sẽ không muốn triển khai các lực lượng tới nước này.

Đó là một vấn đề nghiêm trọng. Trong chiến lược biển của mình, Mỹ hình dung việc đe dọa phong tỏa hạm đội hải quân và tàu buôn của Trung Quốc bên trong “chuỗi đảo thứ nhất” ở châu Á nhằm răn đe hành vi xấu của nước này. Quần đảo Philippines có vị trí đắc địa, bao gồm vành đai phía Đông của Biển Đông cũng như vòng cung phía Đông Nam của chuỗi đảo thứ nhất. Nếu các lực lượng Mỹ không thể hoạt động từ các căn cứ của Philippines, thì khó có thể hình dung được họ sẽ duy trì sự hiện diện lâu dài ở Biển Đông hay dọc theo chuỗi đảo bằng cách nào. Hiềm khích giữa Manila và Washington có thể phá vỡ một mắt xích trong chuỗi liên kết và giúp ngành vận tải biển Trung Quốc được tự do đi lại giữa các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông với Tây Thái Bình Dương.

Chiến lược này đã thất bại. Một vòng vây - trên thực tế là một vành đai phòng thủ mở rộng - sẽ không thể được giữ vững nếu bị chọc thủng một đoạn dài. Hệ thống răn đe đối với Bắc Kinh sẽ sụp đổ, cùng với đó là sự toàn vẹn của hàng phòng thủ.

Trước hết, hãy xem xét những tác động của việc hủy bỏ VFA đối với các hoạt động tác chiến, sau đó mới xem xét khía cạnh chính trị. Đô đốc J. C. Wylie cho rằng mục tiêu của chiến lược quân sự là sự kiểm soát. Điều đó có thể đồng nghĩa với việc trực tiếp kiểm soát đối thủ bằng lực lượng vũ trang, mà cũng có thể là kiểm soát không gian thực. Bất luận ra sao, người chiến thắng là bên duy trì được hỏa lực vượt trội tại những địa điểm mang tính quyết định trên bản đồ hay hải đồ trong thời gian đủ lâu để hoàn thành mục tiêu của họ. Theo Wylie, “người cầm súng canh giữ hiện trường” là người nắm toàn quyền kiểm soát. Như vậy, “chiến lược gia phải cắt cử hoặc đưa ra một viễn cảnh chắc chắn sẽ xảy ra về một người cầm súng canh giữ hiện trường”.

Đó là một phép ẩn dụ đơn giản nhưng đầy tính liên tưởng đối với chiến lược quân sự. Các lực lượng quân đội có thể đến rồi đi, tạo nên một sự hiện diện không liên tục. Những người cầm súng canh giữ hiện trường có thể chiếm ưu thế trong mọi sự can dự mang tính chiến thuật mà họ phải đối mặt. Tuy nhiên, nếu phải đến một nơi khác để tìm chỗ nghỉ ngơi, hồi phục và tái trang bị, thì họ sẽ nhường lại không gian cho đối thủ, ngay cả khi đối thủ đó đã bị đánh bại. Đó là một trong những thiếu sót chính trong chiến lược của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam. Mỗi khi đụng độ nhau trên chiến trường, các lực lượng mặt đất Mỹ có thể đánh bại quân đội miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, các lực lượng Mỹ và miền Nam Việt Nam hiếm khi rời khỏi nơi đồn trú để kiểm soát vùng đất chiếm được đó.

Họ đến, họ thấy, họ thắng... rồi họ lại rời đi. Và lực lượng Bắc Việt Nam quay trở lại. Đánh mất thành quả có được không phải là cách giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh. Để chiến thắng - theo cảm nhận lâu dài của Wylie, thì đi đến đâu, người ta phải ở lại nơi đó.

Các lực lượng hải quân Mỹ có thể khiến người ta cảm thấy ảnh hưởng của họ ở Biển Đông mà không cần tiếp cận các căn cứ ở Philippines, nhưng họ sẽ khó duy trì được sự hiện diện thường trực mà việc thực thi phong tỏa đòi hỏi. Nhật Bản, nước chủ nhà tiếp nhận Hạm đội thứ 7 của Mỹ, nằm cách xa về phía Bắc. Singapore, một đồng minh khác, trấn giữ điểm nối phía Nam giữa Biển Đông và Ấn Độ Dương; nhưng các nhà lãnh đạo Singapore có khả năng sẽ ngần ngại trước triển vọng hỗ trợ các hoạt động lớn của hải quân Mỹ nhằm vào Trung Quốc - “anh cả” trong khu vực. Úc ở khá gần về phía Nam nhưng cho đến nay vẫn từ chối những lời khẩn cầu của Mỹ về việc tiếp nhận các lực lượng hạng nặng. Hải quân Mỹ vận hành một đội tàu chở dầu, các tàu chở đạn dược và tàu hậu cần. Tuy nhiên, hạm đội chiến đấu-hậu cần đã bị tinh giản qua các năm và trải rộng trên nhiều chiến trường. Hoạt động hậu cần sẽ đặt ra những vấn đề nghiêm trọng khi không có các căn cứ ở gần chiến trường tiềm năng.

Đô đốc Wylie hẳn sẽ hoài nghi khả năng của quân đội Mỹ trong việc phong tỏa chuỗi đảo đầu tiên hay giúp bảo vệ vùng biển ngoài khơi Philippines khi không có khả năng tiếp cận lãnh thổ Philippines. Và việc ông lên tiếng về những mối nghi ngờ của mình sẽ là đúng đắn.

Trong hoàn cảnh hiện nay, điều quan trọng cần lưu ý là VFA vẫn còn hiệu lực. Thỏa thuận này quy định rằng một trong hai bên có thể rút khỏi thỏa thuận sau khi thông báo trước 180 ngày. Việc này cho phép Manila và Washington có một khoảng thời gian để giải quyết những bất đồng giữa họ. Trên thực tế, có thể diễn giải những sự kiện mới đây như là một phần của tiến trình thiết lập thỏa thuận giữa hai nhà đàm phán hàng đầu: Rodrigo Duterte và Donald Trump. Giữa những năm 1980, nhóm hai học giả về đàm phán là William Ury và Richard Smoke đã công nhận rằng nhận thức là nhân tố then chốt trong thời kỳ khủng hoảng. Ury và Smoke giữ vững quan điểm rằng trong “mô hình giải phẫu khủng hoảng” có những nhận thức được khuếch đại rằng rủi ro là rất lớn, các phương án đang bị thu hẹp, thời gian không còn nhiều và tình trạng bất ổn đang bao trùm. Khủng hoảng làm gia tăng sức ép nhượng bộ.

Để đạt được mục đích của mình khi phải đối đầu với một nhà đàm phán kì cựu khác, Tổng thống Duterte có thể đang tìm cách tạo ra bầu không khí khủng hoảng. Ông tin rằng Mỹ đang gặp rủi ro lớn; Lầu Năm Góc không có nhiều lựa chọn; thời gian không còn nhiều khi giờ đây ông đã khiến chính phủ hai nước phải giải quyết xích mích giữa họ trong thời hạn 180 ngày; và nhà lãnh đạo Philippines là một bậc thầy về sự bất ổn. Duterte thậm chí còn tìm cách để trở nên khó đoán. Về phần mình, Tổng thống Trump - vốn không xa lạ gì với sự khó lường - đã cho thấy ông hầu như không cảm thấy sức ép phải đạt được một thỏa thuận có lợi cho Duterte. Tại Phòng Bầu dục, khi được hỏi về việc Philippines rút khỏi VFA, Trump trả lời: “Không sao, chúng ta sẽ tiết kiệm được nhiều tiền. Tôi thực sự không phiền nếu họ muốn làm như vậy”. Thái độ của Trump là có cơ sở bởi ông từng đặt câu hỏi nghi ngờ giá trị của các liên minh từ NATO đến Mỹ-Hàn.

Đối với các chuyên gia đàm phán, những chiêu trò này hết sức quen thuộc. Các nhà đàm phán thông thạo hiểu rằng việc tạo ra một lựa chọn hấp dẫn thay thế cho một dàn xếp thông qua đàm phán là cách để tích lũy ảnh hưởng thương lượng. Thái độ bất cần có sức mạnh rất lớn. Nếu có thể thuyết phục người đối thoại rằng anh sẵn sàng rời khỏi bàn đàm phán mà không cần tới một thỏa thuận, thì anh sẽ nắm trong tay ảnh hưởng đòn bẩy đáng kể. Tốt hơn cả là nếu anh có thể thuyết phục người đối thoại rằng anh thậm chí còn muốn rời khỏi bàn đàm phán hơn. Theo cách nói của Ury và Smoke, sẽ là tốt hơn cả nếu anh phát đi tín hiệu rằng những rủi ro đó không thành vấn đề, anh còn nhiều lựa chọn hấp dẫn, và thời hạn hay sự không chắc chắn không quan trọng. Nói cách khác, anh hầu như không có cảm giác về một cuộc khủng hoảng, và do đó hầu như không thấy cần phải nhượng bộ trước những đòi hỏi của bên kia. Anh có thể đạt được một thỏa thuận có lợi với điều kiện người đối thoại muốn có được một thỏa thuận.

Tương tự, Duterte cũng đã tỏ thái độ thờ ơ đối với thỏa thuận. Từ khi nhậm chức năm 2016, ông đã nhiều lần phát đi tín hiệu sẵn sàng theo phe Trung Quốc và Nga đồng thời nới lỏng quan hệ quốc phòng với Mỹ. Một vị Tổng thống Philippines hầu như không quan tâm tới liên minh Mỹ-Philippines và không sợ những hành vi trục lợi của Trung Quốc có thể tự do duy trì lập trường không khoan nhượng trong các cuộc đàm phán với Washington. Hơn nữa, Duterte tự hào rằng đất nước ông giờ đây có thể tự cung cấp cho hoạt động quốc phòng chứ không phải dựa vào các nước bên ngoài. Họ không còn cần tới sự bảo vệ của Mỹ. Salvador Panelo, người phát ngôn của tổng thống, tuyên bố: “Đã đến lúc chúng ta tăng cường năng lực phòng thủ của mình”. Nếu có ai đó đe dọa quần đảo Philippines, thì “chúng ta sẽ trỗi dậy bằng nguồn lực của chính mình và dũng cảm bảo vệ tổ quốc như cách mà cha ông ta đã làm trong thời đại của họ”.

Sau đó, Duterte và các phụ tá tỏ thái độ không quan tâm tới khả năng Mỹ tiếp cận Philippines bất chấp những lợi ích thu được từ việc hợp tác với lực lượng quân đội hàng đầu khu vực. Họ tìm cách làm cân bằng cán cân sức mạnh thương lượng và cho thấy rằng Manila cũng có thể rời khỏi bàn đàm phán và hài lòng với kết quả đó. Tiếp theo sẽ là gì? Hai nước đồng minh này đều gặp phải rủi ro lớn, dù họ có thừa nhận điều đó hay không. (Người ta hy vọng rằng Tổng thống hai nước không tin vào những sự cường điệu của chính họ). Cũng không có đồng minh nào có được những lựa chọn đặc biệt hấp dẫn. Philippines là nước duy nhất có vị trí đắc địa mà chiến lược của Mỹ mong muốn, trong khi đó, ngay cả Duterte cũng sẽ chùn bước trước việc thực sự làm thân với Trung Quốc - một nước trục lợi có ý định chiếm đoạt các đảo, đá và quyền hàng hải của Philippines. Bất chấp những lời lẽ của Panelo, Manila cũng không có cơ hội nào dù là nhỏ nhất để tự bảo vệ dựa trên nguồn lực của chính mình. Họ chỉ là chú nai Bambi so với quái vật Godzilla Trung Quốc.

Nói tóm lại, quần đảo Philippines và Mỹ cần có nhau. Điều đó có nghĩa là thời hạn 180 ngày sẽ hối thúc hai bên đưa ra một thỏa thuận. 6 tháng tới có khả năng sẽ chứng kiến chính quyền hai nước dùng mưu mẹo để gây sức ép với nhau đồng thời tỏ vẻ không dứt khoát và làm gia tăng những lựa chọn trong tay họ trong trường hợp mặc cả thất bại. Sau đó, trong những giây phút cuối cùng, họ sẽ làm điều hiển nhiên. Họ sẽ đạt được một giao kèo ít nhiều giữ nguyên những dàn xếp hiện tại đồng thời đem lại những sự nhượng bộ giúp cứu vãn thể diện cho cả hai vị tổng thống. Điều đó sẽ diễn ra một cách lộn xộn và nhạt nhẽo. Nhưng chính trị cường quyền là vậy.

James Holmes là Chủ tịch Chương trình Chiến lược Biển JC Wylie tại Học viện Hải chiến Mỹ. Bài viết được đăng trên The National Interest

Minh Anh (gt)