Bài viết được đưa ra trong bối cảnh hàng loạt hội nghị cấp ngoại trưởng quan trọng của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác vừa kết thúc cuối tháng 7/2011 tại Bali, In-đô-nê-xi-a. Hàng loạt các sự kiện ngoại giao đa phương giữa các Ngoại trưởng ASEAN và các nước đối tác đối thoại đã diễn ra tại Bali, Inđônêxia, với đỉnh cao là Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 18 (ARF 18) vào ngày 23/7/2011. Chuỗi sự kiện đó sẽ được tiếp nối bởi các hội nghị đối thoại cấp cao, như là ASEAN+3, Cấp cao Đông Á và Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương vào cuối năm nay tại Bali và Haoai. 

Những hội nghị cấp cao như vậy, cho dù được coi là cần thiết, vẫn làm dấy lên câu hỏi về tính hiệu quả của nó. Những diễn đàn này mở ra hai cách tiếp cận lôgích: Thứ nhất: đó phải là những diễn đàn thích đáng cho việc giải quyết những sự kiện và vấn đề nóng đang diễn ra; thứ hai: qui mô của chúng phải được thu giảm do chúng có thể trở nên không cần thiết nếu được coi chỉ là những cuộc hội họp chiếu lệ dành cho việc chụp ảnh

Một lý do căn bản cho việc tổ chức các hội nghị cấp cao tầm cỡ khu vực như vậy là để mời gọi bang giao các cường quốc bên ngoài khu vực Đông Nam Á. Với việc đồng ý tham dự các cuộc họp như thế, những nước lớn như Trung Quốc và Mỹ cho thấy họ đối xử bình đẳng với các nước nhỏ hơn. 

Thông qua những cố gắng bền bỉ để mời Trung Quốc và Mỹ cùng tới bàn hội nghị, các nước nhỏ có thể đảm bảo rằng các cường quốc không có những thông điệp xung đột nhau. Điều đó giảm thiểu nguy cơ hiểu nhầm giữa các cường quốc về những vấn đề khu vực, vốn có thể bùng lên với chính sự trả giá bằng sinh mạng của các nước nhỏ hơn. 

Tuy nhiên, thực tế không phải bao giờ cũng như kịch bản thiết kế. Là những nước lớn, cả Trung Quốc và Mỹ có khuynh hướng ưu tiên xử lý quan hệ với các nước lớn khác, cũng như mở rộng đầu tư chất xám, tiền của vào các vấn đề toàn cầu hơn là các vấn đề khu vực. Sự chú ý của họ tới những nhu cầu và sở thích của các nước nhỏ thường mang tính phản ứng và được quyết định bởi việc có cần thiết hay không. Hậu quả là các nước nhỏ bị lôi kéo vào việc chơi với một nước lớn này và chống lại nước khác, trong khi lại hy vọng thu lợi từ cả hai. 

Giới phân tích quan hệ quốc tế thường xuyên qui tình trạng như vậy như là sự thiếu lòng tin chiến lược. Thật khó để nói rằng liệu một hội nghị cấp cao thực sự có tác dụng củng cố hay làm tổn hại mức độ tin tưởng lẫn nhau bất chấp các cuộc gặp song phương diễn ra sau những cánh cửa đóng kín. 

Điều cốt yếu là việc thiết kế chương trình nghị sự cho một hội nghị cấp cao ít đề cập tới những tiêu đề hằng ngày và trở nên nhạy cảm hơn đối với những đòi hỏi dài hạn. Một cách thức để đảm bảo các cuộc gặp hướng về những vấn đề dài hạn là tạo dựng những cuộc hội họp cũng như các đánh giá về chính sách và thách thức nội bộ của từng nước thành viên mang tính hệ thống, có hiệu lực và dễ dàng. 

Chúng ta mong muốn các nước châu Á – Thái Bình Dương có được một đánh giá và sự hiểu biết lẫn nhau ở mức độ có thể so sánh được, giống như cách thức mà bộ phận nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đang làm đối với các hội nghị cấp cao và cấp Ngoại trưởng xuyên Đại Tây Dương. 

Tiến trình xây dựng lòng tin có thể bắt đầu với Trung Quốc, Mỹ và các nước ASEAN, những nước có các mối quan tâm ưu tiên chi phối chương trình nghị sự hội nghị cấp cao nhiều hơn các thành viên khác. Những nước này gánh vác trách nhiệm to lớn hơn trong việc cải thiện tính hấp dẫn của những hội nghị cấp cao đó, bằng cách thể hiện rằng họ ít bị tác động hơn bởi sự thiếu lòng tin với nhau trong việc xác định chương trình nghị sự cho các hội nghị khu vực. 

Trung Quốc và Mỹ cần tiến xa hơn so với việc không để Đông Nam Á làm chệch hướng mối quan hệ song phương mà Bắc Kinh và Oasinhtơn theo đuổi. Giới học giả và ngoại giao hai nước cần tăng cường nỗ lực tìm phương cách kết hợp các nguồn lực của Trung Quốc, Mỹ và Đông Nam Á nhằm đối phó với những thách thức an ninh phi truyền thống, như lương thực, môi trường và đánh bắt cá mà khu vực đang tiếp tục phải đối mặt. 

Điều đó phản ánh một lôgích đơn giản trong sự cân nhắc về những vấn đề cốt yếu của địa chiến lược, song là một khía cạnh về nghệ thuật ngoại giao. Ngoài những cuộc đấu đá qua lại về ngoại giao đầy kịch tính, thì kể từ cuộc Chiến tranh Triều Tiên đến nay, Bắc Kinh và Oasinhtơn đã thận trọng xoay xở để tránh lâm vào xung đột quân sự. 
Cả Trung Quốc và Mỹ đều có lợi ích trong việc tiếp tục chú trọng lựa chọn giải pháp tránh gây xung đột. Thật là khôn ngoan để hai nước tránh bị rơi vào bất cứ bãi mìn tiềm tàng nào tạo ra tại khu vực Đông Nam Á hay một nơi nào khác trên thế giới. 

Khoa học chính trị về tính không cân xứng trong ngoại giao, xét trong bối cảnh tính toán lợi ích ở Đông Nam Á, mang trong nó một mối nguy cơ lớn. Thời kỳ “Chiến tranh Lạnh” xảy ra trước đây tại Campuchia và Việt Nam mang lại nhiều bài học về quản lý sự can dự của sức mạnh từ bên ngoài, cho dù với động lực ban đầu là gì đi nữa. 
Bởi vậy, việc cùng lúc làm việc với cả Trung Quốc và Mỹ (cũng như các thế lực khác như nhu cầu thực tế) có thể giúp tránh sự nghi kị không đúng chỗ phát sinh bởi sự ganh đua giữa các nước lớn. 

Tiến trình ba bên (ASEAN, Trung Quốc, Mỹ) cùng cộng tác trên các dự án về an ninh phi truyền thống sẽ giúp cải thiện sự hiểu biết lẫn nhau tích cực hơn, bên cạnh việc cùng tạo thuận tiện cho các mối quan hệ hợp tác về kinh tế, thậm chí là cả chính trị và văn hóa. 

Sự phối hợp quan trọng như thế có thể trung hòa những tác động bào mòn từ những bình luận của báo giới vốn phản đối và coi hàng loạt hội nghị cấp cao khu vực chỉ là “những nơi nói suông”. 

Để cho sự phối hợp này có hiệu quả, cả ba bên không nên chỉ khởi dựng các vòng hội họp khác giữa các quan chức hành chính, ngoại giao hay người đứng đầu chính phủ. Thay vào đó, ASEAN cùng với Trung Quốc và Mỹ cần tập trung vào các dự án cụ thể xác thực. Một dự án có thể giành được sự ủng hộ hoàn toàn từ những chính phủ tương ứng nhưng không dựa trên giả thuyết về nghi thức ngoại giao truyền thống. Một sự hợp tác như vậy sẽ cần bắt đầu từ các chương trình viện trợ phát triển hiện hành mà Trung Quốc hoặc Mỹ dành cho các nước Đông Nam Á. Chúng ta có thể tìm thấy một ví dụ tích cực trong yêu cầu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về cung cấp vốn trước khi triển khai một dự án, cũng như cách mà ADB lựa chọn đối tác có thiện chí trong một nhóm các bên (bỏ qua sự nghi ngờ và việc tự ra quyết định). Tất nhiên là mỗi bên có thể có được sự tín nhiệm từ công việc của mình. 

Tương tự, cũng không cần có yêu cầu về sự đồng thuận hoàn toàn đối với sự tham gia từ phía ASEAN. Điều cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, là sự phối hợp như vậy không thể giải quyết chóng vánh các vấn đề và sự nghi kị về địa chính trị cố hữu lâu nay giữa Trung Quốc, Mỹ và ASEAN. 

Dẫu sao thì sự tiếp cận này đáng được xem xét như là một cách thức mang tính thực tế nhằm làm dịu bớt những diễn biến hiện hành và góp phần giảm bớt căng thẳng ngoại giao giữa các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương./.

Theo RSIS

Mỹ Anh (gt)

* Học giả Zha Daojiong – Giáo sư về kinh tế chính trị quốc tế, Trường Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Bắc Kinh – Trung Quốc, đồng thời là nghiên cứu viên cao cấp tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam của Đại học Công nghệ Nanyang – Xin-ga-po