Năm 2011, quan hệ giữa Pakixtan với Mỹ gặp nhiều rắc rối và đã đến gần bờ vực của sự sụp đổ. Quan hệ hai nước này xấu đi nhanh chóng sau vụ bắt giữ một nhà thầu CIA về tội giết người, Mỹ đột kích giết chết Osama Bin Laden và cuộc tấn công của NATO làm hơn hai chục binh sĩ Pakixtan thiệt mạng. Đồng thời, tình cờ cũng trong năm này, Pakixtan và Trung Quốc lại kỷ niệm “Năm hữu nghị” đánh dấu 60 năm quan hệ ngoại giao với nhiều chuyến viếng thăm cấp cao lẫn nhau, ký kết các hợp đồng kinh tế nhiều tỷ USD, nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và tập trận quân sự chung. Khi Pakixtan và Trung Quốc củng cố mối quan hệ của họ, người ta đặt ra nhiều dấu hỏi điều gì sẽ phát sinh xung quanh bản chất thay đổi của liên minh này, về giọng điệu duy trì nó và về ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở Pakixtan, đặc biệt là đối với Mỹ và Ấn Độ gây nên nỗi lo ngại rằng Trung Quốc đe dọa đến quyền lợi của Mỹ ở Pakixtan, mối quan hệ “trong mọi thời tiết” Trung Quốc-Pakixtan thường được các quan chức hai nước Trung Quốc và Pakixtan, các phương tiện truyền thông và những người theo đường lối cứng rắn ở Oasinhtơn và Niu Đêli đặt bên cạnh mối quan hệ “trong thời tiết thuận lợi” của Pakixtan với Mỹ. Tuy nhiên, chiều sâu của quan hệ Trung Quốc và Pakixtan không nên được đánh giá quá cao. Sự can dự của Trung Quốc vào nước láng giềng Pakixtan chỉ xuất hiện những khi nó đáp ứng được lợi ích an ninh quốc gia của riêng Bắc Kinh, của các tham vọng khu vực và tầm nhìn về một trật tự thế giới đang thay đổi của họ. Những lời nói khoa trương “ngọt hơn mật ong” tiếp tục củng cố về bề ngoài của mối quan hệ sâu sắc giữa Trung Quốc-Pakixtan dựa trên các mục tiêu chung và sự hội tụ chiến lược đối với những thách thức và nguy cơ nghiêm trọng. 

Một trục quan trọng trong hợp tác Trung Quốc-Pakixtan hiện nay là hợp tác chống khủng bố ở Tân Cương do Chính phủ Trung Quốc đang phải đối mặt với một phong trào ly khai liên quan đến các vấn đề của người Duy Ngô Nhĩ địa phương, những người muốn tự chủ lớn hơn hoặc độc lập hoàn toàn từ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Hợp tác kinh tế giữa hai nước tiếp tục dưới các hình thức đầu tư thương mại, năng lượng và cơ sở hạ tầng nhưng phần lớn đầu tư của Trung Quốc nhằm vào khu vực công chủ yếu mang lại lợi ích cho Bắc Kinh. Trung Quốc cũng tiếp tục cung cấp cho Pakixtan các lò phản ứng hạt nhân, máy bay quân sự và phần cứng thông thường rẻ tiền. Đổi lại, Pakixtan không trực tiếp phản đối hoặc thách thức bất kỳ “lợi ích cốt lõi” nào của Trung Quốc, bao gồm Tân Cương, Đài Loan, Tây Tạng và tranh chấp Biển Đông và nước này thường xuyên được lãnh đạo Trung Quốc khen ngợi, cảm ơn vì lòng trung thành này. Động lực phát triển của mối quan hệ Trung Quốc-Pakixtan cũng tùy thuộc vào mối quan hệ song phương của mỗi nước tại một thời điểm nhất định với Mỹ hoặc với Ấn Độ, và các thông số của nó ngày càng định hình bởi các nước đang cạnh tranh ảnh hưởng trong một môi trường địa chính trị đang thay đổi ở Nam Á. Chính sách đối ngoại của Pakixtan được củng cố bởi sự thù địch đang diễn ra với Ấn Độ và mối quan hệ chủ yếu về an ninh với Mỹ. Vị trí địa chính trị chiến lược của Pakixtan có nghĩa là nó có một vị trí độc nhất vô nhị tiếp cận được các tuyến đường hàng hải trọng yếu để bảo đảm nguồn cung cấp năng lượng của Trung Quốc. Cả cảng Gwadar ở Baluchistan và đường cao tốc Karakoram, do Trung Quốc giúp xây dựng, sẽ cho phép Trung Quốc đa dạng hóa các liên kết giao thông vận tải và các tuyến đường năng lượng mà không cần nhờ đến ảnh hưởng của Ấn Độ và Mỹ ở Ấn Độ Dương và Biển Đông. Hơn thế nữa, mối quan hệ Trung-Ấn và Mỹ-Ấn cũng để lại những dấu ấn quan trọng lên quan hệ Trung Quốc-Pakixtan, với các mối quan hệ kinh tế đang phát triển cùng với các lo ngại về an ninh và thay đổi cấu trúc liên minh. 

Không có gì lạ khi người ta thấy Pakixtan và Trung Quốc tìm kiếm các mối quan hệ thân cận hơn với nước kia khi quan hệ với Mỹ có vấn đề, như họ đã từng làm trước đây. Thứ nhất, trong chiến tranh Trung Quốc-Ấn Độ năm 1962, Mỹ ủng hộ Ấn Độ khiến Pakixtan tức giận và sau đó trong chiến tranh Pakixtan-Ấn Độ năm 1965 Mỹ đã thể hiện vai trò trung lập hơn. Vào những thời điểm khi quan hệ giữa Pakixtan và Mỹ được cải thiện thì Pakixtan ít có sự phụ thuộc vào Trung Quốc hơn. Còn khi quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và Ấn Độ được cải thiện, Bắc Kinh có lập trường trung lập hơn về các vấn đề tranh cãi như Casơmia và thận trọng hơn trong các cam kết đối với Pakixtan. Pakixtan thường nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc, ví dụ như khen ngợi các nỗ lực chống khủng bố sau cái chết của Osama Bin Laden. Nhưng đôi khi thì không, ví như Tổng thống Asif Ali Zardari đã mất tinh thần khi Trung Quốc không cung cấp cho Pakixtan khoản vay cần thiết năm 2008 để tránh bị vỡ nợ. Trung Quốc đã hỗ trợ Pakixtan về mặt chính trị, kinh tế và quân sự cần thiết để cân bằng quan hệ với Mỹ và Ấn Độ chỉ khi nó gắn với các ưu tiên địa chiến lược của Bắc Kinh. Mỹ và Trung Quốc có thể có lợi ích chồng chéo nhau ở Pakixtan với những tham vọng lớn hơn trong khu vực, nhưng cách họ tiếp cận với Pakixtan lại khác nhau rõ rệt. Điều này đã mang lại từng kiểu quan hệ khác nhau tương ứng với Pakixtan. Mối quan hệ của Pakixtan với Mỹ về bản chất là “mối giao dịch”, ví dụ như viện trợ kinh tế hoặc quân sự gắn liền với việc chống lại phiến quân. Bản chất của mối quan hệ Trung Quốc-Pakixtan, trong khi không đối xứng, thì được xác định tốt hơn so với mối quan hệ Mỹ-Pakixtan. Hiện nay, Pakixtan là thị trường và đối tác thương mại nhỏ của Trung Quốc nhưng Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Pakixtan. Mỹ và Pakixtan đang nỗ lực để xác định mối quan hệ phức tạp hơn nhiều. 

Mặc dù đã cung cấp hơn 18 tỷ USD cho viện trợ kinh tế và quân sự từ năm 2002 nhưng Mỹ vẫn không thể có được ảnh hưởng mà Oasinhtơn mong muốn ở Pakixtan. Trong khi đó, ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Ixlamabát được bắt nguồn từ lịch sử, các lĩnh vực hợp tác cùng nhau, và cả cảm giác được chia sẻ là đang “bị hiểu lầm”. Pakixtan và Trung Quốc đã nuôi dưỡng mối quan hệ ngoại giao và các phương tiện truyền thông ở cả hai nước đang tiếp tục quảng bá hình ảnh của một liên minh vững chắc. Trung Quốc và Pakixtan mô tả quan hệ của họ như là “những người anh em tốt cùng nhau chia ngọt sẻ bùi”, mà điều này cũng phản ánh tình cảm thực tế ở hai nước. Hai nước đã bàn đến việc thành lập một trường đại học truyền thông ở Pakixtan để cùng nhau đối phó với các chương trình tuyên truyền của phương Tây. Mặc dù tầm nhìn và khả năng tương tác của người dân thường Pakixtan với Trung Quốc thì hạn chế nhưng có một nhận thức mạnh mẽ rằng sự hiện diện của Trung Quốc ở Pakixtan là có lợi. Mỹ thì bị coi là can thiệp vào Pakixtan và do đó bị nghi ngờ và thù địch. Theo cuộc thăm dò dư luận toàn cầu năm 2011 của tổ chức Pew, khoảng 70% dân số Pakixtan coi Mỹ như kẻ thù và với một tỷ lệ cao tương tự không có thiện cảm với Mỹ. Ngược lại, gần 9/10 người Pakixtan nói Trung Quốc là đối tác của nước họ. Tầm quan trọng mà Pakixtan đặt vào Trung Quốc thể hiện qua tần suất của các chuyến thăm cấp cao: Tổng thống Zardari đã đến thăm Trung Quốc hai lần kể từ khi Mỹ tấn công vào khu vực mà Osama bin Laden sinh sống và bảy lần kể từ khi ông trở thành tổng thống. Ngoài ra, khi Pakixtan có chính phủ dân chủ, Trung Quốc bảo vệ lợi ích của mình bằng việc duy trì các mối liên kết với các đảng chính trị đối lập. Pakixtan cũng thấy dễ dàng ủng hộ những mối quan tâm của Trung Quốc hơn, thường thì những vấn đề này là cả hai bên cùng có lợi hoặc không có ý nghĩa thực sự đối với Pakixtan. Nằm trong lợi ích của hai nước là việc đàn áp cuộc nổi dậy ở Baluchistan nơi Trung Quốc có nhiều đầu tư vào đây, và Pakixtan muốn thông qua các cuộc tấn công chống lại nhân viên Trung Quốc để đàn áp mạnh tay hơn đối với những người Baluch dân tộc chủ nghĩa bị nghi ngờ. Tương tự, Pakixtan không muốn đối mặt với sự giận dữ của Trung Quốc qua việc ủng hộ phong trào ly khai người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và do đó có thể tăng cường nhằm vào các nhóm hoặc cá nhân đe dọa liên minh Trung Quốc-Pakixtan. Ngược lại, Mỹ đã nhiều lần yêu cầu Pakixtan thực hiện một chiến dịch quân sự ở Bắc Waziristan chống lại mạng lưới Haqqani, nhưng những yêu cầu này chưa có hồi âm bởi vì nó không phù hợp với lợi ích của quân đội Pakixtan. 

Khi mối quan hệ của Trung Quốc với Pakixtan có vẻ sẽ được tăng cường, một điều dễ thấy là còn có nhiều thách thức đối với liên minh này. Trước hết, trong khi các mô hình trợ giúp của Trung Quốc đang bắt đầu đáp ứng các yêu cầu của Pakixtan về cung cấp các khoản tiền mặt lớn và các quĩ khẩn cấp, nó vẫn còn rất hạn chế và chỉ tập trung đầu tư vào khu vực công và các khoản vay. Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng tỏ rõ ý định muốn cho Chính phủ Pakixtan vay tiền ngang bằng với mức hỗ trợ của phương Tây. Việc hỗ trợ tích lũy song phương của Trung Quốc cho Pakixtan từ 2004 đến 2009 chỉ vẻn vẹn có 217 triệu USD, và thường là được dùng để cứu trợ thiên tai. Chính sách viện trợ nước ngoài được công bố của Trung Quốc nói rằng nước này không áp đặt các điều kiện chính trị và không can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia khác. Trung Quốc có thể không đưa ra các điều khoản và điều kiện như Mỹ, nhưng Bắc Kinh cũng chẳng cho Pakixtan nhiều. Bắc Kinh chỉ viện trợ một phần nhỏ cho Pakixtan khi nước này bị thiệt hại nặng nề do trận lũ năm 2010. Mặc dù có thấy ghi nhận rằng Trung Quốc là nước viện trợ thiên tai lớn nhất cho một quốc gia nào đó, nhưng khoản viện trợ lớn nhất đó không dành cho Pakixtan; Mỹ lại là nước cam kết mức viện trợ lớn nhất (28% tổng viện trợ), trong khi Trung Quốc còn đứng sau Nhật Bản, Na Uy, Arập Xêút và Anh. Thứ hai, những vấn đề về an ninh nội bộ của Pakixtan làm cho Ixlamabát bị hạn chế trong việc giúp ổn định ở Tân Cương và bảo vệ đầu tư và tài sản của Trung Quốc ở Pakixtan. Là một nhà đầu tư lâu dài của các dự án cơ sở hạ tầng lớn, tình hình an ninh bất ổn của Pakixtan làm cản trở cho việc đầu tư trong tương lai của Trung Quốc. Tháng 9/2011, Tập đoàn tư nhân Trung Quốc Kingho đã rút khỏi một dự án khai thác khoáng sản trị giá 19 tỷ USD ở Sindh, được cho là do lo ngại về an toàn của nhân viên sau nhiều vụ đánh bom ở các thành phố lớn. Các chuyên gia Trung Quốc ở Pakixtan, chủ yếu là kỹ sư, cũng bị tấn công nhiều hơn các nước khác kể từ năm 2004. Khi các nguy cơ an ninh ngày càng nhiều, Bắc Kinh sẽ trở nên miễn cưỡng đầu tư vào Pakixtan bất chấp những nỗ lực ra sức thuyết phục của Ixlamabát. Thứ ba, quân đội Pakixtan không muốn phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ quân sự của Bắc Kinh, đặc biệt là thông tin tình báo và thiết bị chống khủng bố trong khi quân đội Mỹ chiếm ưu thế về lĩnh vực này. Gửi quân ra nước ngoài sẽ đi ngược lại chính sách không can thiệp của Trung Quốc, và năng lực của các lực lượng vũ trang trong việc chống lại quân nổi dậy và huấn luyện cảnh sát có hiệu quả vẫn còn hạn chế. Quan hệ Trung Quốc-Pakixtan cũng có khi bị hiểu nhầm nhưng chúng thường được giải quyết nhanh chóng và bí mật, tương phản với sự khiển trách thẳng thừng mà Pakixtan nhận được từ Mỹ. Pakixtan thừa nhận rằng nước này cần cả Mỹ lẫn Trung Quốc, và không muốn thấy mình bị cô lập và không nhận được bất kỳ hỗ trợ tài chính nào. Kinh tế của Pakixtan chỉ tăng trưởng 2,2% GDP trong năm 2011, đối mặt với thiếu hụt năng lượng và nước, thất nghiệp và các khoản nợ. Trọng tâm hiện nay là Pakixtan muốn điều tiết lại ảnh hưởng của các đồng minh của mình, hơn là chỉ phụ thuộc vào một đối tượng. Điều này làm tăng thêm nghi ngờ xung quanh các mối liên kết giữa quan hệ Mỹ-Pakixtan và liên minh Trung Quốc-Pakixtan, liệu chúng có bị ảnh hưởng hơn do những lời hoa mỹ khuyếch trương và các tình huống hay liệu có đang diễn ra những hình thức tái liên kết chiến lược sâu rộng hơn. Những điều này tác động như thế nào đến các yếu tố ảnh hưởng tới động lực của khu vực sẽ được theo dõi sát sao cả ở Oasinhtơn và Niu Đêli./.

 Theo Chathamhouse (12/2011)

Viết Tuấn (gt)