Năm 2018 đã làm nên những điều thật khác biệt. Có lẽ những khoảnh khắc đáng sợ nhất trong nhiệm kỳ đầu gây kinh hãi của vị tổng thống Mỹ bốc đồng có liên quan tới cuộc khẩu chiến giữa Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Kim Jong-un đã gọi Trump là “lão già lẩm cẩm”. Trump đe dọa sẽ dội xuống “lửa và cơn thịnh nộ mà thế giới chưa từng chứng kiến”. Triều Tiên đã thử những quả tên lửa mà về lý thuyết có thể tấn công các mục tiêu ở nước Mỹ lục địa. Dường như ngày tận thế đã đến gần.

Ngày 12/6, trước một bức tường cao ngất được dựng nên bởi hàng chục lá quốc kỳ của cả hai nước, hai người từng là đối thủ “không đội trời chung” cuối cùng đã gặp mặt và bắt tay, tươi cười như thể những người bạn cũ. Dù nhìn nhận theo cách nào đi chăng nữa, đây cũng là một sự kiện lịch sử; lần đầu tiên diễn ra một cuộc gặp như vậy giữa một nhà lãnh đạo Triều Tiên và một tổng thống Mỹ.

Sau đó, họ bước vào dùng bữa trưa kết hợp trao đổi công việc trong phòng kín - trong thực đơn có món sườn bò và thịt lợn chua ngọt, cũng như món kem, món tráng miệng ưa thích của Trump - sau đó xuất hiện để cùng ký kết một văn kiện mà Trump gọi là “toàn diện”.

Điều được nhiều người mô tả là việc Trump phát triển chiến lược “kẻ mất trí” của Nixon - hành vi không dự đoán được nhằm buộc một đối thủ phải đưa ra những sự nhượng bộ - điều mà tạp chí New Republic gọi là chiến lược “gã điên” của Trump dường như đã có hiệu quả. Đó có thể là vì không giống như Nixon, Trump thực sự là một ẩn số. Không ai biết liệu ông có thực sự nhấn nút hay không; Trump không đọc các báo cáo tình hình, và dường như không phải lúc nào cũng hoàn toàn hiểu những gì mình nói. “Hãy nhìn nhận ông ấy một cách nghiêm túc, nhưng đừng hiểu theo nghĩa đen” là cách hiểu cuối cùng mà những người biện hộ cho ông đưa ra, nhưng nhiều người lo ngại rằng cách tiếp cận đó trong ngoại giao hạt nhân sẽ dẫn tới thảm họa.

Nhưng, trong trường hợp có giới hạn này, nó dường như đã có tác dụng. Điều này một phần là vì ở Trump, Kim Jong-un có thể đã nhận thấy một cơ hội giành được những sự nhượng bộ và thậm chí là tình hữu nghị từ một nước Mỹ mà những sự kiềm chế của hoạt động ngoại giao bình thường sẽ không bao giờ cho phép diễn ra. Khi nêu lên một ý tưởng tương tự về một cuộc gặp thượng đỉnh, Barack Obama đã bị những người bảo thủ chỉ trích gay gắt. Đương nhiên, đối với Trump, điệp khúc giận dữ này đã im bặt.

Kim Jong-un đã nói trước khi cuộc gặp bắt đầu: “Để đến được đây thật không dễ dàng gì. Quá khứ là xiềng xích trói buộc chân tay chúng ta, và những định kiến và thông lệ cũ là những chướng ngại vật trên con đường chúng ta tiến về phía trước”. Ông nói thêm: “Nhưng chúng ta đã vượt qua tất cả, và ngày hôm nay chúng ta ở đây”.

Trong cuộc họp báo chung sau cuộc họp kín, Trump cho biết cuộc gặp thượng đỉnh đã đánh dấu sự khởi đầu của một mối quan hệ “tuyệt vời” với Kim Jong-un, và rằng việc phi hạt nhân hóa sẽ bắt đầu “rất nhanh chóng”. Chưa rõ chính xác việc “phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”, như được vạch ra trong văn kiện mà hai nhà lãnh đạo đã ký kết, có ý nghĩa gì; liệu binh lính Mỹ có rút quân hoàn toàn hay không? Trong quá khứ, Triều Tiên đã sử dụng cụm từ này để chỉ khả năng của Mỹ tấn công các mục tiêu ở Triều Tiên bằng vũ khí hạt nhân; đương nhiên, Mỹ không có khả năng thu hẹp quy mô kho vũ khí hạt nhân của mình.

Văn kiện không đi vào các chi tiết cụ thể, nhưng nó đưa ra khuôn khổ cho các cuộc đàm phán đang tiếp diễn hướng tới việc làm tan băng quan hệ, điều mà cha của Kim Jong-un, người từng gặp mặt ngoại trưởng Mỹ khi đó là Madeline Albright, chưa từng tìm cách đạt được. Nó không phải là một cam kết trực tiếp, mà là một tuyên bố về ý định. Các cuộc đàm phán tiếp nối giờ đây sẽ bắt đầu giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và nhà chức trách Triều Tiên. Mặc dù được Trump gọi là “toàn diện”, nhưng văn kiện nói trên không bao hàm một con đường cụ thể hướng tới sự xuống thang hạt nhân.

Nhưng đối với cả hai nhà lãnh đạo, rõ ràng điều quan trọng hơn nhiều so với nội dung của văn kiện là trò chơi về nhận thức. Cuộc gặp đưa cả hai nhà lãnh đạo vào vị thế mà ở đó, tạo lập một nền hòa bình là cách duy nhất để giữ thể diện - điều mà cả hai đều mong muốn.

Tình cảm yêu mến ngập tràn giữa hai người: rõ ràng họ có sức hấp dẫn cá nhân. Trump đã ca ngợi Kim Jong-un, nói rằng ông có “nhân cách tốt ... rất thông minh. Một sự kết hợp tuyệt vời”, và trao cho ông một cái nhìn hiếm thấy trong chiếc xe limousine của tổng thống, một mẫu xe bọc thép kiên cố của hãng Cadillac được biết đến là “Quái thú”. Ông nói nhà lãnh đạo Triều Tiên là một “người tài năng”, “rất yêu đất nước của mình”, và nói với các phóng viên rằng cuộc gặp sẽ mang đến “thêm rất nhiều điều nữa” và nói rằng ông “chắc chắn” sẽ mời Kim Jong-un đến Nhà Trắng. Về phần mình, Kim Jong-un nói rằng thế giới “sẽ chứng kiến một sự thay đổi lớn”.

Nhưng điều đó có ý nghĩa gì?

Tầm vóc quốc tế của Kim Jong-un gần như đã thay đổi trong chốc lát từ một kẻ ngoài lề thành một người được yêu mến. Ông được Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ “ve vãn”. Nhiều điều vẫn có thể trở nên sai lầm, nhưng tín hiệu ông đã đưa ra là Triều Tiên đang trở nên thân thiện sau giai đoạn xa cách. Cuộc gặp này chỉ là một phần trong chiến lược của ông; nó diễn ra ngay sau chuyến thăm hiếm có tới Trung Quốc bằng tàu hỏa, và sau đó là một cuộc gặp gần như chưa từng có với Tổng thống Hàn Quốc ở biên giới hai nước.

Trên thực tế, cuộc gặp này cũng là một thành công đối với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người từ lâu đã mong muốn phá tan sự đối đầu giằng co ở biên giới phía Bắc của đất nước ông, nơi mà pháo binh của Triều Tiên vẫn thường trực nhằm vào thủ đô của ông, Seoul. Chính Tổng thống Moon Jae-in đã cho phép các vận động viên Triều Tiên tham gia Thế vận hội Mùa Đông ở Hàn Quốc vào đầu năm 2018, một dấu hiệu ban đầu đã đưa chúng ta đến cuộc gặp ngày 12/6. Tờ The Washington Post đưa tin, Tổng thống Moon Jae-in nói ông “gần như không ngủ được” trước cuộc gặp thượng đỉnh ngày 12/6.

Trump là kiểu người làm việc bằng bản năng thay vì kinh nghiệm. Đây là một cách tiếp cận gần như không có tác dụng đối với bất kỳ cơ quan nào trong chính phủ. Những thành tựu về lập pháp của ông là không đáng kể; khi ông đạt được điều gì đó thì thường là vì mơ ước của một ai đó khác đã chiếm ưu thế hơn đối với một tổng thống thậm chí không quan tâm đến việc học hỏi các chi tiết. Cuối cùng ông đã để cho Paul Ryan thúc đẩy kế hoạch thuế của riêng mình và tuyên bố đây là một chiến thắng; ông cho phép Mitch McConnel phần lớn lựa chọn người được bổ nhiệm trong Tòa án tối cao của mình.

Nhưng vấn đề Triều Tiên là một thành tựu hoàn toàn nhờ vào phong cách của ông. Có lẽ là vì, nhờ sự tình cờ lịch sử kỳ lạ nào đó, Trump và Kim Jong-un “cùng một giuộc” trong nhiều phương diện; họ đều là những kẻ cơ hội: Kế hoạch của Trump đối với cuộc đàm phán này là “chắp cánh cho nó”.

Về phần mình, Kim Jong-un cũng bị hấp dẫn bởi những người nổi tiếng; ngôi sao bóng rổ người Mỹ Dennis Rodman nổi lên như là một phái viên hòa bình không chính thức, người đã có các chuyến thăm Triều Tiên kỳ lạ bắt đầu vào năm 2013, khi ông có mối quan hệ thân thiết với Kim Jong-un nhờ tình yêu của Kim Jong-un với bộ môn bóng rổ, dường như là một dấu hiệu ban đầu cho thấy mối quan hệ của Kim Jong-un với Mỹ và văn hóa Mỹ không thù địch về căn bản như những người tiền nhiệm của ông.

Vào ngày 12/6, xuất hiện trực tiếp trên kênh truyền hình CNN từ Singapore, đội chiếc mũ in dòng chữ “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” và chiếc áo phông quảng cáo đồng tiền điện tử in hình cần sa Potcoin, Rodman đã thổn thức bày tỏ niềm vui sướng của mình.

Tuy nhiên, bài học mà các nước khác có thể rút ra từ toàn bộ sự việc này có lẽ không quá tích cực. Cuộc gặp này sẽ không bao giờ diễn ra nếu như không vì sự hung hăng ngày càng gia tăng, với việc Triều Tiên tăng cường phát triển vũ khí hạt nhân, đặc biệt là các tên lửa có thể đưa các đầu đạn đó đến tận lục địa Mỹ. Các nước khác đang hướng tới viêc nâng cao tầm vóc của mình với Mỹ có thể rút ra bài học rằng việc chế tạo vũ khí hạt nhân là cách để đạt được mục đích đó.

Nhưng bất chấp điều này, nếu như thỏa thuận này được giữ vững và có thể được phát triển thành một khuôn khổ dẫn tới hòa bình – hoàn toàn không phải một điều chắc chắn - đây sẽ là một thời điểm tuyệt vời có thể khiến cuộc sống của hàng triệu người Triều Tiên vốn sống trong cảnh nghèo khổ trở nên tốt đẹp hơn, cũng như khiến thế giới có thể an toàn hơn trước cuộc tấn công hạt nhân ít nhất là từ quốc gia này.

Nếu không, đây hoàn toàn sẽ là một trò đùa đáng thất vọng, một màn kịch câm, hai cái tôi trong cuộc chơi vô nghĩa. Vào thời điểm này, chúng ta không biết được, chỉ thời gian mới có thể trả lời.

Nicky Woolf là biên tập viên tờ New Statesman America. Bài viết được đăng trên New Statesman America.

Văn Cường (gt)