philippine_to_boost110416afp420.jpg

Hành vi khiêu khích và gây rối của CHDCND Triều Tiên, đặc biệt là nhiều vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng, đã gây nhiều quan ngại đối với Bắc Kinh. Các quan chức Trung Quốc ngày càng tỏ ra thất vọng khi "đồng minh" Triều Tiên của mình có vẻ rất quyết tâm thực hiện các hành vi này bất chấp yêu cầu và cảnh báo của Trung Quốc. Rõ ràng sự lo ngại sẽ càng gia tăng trong giới lãnh đạo Trung Quốc về việc chính quyền của ông Kim Jong-un có thể hành động liều lĩnh và gây ra một cuộc chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên. Vấn đề là, nếu Bắc Kinh không áp dụng các biện pháp cứng rắn như cắt hoàn toàn nguồn lương thực và năng lượng cung cấp cho Triều Tiên, thì ảnh hưởng của Trung Quốc đối với đồng minh "bất thường" này sẽ rất hạn chế.

Hiện Mỹ cũng đang phải đối mặt với các mối đe dọa phần nào mờ nhạt hơn từ hai đồng minh trong khu vực. Đài Loan là một trong những đồng minh - hay chính xác hơn là một lãnh thổ được bảo hộ nhờ Luật Quan hệ với Đài Loan năm 1979. Hiện tại Đài Bắc có một số hành động làm phức tạp thêm tình hình vốn đã rất nhạy cảm ở Biển Đông, trong khi Washington đã nhiều lần cảnh cáo Bắc Kinh không được bồi đắp các bãi đá và rạn san hô mà nước này ngang nhiên chiếm đóng trên Biển Đông. Theo các phương tiện truyền thông quốc tế, Đài Loan vẫn đang theo đuổi một chương trình đầy tham vọng ở Biển Đông như xây dựng hệ thống phòng thủ, phòng không trên đảo Ba Bình, thực thể lớn nhất trong quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc, Việt Nam, Philippines và Đài Loan. Ít nhất thì ứng xử của Đài Bắc sẽ khiến những chỉ trích của Washington đối với Bắc Kinh về việc duy trì nguyên trạng ở Biển Đông trở nên khó khăn hơn.

Một đồng minh khác hiện đang gây ra rất nhiều khó khăn,"bực tức" cho Washington là Philippines. Đến nay, Manila vẫn chưa thực hiện bất cứ điều gì được coi là "có trách nhiệm" sau phán quyết thuận lợi của Tòa Trọng tài ở La-Hay. Tổng thống Rodrigo Duterte là hiện thân của một đồng minh lỏng lẻo. Ông Duterte đã nhấn mạnh rằng chỉ người dân Philippines mới có thể hiểu ông và rằng chính sách đối ngoại của Manila sẽ không tự động làm theo mong muốn của Washington. Mặc dù tuyên bố đó chủ yếu là để "đánh bóng" hình ảnh trong nước của nhà lãnh đạo này, nhưng rõ ràng Mỹ có thể phải làm việc với một nhà lãnh đạo ngoan cố, muốn theo đuổi chương trình nghị sự của riêng mình. Đứng đầu các hành vi "phạm tội" của tân Tổng thống Philippines là việc thủ tiêu gần 3.000 đối tượng buôn ma túy mà không qua các thủ tục xét xử. Một nhà lãnh đạo như vậy liệu sẽ hành xử một cách có trách nhiệm trước các vấn đề quốc tế hay không? Mặc dù ông Duterte chưa làm bất cứ điều gì, đặc biệt là chưa đối đầu với Trung Quốc, nhưng rất ít khả năng ông này sẽ muốn Mỹ hỗ trợ trong bất cứ chính sách đối ngoại nào.

Mỹ và Trung Quốc sẽ thu được nhiều lợi ích nếu tiến hành đánh giá lại toàn diện các chính sách đối ngoại và quân sự tại khu vực châu Á. Liệu quan hệ an ninh với các quốc gia nhỏ, không ổn định, đôi khi khó kiểm soát thực sự đem lại lợi ích cho các cường quốc? Hay chính họ lại là những chiếc bẫy dẫn đến cuộc chiến tranh không mong muốn và không cần thiết? Các nhà hoạch định chính sách hai nước cần tự hỏi về vấn đề này trước khi cuộc khủng hoảng tiếp theo xảy ra.

Tác giả Ted Galen Carpenter là chuyên gia cao cấp về chính sách đối ngoại và quốc phòng của Viện CATO (Mỹ). Bài viết đăng trên "National Interest".

Vũ Hiền (gt)