Biển Đông có ý nghĩa to lớn về quân sự, chính trị đối với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Chiếm vị trí trung tâm khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Biển Đông là cầu nối giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương với 5 trong số 10 đường hàng hải lớn nhất thế giới đi qua. Biển Đông có nhiều eo biển quan trọng như Ma-lắc-ca và Lom-bok trong đó eo biển Ma-lắc-ca là cửa ngõ quan trọng của khu vực[3] với khoảng trên 50.000 tàu qua đây mỗi năm, là con đường vận chuyển của một phần tư thương mại toàn cầu và một phần hai lượng dầu vận chuyển bằng tàu biển. Nếu con đường này bị khống chế thì an ninh kinh tế của các nước lớn như Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ bị uy hiếp nghiêm trọng. Hơn nữa, bất cứ nước nào thao túng được Biển Đông thì đều có khả năng khống chế các nước ven biển cả về chính trị và quân sự.

 

 

Do vị trí chiến lược nêu trên nên các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông ảnh hưởng lớn đối với các mối quan hệ quốc tế ở Châu Á - Thái Bình Dương nói chung và ở Đông Nam Á nói riêng. Ảnh hưởng này càng lớn do tính chất cực kỳ phức tạp của các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Đây là khu vực có tranh chấp chủ quyền trên biển phức tạp nhất thế giới với các tranh chấp không chỉ về chủ quyền lãnh thổ mà còn cả các tranh chấp về vùng đặc quyền kinh tế, khu vực đánh cá và quyền quản lý vùng trời trên biển. Các khu vực tranh chấp trải rộng trên một diện tích chiếm hơn 50% Biển Đông liên quan đến nhiều quốc gia trong khu vực[4]. Tranh chấp không hạn chế trong quan hệ ở một vài nước mà tất cả cảc nước và vùng lãnh thổ tiếp giáp với Biển Đông đều có tranh chấp ở mức độ khác nhau trong đó tranh chấp lãnh thổ ở Trường Sa là phức tạp nhất. Các tranh chấp này có ảnh hưởng đến các mối quan hệ quốc tế ở Châu Á - Thái Bình Dương trên một số lĩnh vực sau:

 

 

I. Tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông ảnh hưởng đến lòng tin giữa các quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

 

 

Tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông làm cho các quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương mà trước hết là các nước giáp với Biển Đông không thực sự tin tưởng nhau. Đây là trở ngại lớn nhất trong việc hợp tác khai thác các tài nguyên trên Biển Đông và cũng là trở ngại lớn trong quá trình phát triển quan hệ của các nước Châu Á - Thái Bình Dương trên các mặt chính trị, kinh tế và quốc phòng.

 

 

Tranh chấp Biển Đông làm cho chỉ số lòng tin giữa các nước trong khu vực ở mức thấp. Sự thiếu lòng tin này tuỳ thuộc vào mức độ tham gia tranh chấp của các quốc gia trong khu vực. Vai trò của Biển Đông trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự đối với một quốc gia càng lớn thì mức độ tin cậy với các quốc gia có liên quan càng thấp. Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc mặc dù được đề cập ở mức độ cao nhất, là mối quan hệ “hợp tác chiến lược toàn diện” nhưng chỉ số lòng tin giữa hai nước vẫn ở mức thấp do tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Tham vọng này thể hiện rõ nét trong yêu sách về lãnh thổ “hình lưỡi bò” của Trung Quốc. Mặt khác, Trung Quốc cũng không tin tưởng Việt Nam vì cho rằng Việt Nam là trở ngại lớn nhất cho tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông và Việt Nam đang tìm cách lôi kéo các nước khác nhằm cản trở tham vọng này. Với các nước có tham gia tranh chấp khác, mặc dù Trung Quốc tìm mọi cách để lôi kéo nhưng cúng không làm cho lòng tin tăng lên. Các phản ứng của Trung Quốc trước việc Phi-lip-pin thông qua đạo luật về đường cơ sở vừa qua cho chúng ta thấy rõ điều đó.

 

 

Tranh chấp Biển Đông cũng làm giảm lòng tin giữa các nước Đông Nam Á với nhau. Mặc dù các nước trên dều là thành viên ASEAN nhưng do các quyền lợi trái ngược nhau trên Biển Đông nên mức độ tin cậy lẫn nhau bị hạn chế. Việc Phi-lip-pin đơn phương ký hiệp định thăm do địa chấn ở khu vực Trường Sa với Trung Quốc và gần đây thông qua đạo luật về đường cơ sở cho thấy Phi-lip-pin không phải là đối tác tin cậy trong vấn đề hợp tác trên Biển Đông. Cần phải thấy ró rằng việc suy giảm lòng tin giữa các nước Đông Nam Á có yếu tố tác động của Trung Quốc. Trung Quốc đang tìm cách chia rẽ các nước trong khu vực bằng nhiều biện pháp nhằm dễ dàng thực hiện các tham vọng trên Biển Đông.

 

 

II. Tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông là nguy cơ tiềm tàng dẫn đến chiến tranh và xung đột vũ trang trong khu vực

 

 

Tranh chấp trên Biển Đông là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các xung đột vũ trang trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam trong các năm 1974 và 1988, giữa Trung Quốc và Phi-lip-pin trên khu vực bãi đá Vành Khăn. Hiện nay, tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông vẫn là nguy cơ tiềm tàng dẫn đến chiến tranh và xung đột vũ trang do triển vọng giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông không lớn và do nhu cầu khai thác Biển Đông của các nước trong khu vực ngày càng tăng.

 

 

Hiện nay có bốn kịch bản có thể thực hiện để giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông trong đó ba kịch bản giải quyết hoà bình có tính khả thi không cao. Lựa chọn thứ nhất là các bên đưa vấn đề ra toà án quốc tế giải quyết. Đây là kịch bản mà các bên liên quan chưa thể hiện mong muốn thưc hiện. Đầu năm 2009, một số người trong chính giới Phi-lip-pin đã đề cập đến giải pháp này nhưng không phải thực chất vì chứng cứ pháp lý về chủ quyền của Phi-lip-pin quá yếu. Phi-lip-pin mới đòi chủ quyền ở Trường sa vào năm 1971. Trung Quốc cũng không muốn đưa vấn đề ra toà án quốc tế vì không đủ chứng cớ chứng minh cho các yêu sách ở Biển Đông. Các chứng cứ của Việt Nam đưa ra cũng chưa hoàn toàn thuyết phục dư luận quốc tế. Chứng cứ của các nước khác đều không vững chắc. Kịch bản thứ hai là tiến hành thương lượng hoà bình về chủ quyền giữa các nước có tranh chấp . Đây là cách thức giải quyết mà nước nào tham gia tranh chấp cũng đều đề cập đến nhưng tính khả thi không cao do không nước nào muốn nhân nhượng về chủ quyền. Hơn nữa, lập trường của các nước về khu vực tranh chấp rất khác nhau. Trung Quốc chỉ muốn bàn về "chủ quyền" ở những khu vực mà mà Trung Quốc chưa củng cố sự chiếm đóng một cách vững chắc. Kịch bản "gác tranh chấp cùng khai thác" tuy được Trung Quốc ra sức vận động và được một số nước ASEAN đồng tình nhưng việc thực hiện rất khó khăn. Trở ngại đầu tiên chính lại là lập trường luôn luôn đòi hỏi các nước khác phải công nhận "chủ quyền" của Trung Quốc. Hơn nữa, Trung Quốc chỉ đồng ý "gác tranh chấp cùng khai thác"đối với những khu vực mà họ chưa chiếm giữ hoặc chiếm giữ ở mức độ thấp. Đối với Hoàng Sa, Trung Quốc phản đối bất cứ ý tưởng nào về "gác tranh chấp cùng khai thác". Trung Quốc còn đưa cả các khu vực mà thực tế không có tranh chấp để "gác tranh chấp cùng khai thác". Mặt khác, nếu không xác định rõ chủ quyền thì việc dàn xếp các thoả thuận "gác tranh chấp cùng khai thác" là hết sức khó khăn.

 

 

Kịch bản thứ tư là giải quyết bằng vũ lực. Đây là kịch bản mà các nước liên quan đều không mong muốn nhưng đều phải chuẩn bị đối phó. Trong các nước dính líu đến tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông chỉ có Trung Quốc là có đủ khả năng về quân sự để đánh chiếm toàn bộ Biển Đông. Trung Quốc là nước đã nhiều lần dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp về lãnh thổ. Từ năm 1949 đến nay Trung Quốc đã 16 lần dùng các biện pháp quân sự để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Gần đây các học giả và kể cả một số sĩ quan quân đội Trung Quốc đã đè cập nhiều đến khả năng dùng vũ lực hoặc dùng quân sự để gây sức ép với các nước khác nhằm thực hiện các tham vọng đối với Biển Đông.

 

 

 Phân tích khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực trong tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông cho thấy trong những năm sắp tới Trung Quốc sẽ tăng cường sử dụng sức mạnh quân sự để thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông do các yếu tố sau:

 

-  Do Biển Đông có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Trung Quốc. Khống chế Biển Đông là bước đầu tiên tạo cho Trung Quốc khả năng bành trướng ảnh hưởng ra toàn bộ Châu Á - Thái Bình Dương.

 

- Biển Đông giàu tài nguyên trong khi nhu cầu nguyên, nhiên liệu cho công cuộc phát triển và hiện đại hoá Trung Quốc ngày càng tăng. Trong khi nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc ngày càng tăng nhưng nguồn dầu mỏ trên đất có hạn, không ít các giếng dầu đã khai thác trên 30 năm và sắp bước vào thời kỳ cạn kiệt. Tài nguyên dầu khí ở Biển Đông ước tính có khối lượng giá trị trên 20 nghìn tỷ Nhân dân tệ, và nếu trong vòng 20 năm chỉ khai thác có 30% thì mỗi năm cũng đóng góp 1-2% GDP Trung Quốc[5]. Vừa qua Trung Quốc đã thông qua kế hoạch đầu tư 29 tỷ USD để khai thác dầu khí ở Biển Đông.

 

- Khả năng khống chế Biển Đông của Trung Quốc dễ dàng hơn so với khu vực biển Hoa Đông vì các nước trong khu vực đều kém xa Trung Quốc về sức mạnh kinh tế và quân sự.  Với tốc độ tăng ngân sách quốc phòng hàng năm khoàn 15 -17% như hiện nay, khả năng đánh chiếm toàn bộ Biển Đông của quân đội Trung Quốc ngày càng được cải thiện. Trung Quốc không những có thể đối phó về quân sự trên Biển Đông với các nước trong khu vực mà cả với các cường quốc lớn như Mỹ và Nhật Bản.

 

 

Tuy nhiên, Trung Quốc phải cân nhắc hậu quả do gây ra xung đột quân sự. Đây là nguyên nhân chính kiềm chế hành động quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông. Trung Quốc phải cân nhắc giữa lợi ích kinh tế do khai thác được nguồn dầu khí ở Biển Đông với các thiệt hại về chính trị, kinh tế khác. Trữ lượng dầu mỏ ở khu vực Biển Đông không lớn đến mức trở thành nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho Trung Quốc. Giá thành khai thác dầu ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông cao. Trong khi đó, Trung Quốc đang cố tạo ra hình ảnh một nước Trung Quốc đang "trỗi dậy hoà bình" để mở rộng ảnh hưởng chính trị trong khu vực và thế giới. Nếu xung đột vũ trang xảy ra thì môi trường ổn định trong khu vực và hình ảnh của Trung Quốc bị tổn hại nghiêm trọng. Đây là tổn thất mang tính chiến lược mà Trung Quốc luôn phải tính đến. Mặt khác, xung đột quân sự sẽ tạo cơ hội để Mỹ can thiệp và lôi kéo các nước Đông Nam Á vào liên minh chống Trung Quốc. Mặt khác, Trung Quốc độc chiếm Biển Đông sẽ phá thế liên hoàn trong hệ thống các căn cứ quân sự của Mỹ, đe doạ các đường hàng hải có tính chiến lược ở Châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ. Hơn nữa, ASEAN có vai trò quan trọng trong các vấn đề an ninh ở Đông Nam Á. Nếu Trung Quốc độc chiếm toàn bộ Biển Đông bằng vũ lực thì không thể duy trì và phát triển quan hệ bình thường đối với ASEAN.

 

 

Mặc dù trong những năm tới, Trung Quốc ít có khả năng chủ động gây chiến tranh hoặc xung đột vũ trang lớn nhưng Trung Quốc sẽ đẩy mạnh xâm chiếm và khai thác Biển Đông để thoả mãn các nhu cầu về nguyên, nhiên liệu và các nhu cầu chiến lược khác. Trung Quốc sẽ lôi kéo một số nước ASEAN dưới hình thức "gác tranh chấp cùng khai thác", hợp tác với các công ty nước ngoài vào thăm dò, khai thác ở các khu vực đang có tranh chấp lãnh thổ. Trung Quốc sẽ sử dụng lực lượng hải quân bảo vệ cho các hoạt động thăm dò và khai thác tài nguyên biển ở các vùng đang tranh chấp.đồng thời phá hoại, ngăn cản các hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên trên Biển Đông của các nước Đông Nam Á  đặc biệt là với Việt Nam. Trung Quốc cũng sẽ tranh thủ các tổ chức quốc tế như Ủy ban đáy đại dương của Liên hợp quốc để hợp thức hóa các yêu sách về lãnh thổ như đã làm với Tổ chức hàng không quốc tế ICAO trong việc tách vùng trời Hoàng Sa trong vùng quản lý bay (FIA)  của Thành phố Chí Minh. Trung Quốc cũng có thể mở rộng chiếm đóng thêm các đảo chìm và tăng cường lực lượng ở những vị trí đã chiếm giữ. Hải quân Trung Quốc có thể gây ra các xung đột vũ trang nhỏ nhằm răn đe các nước khác. Tuy các nước dính líu đến tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông khác sẽ kiềm chế để không đối đàu trực diện với Trung Quốc nhưng đứng trước tham vọng lớn của Trung Quốc ở Biển Đông các nước này buộc phải có những hành động tự vệ  Do vậy, tình hình an ninh Biển Đông trong những năm tới sẽ rất phức tạp, dễ xảy ra va chạm và xung đột vũ trang quy mô nhỏ, tạo ra tình hình căng thẳng có thể dẫn đến xung đột vũ trang quy mô lớn và chiến tranh.

 

 

III. Tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông nằm trong quan hệ giữa các cường quốc Châu Á - Thái Bình Dương

 

 

Biển Đông chiếm vị trí quan trọng trong chiến lược của Mỹ, Nhật Bản và các cường quốc Châu Á - Thái Bình Dương khác. Mỹ, Nhật Bản có lợi ích cơ bản trong việc duy trì sự ổn định và quyền tự do đi lại trên Biển Đông, đặc biệt là các hành lang giao thông qua eo biển Ma-lắc-ca tới Đông Bắc Á. Nếu một cường quốc như Trung Quốc giành được quyền kiểm soát toàn bộ Biển Đông thì đường vận chuyển dầu lửa và hàng hoá từ Châu Á, Châu Phi tới lãnh thổ phía Tây của Mỹ và Nhật Bản (45% hàng hoá xuất khẩu của Nhật Bản đi qua khu vực Biển Đông) rất dễ bị cắt đứt. Sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông cũng gây trở ngại cho các hoạt động quân sự và hàng hải khác của Mỹ, Nhật Bản và các nước đồng minh. Biển Đông là môi trường tác chiến rất thuận lợi cho hải quân và không quân Mỹ khi can thiệp vào khu vực nhất là khi có tình hình căng thẳng ở eo biển Đài Loan. Việc giành và giữ quyền khống chế Biển Đông là một trọng tâm chiến lược của Mỹ ở Châu Á -Thái Bình Dương. Chính vì vậy, Mỹ phê phán âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc để lôi kéo các nước Đông Nam Á, coi "Trung Quốc là nguồn gốc của các xung đột ở Trường Sa". Mỹ ủng hộ việc thể chế hoá ASEAN nhằm biến tổ chức khu vực này thành một thực thể có thể đối chọi với Trung Quốc. Do tính chất quan trọng của quan hệ Trung - Mỹ nên về công khai, Mỹ giữ lập trường "trung lập" trong các tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, gần đây thái độ của Mỹ đã có nhiều thay đổi, để ngỏ khả năng trực tiếp can thiệp để giải quyết xung đột ở Biển Đông. Chính phủ Mỹ đã ủng hộ Exon Mobil trong hợp đồng thăm dò dầu khí với Việt Nam. Liên quan đến vụ đụng độ tàu giữa Trung Quốc và Mỹ trên biển Đông ngày 8/3/2009 Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng tàu của Trung Quốc đã vây quanh tàu Impeccable "một cách hung hăng trong nỗ lực rõ ràng là gây hấn tàu Mỹ", Theo các nhà quan sát, điều đáng chú ý là việc Mỹ bày tỏ thái độ trong vụ này một cách công khai cho thấy sự lo lắng của Mỹ trước thái độ ngày càng hiếu chiến của hải quân Trung Quốc trong khu vực. Ngày 10/3/2009, tại Thượng viện Mỹ, Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Mỹ Dennis Blair nói với các thành viên Ủy ban quốc phòng rằng cuộc đụng độ hôm 8/3 cho thấy Trung Quốc  ngày càng hung hăng thể hiện sức mạnh quân sự và  sức mạnh quân sự của họ có thể dùng để gây sức ép với những nước xung quanh..

 

 

Các cường quốc khác như Nhật Bản, Ấn Độ  chủ trương mở rộng hợp tác với các nước trong khu vực Biển Đông đồng thời phản đối việc sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp trên biển. Ấn Độ và Nhật Bản đều muốn tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực Biển Đông để kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc

 

 

Bảo đảm an ninh hàng hải ở Biển Đông không phải là ưu tiên hàng đầu trong chính sách an ninh biển của Nga, nhưng Nga có nhiều quyền lợi ở khu vực này. Liên doanh dầu khí Việt – Nga là cơ sở kinh tế ở nước ngoài đem lại cho Nga nhiều lợi ích lớn. Tuy nhiên, khi xảy ra tranh chấp, Nga thường tìm cách thoả hiệp. Khi Trung Quốc chiếm các bãi đá ngầm và xung đột với hải quân Việt Nam ở Trường Sa năm 1988, hạm đội Nga lúc đó đóng ở Cam Ranh nhưng Nga không tuyên bố ủng hộ Việt Nam vì lúc đó Goóc-ba-chốp đang tìm cách bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc. Gần đây, khi bị Trung Quốc gây sức ép, một số công ty của Nga đã phá vỡ hợp đồng đo đạc vùng thềm lục địa với Việt Nam.

 

 

Biển Đông nằm trong chuổi đảo thứ nhất trong mục tiêu bành trướng hải quân của Trung Quốc đến năm 2010. Sức mạnh hải quân trên Biển Đông tạo điều kiện để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ra các khu vực khác của Châu Á - Thái Bình Dương. Nếu chiếm ưu thế về quân sự ở Biển Đông, Trung Quốc có thể phá thế phong toả về quân sự do chuổi các căn cứ của Mỹ kéo dài từ A-la-sca qua Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Đông Nam Á và quần đảo Di-ê-gô Gac-xi-a tạo ra. Làm chủ Biển Đông cũng tạo điều kiện để Trung Quốc làm giảm khả năng can thiệp bằng quân sự của Mỹ vào quan hệ với Đài Loan. Do vậy, tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông không chỉ nhằm vào các lợi ích kinh tế mà còn bảo đảm các lợi ích trong quan hệ với Mỹ, Nhật Bản ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.  

 

 

IV. Tranh chấp lãnh thổ và vấn đề hợp tác trên một số vấn đề an ninh phi truyền thống trên Biển Đông

 

 

 Tranh chấp lãnh thổ làm cho hợp tác khai thác tài nguyên trên Biển Đông bị hạn chế. Thậm chí việc khai thác tài nguyên thuộc của Việt Nam tại khu vực thềm lục địa cũng bị ảnh hưởng do Trung Quốc gây khó khăn. Tuy nhiên, khả năng hợp tác trên một sô vấn đề an ninh phi truyền thống trên Biển Đông không bị cản trở nhiều, Đây là lĩnh vực hợp tác mà các bên tham gia đều có lợi ích. Biển Đông là khu vực có nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống như khủng bố, cướp biển, thảm hoạ thiên nhiên ... Đây là khu vực thường xuyên có các cơn bão mạnh, gây thiệt hại lớn cho các hoạt động trên biển như vận tải và đánh cá. Các hoạt động của các tổ chức khủng bố như Jê-ma I-sla-mia có cơ sở ở In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Bru-nây, Phi-lip-pin và miền nam Thái Lan, Các tổ chức A-bu Say-af và Phong trào giải phóng Hồi giáo Mô-rô ở Phi-lip-pin đang tạo ra sự đe doạ tiềm tàng đối với an ninh Biển Đông. Vì vậy, các bên liên quan trong khu vực đều mong muốn tăng cường  hợp tác trên các lĩnh vực này vì một nước riêng ré khó có thể tự giải quyết. Mặt khác, do Biển Đông có nhiều tranh chấp lãnh thổ nên các nước phải hợp tác với các bên liên quan thì hợp tác mới có hiệu quả cao. Mặt khác, khi tham gia các hoạt động hợp tác đối phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống trên Biển Đông không có nghĩa là các bên từ bỏ các quyền lợi về lãnh thổ, chủ quyền và quyền chủ quyền trên biển. Việc tham gia các hoạt động này sẽ làm dịu tình hình căng thẳng trên Biển Đông, có lợi cho hoà bình, ổn đinh trong khu vực.

 

 

Thực tế cho thấy các nước ở Châu Á - Thái Bình Dương đã tăng cường các hoạt động hợp tác đối phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống trên Biển Đông. Tuy các nước, nhất là các cường quốc đều mưu cầu lợi ích riêng khi tham gia các hoạt động hợp tác này nhưng nhờ mở rộng hợp tác nên nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống như cướp biển, đánh cá trộm ... đã giảm hẳn. Các hình thức hợp tác an ninh phi truyền thống trên Biển Đông ngày càng mở rộng và đang là hướng chính trong hợp tác an ninh song phương và đa phương trên biển.

 

*

 

*          *

 

Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông là một vấn đề rất phức tạp có ảnh hưởng sâu sắc đến các mối quan hệ quốc tế ở Châu Á - Thái Bình Dương. Các tranh chấp chủ quyền là nguyên nhân làm suy giảm lòng tin giữa các quốc gia, là rào cản đối với hợp tác và phát triển trong khu vực. Giải quyết tốt vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông là cơ sở quan trọng để duy trì hoà bình và ổn đinh trong khu vực. Việt Nam là quốc gia có liên quan trực tiếp đến nhiều vùng tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Vì vậy, chúng ta cần nghiên cứu và dự báo chính xác tình hình Biển Đông trong những năm tới. Đây là cơ sở tối quan trọng để thực hiện Chiến lược Biển Việt Nam, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Đại tá Lê Kim Dũng,  Trưởng ban Quốc tế - Viện Chiến lược Quân sự, BQP

 


[1] Fillmore G.F. Earney, Geopolitics and Petroleum (Địa chính trị và dầu mỏ) , NXB Westview, London, 1987. Tr. 53

[2] Thủ tướng Xin-ga-po Lý Hiển Long phát biểu tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế Xin-ga-po IDSS, 4 tháng 06 năm 2005

[3] Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Chiến lược phát triển kinh tế biển và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020, trang 19

[4] Biển Đông hiện đang có 10 khu vực đang tranh cấp hoặc chưa phân định rõ về chủ quyền: 

 

1. Khu vực nằm ở vịnh Thái Lan rộng khoảng 84 000 km2 là vùng biển mà cả Thái Lan, Ma-lai-xi-a, Việt Nam và Căm-pu-chia đều tuyên bố có chủ quyền.

 

2. Vùng biển phía Bắc quần đảo Na-tu-na thuộc Biển Đông. Tại đây, Việt Nam và In-đô-nê-xi-a không nhất trí với nhau về chủ quyền một số hòn đảo hiện In-đô-nê-xi-a đang chiếm giữ.

3. Khu vực vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Căm-pu-chia. Đây là khu vực nằm giữa đảo Phú Quốc và Căm-pu-chia.

4. Tranh chấp giữa Xinh-ga-po và Ma-lai-xi-a về chủ quyền đối với các đảo nhỏ ở vịnh Xinh-ga-po trong đó có dảo Pulau Batu Putech. Tháng 5/08, Tòa án Pháp lý Quốc tế đã phán quyết chủ quyền đảo này thuộc về Xinh-ga-po.

5. Tranh chấp giữa Ma-lai-xi-a và In-đô-nê-xi-a về vùng đặc quyền kinh tế liên quan đến các đảo nhỏ trên vung biển Xe-le-bet.

6. Tranh chấp vùng biển giữa Căm-pu-chia và Thái Lan ở vịnh Thái Lan.

7.  Khu vực quần đảo Trường Sa. Đây là khu vực tranh chấp phức tạp nhất do vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trên Biển Đông. Có 6 nước (trong đó có 5 nước ASEAN) và vùng lãnh thổ tuyên bố có chủ quyền toàn bộ hoặc một phần quần đảo Trường Sa.

8. Khu vực quần đảo Hoàng Sa với các bên tranh chấp là Trung Quốc và Việt Nam. Trước năm 1974, Trung Quốc chiếm phần phía đông của quần đảo. Phần phía tây do chính quyền Sài Gòn quản lý. Năm 1974, với sự thoả thuận ngầm của Mỹ, Trung Quốc đã đem quân đánh chiếm toàn bộ quần đảo.

9. Tranh chấp giữa Đài Loan và Phi-lip-pin về biên giới biển ở phía bắc.

10. Tranh chấp giữa Phi-lip-pin và In-đô-nê-xi-a về quyền đánh cá ở khu vực quần đảo Pa-lau ở phía Nam Phi-lip-pin.

[5] Nguồn: Chinanews.com ngày 9/3/2009: Ông Tăng Thừa Tạo, Ủy viên Chính hiệp, nguyên Tổng giám đốc Công ty Dầu khí TQ trong trả lời phỏng vấn của mạng ChinaNews