Mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) và cơ quan Sáng kiến quản lý khủng hoảng (CMI) đã phối hợp tổ chức một cuộc hội thảo quốc tế về hòa giải hòa bình tại Giacácta, với mục đích thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và Liên minh châu Âu (EU) về ngăn ngừa và hòa giải xung đột trong khu vực. 


Trong số các câu hỏi then chốt nổi lên tại cuộc hội thảo này, có câu hỏi làm thế nào để thúc đẩy ASEAN trở thành một phương tiện hòa giải hòa bình hiệu quả. Trên lĩnh vực này, EU đang chịu trách nhiệm về một số sáng kiến nhằm tăng cường năng lực hòa giải và đối thoại, và ASEAN hiện cũng đang học tập những phương thức tốt nhất từ những khu vực khác nhằm tự phát triển thành một nhà lãnh đạo về kiến tạo hòa bình. 


Không giống như một số người hoài nghi, tôi tin rằng ASEAN có tiềm năng để trở thành một tổ chức khu vực hữu dụng đối với công tác phòng ngừa và hòa giải khủng hoảng. ASEAN đã bắt đầu phát triển các chương trình về thúc đẩy hòa bình trong khu vực bằng "cách riêng của mình". 


Kế hoạch chi tiết về Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (APSC) đưa ra nhiều kiến nghị về quản lý xung đột với ba trụ cột, trong đó có mục tiêu về một khu vực liên kết chặt chẽ, hòa bình, ổn định và năng động cùng chia sẻ trách nhiệm vì một nền an ninh toàn diện. 


Kế hoạch này nói lên cam kết của ASEAN về phòng ngừa xung đột, ngoại giao phòng ngừa và phát triển sau xung đột, đồng thời xác định một chương trình hành động hướng tới các mục tiêu về chính trị - an ninh thông qua công tác nghiên cứu, hợp tác và phát triển một khuôn khổ thể chế nhằm đối phó với các vấn đề xung đột và an ninh khu vực. 


Ngoài ra, trong vài năm qua, ASEAN cũng đã tham gia giải quyết các xung đột. Là một thực thể khu vực, ASEAN đã cùng với EU giám sát việc thực hiện Bản ghi nhớ (MoU) trong khuôn khổ Phái bộ Giám sát Aceh (AMM). Dù đóng vai trò khiêm tốn trong AMM, song đó có thể là bước khởi đầu để ASEAN thể hiện sự tham gia sâu rộng hơn trong tương lai. 


Bây giờ là lúc ASEAN thể hiện vai trò. Có một thách thức đặt ra đối với tổ chức khu vực này trong việc giải quyết tình trạng tiến thoái lưỡng nan của chính mình. Một mặt, ASEAN xác định sẽ tham gia các sáng kiến để thúc đẩy công tác phòng chống xung đột trong khu vực, tạo thêm phạm vi ảnh hưởng trong bối cảnh ASEAN đang nổi lên như một thế lực kinh tế mạnh trên phạm vi toàn cầu. 
Mặt khác, ước vọng hòa bình của ASEAN lại bị ràng buộc bởi khuôn khổ nội khối, theo đó bảo vệ quyền chủ quyền của các quốc gia thành viên trước sự can thiệp từ bên ngoài, cũng như sự miễn cưỡng ở cấp độ khu vực của ASEAN nhằm mở cửa cho sự can dự của bên thứ ba, đặc biệt là từ các nước ngoài ASEAN. 


Trên thực tế, hầu hết các cuộc xung đột trong khu vực sẽ có được hướng giải quyết từ kinh nghiệm và chuyên môn mà các bên thứ ba từ các khu vực xung đột khác có thể mang lại trong việc xây dựng lòng tin giữa các chính phủ hoặc trung gian đàm phán hòa bình. 


Inđônêxia và Philípin đang sử dụng các đội công tác gồm những chuyên gia giải quyết xung đột để phát triển các khuôn khổ chiến lược nhằm kết thúc các cuộc xung đột ở mỗi nước, cũng như xây dựng hòa bình lâu dài. Những gì có được từ việc phối hợp với các nước có kinh nghiệm ngoài khu vực có thể giúp ích cho các nước ASEAN. 


Trong tiến trình hòa bình tại Aceh, nhiều người từng lo ngại rằng trung gian bên ngoài sẽ thúc đẩy phong trào ly khai. Tuy nhiên, thực tế lại không phải như vậy. Hòa bình đã đạt được, địa phương này không lâm vào tình trạng rối loạn chính trị, và kinh tế phát triển đã trở thành tiêu điểm cho hòa bình lâu dài.

 
Cần một chặng đường dài để Aceh chứng minh sự thành công của địa vị tự trị đặc biệt mà Chính quyền trung ương dành cho họ; và sự thành công của tiến trình hòa bình đã được thúc đẩy mạnh mẽ bởi công tác cứu trợ đối với Aceh sau thảm họa sóng thần năm 2004. Dù thế nào đi nữa, tiến trình ở Aceh cho thấy sự tham gia của bên thứ ba, thông qua hòa giải và trợ giúp, có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ đạt được một nền hòa bình rộng lớn hơn.

 
ASEAN cần học hỏi kinh nghiệm này trên cấp độ khu vực. AMM là một ví dụ thành công mà bên quan hệ đối tác thứ nhất ASEAN đã thực hiện với một đối tác khu vực để giải quyết xung đột tại một trong những quốc gia thành viên của mình: Trong trường hợp này là với EU. 


Do sự phản đối nói chung trong khu vực liên quan đến sự "can thiệp" của bên ngoài vào công việc tại mỗi nước và của khu vực, ASEAN sẽ được hưởng lợi một cách tốt nhất bằng cách phát triển các cơ quan hòa giải xung đột và ngăn ngừa xung đột của chính mình. Cần phải khai thác và phát huy việc tăng cường năng lực và qui mô của các thể chế trung gian xây dựng hòa bình hiện có ở các nước ASEAN. 


Một đề nghị đáng quan tâm được nêu trong kế hoạch xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh chính là việc thành lập một trung tâm cho hòa bình và hòa giải của ASEAN. Trung tâm này có thể tập trung nghiên cứu về các khủng hoảng xã hội trong khu vực, đưa ra các khuyến nghị về hoạt động kiến tạo hòa bình và các cơ chế nội khối để quản lý và ngăn ngừa xung đột. 


Các xã hội dân sự ASEAN cũng nên tham gia các sáng kiến phòng chống xung đột trong khu vực. Nhiều nhóm xã hội dân sự có nhiều kinh nghiệm phong phú trong lĩnh vực này hơn chính phủ sở tại, và đã xây dựng được mạng lưới liên kết mạnh mẽ với nhau. Chào đón các nhóm xã hội dân sự và học hỏi kinh nghiệm của họ là điều rất quan trọng, trong bối cảnh đang hình thành một cơ quan kiến tạo hòa bình của ASEAN. Sự hiểu biết của một số ít các nhà hòa giải được tôn trọng ở các quốc gia trên toàn khu vực – những người đang xông pha trên lĩnh vực hòa giải hòa bình - cần phải được khai thác và nhân rộng. 

Điều quan trọng là ASEAN tiếp tục vận dụng vai trò mà Hiệp hội có thể thể hiện tốt nhất nhằm đóng góp cho hòa bình khu vực. Kế hoạch chi tiết của ASEAN là một bước khởi đầu tốt, nhưng hành động tiếp theo mới là điều tối quan trọng./.

 

Đọc bản gốc: Can ASEAN be a peace mediator?

 

 (Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập Website)