Ván bài Trung-Mỹ tại Thái Bình Dương có những hậu quả rất thực tế và đang đe dọa phá hủy hòa bình khu vực. ADIZ của Trung Quốc nghĩa là máy bay quốc tế bay qua vùng này cần thông báo trước các kế hoạch bay với Trung Quốc, duy trì liên lạc bằng vô tuyến. Bề ngoài, ADIZ sẽ góp phần làm giảm "sai lầm quân sự, tránh va chạm trên không, đảm bảo an toàn và trật tự các chuyến bay". Tuy nhiên, vấn đề là ADIZ bao gồm cả quần đảo Điếu Ngư/Senkaku (hiện Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan đang tranh chấp), bởi vậy, tính chất đơn phương và quyết đoán của nỗ lực trên của Trung Quốc đang làm tăng nguy cơ xung đột. ADIZ của Trung Quốc cũng chồng lấn các vùng Nhận dạng Phòng không của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Kết quả là hành động của Trung Quốc dường như đang hại lại chính họ và sẽ được dẫn chứng như một ví dụ về thái độ hiếu chiến của Trung Quốc, khiến cho các nước càng khẳng định Trung Quốc là một mối đe dọa về an ninh.

Các nước châu Á khác và Mỹ dường như muốn thử thách tính toàn vẹn của ADIZ khi phản ứng lại bằng một loạt động thái thách thức. Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đều đã phái máy bay quân sự bay qua vùng trời quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, bất chấp yêu cầu của Trung Quốc. Những chuyến bay "ăn miếng trả miếng" này quá thường xuyên và nguy hiểm. Ngoài ra, Hàn Quốc còn thực hiện thêm các bước nhằm "khiêu khích" Bắc Kinh. Hải quân Hàn Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân và không quân trong phạm vi ADIZ của Trung Quốc, và còn mở rộng ADIZ của họ thêm hơn 300 km về phía Nam.

Bằng việc tuyên bố ADIZ, Trung Quốc đang thực hiện một canh bạc nhằm thăm dò xem: thứ nhất, liệu Mỹ có trệch khỏi lập trường cam kết trung lập trong vấn đề tranh chấp chủ quyền quần đảo này hay không; thứ hai, để thử thách những hạn chế của việc Mỹ hỗ trợ Nhật Bản, đồng minh khu vực quan trọng nhất của Mỹ; thứ ba, Bắc Kinh muốn thử thách cam kết của Mỹ đối với chiến lược đối ngoại "xoay trục sang châu Á". Cho đến nay, ngoài việc cử những chiếc máy bay ném bom B-52 bay qua ADIZ, phản ứng của Mỹ chỉ là lên án hành động trên của Trung Quốc và khuyến cáo các hãng hàng không thương mại của Mỹ rằng nên tuân thủ ADIZ, điều mà nhiều người theo đường lối cứng rắn coi là sự phục tùng Trung Quốc.Đằng sau tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, vấn đề thực sự đối với tất cả các bên liên quan là ai sẽ trở thành bá chủ khu vực châu Á-Thái Bình Dương? Trong bối cảnh này, khó bên nào có thể lùi bước mà không bị mất mặt. Vì thế Điếu Ngư/Senkaku đang trở thành một điểm nóng cực kỳ nguy hiểm.

Một cuộc chạy đua vũ trang thực tế đang diễn ra tại Đông Á, với mỗi nước đều đưa ra các chiến lược và vũ khí mới. ADIZ của Trung Quốc đang bổ sung thêm đà cho cuộc chạy đua vũ trang châu Á và tăng nguy cơ xảy ra những tính toán sai lầm chiến lược. Nhật Bản đã công bố chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên của họ, chứng tỏ quan ngại của Tokyo về môi trường an ninh và sự cạnh tranh với Trung Quốc. Trong chiến lược trên, Nhật Bản đã liệt các hành động của Trung Quốc là một trong hai thách thức an ninh quốc gia trong môi trường hiện nay. Chiến lược của Nhật Bản là sẽ mua các máy bay không người lái, tàu tấn công đổ bộ, máy bay chiến đấu F-35 mới và các vũ khí khác. Trong khi đó, Hàn Quốc đang xây dựng một căn cứ hải quân mới và cũng sẽ mua F-35. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng ở mức 2 con số. Nếu Trung Quốc quyết định áp đặt một ADIZ tại Biển Đông, các nước Đông Nam Á cũng bị lôi kéo vào tranh chấp này. Tất cả những điều trên khiến khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang đứng bên bờ vực một cuộc khủng hoảng. Với quá nhiều cuộc khủng hoảng khác đang diễn ra trên thế giới, tranh chấp trên cần được giải quyết trước khi nổ ra các cuộc khủng hoảng quân sự và ngoại giao không cần thiết khác. 

Theo “Globalresearch

Nhật Linh (gt)