Nguyên nhân khiến Trung Quốc rơi vào tình cảnh khó khăn hiện nay là do nước này đã làm dấy lên những quan ngại sâu sắc của các nước láng giềng. Liên tục phải hứng chịu những hành động khiêu khích của Trung Quốc, năm 2010, Việt Nam đã sử dụng vị thế Chủ tịch ASEAN của mình lần đầu tiên nêu lên việc Trung Quốc có những hành động gây hấn. Việt Nam và Philíppin đã khuyến khích Mỹ thể hiện rõ sự quan tâm đối với quyền tự do đi lại và giải quyết những tranh chấp tại Biển Đông theo các nguyên tắc quốc tế.Vào thời điểm đó, lẽ ra Bắc Kinh nên kiềm chế để vấn đề dịu đi thì ngược lại, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc lại tìm cách "trừng phạt" Việt Nam và Philíppin bằng cách quấy rối các tàu thăm dò của hai nước này. Chính quyền của Tổng thống Philíppin Benigno Aquino đã phản ứng mạnh mẽ chưa từng có, tiếp tục thăm dò và khoan tại các lô mới. Vậy mà, những người dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc vẫn không nghĩ lại. Gần đây, "Thời báo Hoàn Cầu" của Trung Quốc đã cảnh báo các nước tranh chấp với Trung Quốc "chuẩn bị tinh thần để nghe tiếng pháo", một lời đe dọa được cả thế giới chú ý.

Dường như sự khiêu khích của Trung Quốc được thúc đẩy bởi lực lượng quân đội, đi ngược lại lời khuyên của các nhà ngoại giao. Nếu các nhà lãnh đạo dân sự kiểm soát được tình hình, họ có thể áp dụng câu châm ngôn của Đặng Tiểu Bình về sự khiêm tốn, theo đó Bắc Kinh sẽ hạ thấp các tuyên bố của mình và đưa ra những lợi ích kinh tế để làm tăng sự phụ thuộc của các nước láng giềng vào Trung Quốc. Bắc Kinh có thể bí mật đưa ra các thỏa thuận thăm dò song phương để chia rẽ các nước ASEAN. Trước đây, Trung Quốc đã thử chiến thuật này với Philíppin và gần thành công. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa thành công trong việc chia rẽ các nước có tranh chấp thông qua việc thúc đẩy các cuộc đàm phán song phương. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể đạt được điều này nếu Việt Nam, Philíppin, Malaixia và Brunây không giải quyết được các bất đồng của họ. Khó khăn đối với các nước này là làm thế nào để tạo thành một mặt trận thống nhất. Sự thỏa hiệp giữa 4 nước Việt Nam, Philíppin, Malaixia và Brunây là rất quan trọng để ngăn chặn Trung Quốc thiết lập quyền bá chủ đối với Đông Nam Á. Nếu các nước này không thể tự đạt được thỏa thuận thì có thể yêu cầu Tòa án Quốc tế đưa ra phán quyết, như Malaixia, Xinhgapo và Inđônêxia đã làm đối với các đảo tranh chấp trước đây. 

Cuối cùng, Inđônêxia là "hòn đá tảng" của ASEAN, có một vai trò quan trọng trong việc giải quyết những tranh chấp ở Biển Đông. Inđônêxia có thể bác bỏ những đòi hỏi chủ quyền trên cơ sở lịch sử của Trung Quốc vì người Mãlai đã sử dụng Biển Đông làm con đường buôn bán từ hàng nghìn năm trước khi người Trung Quốc qua đây. Do đó, Inđônêxia có thể là một nhà trung gian trung thực để tìm ra một sự thỏa hiệp chia sẻ các nguồn tài nguyên nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của các nước. Nếu có thể duy trì một mặt trận chung với sự ủng hộ của Inđônêxia, các nước đang có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông có thể bảo vệ được các lợi ích cũng như tương lai chủ quyền của mình ở vùng biển này.

  Theo WSJ

Viết Tuấn (gt)