Năm 2015, một mô hình mới của quan hệ Nga-Mỹ đã được định hình. Cả Moscow và Washington đều cảm nhận về cuộc khủng hoảng quan hệ ít nhất là từ đầu năm 2012. Tuy nhiên, trong ba năm qua, chính quyền Nga về công khai luôn hy vọng về một sự thỏa hiệp hai bên có thể chấp nhận. Một bộ phận quan trọng trong giới thượng lưu Nga trông chờ lặp lại kịch bản " cuộc chiến năm ngày " năm 2008, theo đó ba tháng sau khi ngừng khuyếch trương sự cứng rắn của mình, hai bên đã trở lại bàn đàm phán, thảo luận việc cùng nhau đối phó với khủng hoảng tài chính và nối lại đối thoại chiến lược. Song nay, tình thế đã thay đổi. Hoạt động của Nga ở Syria cho thấy một số điểm quan trọng. Cuộc chiến chống khủng bố xuyên quốc gia không còn liên kết Nga và Hoa Kỳ dù ở cấp độ mặc nhận về tư tưởng. Các bên đều coi không cần thiết phải phối hợp hành động chống lại kẻ thù chung là IS. Ngay cả cuộc chiến chung chống khủng bố cũng không buộc Washington từ bỏ đối đầu với Nga về vấn đề Ukraine và  khôi phục lại đối thoại chiến lược. Vụ máy bay Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi cho thấy Moscow có thể trong tình trạng xung đột vũ trang với một trong số đồng minh NATO của Mỹ. Còn Washington ở trong thế lựa chọn nguy hiểm giữa tham gia xung đột và không thực hiện nghĩa vụ bảo đảm an ninh cho các đồng minh của họ.

Hiện tại, Moscow và Washington không có cơ chế ngăn chặn xung đột tiềm năng. Ưu tiên của cả hai bên hiện nay không phải nối lại hình mẫu đối thoại chiến lược năm 2009, mà là giảm bớt nguy cơ xung đột quân sự trực tiếp.

Các yếu tố đối đầu

Vấn đề chính yếu của quan hệ Nga-Mỹ là việc Nga bị loại trừ tham gia trật tự thế giới mà Mỹ nỗ lực xây dựng từ thập niên 90.  Sau sự sụp đổ của Liên Xô, Nga nắm giữ các tổ hợp công nghiệp quân sự. Mặc dù khủng hoảng trong những năm 1990-1993, Nga là nước duy nhất có khả năng sản xuất vũ khí thông thường có thể ngang hàng với Mỹ, và có thể hủy diệt Hoa Kỳ. Cả Trung Quốc và Ấn Độ hiện tại đều không có  một năng lực như vậy. Sự tồn tại của nước Nga giới hạn vai trò lãnh đạo của Mỹ.

Nga và Mỹ có những quan điểm khác nhau về duy trì trật tự Yalta-Potsdam. Đối với Nga, trật tự năm 1943 rất phù hợp với nước kế thừa Liên Xô cũ. Nó đảm bảo vị thế của Nga  là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA/Liên Hợp Quốc)  với quyền phủ quyết. Tuy nhiên, trật tự  đó  không được  Mỹ và các đồng minh của họ ưa thích bởi nó giới hạn Mỹ tự do hành động. Một trật tự thế giới mới không thể được tạo ra khi không có HĐBA hoặc với  hạn chế "quyền phủ quyết" của các thành viên thường trực.  Giữa Nga và Mỹ có sự  khác biệt về ý thức hệ. Sau khi Liên Xô sụp đổ, người ta  cho rằng đối đầu ý thức hệ trong quan hệ Nga-Mỹ đã bị loại bỏ. Trên thực tế, từ năm 1993 giữa Moscow và Washington đã bộc lộ sự  khác biệt về ý thức hệ. Từ cuối năm 1994, chính quyền  Nga nhấn mạnh rằng họ không thừa nhận quyền lãnh đạo của Mỹ trong trật tự thế giới. Mỹ bị kích thích bởi khái niệm về một thế giới đa cực được nêu trong khuôn khổ quan hệ đối tác Nga-Trung. Sự đối đầu ý thức hệ như vậy cho thấy rõ tính chất quyết liệt hơn so với thời kỳ đấu tranh giữa  chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tự do trong Chiến tranh Lạnh. Sự  đối địch giữa  hai phương án về trật tự toàn cầu  đã làm tổn thương lợi ích sống còn của mỗi bên.

Sau sự sụp đổ của Liên Xô, Mỹ đã không cho thấy sự sẵn sàng đối thoại chiến lược với Nga trên cơ sở bình đẳng. Sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Chống Tên lửa Đạn đạo (ABM) (2002) đàm phán Mỹ-Nga về kiểm soát vũ khí càng trở nên trống rỗng và vô nghĩa. Sau khi ký hiệp định Prague (2010) ,  các bên cũng không thể thoả thuận cơ bản về vấn đề phòng thủ tên lửa và từ mùa thu năm 2011 các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí hầu như bị đóng băng.

Mỹ có thái độ tiêu cực đối với các kế hoạch liên kết không gian hậu Xô Viết, coi đây là kế hoạch của Nga nhằm tái lập Liên Xô điều mà Mỹ hoàn toàn không thể chấp nhận xuất phát từ lợi ích chiến lược. Trong khi đó, Nga coi chính sách đó của Mỹ là sự xâm nhập vào khu vực lợi ích cốt lõi của Nga. Đã xuất hiện một kiểu xung đột mới giữa Nga và các nước cộng hòa Liên Xô cũ được Mỹ ủng hộ.  Nga và Mỹ  đã không thể vạch ra một chương trình nghị sự tích cực trong quan hệ song phương khi vẫn còn tiêu cực xung quanh việc làm thế nào để giảm nguy cơ đụng độ Mỹ-Nga mà không đi đến quan hệ đối tác thực sự.

Cuộc khủng hoảng chính trị những năm 2011-2012 đã tái định dạng lại quan hệ Nga-Mỹ.  Không phải ngẫu nhiên sau khủng hoảng, chính quyền Obama khước từ tiếp tục đàm phán về phòng thủ tên lửa, đã thông qua "Đạo luật Magnitsky" với việc áp dụng trừng phạt tầng lớp thượng lưu Nga, tiến hành tấn công ngoại giao tối đa nhằm  làm suy yếu Putin.  Thay đổi chính quyền bằng bạo lực tại Ukraine là  một phần cốt lõi nhằm phá vỡ  kế hoạch của Nga về hội nhập Á-Âu. Phía Nga coi hành động của Mỹ đã vượt quá giới hạn đỏ. Chính vào cuối 2012, lần đầu tiên trong nội bộ Nga đã đặt ra vấn đề cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ -một bước chưa từng có trong  Chiến tranh Lạnh, ngay cả khi có cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba 1962.

Nga và Hoa Kỳ bắt đầu chuyển sang trạng thái nguy hiểm phủ nhận lẫn nhau. Các vấn đề Ukraine, Syria đều không thể đưa hai bên đến bàn đàm phán tìm biện pháp giảm thiểu nguy cơ xung đột.

Một số kịch bản trong quan hệ Nga-Mỹ

Kịch bản 1: đàm phán trong xung đột. Đây là kịch bản lạc quan nhất. Trong khi tiếp tục lời lẽ đối đầu và phô trương sức mạnh, hai bên bắt đầu có các biện pháp giảm bớt nguy cơ chiến tranh.  Không có khả năng đạt thỏa thuận về các vấn đề chiến lược quan trọng như  phòng thủ tên lửa. Hiện tại , có 3 hướng hai bên cần làm:(1)  Giảm nguy cơ va chạm ngẫu nhiên trong xung đột khu vực; (2) Nối lại đối thoại về cải tổ hệ thống an ninh châu Âu; (3) Thảo luận về số phận Hiệp ước INF năm 1987. Kịch  bản này đòi hỏi các bên sẵn sàng đàm phán, không coi cuộc phô diễn sức mạnh là sự lựa chọn tốt nhất. Trong đó, Lãnh đạo cả Mỹ và Nga dường như đều chưa cho rằng hai nước đã đến ngưỡng nguy hiểm.

Kịch bản 2: miễn cưỡng hợp tác. Kịch bản này giả định sự trung gian của Mỹ trong trường hợp xung đột giữa Nga và một đồng minh của họ. Ngoại giao Mỹ có thể cố ngăn chặn khủng hoảng chuyển sang đối đầu quân sự với 2 điều kiện: (1) bảo đảm cho Mỹ thành công về mặt ngoại giao và chấm dứt khủng hoảng,(2) thể hiện sự suy yếu vị thế của Nga trong khủng hoảng, hoặc điểm yếu của Nga do  phương tiện truyền thông tạo ra. Chỉ trong những trường hợp như vậy, Washington mới sẵn sàng đàm phán thực sự. Tuy nhiên, kịch bản này đòi hỏi Mỹ có một đồng minh mạnh trong khu vực với tiềm lực quân sự lớn, ở cận kề với Nga và có yêu sách lịch sử (chẳng hạn như Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển).  Ít có khả năng, nhưng không loại trừ khả năng can thiệp của Nga vào xung đột với Hoa Kỳ ở nước thứ ba. Cuộc đua lập "vùng cấm bay" có thể là một nguồn gốc của xung đột Nga-Mỹ và cũng là vấn đề hai bên thương lượng về một sự thỏa hiệp.

Kịch bản 3: đối đầu trực diện, diễn ra  khi bùng nổ xung đột lớn trong khu vực, trong đó quân Nga và Mỹ trực tiếp tham chiến. Các bên có những động cơ chính trị. Mỹ coi khả năng hành động của Nga  ngoài biên giới là mối đe dọa vai trò lãnh đạo của Mỹ. Mục tiêu chính trị là phô trương ưu  thế về quân sự. Đối với Nga, nhằm giữ thể diện  trong khu vực, chẳng hạn  với kịch bản Thổ Nhĩ Kỳ. Tình thế đó có thể đẩy cả bên  tham chiến để kiểm tra độ tin cậy của quân đội mình. Hậu quả của cuộc xung đột sẽ là sự sụp đổ của cơ cấu kinh tế của thế giới hiện đại. Hình mẫu trừng phạt trong khủng hoảng Ukraine  ảnh hưởng mạnh đến Nga và được mở rộng. Việc bị cô lập hơn nữa đặt Nga vào  sự  lựa chọn khó khăn: rút lui với sự mất mặt  hay phản đòn trong  lĩnh vực khác chẳng hạn tổng động viên kinh tế sẽ là mối đe dọa làm tan rã hệ thống tài chính thế giới. Sau cuộc xung đột như vậy, thế giới sẽ giống như trật tự Versailles-Washington hơn là thế giới trong Chiến tranh Lạnh.

Kịch bản 4: xung đột vũ trang không thể loại trừ do quan hệ Nga-Mỹ từ lâu đã tích tụ sự thù địch lẫn nhau, sớm hay muộn sẽ phải tìm một lối thoát. Tại Mỹ, trong 30 năm qua đã phát triển thế hệ các nhà chính trị và quân sự, tự rất tự tin vào sức mạnh và sự bách chiến  bách thắng của quân đội; chưa sắn sàng đối thoại, xem xét lại luật chơi sau năm1991. Tại Nga, giới cầm quyền có cảm giác ngày càng tăng về việc lãnh đạo Mỹ không nhận thức được những hậu quả của cuộc đối đầu với Nga. Sự kết hợp của hai xu hướng đó làm tăng nguy cơ sử dụng sức mạnh. Trong bối cảnh có sự răn đe hạt nhân, khả năng có nhiều là  sự can thiệp quân sự của Mỹ vào cuộc xung đột giữa Nga với một nước thứ ba ( giữa Nga và NATO tại Baltic và Biển Đen;  xung đột Syria hay việc Nga trả đũa các nhóm khủng bố trên lãnh thổ của một trong những đồng minh của Mỹ).

Nga và Mỹ không thể xây dựng mối quan hệ theo mô hình Mỹ -Trung kết hợp các yếu tố hợp tác và đối đầu. Không giống Nga, Trung Quốc không có khả năng quân sự ngang hàng với Mỹ, đặc biệt khả năng hủy diệt các tiềm năng chiến lược của Mỹ. Nga-Mỹ không có van bảo hiểm kinh tế như Mỹ-Trung. Quan hệ Nga-Mỹ chịu chung số phận phải gắn với các vấn đề an ninh quân sự. Vấn đề là làm thế nào để ngăn chặn chúng đừng leo thang thành cuộc đối đầu quân sự- một xu hướng chiếm ưu thế trong quan hệ song phương trong 4 năm qua.

Alex Fenenko,  Phó tiến sĩ, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Viện các Vấn đề An ninh Quốc tế, Viện Khoa học Nga, Phó Giáo sư Khoa Chính trị Thế giới, Đại học Tổng hợp Lomonosov. Bài viết được đăng trên Russian Council.

Thùy Bình (gt)