Sau khi Nga sáp nhập Crimea, nhiều nhà hoạch định chính sách ở châu Âu đã kết luận rằng thật là một sai lầm khi để Nga thoát khỏi cuộc chiến Gruzia năm 2008. “Chúng ta đã không đủ rõ ràng về vấn đề Gruzia, vậy nên họ đã chuyển sang Ukraine”, là một kết luận u ám. Rất có khả năng những cuộc trò chuyện tương tự cũng đã diễn ra tại Moskva. “Chúng ta đã không đủ rõ ràng về vấn đề Gruzia, vậy nên họ đã chuyển sang Ukraine”, người ta sẽ nói như vậy khi nghĩ đến sự mở rộng tầm tiếp cận của phương Tây.

Ví dụ này minh họa cho vấn đề mà Nga và các nước phương Tây hiện đang đối mặt. Chúng ta có những hiểu biết khác nhau về cơ bản không chỉ về những gì tạo nên hành vi quốc tế chấp nhận được, mà còn về những mục tiêu và động lực “tự nhiên” làm nền tảng cho hành vi đó. Và chúng ta không thể có một cuộc trò chuyện trực tiếp về những khác biệt của mình. Những khuôn khổ khác nhau kết hợp với sự hiểu lầm trong giao tiếp theo thời gian đã phát triển thành những câu chuyện đối lập tự tồn tại.

Ở Nga, nơi việc ra quyết định tập trung trong tay một nhóm nhỏ hẹp và có chung tư tưởng, một câu chuyện mạch lạc phản đối phương Tây đã xuất hiện mà gần như không thể phá vỡ. Tại những thời điểm nhạy cảm, điều này có thể vô cùng nguy hiểm: nếu cả hai bên đều coi bên kia là kẻ gây hấn, việc hiểu sai ý đồ của bên kia có thể dẫn đến hành động thiếu thận trọng.
Trong bối cảnh xa cách về văn hóa này, liệu có thể đối thoại với Nga được hay không, và cái giá phải trả là gì?

Đây là câu hỏi hiện đang làm đau đầu cả NATO và EU. Trong khi trong bối cảnh NATO, những hiểm họa của sự hiểu lầm trong giao tiếp đôi khi được công nhận, tất cả các cuộc thảo luận của EU đều được thúc đẩy quá thường xuyên bởi lôgích chính trị quan liêu. Một mong muốn có “cuộc đối thoại tích cực” bên cạnh (hoặc thay thế cho) các biện pháp trừng phạt đã nuôi dưỡng niềm hi vọng rằng, nếu được can dự một cách tích cực, Nga sẽ dịu đi và một “thỏa thuận mới” có thể đạt được mà sẽ biến đổi Nga theo hướng hợp tác một lần nữa. Trong bối cảnh sau, hợp tác giữa EU và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) thường được nhắc đến như một bên hòa giải tiềm năng.

Trong khi bản thân mong muốn có một “cuộc đối thoại tích cực” là dễ hiểu, và việc cùng tồn tại hợp tác với Nga chắc chắn vẫn là mục tiêu chiến lược lâu dài của châu Âu, một cách tiếp cận nông đối với vấn đề này vẫn ẩn chứa những mối nguy hiểm đáng kể. Những khác biệt của chúng ta sâu sắc đến mức chúng không thể bị che đậy bằng một sáng kiến quan liêu khác, dù với mục đích tốt. Nhưng tệ hơn là, trong bối cảnh truyền đạt sai lầm ở cả hai bên, việc nâng cao kỳ vọng dựa trên những giả định sai lầm sẽ không chỉ dẫn đến sự thất vọng. Với lịch sử tan vỡ ảo tưởng của chúng ta, mỗi thất vọng trong tương lai sẽ có thể trở nên dễ xúc động hơn trước, và gây ra một phản ứng nguy hiểm hơn.

Kinh nghiệm của Mỹ với chính sách tái khởi động của họ là một ví dụ minh họa ở đây. Đối với Mỹ, việc tái khởi động chỉ là một “cuộc đối thoại tích cực”. Đó là chính sách thực dụng – một nỗ lực để làm việc với Nga về những lĩnh vực quan tâm chung và do đó hạn chế công khai xung quanh những bất đồng này. Nhưng ở Nga, việc tái khởi động – đến rất nhanh sau cuộc chiến Gruzia – được giải thích một cách hiệu quả như một lời xin lỗi địa chính trị: là sự thừa nhận của Mỹ rằng nước này đã mạo hiểm tiến quá gần tới những gì Nga coi là phạm vi ảnh hưởng của mình. Điều này được xem như một lời hứa thay đổi tiến trình.

Như một nhà cựu ngoại giao Nga, phát biểu theo điều luật Chatham House, về sau thừa nhận: “Khái niệm tái khởi động đã bị Nga diễn giải sai. Nga nghĩ rằng cuối cùng họ cũng được chấp nhận trong các nước lớn, nhưng thực tế việc tái khởi động hóa ra lại là về một nhóm vấn đề hạn hẹp. Đây là một sự thất vọng lớn. Khái niệm về hợp tác chiến thuật vẫn còn xa lạ với giới tinh hoa Nga. Quan hệ với các nước khác vẫn luôn được xem xét một cách cảm tính. Sự công nhận là một khái niệm quan trọng và Nga muốn được đối xử bình đẳng”.

Bản chất của sự bất đồng

Việc Nga muốn được đối xử “bình đẳng” là một cụm từ thường xuất hiện trong các cuộc trò chuyện với các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia của Nga. Tuy nhiên, định nghĩa “bình đẳng” rất khó nắm bắt. Về mặt thể chế, người ta có thể lập luận rằng Nga được đối xử còn hơn cả bình đẳng; nước này đã được chấp nhận vào tất cả các tổ chức phương Tây họ muốn gia nhập mà không cần phải hội đủ các tiêu chuẩn của các tổ chức đó. Phương Tây cũng đã làm hết sức mình để kết nối Nga với EU và NATO như một “đối tác chiến lược” cùng chung tư tưởng. Nhưng Nga vẫn cảm thấy kém bình đẳng và bị bẽ mặt. Tại sao lại như vậy?

Sự thực dường như là Nga chưa bao giờ muốn được đối xử như một đối tác bình đẳng bên trong hệ thống dựa vào Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) của phương Tây. Thay vào đó, đối với Moskva, “bình đẳng” nghĩa là có quyền thiết lập và điều chỉnh các quy tắc, không chỉ để thúc đẩy các lợi ích riêng của mình bên trong hệ thống châu Âu hậu Chiến tranh Lạnh với bộ nguyên tắc chung của nó. “Bình đẳng” nghĩa là có những quyền phủ quyết về địa chính trị và việc chấp nhận không bị chỉ trích bản chất và những thực tiễn của chế độ trong nước của nước này – các nguyên tắc của OSCE không thể cung cấp điều nào trong số này.

Ngược lại với những gì nhiều người tuyên bố, Nga không phải một cường quốc bành trướng. Họ không muốn thống trị thế giới, chinh phục châu Âu hay thậm chí khôi phục Liên Xô. Nhưng họ muốn một phạm vi kiểm soát trong khu vực mà EU gọi là vùng láng giềng phía Đông của nó, và họ muốn những phạm vi kiểm soát như vậy được chấp nhận như một nguyên tắc tổ chức của đời sống quốc tế. Nga không có một chương trình nghị sự toàn cầu đầy tham vọng: cách tiếp cận của nước này đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương lấy cảm hứng nhiều hơn từ các mối quan hệ của nước này với phương Tây và các nước lớn so với bất kỳ bối cảnh địa phương nào. Tương tự, hành động của họ ở Trung Đông ít liên quan đến chính khu vực này hơn là đến lập trường phản cách mạng và “nguyên tắc không xâm phạm các chế độ” của Moskva. Đây là những vấn đề đã làm Nga đau đầu trong bối cảnh phương Tây, thay vì ở phương Đông, vì Nga coi phương Tây là đã sắp xếp hầu hết các cuộc cách mạng của dân chúng trong vài thập kỷ qua.

Trong khi những hành động này do đó không tạo nên một thách thức toàn cầu cho phương Tây - có xu hướng gợi nhớ thời kỳ Chiến tranh Lạnh – tuy thế chúng tạo thành một sự va chạm sâu sắc giữa các mô hình mà chắc chắn sẽ không ngừng tự thể hiện mình.

Bản chất của sự hiểu lầm trong giao tiếp

Sự va chạm này bị phóng đại bởi những hiểu lầm và thông tin sai lệch kèm theo. Các nhà ra quyết định tại Nga xem xét hành động của phương Tây thông qua các mô hình riêng của họ: họ dường như thực sự tin rằng phương Tây đang sắp đặt “các cuộc cách mạng sắc màu” với mục đích làm suy yếu phạm vi ảnh hưởng của Nga và tăng cường phạm vi ảnh hưởng của chính mình. Họ nghi ngờ rằng mục tiêu cuối cùng là để mang lại thay đổi chế độ ở Nga.

Phương Tây đến lượt mình cho đến gần đây phần lớn đã không nhận thấy mức độ khác biệt mà Nga nhìn nhận thế giới và những nguyên tắc làm việc của nó. Phương Tây đã diễn giải các hành động của Nga là lầm lạc, gây hiểu lầm hoặc lấy cảm hứng từ những cân nhắc chính trị trong nước. Có một niềm tin mạnh mẽ rằng khi Nga trải nghiệm những lợi ích của việc hợp tác, cuối cùng nước này cũng sẽ trở thành một thành viên hợp lệ của trật tự dựa vào OSCE.

Điều hoàn toàn bình thường là vực thẳm giữa thế giới quan của chúng ta hẳn đã sâu hơn khi chế độ tự củng cố tại Nga. Tuy nhiên – và điều này không hoàn toàn hợp lý - khả năng của phương Tây nắm bắt độ sâu này đã không bắt kịp, ít nhất cho đến khi việc sáp nhập Crimea đóng vai trò như một lời thức tỉnh. Sự thiếu nhận thức này bắt nguồn không chỉ từ sự lười biếng về trí óc mà còn cả sự mơ tưởng. Nó cũng liên quan đến sự suy giảm trong chất lượng thông tin liên lạc – và điều này đến lượt nó liên quan đến cá tính của các nhà lãnh đạo, đầu tiên và quan trọng nhất là cá tính của Vladimir Putin.

Một chuyên gia Nga, người đã tham mưu cho Bộ Ngoại giao một thời gian dài, đã chỉ ra lý do tại sao Nga bằng lòng với hai vòng đầu tiên của việc mở rộng NATO chính là thực tế rằng những vòng này đã được thảo luận với Mosvka theo những điều kiện dễ hiểu đối với họ: “Họ không thích việc mở rộng, nhưng họ thấy rằng việc ngăn chặn nó có một cái giá không thể chấp nhận được, và do đó họ đã thương lượng bồi thường. Tất cả nguyện vọng của Nga mà Moskva cố đưa ra đã được đáp ứng – liệu Nga có cố gắng tận dụng được những gì họ đạt được hay không lại là một vấn đề khác. Nhưng đó là một thỏa thuận mà Nga biết họ đã chấp nhận”.

Tuy nhiên, những cuộc thảo luận này chủ yếu diễn ra giữa Chính quyền Yeltsin và Chính quyền Clinton. Với sự xuất hiện của Tổng thống Putin và Bush, cả khả năng Nga bày tỏ các nguyện vọng của họ và khả năng phương Tây hiểu chúng đã bắt đầu suy giảm.

Và ở đây người ta nói đến cá tính của Putin. Thế giới quan của Putin và cách làm việc của ông được định hình bởi các chuẩn mực của Liên Xô và tiểu sử các vị thánh tới một mức lớn hơn mức độ cần thiết thường thấy ở người Nga, ngay cả trong thế hệ của ông. Những thói quen giao tiếp của ông có một số đặc điểm không lẫn đi đâu được của Liên Xô, mà khi được sử dụng trong đối thoại với phương Tây, thường bị hiểu lầm và khiến ông có vẻ dối trá. Điều này không nhất thiết là cố ý.

Trong việc giao thiệp với phương Tây, Putin đã sử dụng cả hai: ông đã sử dụng giọng điệu tự do của phương Tây để làm cho mọi người hiểu những thông điệp thường khá hẹp hòi của chính mình. Ông cũng đã viện đến một sự thật trần trụi thô thiển – được thể hiện trong những tuyên bố như “Ukraine thậm chí không phải một quốc gia”. Tuy nhiên, phương Tây có xu hướng không nghe thấy thông điệp của ông: trong những tuyên bố “chính xác về mặt chính trị” chúng ta đã bỏ qua lối nói nước đôi; càng nhiều hơn những thông điệp “trần trụi” có thể thô thiển đến mức trở nên kệch cỡm, hoặc chúng sẽ bị bỏ qua như những hành vi ức hiếp hay đe dọa không đáng quan tâm.

Đây không phải để nói rằng bản thân phương Tây chưa bao giờ sử dụng lối nói nước đôi. Họ có sử dụng, nhưng sử dụng một kiểu khác. Ở phương Tây, lối nói nước đôi có thể dùng để đi tắt, và giải quyết một số vấn đề gai góc trong thực tế cuộc sống, nhưng nó chưa bao giờ trở thành một chuẩn mực hay dẫn đến một thực tế kép được duy trì liên tục. Những quy tắc có thể bị phá vỡ, nhưng chúng vẫn là quy tắc, ngay cả dưới con mắt của những người phá vỡ nó.

Lôgích này cũng có thể giải thích lý do tại sao Nga rất không hài lòng với nhiều quy tắc và chuẩn mực quốc tế họ đã tự nguyện tuân theo, dù là điều lệ của OSCE hay bộ quy tắc của WTO: Nga chưa bao giờ nghĩ rằng những quy tắc này phải được tuân thủ về câu chữ cũng như về mặt tinh thần.

Nga có một hành vi nước đôi thú vị khi nhắc đến quy tắc và chuẩn mực. Trong khi nước này có thể rất cứng nhắc và tuân thủ pháp luật tuyệt đối khi bám vào mặt câu chữ của luật pháp, nước này cũng có thể tự do phớt lờ ý nghĩa về mặt tinh thần của nó. Nga cũng có thể sử dụng câu chữ của pháp luật để lẩn tránh về mặt tinh thần. Nhưng hành vi như vậy thường được thúc đẩy bởi suy nghĩ của Nga rằng bằng cách làm như thế, nước này thực tế đã tham gia “cuộc đối thoại thực sự”, dưới lớp vỏ ngoài của các chuẩn mực chung – khi Hiến pháp Liên Xô che đi những thực tế về việc hoạch định chính sách của Liên Xô.

Hoạt động tác chiến đặc biệt của nước này tại Crimea mang tất cả những đặc điểm nổi bật của lôgích đó. Quan trọng là phải quan sát “câu chữ của luật pháp” – đó là lấy cớ rằng cuộc trưng cầu ý dân về Crimea có nguồn gốc địa phương, để ít nhất có được khả năng bác bỏ đáng ngờ về sự dính líu của Nga.

Chứng kiến những gì đang diễn ra, nhiều người châu Âu đã kết luận một cách cay đắng rằng “Putin đã nói dối”. Nhưng có một lôgích trong những lời nói dối của ông. Chúng không chỉ nhằm đánh lừa, mà là để truyền đạt. Hoạt động tác chiến tại Crimea truyền đạt rằng Nga sẵn sàng và có thể thiết lập các quy tắc trong các vùng láng giềng của nước này. Đó không chỉ là sự biểu dương lực lượng về mặt thực chất, mà còn là về mặt tinh thần, khi nói với phương Tây rằng: “Các vị có thể biết chúng tôi đang ở đó, nhưng các vị không thể chứng minh điều đó, vì vậy các vị không thể làm được gì và vì thế các vị nên chấp nhận các điều kiện của chúng tôi”.

Người ta thường cho rằng Putin là một nhà chiến thuật giỏi mà không cần chiến lược. Có lẽ vậy. Nhưng ông biết rất rõ ông muốn đi tới đâu, tận dụng những cơ hội ông nhìn thấy và thường sử dụng việc leo thang như một lời mời đàm phán hoặc một yêu cầu rằng các nguyện vọng của ông cần được xem xét một cách nghiêm túc. Ông thường làm vậy thay cho việc thảo luận trực tiếp. Như một quan chức Brussels đã ngạc nhiên thừa nhận: “Nga chưa bao giờ nói rằng họ muốn một phạm vi ảnh hưởng ở Ukraine! Nếu họ có nói như vậy, chúng ta hẳn đã tiếp cận vấn đề theo một cách khác”. Nhưng cả Nga hay Putin đều không nói thế. Họ nghĩ việc đó là hiển nhiên, quá rõ ràng mà không cần nói thành lời.

Sau những năm đầu nhậm chức của Putin, một bài báo của Nga đã mô tả chính sách đối ngoại của ông là theo kiểu “Bulgakov”, gợi nhắc đến câu nói nổi tiếng trong cuốn tiểu thuyết “ông chủ và Margarita” của Mikhail Bulgakov: “Anh không bao giờ nên hỏi xin bất cứ ai bất cứ điều gì. Không bao giờ. Đặc biệt không phải từ những người mạnh hơn mình”. Trái ngược với dự đoán, Putin đã không gây sự về việc các nước Baltic gia nhập NATO; ông đã không hỏi xin tiền hay một phạm vi ảnh hưởng. Sau vụ 11/9 ông đã đứng về phía Mỹ mà không đòi hỏi bất kỳ điều gì đổi lại. Nhưng thực tế rằng ông không đưa ra đòi hỏi không có nghĩa là ông không có những kỳ vọng. Rốt cuộc, câu tiếp theo của Bulgakov nói: “Họ sẽ đưa ra đề nghị và họ sẽ đưa ra một cách tự nguyện”.

Tuy nhiên, lời đề nghị này không bao giờ thành hiện thực. Những gì đối với Putin là những nhượng bộ to lớn về phần mình, thì phương Tây lại diễn giải là những lợi ích chung, và thay vì dẫn đến một sự hồi đáp về bản chất và tầm quan trọng phù hợp, hoặc – đúng hơn - giải thích tại sao vế sau không thể được đưa ra, nó chỉ đơn giản là nói: “Cảm ơn”. Và vì vậy chu trình hiểu lầm trong giao tiếp đã bắt đầu.

Tiếp theo là điều gì? Các chính sách và vấn đề

Sau khi việc sáp nhập Crimea làm bộc lộ chiều sâu của những khác biệt, ba phương án chính sách khác nhau đã được đưa ra ở phương Tây.

Phương án đầu tiên tập trung vào việc kiềm chế Nga. Nó đề xuất tăng cường các kế hoạch bảo vệ lãnh thổ của NATO, cố gắng hạn chế lợi thế đòn bẩy của Nga trong khu vực láng giềng không thuộc NATO của nước này và duy trì các biện pháp trừng phạt kinh tế mà được cho là sớm hay muộn cũng sẽ làm sụp đổ một chế độ còn dễ vỡ hơn bao giờ hết ở Moskva.

Hướng tiếp cận thứ hai – được những quân sư chính sách đối ngoại của Mỹ Zbigniew Brzezinski và Henry Kissinger và nhiều người khác ủng hộ – thực chất là một thỏa thuận địa chính trị với Nga, trong đó tập trung xung quanh một vị thế không liên kết lâu dài cho Ukraine.

Hướng tiếp cận thứ ba là một sự kết hợp giữa cây gậy và củ cà rốt. Đây là lập trường thường được nghe thấy ở châu Âu: chúng ta cần chắc chắn về các lệnh trừng phạt và sử dụng chúng để điều chỉnh tình hình ở Ukraine, nhưng đồng thời chúng ta cũng cần tìm cách đưa ra với Nga một lợi ích mới trong trật tự châu Âu. Điều này có thể được thực hiện bằng cách hợp pháp hóa Liên minh Á-Âu bằng cách cho phép nó hợp tác với EU.

Tất cả những đề xuất trên đều được đưa ra với những ý định tốt đẹp nhất, nhưng mọi người vẫn không nhận thức được thực ra sẽ nhận được gì để áp dụng bất kỳ khái niệm nào trong số này làm chính sách.

Trong khi việc kiềm chế Nga rõ ràng là cần thiết, người ta cần chống lại sức cám dỗ của việc đưa ra những so sánh không quá mức với cuộc Chiến tranh Lạnh. Làm vậy sẽ khuyến khích người dân áp dụng những giải pháp cũ cho những thách thức mới; thay vì đưa ra ý tưởng nó có nguy cơ khiến người ta không nhìn thấy những thực tế hiện nay. Ký ức của cuộc Chiến tranh Lạnh hiện cũng đã trở thành một ký ức “bị sửa đổi” trong tâm trí của nhiều người phương Tây – một giai đoạn hào hùng rạch ròi giữa cái tốt và cái xấu. Những mối nguy hiểm và hỗn loạn thực sự phần lớn đã bị lãng quên.

Trên thực tế, một chính sách kiềm chế mới có thể không phải một thành công trôi chảy. So sánh với thời gian trước, Nga hiện yếu hơn rất nhiều so với phương Tây, nhưng phương Tây bị phân tâm nhiều hơn. Một cuộc chiến tranh lạnh mới do đó sẽ là một cuộc chiến “không cân xứng”; và cho đến nay, phương Tây đã thể hiện tệ hơn rất nhiều trong những cuộc chiến “không cân xứng” so với những cuộc chiến cân xứng. Thực tế, một cuộc chiến tranh lạnh công khai thích đáng thực tế sẽ khá phù hợp với chế độ của Nga; kéo dài tuổi thọ của nước này thông qua khả năng đoàn kết người dân chống lại một kẻ thù bên ngoài. Và sự sụp đổ của chế độ bản thân nó cũng không phải một giải pháp.

Tuy nhiên, thực hiện một thỏa thuận địa chính trị với Nga sẽ không còn đơn giản nữa. Một thỏa thuận như vậy không chỉ đi ngược lại một loạt văn kiện điều chỉnh hành vi quốc tế của các nước châu Âu (điều lệ OSCE, các nguyên tắc của Hội đồng châu Âu, các văn kiện sáng lập của EU và NATO), nó cũng sẽ là bất khả thi trong thực tiễn. Trong khi sau Chiến tranh Lạnh, các phạm vi ảnh hưởng có thể gắn với nhau nhờ cưỡng ép, hiện nay sự hấp dẫn nào đó là cần thiết. Moskva có thể tuyên bố một phạm vi ảnh hưởng, nhưng họ không thể thực sự bám vào đó mà không được xã hội của những nước liên quan chấp nhận. Những xã hội này, đến lượt mình, bắt đầu trưởng thành và đòi hỏi trách nhiệm nhiều hơn từ giới tinh hoa của họ, những người thường điều hành đất nước họ theo cách phục vụ cho quyền lợi cá nhân và tham nhũng.

Điều này đã tự thể hiện trong một quá trình tiến hóa gập ghềnh nhưng không thể tránh được, quá trình mà EU không khởi động và không kiểm soát, nhưng không thể làm gì khác ngoài việc hỗ trợ. Mặt khác, Moskva lại gắn bó với giới tinh hoa mà họ có thể kiểm soát – và do đó chắc chắn sẽ phản đối sự thay đổi. Hơn nữa, họ sẽ diễn giải bất cứ khó khăn nào với các xã hội là sự phá hoại bắt nguồn từ châu Âu. Bằng cách đó, ngay cả nếu phương Tây thực sự nhường Nga một phạm vi ảnh hưởng, nó sẽ không bao giờ đạt được những lợi ích mong muốn về sự ổn định – mà nó sẽ mất đi những nguyên tắc dựa trên OSCE của trật tự châu Âu.

Cuối cùng, phương án thứ ba – một sự kết hợp giữa sự cứng rắn và một dự án hấp dẫn – có nguy cơ bị Nga hiểu lầm theo cùng một cách mà việc khởi động lại đã bị hiểu nhầm. Hợp tác EU-EAEU đặc biệt có những hạn chế tự nhiên của nó không thể bị bỏ qua. Hiện nay, Ủy ban EAEU có nhiệm vụ chỉ giải quyết các vấn đề thương mại, nhưng một trong những thành viên của liên minh này, Belarus, không phải một thành viên của WTO. Đối với EU, tất cả các đàm phán thương mại đều dựa trên các quy định của WTO. Điều này có nghĩa là rất khó để tìm thấy một chương trình nghị sự thực sự cho bất kỳ cuộc thảo luận nào với EAEU: ta có thể chỉ nghĩ đến các vấn đề kỹ thuật ở mức thấp, như là tiêu chuẩn và thủ tục hải quan. Đầu tư sự tương tác ở mức thấp như vậy với những kỳ vọng về một cú đột phá lớn sẽ không chỉ vô ích mà còn nguy hiểm.

Có khả năng xảy ra việc Nga không thể đánh giá đúng đề xuất này, nhưng trong kịch bản xấu nhất, nước này sẽ hiểu sai hoàn toàn. Có thể hi vọng rằng phương Tây cuối cùng cũng trao cho Nga quyền về địa chính trị và các dạng khác của một sự chấp nhận vô điều kiện. Nhưng sẽ không có trường hợp này. Sự chấp nhận vô điều kiện là điều gì đó EU thậm chí không trao cho các nước thành viên của nó.

EU cũng có thể hy vọng rằng hợp tác hạn chế với Nga, theo thời gian, sẽ phát triển thành điều gì đó lớn hơn và biến Nga thành một đối tác hợp tác trong một hệ thống phương Tây. Cũng không có trường hợp này. Một cử chỉ thiện chí mang tính bán biểu tượng cũng sẽ không “mua” được sự phục tùng của Nga. Nếu nhìn vào những đề xuất Nga đang đưa ra – về trật tự địa chính trị, hoặc thậm chí về Khu thương mại tự do sâu sắc và toàn diện (DCFTA) với Ukraine – chúng ta sẽ nhanh chóng nhận ra rằng để thực sự đáp ứng được các kỳ vọng của Nga, chúng ta sẽ cần phải chấp nhận một cuộc cải tổ sâu sắc đối với các nguyên tắc của hầu hết các thể chế hậu Chiến tranh Lạnh; không chỉ NATO và OSCE sẽ cần thay đổi các nguyên tắc của họ, mà còn cả WTO, có khả năng cả hệ thống Breton Wood, và vân vân.

Tập trung vào những khác biệt và đối thoại

Trong trường hợp không có một chính sách hiệu quả với một cái giá chấp nhận được, đối thoại giữa phương Tây với Nga sẽ như thế nào? Một cách khác thường, chúng ta nên bắt đầu các cuộc đàm thoại giữa Nga và phương Tây không phải với những điểm tương đồng – mà là bản năng của một nhà ngoại giao – nhưng về những sự khác biệt.

Mục tiêu chủ yếu của việc giao tiếp nên là để hợp lý hóa bối cảnh và nhất trí về bản chất của những bất đồng. Nếu có thể đạt được điều này, những khác biệt vẫn còn đó, nhưng chúng sẽ bớt nguy hiểm hơn. Một khi Moskva tin rằng ngay cả phương Tây cũng đang cố bảo vệ các nguyên tắc của nó ở Ukraine, thực tế nó không âm mưu tấn công vào Moskva, thì những khả năng về một cuộc tấn công phủ đầu vào các đồng minh hay tài sản của phương Tây sẽ giảm đi nhiều. Tương tự, một khi Nga tin rằng ngay dù phương Tây có thể hết sức cần hợp tác với Nga, nó vẫn sẵn sàng trở nên cứng rắn khi nhắc đến việc bảo vệ một số nguyên tắc cơ bản, khi đó mối nguy về một “Ukraine tiếp theo” sẽ được giảm đi nhiều.

Một cuộc đối thoại như vậy nên được tiến hành ở các cấp khác nhau và theo nhiều công thức khác nhau. Bắt đầu từ trên xuống – quan trọng là phải duy trì đối thoại với Tổng thống Putin. Ngay dù ông “sống trong một thế giới khác”, như lời tuyên bố nổi tiếng của bà Angela Merkel, quan trọng là phải cho ông biết những hành động của ông được phương Tây hiểu như thế nào.
Để giảm bớt những nguy cơ bắt nguồn từ những hiểu lầm ở cấp chính trị, quan trọng là phải có các cuộc tiếp xúc làm việc trong quân đội. Những điều này cần được tính toán cẩn thận. Nga phải không thể sử dụng bất kỳ cuộc đối thoại nào, về quân sự hay những mặt khác, để hợp pháp hóa các hành động của nước này ở Ukraine – nhưng họ cần biết chắc chắn rằng trong khi phương Tây sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ của NATO, nó không sẵn sàng tấn công lãnh thổ của Nga.

Trên mặt trận ngoại giao, phương Tây cần rõ ràng trong tầm nhìn của mình liên quan đến việc thi hành hiệp định Minsk: chỉ thực hiện đầy đủ mới được xem là một điều kiện để dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Cho đến nay, phương Tây đã cố gắng buộc Nga phải tìm một lối thoát giữ thể diện ra khỏi Donbas, trong khi Nga vẫn háo hức muốn chiếm Kiev, để giành quyền kiểm soát việc ra quyết định của nó. Việc này không được phép thành công và EU cần phải nói rõ về điều đó. Dù thế, nếu ngày nào đó Nga thực sự muốn một lối thoát để giữ thể diện, họ nên được trao cho lối thoát đó – nhưng một lần nữa, phải có sự rõ ràng đầy đủ về ý nghĩa thực sự của nó: giữ thể diện và không phải một giải pháp theo các điều khoản của Nga. Sự diễn giải (sai) của Nga về thỏa thuận do phương Tây làm trung gian giữa Viktor Yanukovych và những người phản đối ông nên đóng vai trò như một ví dụ cảnh báo rằng sự trung gian hòa giải có thể bị hiểu lầm như thế nào.

Ở cấp độ thể chế, chúng ta cần xem xét việc tái định hình một số hình thức thảo luận cho phù hợp với nhu cầu ngày nay. Hầu hết, nếu không phải tất cả, các hình thức kết hợp Nga và phương Tây đều dựa trên giả định rằng chúng ta có chung lợi ích hay thậm chí là giá trị. Đó đã là nguồn gốc của nhiều thất vọng ở cả hai bên. Nga cảm thấy thường xuyên bị chỉ trích, trong khi các đồng minh phương Tây cảm thấy họ cần phải lựa chọn giữa quan hệ tốt với Nga và cảm nhận của họ về sự thật. Chúng ta có thể loại bỏ nỗi thất vọng đó bằng cách thiết kế lại cuộc thảo luận theo những cách mà không nhấn mạnh sự giống nhau về tư tưởng. Hội đồng Nga-NATO rõ ràng sẽ là ứng cử viên đầu tiên cho cuộc kiểm tra như vậy, nhưng vẫn còn nhiều ứng cử viên khác.

Chúng ta cũng cần tiếp tục đối thoại với giới chuyên gia Nga. Trong khi nhiều chuyên gia chắc chắn đóng vai trò như người phát ngôn cho chế độ, nhiều người khác vẫn mong muốn thực sự hiểu các sự kiện, và một số đang cân bằng giữa hai bên. Có thể khó mà thay đổi tư duy của những người này, nhưng có thể để cho các mối quan hệ cá nhân tốt đẹp xuất hiện, mà – vào thời điểm khủng hoảng – sẽ hữu ích để có một hiểu biết tốt hơn về suy nghĩa và các động lực chính sách của bên kia.

Nói tóm lại, châu Âu cần khởi động một cuộc đối thoại đa tầng với Nga về những khác biệt của chúng ta mà không có mục đích tức thời là giải quyết nó thông qua cuộc mặc cả lớn nào đó. Chúng ta cần nói về những khác biệt để hợp lý hóa chúng. Chia nhỏ mối quan hệ này và tìm ra những lĩnh vực dành cho hợp tác sẽ vẫn là ổn thỏa, nhưng chỉ khi cả hai bên đều hiểu ý nghĩa thực sự của một sự hợp tác như vậy. Nhưng bắt tay vào một dự án tích cực có ý nghĩa biểu tượng trong khuôn khổ những hiểu lầm sẽ là nguy hiểm, khi những kỳ vọng được tăng lên, nếu không có cơ sở trong thực tế, chắc chắn sẽ sinh ra một phản ứng nguy hiểm – còn nguy hiểm hơn mỗi khi nó tái diễn.

Theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu

Văn Cường (gt)