B3_asean_Dragon_GG_WEB_s620x610.jpg

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong đang ở thăm Trung Quốc hồi tháng 4/2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nêu bật sự cần thiết đối với Trung Quốc và Lào phải tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước nhằm đạt được các mục tiêu phát triển quốc gia của họ. Đặc biệt, Chủ tịch Tập Cận Bình đã lưu ý rằng sự hợp tác Trung-Lào cần phải tập trung vào các ngành công nghiệp chiến lược như khai thác năng lượng và tài nguyên, du lịch xanh và xây dựng hạ tầng cơ sở. Đến lượt mình, Thủ tướng Thammavong đã khẳng định cam kết của Lào tham gia các dự án lớn “Vành đai kinh tế, Con đường tơ lụa” của Trung Quốc.

Mục tiêu phát triển quốc gia then chốt của Lào là đưa nước này thoát khỏi đói nghèo, và bằng việc làm như vậy, ra khỏi nhóm các nước kém phát triển nhất của Liên hợp quốc. Bởi vậy, Chính phủ Lào có mục tiêu đạt được sự giảm đói nghèo thông qua tuyển dụng được tạo ra bởi công cuộc công nghiệp hóa, và Chính phủ Lào nhận ra rằng hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của nước này sẽ là công cụ để đạt được thành công trong nỗ lực công nghiệp hóa. Với 90.000 người Lào gia nhập thị trường việc làm mỗi năm, những nỗ lực công nghiệp hóa và hiện đại hóa có ý nghĩa then chốt. Bởi vậy, Chính phủ Lào hoan nghênh những dự án lớn về cơ sở hạ tầng “Vành đai kinh tế, Con đường tơ lụa” của Trung Quốc, điều được cho là sẽ giúp Lào thực hiện được những nhiệm vụ này.

Sự mở cửa của Lào

Những dự án lớn về cơ sở hạ tầng vận tải và năng lượng “Vành đai kinh tế, Con đường tơ lụa” của Trung Quốc ở Lào sẽ xây dựng dựa trên các dự án cơ sở hạ tầng vận tải và năng lượng trước đó được khởi xướng bởi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) những năm 1990 dưới chương trình Tiểu vùng Mekong Mở rộng (GMS) của nó, mà tìm cách biến đổi các nền kinh tế của các quốc gia Mekong (Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam) và các tỉnh phía Nam của Trung Quốc là Quảng Tây và Vân Nam thành một thị trường hợp nhất. Quả thực, các dự án lớn “Vành đai kinh tế, Con đường tơ lụa” của Trung Quốc ở Lào cần phải được thừa nhận là đang được xây dựng dựa trên nền tảng của các dự án Lào trước đó của ADB. Bởi ADB là một thể chế tài chính quốc tế nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ và Nhật Bản, ảnh hưởng kinh tế hiện nay của Trung Quốc ở Lào và khu vực, như chúng ta sẽ thấy, đã làm gia tăng những lo ngại của Nhật Bản đối với cái mà họ coi là sự mất đi ảnh hưởng của họ.
Một ví dụ tiêu biểu là công trình của ADB với khu vực GMS là dự án Hành lang Kinh tế Bắc-Nam (NSEC) nối Vân Nam với Thái Lan đi qua Lào. NSEC đã tạo điều kiện thuận lợi cho một sự bùng nổ về thương mại giữa Trung Quốc và các nền kinh tế GMS, với Lào như một điểm nút trung chuyển vận tải bằng tàu then chốt. Sự bùng nổ về thương mại này được đi kèm với sự hiện diện kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc ở Lào, điều được cho là tăng cường sự đầu tư mới sau đó của Trung Quốc trong khuôn khổ “Vành đai kinh tế, Con đường tơ lụa”. Về khía cạnh lịch sử, các mối quan hệ kinh tế của Trung Quốc với Lào có từ thời Vương quốc triệu voi tiền thuộc địa, đã có được sự giàu có từ việc trao đổi với đoàn người thương gia Hồi giáo Trung Quốc. Sự di cư và định cư hiện nay của các doanh nhân và thương gia Trung Quốc ở Lào sau việc thiết lập NSEC gợi lại cuộc di cư của những người định cư Trung Quốc ở Lào trong giai đoạn thực dân Pháp sau đó.

Lào đã tham gia sáng kiến GMS của ADB cách đây hơn 2 thập kỷ vào năm 1992, sau việc thực hiện Cơ chế Kinh tế mới (NEM) của Chính phủ Lào năm 1986, qua đó Lào đã bắt đầu chuyển từ nền kinh tế kế hoạch xã hội chủ nghĩa sang nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Theo NEM, Lào đã không chỉ tham gia GMS mà còn gia nhập ASEAN (1997) và WTO (2013); sự mở cửa dần dần này của nền kinh tế Lào cho thương mại và đầu tư nước ngoài đã đóng góp cho 2 thập kỷ tăng trưởng GDP hàng năm 6,7% của nước này – trong đó có mức tăng trưởng 7,6-7,8% trong những năm khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009-2010 – và một sự gia tăng GDP bình quân đầu người từ 329 USD lên 1.069 USD từ năm 2001 đến năm 2010. Tài sản chiến lược của Lào là vị trí địa lý của nước này như một cây cầu đất liền nối Trung Quốc và các nước Đông Nam Á lục địa Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Điều này được triển khai trong dự án NSEC của GMS cũng như dự án Hành lang Kinh tế Đông-Tây (EWEC) nối Myanmar và Thái Lan với Việt Nam đi qua Lào. Sự can dự của Lào với mạng lưới đường sắt Đông Nam Á dự kiến của Trung Quốc có thể được coi là mở rộng động lực thúc đẩy chiến lược của Chính phủ Lào nhằm biến đổi Lào từ một đất nước bị khóa trong đất liền thành một nước “gắn với đất liền”. Tuy nhiên, tình trạng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải của Lào hiện nay vẫn nghèo nàn, và những sự cải thiện lớn là cần thiết trước khi nước này có thể thực hiện lực đòn bẩy đầy đủ về vị trí địa lý của mình để trở thành trung tâm về logistics cho khu vực.

Đường sắt xuyên Á

Trung Quốc coi các quốc gia Mekong – Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam – là yếu tố then chốt cho sự thành công của “Một vành đai, một con đường”. Về kinh tế, khu vực này đem lại vô số tiềm năng cho sự tăng trưởng, khi các quốc gia này đem lại một thị trường với hơn 320 triệu dân, và thương mại khu vực của các nước này với Trung Quốc lên tới hơn 150 tỷ USD trong năm 2013. Các quốc gia này sẽ can dự vào tuyến đường sắt xuyên Á được đề xuất vốn là một trong những dự án lớn về cơ sở hạ tầng then chốt của “Vành đai kinh tế, con đường tơ lụa”. Tuyến đường sắt này sẽ nối thành phố Côn Minh phía Nam Trung Quốc với Singapore. Từ Singapore, tuyến đường sắt này sẽ đi lên bán đảo Malay qua Malaysia và vào Thái Lan. Ở Bangkok, tuyến đường sắt này sẽ chia ra thành 3 tuyến một cách riêng rẽ đến Côn Minh. Một tuyến sẽ đi qua Lào, tuyến kia đi qua Myanmar, và tuyến thứ ba đi qua Campuchia và Việt Nam. Lào coi phần này của tuyến đường sắt xuyên Á là yếu tố then chốt cho sự phát triển của mình và đánh dấu dự án xây dựng này là ưu tiên chính trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 8 của quốc gia này.

Sự kết nối đường sắt này giữa Côn Minh và Viêng Chăn sẽ là một dự án lớn về cơ sở hạ tầng theo tư cách cá nhân. Phần của Lào trong tuyến Côn Minh-Viêng Chăn là tuyến đường sắt cao tốc sẽ bao gồm việc xây dựng 154 cây cầu, 76 hầm ngầm và 31 nhà ga. Dự án sẽ có chi phí ước tính 7 tỉ USD, sẽ được Chính phủ Lào chi trả bằng các khoản vay ưu đãi từ Trung Quốc, với nguồn tài nguyên khoáng sản của Lào làm đối ứng. Các chuyên gia từ ADB và Ngân hàng thế giới cảm thấy rằng điều này sẽ đặt Lào vào một cán cân nợ không hợp lý, khi các khoản vay sẽ lên tới gần 90% GDP hàng năm của nước này, biến Lào thành một trong những nước nợ nần nhất của thế giới. Trong khi Chính phủ Lào coi gánh nặng nợ này là một sự hi sinh ngắn hạn sẽ đem lại lợi ích cho nước này về lâu dài, sự nợ nần gia tăng của Lào đặt nước này vào rủi ro cao xảy ra cuộc khủng hoảng nợ nước ngoài kiểu Hy Lạp.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án của Trung Quốc ở Lào, các công cụ tài chính khác nhau đã được thiết lập, trong đó có liên doanh Trung-Lào giữa Ngân hàng Phú Điền của Vân Nam và Ngân hàng Ngoại thương của Lào. Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng (AIIB) của Trung Quốc, mà Lào là một thành viên sáng lập, được cho là đem lại các tuyến tài trợ bổ sung cho các dự án “Một vành đai, một con đường”. Trong trường hợp tuyến đường sắt cao tốc Côn Minh-Viêng Chăn, Chính phủ Lào và Chính phủ Trung Quốc đã thành lập một công ty chung sẽ thực hiện dự án lớn này. Nhóm Đường sắt Trung Quốc đã bày tỏ niềm tin rằng họ sẽ thắng thầu xây dựng.

“Biến đất thành vốn”

Vị trí địa chiến lược của Lào đã làm cho nước này trở thành một trong những điểm đến then chốt cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc. Trung Quốc là nhà đầu tư hàng đầu của Lào năm 2014, với hơn 5 tỉ USD đầu tư vào nước này. Trung Quốc cũng trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Lào, thương mại song phương Trung-Lào đạt 3,6 tỉ USD năm 2014, tăng 32% so với năm trước đó. Con số này sẵn sàng tăng lên với sự can dự của Lào vào “Một vành đai, một con đường”. Chẳng hạn, tổng công ty CITIC của Trung Quốc sẽ đầu tư hơn 700 tỷ nhân dân tệ vào các dự án “Một vành đai, một con đường”, trong đó có các dự án ở Lào. FDI của Trung Quốc trong các lĩnh vực như nông nghiệp, thủy điện, khai khoáng, gỗ và du lịch (kể cả sòng bạc) phù hợp với chiến lược phát triển của Chính phủ Lào từ những năm 1990 “biến đất thành vốn”, qua đó đất được tiền tệ hóa thông qua cho thuê và khai thác tài nguyên. Đầu tư và bí quyết sản xuất của Trung Quốc được Chính phủ Lào hoan nghênh khi nền kinh tế được cho là được lợi không chỉ từ thu nhập gia tăng mà còn từ phát triển nguồn nhân lực có được từ sự chuyển giao kiến thức và kỹ năng từ các chuyên gia Trung Quốc, đặc biệt về những cách thức tốt nhất cho việc khai thác tối ưu tài nguyên thiên nhiên của Lào. Sự bùng nổ về cao su những năm 2000 đã đem lại ví dụ tốt về sự hợp tác Trung-Lào, khi các liên doanh giữa các công ty nhà nước Lào và các doanh nghiệp Trung Quốc đã thay thế các cánh đồng cây thuốc phiện bản địa bằng các nhà máy cao su thương mại. Không chỉ nền kinh tế Lào được lợi từ doanh thu từ nông sản hàng hóa, lực lượng lao động địa phương có được lương đều đặn và gia tăng kỹ năng về nông nghiệp của họ.

Trung Quốc cũng là một trong những nhà tài trợ hàng đầu của Lào về viện trợ phát triển nước ngoài (ODA). ODA của Trung Quốc nhìn chung bao gồm các khoản tài trợ và các khoản cho vay lãi suất thấp hoặc không tính lãi. Khoảng một nửa ODA của Trung Quốc cho Lào được dành cho phát triển cơ sở hạ tầng vận tải, chẳng hạn 33 triệu USD xây dựng 70 km tuyến đường vành đai 3 chạy từ tỉnh Luang Namtha và Borkeo đến biên giới Trung Quốc. Một nghiên cứu gần đây về tác động xã hội-kinh tế của dự án vành đai 3 của Trung Quốc khẳng định tác động có lợi của sự giảm bớt đói nghèo là kết quả của thương mại và đầu tư gia tăng dẫn tới các cơ hội tuyển dụng và tạo thu nhập cho người dân địa phương. Soi chiếu mô hình quan hệ Trung Quốc-Campuchia, sự trợ giúp kinh tế gia tăng mà Trung Quốc dành cho Lào sẽ được đi kèm với trợ giúp quân sự và hợp tác an ninh.
Trong lĩnh vực năng lượng, Lào được đánh giá có tiềm năng tạo ra 26.500 MW thủy điện, trong đó 18.000 MW là có thể khai thác về mặt kỹ thuật. Để mở khóa tiềm năng thủy điện này và biến Lào thành “ắc quy của Đông Nam Á”, Chính phủ Lào có những kế hoạch đầy tham vọng nhằm xây dựng 70 con đập dọc các phụ lưu của sông Mekong. Nhiều trong số này đang hoặc sẽ được các công ty thủy điện của Trung Quốc xây dựng. Lào đã xuất khẩu điện được tạo ra từ các con đập thủy điện của nước này cho Thái Lan, và thu nhập có được từ thủy điện có thể đi xa hơn giúp Lào đạt được mục tiêu của mình là đưa nước này ra khỏi hàng ngũ các nước kém phát triển của thế giới. Hiện nay, Lào đang tiến tới xây dựng đập thủy điện gây tranh cãi Don Sahong. Trong khi nhà phát triển là Công ty Mega First của Malaysia, Mega First đang đàm phán với Công ty Sinohydro của Trung Quốc về việc xây dựng. Các chuyên gia không chỉ cảnh báo rằng Don Sahong có thể khiến loài cá heo đang gặp nguy hiểm của sông Irrawaddy có nguy cơ tuyệt chủng, mối đe dọa tiềm tàng mà con đập gây ra cho các loài cá dưới hạ lưu có thể gây ra một cuộc khủng hoảng về ngoại giao với Campuchia, Thái Lan và Việt Nam.

Tái khẳng định ảnh hưởng của Nhật Bản

Sự hiện diện kinh tế gia tăng của Trung Quốc ở Lào và các quốc gia Mekong đã gây ra những lo ngại ở Nhật Bản về mối đe dọa đối với ảnh hưởng truyền thống của họ trong khu vực. Điều này đã thúc đẩy Chính phủ Nhật Bản đưa ra một khoảng ODA bổ sung trị giá 6,17 tỉ USD cho 5 quốc gia Mekong. Chính phủ Nhật Bản trước đó đã cung cấp cho ADB một khoản bổ sung trị giá 110 USD để đối phó với thách thức do AIIB của Trung Quốc gây ra. Chính phủ Nhật Bản đã tìm cách phân biệt giữa các dự án do ADB tài trợ với các dự án của AIIB với lập luận về “chất lượng”, ngay dù không có bằng chứng nào cho thấy rằng AIIB, vẫn chưa lựa chọn các dự án của mình, sẽ bỏ qua vấn đề chất lượng trong quá trình lựa chọn của mình. Khi việc tiếp nhận ODA và FDI không phải là cuộc chơi được mất ngang nhau, kết quả có khả năng của sự cạnh tranh này giữa Trung Quốc và Nhật Bản sẽ là một sự gia tăng đáng hoan nghênh cho các khả năng lựa chọn tài trợ đối với Lào và các quốc gia được lợi khác. Như Bộ trưởng Tài chính Indonesia Bambang Brodjonegoro đã chỉ rõ, nhu cầu về cơ sở hạ tầng của châu Á lớn tới mức các thể chế tài chính quốc tế đang tồn tại của thế giới không thể tài trợ đủ, và các thể chế tài chính quốc tế mới như AIIB sẽ được cần đến để lấp vào chỗ trống tài trợ này. Lào là một ví dụ. Thậm chí dù Nhật Bản là nước viện trợ ODA lớn nhất của Lào, Chính phủ Nhật Bản và ADB không có lợi ích trong việc tài trợ cho dự án đường sắt cao tốc Côn Minh-Viêng Chăn, bởi vậy mở ra một khoảng trống về tài trợ mà như chúng ta chứng kiến, Trung Quốc đã lấp vào./.

Tác giả Alvin Cheng-Hin Lim là nhà nghiên cứu thuộc International Public Policy Pte. Ltd. Bài viết đăng trên trang “Eurasiareview”.

Hùng Sơn (gt)