Liên minh Nga-Trung đang tồn tại theo nhiều cách khác nhau: nhóm BRICS bao gồm các cường quốc mới nổi (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải được coi là đối trọng châu Á của NATO, nhóm G20 và 12 nước thành viên Phong trào không liên kết. Thương mại và trao đổi hàng hóa chỉ là một phần trong hợp tác tương lai giữa Nga và Trung Quốc bởi lẽ động năng trong phát triển công nghệ quân sự mới cũng đáng được chú ý. Khi thấy Mỹ có hệ thống phòng thủ cực kỳ tinh xảo để chống lại tên lửa Nga đã sẵn sàng cho năm 2018, Trung Quốc cũng muốn có một phiên bản tương tự. Trong lúc đó, Nga đang chuẩn bị bán hàng chục chiếc máy bay chiến đấu SU-35 thế hệ mới nhất cho Trung Quốc trong khi Bắc Kinh và Moskva sẽ mở rộng hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp hàng không. 

Dấu hiệu của một kỷ nguyên Á-Âu đang thai nghén lại càng rõ khi Tổng thống Nga, Vladimir Putin, sang thăm Trung Quốc vào đầu tháng 6/2013. Ai cũng biết "Ductistan" là một hệ thống đường ống dầu mỏ và khí đốt chủ chốt chạy ngang dọc ở sườn trái lục địa Á-Âu tạo thành mạch sống thực sự cho vùng này. Theo thỏa thuận mới nhất được ký kết, tập đoàn Gazprom của Nga do Nhà nước kiểm soát đồng ý cung cấp cho Công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC), cũng là một tập đoàn nằm trong tay Nhà nước, 3.750 tỷ "feet" khối khí đốt tự nhiên trong ít nhất 30 năm và bắt đầu từ năm 2018. Nhu cầu về khí đốt hiện nay ở Trung Quốc là rất cao trong khi nhập khẩu chỉ đáp ứng được 31,6% tổng mức tiêu thụ. Gazprom có thể vẫn thu được phần lợi nhuận chính từ khí đốt bán cho châu Âu, song châu Á cũng có thể thay thế vai trò đó. Tập đoàn này sẽ sử dụng thương vụ khổng lồ nói trên để tăng đầu tư vào vùng Đông Siberia và toàn vùng sẽ được tái hoạch định để trở thành một trung tâm chuyên cung cấp khí đốt cho Nhật Bản và Hàn Quốc. Để hiểu được tại sao không một nước châu Á chủ chốt nào sẵn sàng "cô lập" Nga trong vấn đề khủng hoảng Ukraine và qua đó thách thức Chính quyền Obama, không cần phải tìm lý do ở đâu xa ngoài hệ thống đường ống nói trên. 

Tiếp đó, khi nói về mối lo ngại của Washington, cần xem xét số phận của đồng USD dầu mỏ, hay đúng hơn là khả năng "hủy diệt" nếu Moskva và Bắc Kinh thống nhất thanh toán hợp đồng Gazprom-CNPC không phải bằng đồng USD dầu mỏ mà bằng đồng nhân dân tệ. Khó có thể nghĩ đến một cơn chấn động mạnh hơn, với việc kết hợp giữa hệ thống "Ductistan" với tăng cường hợp tác chính trị-kinh tế-năng lượng giữa Nga và Trung Quốc. Bên cạnh đó đã xuất hiện khả năng sắp tới Nga và Trung Quốc tiến tới một đồng tiền dự trữ quốc tế mới - trên thực tế là một giỏ tiền ngoại tệ - để thay thế đồng USD (ít nhất là trong giấc mơ lạc quan của một số nước BRICS). Ngay sau cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Trung sẽ là hội nghị thượng đỉnh nhóm BRICS tại Brazil vào tháng 7/2014. Sự kiện này diễn ra vào thời điểm Ngân hàng phát triển nhóm BRICS với số vốn lên tới 100 tỷ USD được công bố năm 2012, sẽ chính thức ra đời như một giải pháp tiềm tàng thay thế Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới với tư cách là nguồn tài trợ dự án cho các nước đang phát triển. 

Đồng "nhân dân tệ khí đốt" cho thấy nhiều hơn cả sự hợp tác giữa các nước BRICS để tránh đồng USD, như trong trường hợp khí đốt tự nhiên được mua và thanh toán bằng đồng tiền Trung Quốc. Gazprom thậm chí còn dự định phát hành trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ để có phương tiện giúp kế hoạch hóa sự phát triển của mình về phương diện tài chính. Trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ đã được mua bán tại Hong Kong, Singapore, London và gần đây nhất là ở Frankfurt. Đối với thỏa thuận mới về "Ductistan", có thể không gì ý nghĩa bằng việc thanh toán hợp đồng bằng đồng nhân dân tệ. Bắc Kinh có thể sẽ trả Gazprom bằng đồng tiền này (chuyển đổi được thành đồng rúp), còn Gazprom có thể tích trữ đồng nhân dân tệ và đến lúc đó, Nga có thể mua vô số hàng hóa và dịch vụ ở Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ có thể chuyển đổi thành đồng rúp. Ai cũng biết các ngân hàng ở Hong Kong, từ Standard Chartered đến HSBC, cũng như một số ngân hàng khác có mối liên hệ với Trung Quốc qua các thỏa thuận thương mại, đang đa dạng hóa bằng đồng nhân dân tệ, từ đó có thể khiến đồng tiền của Trung Quốc trở thành một trong những đồng tiền dự trữ thực tế trước khi có thể chuyển đổi được (về phương diện không chính thức, Bắc Kinh đang tìm cách để đồng nhân dân tệ trở thành một đồng tiền có thể chuyển đổi được hoàn toàn vào năm 2018). 

Thỏa thuận Nga-Trung về dầu khí không thể tách rời mối quan hệ về năng lượng giữa Liên minh châu Âu (EU) và Nga. Rốt cuộc, phần chính trong Tổng sản phẩm quốc nội của Nga có được là nhờ bán khí đốt và dầu mỏ cũng như ảnh hưởng của nước này trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Về phần mình, Đức phụ thuộc vào Nga vì được nước này cung ứng tới 30% lượng khí đốt tự nhiên của Đức. Tuy nhiên, yêu cầu địa chính trị của Washington - được hỗ trợ bởi thái độ phấn khích của Ba Lan - khiến Brussels phải tìm cách để "trừng phạt" Moskva trong không gian năng lượng tương lai (nhưng không gây nguy hiểm tới mối quan hệ hiện nay trong lĩnh vực năng lượng). 

Tại Brussels có những tin đồn dai dẳng về việc dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Nam trị giá 16 tỷ USD có thể bị hủy bỏ mặc dù được dự kiến khởi công vào tháng 6/2014. Nếu được hoàn thành, hệ thống này có thể bơm nhiều khí đốt tự nhiên hơn nữa cho châu Âu và trong trường hợp này sẽ được chuyển bằng đường ngầm dưới Biển Đen (để tránh đi qua Ukraine) qua Bulgaria, Hungary, Slovenia, Serbia, Croatia, Hy Lạp, Italy và Áo. Một số nước như Bulgaria, Hungary và Cộng hòa Czech đã đánh tiếng sẽ phản đối hoàn toàn việc hủy bỏ dự án này. Và có thể việc hủy bỏ dự án không được đưa vào chương trình nghị sự. Rốt cuộc, giải pháp thay thế hiển nhiên duy nhất là khí đốt khai thác từ biển Caspian của Azerbaijan, nhưng điều đó sẽ không xảy ra trừ phi EU phát triển các dự án của chính mình. Trong mọi trường hợp, Azerbaijan - nước không có khả năng đáp ứng nhu cầu khí đốt tự nhiên - và một số tác nhân khác như Kazakhstan - nước có nhiều vấn đề về hạ tầng - hay Turkmenistan - nước ít đáng tin cậy hơn nhưng muốn bán khí đốt cho Trung Quốc - đã bị loại khỏi cuộc chơi. Và cũng không nên quên rằng dự án Dòng chảy Phương Nam, cộng với một số dự án năng lượng bổ sung khác, sẽ tạo được nhiều việc làm và đầu tư ở nhiều nước EU trong số các nước bị thiệt hại nhiều nhất về phương diện kinh tế. 

Dẫu sao, những lời đe dọa như vậy của EU tuy không thực tế nhưng có tác dụng thúc đẩy Nga ngày càng gắn bó hơn với các thị trường châu Á. Đặc biệt, đối với Bắc Kinh, đó là một tình thế có lợi cho cả Trung Quốc và Nga. Rốt cuộc, không thể so sánh giữa năng lượng được cung cấp qua đường biển bị trông chừng và kiểm soát bởi Hải quân Mỹ với qua các con đường bộ ổn định và thường xuyên sử dụng được xuất phát từ Siberia.

Quả thực là đồng USD vẫn tiếp tục là đồng tiền dự trữ hàng đầu vì chiếm tới 33% trao đổi thương mại của thế giới vào cuối năm 2013 theo đánh giá của IMF. Tuy nhiên, tỷ lệ này là 55% vào năm 2000. Không ai biết tỷ lệ bằng đồng nhân dân tệ là bao nhiêu (và Bắc Kinh cũng không công bố), nhưng IMF lưu ý rằng dự trữ một số "đồng tiền khác" trên các thị trường mới nổi tăng 400% kể từ năm 2003. Có thể nói rằng Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã "tiền hệ hóa" tới 70% món nợ của Chính phủ Mỹ nhằm tìm cách không cho lãi suất tăng. Cố vấn Lầu Năm Góc Jim Rickards, cũng như mọi chủ ngân hàng khác tại Hong Kong, tìm cách khiến người khác tin rằng FED đang vỡ nợ (mặc dù không chính thức nói ra). Tuy nhiên, cũng không nên tin rằng đó có thể là hồi kết của chủ nghĩa tư bản phương Tây mà chỉ là suy giảm niềm tin kinh tế đang ngự trị, chính sách kinh tế tự do mới mặc dù vẫn là tư tưởng chính thức của Mỹ, ở tuyệt đại đa số các nước EU và một số nước châu Á và khu vực Mỹ Latinh. 

Về cái có thể được gọi là "chính sách kinh tế tự do mới độc đoán" của Trung Quốc, cái gì lúc này có thể khiến nước khác không vừa ý? Trung Quốc đã cho thấy đó là kết quả của một giải pháp có định hướng thay thế hình mẫu tư bản "dân chủ" phương Tây đối với các nước muốn tin điều này. Đó là xây dựng không phải một mà là một loạt con đường tơ lụa mới, gắn kết các tuyến đường sắt cao tốc, hải cảng và mạng lưới cáp quang, đường ống dẫn dầu chạy qua các vùng đất mênh mông trên lục địa Á-Âu. Các hệ thống này bao gồm một con đường ở Đông Nam Á, một ở Trung Á, một "tuyến đường biển" qua Ấn Độ Dương và thậm chí một tuyến đường sắt chạy qua Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đến tận Đức. 

Tháng 4/2014, khi đến Duisburg, ở bờ Bắc sông Rhin, nơi có hải cảng lớn nhất thế giới trong đất liền và nằm ở trung tâm vùng công nghiệp thép của Đức, Tập Cận Bình đưa ra một đề xuất táo bạo: xây dựng một "Con đường tơ lụa kinh tế" giữa Trung Quốc và châu Âu, trên cơ sở tuyến đường sắt Trùng Khánh-Tân Cương-châu Âu hiện đã nối Trung Quốc với Kazakhstan, tiếp đó chạy qua Nga, Belarus, Ba Lan và cuối cùng là Đức. Như vậy, đi từ vùng duyên hải phía Đông của Trung Quốc sang châu Âu sẽ giảm được 15 ngày nếu đi bằng tàu hỏa, 20 ngày bằng tàu chở hàng. Đó có thể sẽ là cơn địa chấn địa chính trị cuối cùng có tính quyết định nếu nói về hội nhập tăng trưởng kinh tế thông qua lục địa Á-Âu. Cần nhắc lại rằng nếu không có thay đổi cơ bản gì, Trung Quốc sắp chuyển đổi và trở thành cường quốc kinh tế số một thế giới, một vị thế mà nước này giữ được 18 thế kỷ trong 20 thế kỷ qua. Nhưng các nhà viết sử ở London sẽ không tin điều này vì họ vẫn tin bá quyền của Mỹ sẽ tiếp tục và không bao giờ mất. 

Mặc dù gặp nhiều vấn đề tài chính nghiêm trọng trong thời gian gần đây, song các nước BRICS vẫn quyết tâm phấn đấu trở thành phản đề của nhóm G8 lúc đầu - sau khi đã loại Nga vào tháng 3/2014 - để trở thành nhóm G7 mới. Các nước BRICS cũng nóng lòng muốn tạo ra một cơ cấu thế giới mới để thay thế cơ cấu được áp đặt từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai và tự coi mình là một thách thức tiềm tàng đối với thế giới "đặc biệt" và đơn cực mà Washington nghĩ ra cho tương lai của thế giới (với chính nước Mỹ là nòng cốt của thế giới và NATO là sức mạnh). Các nước BRICS có kế hoạch và ít nhất đó là những gì mà các nước này muốn tin. Và khi các nước BRICS hành động theo tinh thần đó trên trường quốc tế, sẽ nhanh chóng tạo ra một sự hòa trộn đáng kinh ngạc giữa lo sợ, phấn khích và hiếu chiến trong hệ thống của Washington. 

Chẳng hạn Christopher Hill, trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Đại sứ Mỹ tại Iraq - hiện là cố vấn của Albright Stonebridge Group, một nhóm tư có mối liên hệ rất chặt chẽ với Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ, vẫn quen mơ đến một "trật tự thế giới mới" do Mỹ thống trị trong khi Nga "bị hạ bệ và nằm ngoài cuộc chơi". Nhưng ông Hill cho rằng nước Nga - một khi tỏ ra coi thường "những gì mà phương Tây mời họ hưởng" nghĩa là "một quy chế xã hội đặc biệt với NATO, một mối quan hệ ưu đãi với EU và hợp tác quốc tế trong nỗ lực ngoại giao" - đang định chủ động dựng dậy đế chế Xôviết. Qua đó nên hiểu rằng nếu các anh không phải là chư hầu có nghĩa là các anh đang chống lại chúng tôi và đó sẽ là cuộc Chiến tranh Lạnh 2.0. 

Lầu Năm Góc nhìn nhận vấn đề đó theo cách riêng của mình, chống lại cả Nga lẫn Trung Quốc, nước đang tiến hành chiến tranh với Mỹ bằng nhiều cách, như một số nhóm tư vấn khẳng định. Do đó, nếu bây giờ không phải là thảm họa thì sau này cũng sẽ là đại họa. Và dĩ nhiên là đối với tất cả những gì diễn ra theo chiều hướng xấu, trong khi Chính quyền Obama rõ ràng "xoay trục" sang châu Á và truyền thông Mỹ thích thú với sự hồi sinh của chính sách "kiềm chế" có từ kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh ở Thái Bình Dương, đó là do lỗi của Trung Quốc. 

Trên thực địa xảy ra một số sự việc đáng buồn cười theo hướng đó: Chính phủ Mỹ, với số nợ khổng lồ, định đối đầu về tài chính với Nga, nước sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới và nước có sức mạnh hạt nhân quan trọng, đồng thời đẩy mạnh bao vây kinh tế vốn không thể biện minh nổi đối với chủ nợ lớn nhất của mình là Trung Quốc. Nga có thặng dư thương mại lớn. Các ngân hàng lớn của Trung Quốc sẽ không gặp bất cứ vấn đề nào để giúp các ngân hàng Nga nếu vốn của phương Tây cạn kiệt. Về hợp tác giữa các nước BRICS với nhau, có ít dự án có số vốn đầu tư vượt quá dự án tuyến đường ống dẫn dầu trị giá 30 tỷ USD đã được lên kế hoạch và sẽ chạy từ Nga sang Ấn Độ qua vùng Tây Bắc Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc đã nhanh chóng thảo luận về khả năng tham gia thiết lập một hành lang vận chuyển từ Nga sang bán đảo Crimea cũng như việc xây dựng một sân bay, một nhà máy đóng tàu và một cảng phân phối khí tự nhiên hóa lỏng tại đó. Và một nước cờ thí khác "có sức chấn động lớn" đang diễn ra: Đó là sự ra đời của một tổ chức khí đốt tự nhiên tương tự như Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ, dự kiến sẽ bao gồm Nga, Iran và một đồng minh của Mỹ nhưng không hài lòng với Mỹ là Qatar. 

Kế hoạch dài hạn (ngầm) của nhóm BRICS bao gồm cả việc thành lập một hệ thống kinh tế thay thế, trong đó một giỏ các đồng tiền được tính bằng vàng, sẽ không sử dụng đến hệ thống tài chính thế giới dựa chủ yếu vào đồng USD (không có gì đáng ngạc nhiên khi Nga và Trung Quốc đang tích trữ càng nhiều vàng càng tốt). Đồng euro - một đồng tiền lành mạnh dựa vào các thị trường lớn về trái phiếu tiền mặt và các kho dự trữ vàng khổng lồ - có thể sẽ được hoan nghênh. Một điều không còn bí mật ở Hong Kong là Ngân hàng Trung Quốc sử dụng mạng lưới SWIFT không chính thức để thực hiện mọi phi vụ thương mại với Tehran đang bị Mỹ trừng phạt kinh tế. Bởi lẽ Washington thao túng các loại thẻ tín dụng Visa và Mastercard như một thứ vũ khí trong chiến dịch ngày càng được mở rộng theo kiểu Chiến tranh Lạnh chống lại Nga nên Moskva quyết định thiết lập một hệ thống thay thế các loại thẻ thanh toán và tín dụng nói trên không bị kiểm soát bởi hệ thống tài chính phương Tây. Một cách dễ thực hiện hơn có thể là chấp nhận hệ thống Liên minh thanh toán của Trung Quốc với các hoạt động thanh toán đã vượt quá American Express về tổng khối lượng. 

Có thể không một yếu tố "xoay trục" sang châu Á nào của Chính quyền Obama có thể kiềm chế được Trung Quốc (và đe dọa nước này thông qua việc dùng Hải quân kiểm soát các tuyến đường vận chuyển năng lượng trên biển), cũng không thể khiến Bắc Kinh phải từ bỏ chiến lược "trỗi dậy hòa bình" được Đặng Tiểu Bình đưa ra, với ý định trở thành cường quốc thương mại hàng đầu thế giới. Cũng như vậy, việc triển khai quân Mỹ hay NATO ở Đông Âu và một số hành vi khác theo kiểu Chiến tranh Lạnh sẽ không thể thuyết phục được Nga từ bỏ một số cuộc chơi tinh tế: Bảo đảm vùng ảnh hưởng của mình ở Ukraine vẫn rộng lớn mà không ảnh hưởng đến thương mại và trao đổi hàng hóa, cũng như mối quan hệ chính trị với EU, đặc biệt là với đối tác chiến lược là Đức. Đó là một khu trao đổi mậu dịch tự do chạy từ Lisbon đến Vladivostok thể hiện trong giấc mơ của Trung Quốc về một con đường tơ lụa mới chạy đến tận Đức. Về phần mình, Berlin do ngày càng cảnh giác với Washington nên phản đối ý tưởng đưa châu Âu vào vòng kiềm tỏa của cuộc Chiến tranh Lạnh 2.0. Các nhà lãnh đạo Đức cũng có những vấn đề quan trọng phải giải quyết, kể cả ý định ổn định EU đang chao đảo trong khi cần phải tránh phá sản kinh tế ở Nam Âu và Trung Âu cũng như sự lớn mạnh của các đảng phái hữu ngày càng cực đoan hơn. 

Ở bên kia Đại Tây Dương, Tổng thống Obama và các quan chức cấp cao Mỹ thực sự tạo cảm giác bị kẹt trong chính "cái trục" của mình đối với Iran, Trung Quốc, các vùng biên giới phía Đông của Nga và cả châu Phi. Điều mỉa mai là tất cả các hành động này - trước hết về quân sự - trên thực tế giúp Moskva, Tehran và Bắc Kinh tăng cường chiến lược của mình ở vùng Á-Âu và tại một vài nơi khác, như ở Syria hay chủ yếu trong các thỏa thuận về năng lượng. Mỹ cũng giúp tăng cường hợp tác chiến lược giữa Trung Quốc và Iran. 

Ngoài cuộc khủng hoảng Ukraine còn có thêm các cuộc tranh cãi giữa Trung Quốc và các nước láng giềng ở Biển Đông  cũng như giữa nước này và Nhật Bản liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Điều đó khiến người ta đi đến kết luận rằng Nga và Trung Quốc cho rằng vùng biên giới của mình và các tuyến đường hàng hải là sở hữu tư nhân và sẽ không ngồi yên chấp nhận những thách thức liên quan đến việc NATO mở rộng, bao vây quân sự của Mỹ hay tấm lá chắn chống tên lửa. Cả Bắc Kinh lẫn Moskva đều không muốn chấp nhận hình thức mở rộng hiện nay của đế quốc. Các đường "ranh giới đỏ" của các nước này vẫn có bản chất phòng thủ là chính. Dù Washington muốn gì, sợ gì hay định ngăn chặn cái gì, thì sự việc trên thực địa cho thấy trong những năm tới, Bắc Kinh, Moskva và Tehran sẽ xích lại gần nhau, chậm nhưng chắc, để tạo ra một trục địa chính trị mới ở lục địa Á-Âu. Trong thời gian đó, Mỹ lưỡng lự và dường như cũng đồng tình với việc phá bỏ trật tự thế giới đơn cực do chính mình dựng lên, đồng thời tạo cho các nước BRICS một cơ hội thực sự để thay đổi luật chơi. 

Giới tư vấn ở Washington ngày càng tin rằng Chính quyền Obama sẽ phải tập trung vào việc tái tạo một cuộc Chiến tranh Lạnh với một phiên bản mới về chính sách kiềm chế để "hạn chế sự phát triển của Nga với tư cách là một cường quốc bá quyền". Để làm được điều đó, Mỹ sẽ vũ trang cho các nước vùng Baltic để "kiềm chế" Nga. Cuộc Chiến tranh Lạnh 2.0 vẫn tồn tại vì theo quan điểm của giới tinh hoa Mỹ, cuộc Chiến tranh Lạnh thứ nhất đã thực sự kết thúc. Tuy nhiên, cũng như Mỹ có thể đấu tranh chống lại sự xuất hiện một thế giới đa cực, với các cường quốc, sự việc kinh tế trên thực địa cho thấy thường xuyên có những khuynh hướng như vậy. Câu hỏi vẫn chưa được giải đáp là sự suy thoái của nước Mỹ bá quyền diễn ra chậm và hợp lý hay sẽ kéo cả thế giới đi theo mình vào cái được gọi là "phương án Samson"? Trong khi thế giới chứng kiến màn kịch đang diễn ra không biết bao giờ mới đến hồi kết, cần nhắc lại rằng một sức mạnh mới đang phát triển ở vùng Á-Âu và liên minh chiến lược Nga-Trung có nguy cơ thống trị trong khu vực có ý nghĩa sống còn của Mỹ nhưng lại ở xa Mỹ. Giờ đây đó là một cơn ác mộng đối với Mỹ. 

Trong cuốn sách được xuất bản năm 1997 với tựa đề "The Grand Chesboard" (Bàn cờ lớn), Brzezinski lập luận rằng "cuộc đấu tranh vì tính tối thượng của thế giới sẽ tiếp tục diễn ra" trên "bàn cờ" Á-Âu, với "Ukraine là một trục địa chính trị". Theo ông, "nếu Moskva giành lại được quyền kiểm soát đối với Ukraine ", Nga sẽ "vô hình trung lại có được phương tiện để trở thành Nhà nước đế quốc hùng mạnh bao trùm cả châu Âu và châu Á". Đó vẫn là sự hỗ trợ hợp lý đối với chính sách đế quốc kiềm chế của Mỹ, từ một số nước châu Âu láng giềng của Nga đến các láng giềng của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, nếu không có khả năng kết thúc ván bài, cần cẩn thận trước việc Nga sẽ chuyển sang đi hẳn với châu Á, còn Trung Quốc sẽ xoay trục trên phạm vi toàn thế giới và các nước BRICS sẽ dốc sức thực hiện ý định tạo ra một Kỷ nguyên Á-Âu mới.

Theo Mondialisation

Hương Lan (gt)