Với điều kiện khí hậu lục địa, thời kỳ quá độ Đông qua Xuân đến của nước Nga bị kéo dài rất nhiều. Mặc dù trái đất nóng lên, nhưng đêm đông u ám, băng tuyết 4, 5 tháng hàng năm vẫn khiến người ta cảm thấy rất khó chịu. 

Điều đó rất giống nền kinh tế Nga hiện nay. Trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng Ukraine, các đòn trừng phạt liên tiếp của phương Tây lại thêm hàng loạt cuộc tấn công như giá năng lượng giảm, dòng vốn chảy ra nước ngoài, đồng ruble mất giá..., xem xét từ phán đoán của dư luận nước ngoài, nền kinh tế Nga khó mà hồi phục. Nền kinh tế Nga có chịu nổi thử thách của cuộc khủng hoảng này hay không, cuộc khủng hoảng Ukraine có xuất hiện bước ngoặt hay không, Moskva có thể xuất hiện một lần nữa làn sóng chống đối như năm 2012 hay không, Nga sẽ sử dụng chính sách và lộ trình chính trị kinh tế như thế nào để ứng phó với cuộc khủng hoảng hiện nay. Trước những khó khăn của Nga, cộng đồng quốc tế đối mặt với cục diện thay đổi như thế nào là điều chưa thể khẳng định. 

Về tổng thể, xu hướng chính trị kinh tế của Nga trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine là có thể biến đổi giống như tự nhiên mùa Đông qua, mùa Xuân đến hay không? Để trả lời những vấn đề trên, cần phải phân tích tổng thể trên nhiều lĩnh vực. 

Trừng phạt của phương Tây đối với Nga có phải là cắt đứt mạch máu kinh tế của Nga hay không?

Căn cứ vào quan điểm của ông Herman Gref, giám đốc Ngân hàng Sberbank lớn nhất nước Nga, cuộc khủng hoảng tài chính của Nga xảy ra vào cuối năm 2014 là do tất cả các nhân tố có liên quan nảy sinh, phát triển đến cực điểm, sau đó tác động lẫn nhau, cuối cùng tập trung vào một thời điểm để đột ngột bùng nổ. Hiện tượng kinh tế chính trị này rất hiếm gặp, nhưng Nga lại mắc phải. 

Sau khi Nga thu hồi Crimea, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Canada, Australia và Nhật Bản cùng hợp tác đưa ra mấy đợt trừng phạt bắt đầu từ mùa Xuân đến tháng 6 năm 2014. 

Trong lĩnh vực tài chính, Ngân hàng đầu tư châu Âu đã đóng băng hàng loạt dự án tài chính của Nga. Mỹ và Canada đã phản đối sự hỗ trợ về nghiệp vụ đầu tư của Ngân hàng Thế giới đối với Nga. Họ đã tuyên bố không được cung cấp tín dụng hoặc mua trái phiếu có giá trị của một loạt danh sách ngân hàng và công ty của Nga. Những tổ chức này bao gồm Ngân hàng OAO VTB Bank, Ngân hàng Gazprombank, Ngân hàng Sberbank, Ngân hàng Nông nghiệp Nga, Ngân hàng Moskva và 4 ngân hàng tư nhân nhỏ khác. 

Trong hàng loạt lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự như điện tử, tia laze, hàng không, chế tạo tàu, chế tạo toa tàu hỏa, vũ khí.... , phương Tây cấm cung cấp cho doanh nghiệp và cơ quan nghiên cứu Nga. 

Trong hợp tác năng lượng, phương Tây cấm chuyển giao kỹ thuật và sản phẩm đối với những dự án khai thác ở vùng biển sâu, thềm lục địa Bắc Cực, khí đá phiến... của những doanh nghiệp quan trọng như Công ty Novatek, Công ty Lukoil, Công ty Rosneft, Công ty Surgutneftegaz... và kiểm soát chặt chẽ việc cung cấp tài chính cho các cơ quan này. 

Đồng thời, các nước phương Tây cũng trừng phạt những công ty có quan hệ với Putin và doanh nghiệp có làm ăn tại Crimea. Ngoài ra, hàng loạt quan chức cấp cao và giới doanh nghiệp thân cận với Putin cũng lần lượt bị phương Tây đưa vào danh sách đen bị trừng phạt.

Làm thế nào để đánh giá ảnh hưởng từ sự trừng phạt của phương Tây đối với Nga? 

Ngay từ cuối tháng 11/2014, người từng nhiều năm là phó thủ tướng thứ nhất của Nga, được coi là người có thể lãnh đạo kinh tế Nga trong tương lai, hiện tại là nhân vật lãnh đạo phái tự do, Alexei Kudrin, cho rằng: Thứ nhất, sự trừng phạt của phương Tây sẽ có thể giống như việc giảm giá dầu, làm suy yếu nghiêm trọng địa vị của đồng ruble, những nhân tố này có thể dẫn đến GDP của Nga suy giảm. Thứ hai, nền kinh tế Nga sau khi bị trừng phạt có thể ở vào thời kỳ chuyển ngoặt, sẽ rơi vào tình trạng trì trệ trong 3 đến 4 năm tới hoặc lâu hơn. Thứ ba, ít nhất trong vòng 20 năm tới, ruble không thể trở thành đồng tiền dự trữ của khu vực và trong nhiều lĩnh vực hơn. Về đại thể, quan điểm của ông không những phản ánh thực tế nghiêm trọng hiện nay do dầu giảm giá, mà còn dự báo một cơn bão trên thị trường tài chính Nga vào trước cuối năm 2014. 

Đến trung tuần tháng 12/2014, Ngân hàng Trung ương Nga sử dụng 10,9 tỷ USD để mua trái phiếu của Công ty Rosneft, nhằm giải quyết tình trạng khẩn cấp do giá dầu giảm. Tuy nhiên, tin đồn “Ngân hàng Trung ương phát hành nhiều trái phiếu” lập tức dẫn đến lượng trao đổi tiền tệ lớn, đồng ruble rớt giá mạnh, dần dần trở thành cuộc khủng hoảng tài chính lớn “ngày đen tối thứ Hai” và “ngày đen tối thứ Ba”. 

Báo chí thế giới xuất hiện dư luận khẳng định nền kinh tế Nga suy thoái, nội bộ Nga cũng diễn ra cuộc tranh luận gay gắt đối với chiến lược và vấn đề chính sách kinh tế. Tuy nhiên, việc đánh giá như thế nào về xu thế của kinh tế Nga vẫn là vấn đề khó giải thích. 

Trước hết, dường như dư luận phương Tây chưa đề cập đến tình hình cơ bản kinh tế của Nga cùng với cuộc khủng hoảng Ukraine. 

Quan điểm của Putin trong cuộc họp báo ngày 18/12/2014 là mặc dù thị trường tiền tệ còn nhiều biến động, ngân sách chính phủ Nga bị bội chi, nhưng thu ngân sách sẽ lớn hơn 120 tỷ ruble so với chi, khoảng 1,9% GDP. Ông khẳng định kinh tế Nga tăng trưởng 0,6% năm 2014, xuất siêu của Nga tăng từ 13,3 tỷ USD đến 14,84 tỷ USD, ngành công nghiệp tăng trưởng 0,7%, ngành nông nghiệp bội thu, đã tăng trưởng 3,3%. Ít nhất, kết luận có thể rút ra là mặc dù Nga đang bị hàng loạt tác động nghiêm trọng, nhưng kinh tế Nga năm 2014 cơ bản vẫn ổn định. 

Thứ hai là vẫn có những quan điểm khác nhau về nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế Nga. Cho dù nội dung chính trị quan trọng của Putin và Chính phủ Nga đều nhấn mạnh ảnh hưởng của “nhân tố bên ngoài”, nhưng quan điểm cho rằng cuộc khủng hoảng này đơn thuần chỉ là “thuyết âm mưu”, cũng chưa trở thành chủ lưu. Nói cách khác, Putin vẫn thừa nhận một vấn đề nghiêm trọng mà không dễ giải quyết của nền kinh tế Nga là phụ thuộc quá nhiều vào nền kinh tế năng lượng. 

Một quan điểm cho rằng đối với “10 năm hoàng kim” khi giá năng lượng tăng cao trên thị trường thế giới, Nga không có bất kỳ nỗ lực hiệu quả nào để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng, đã bỏ mất thời cơ. Thủ tướng Nga Medvedev không đồng ý với kết luận trên. Ông cho rằng: “Thời cơ chưa bị bỏ lỡ. Tuy nhiên, xây dựng kinh tế đa dạng hóa không phải là trong một hai năm, hay 10 năm, mà cần một thời gian rất dài. Chúng ta đã phụ thuộc vào dầu mỏ trong 40 năm, do đó việc thực hiện đa dạng hóa nền kinh tế, giảm bớt sự phụ thuộc đối với việc cung ứng năng lượng còn cần một giai đoạn nhất định”.

Còn có những đánh giá khác nhau về hiệu quả tổng thể tác động của sự trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Giáo sư Barasky thuộc trường Đại học kinh tế Moskva lại đưa ra một phân tích tổng thể, đưa ra một số đánh giá tổng thể. Ông cho rằng trong tương lai gần, trừng phạt tài chính có thể làm cho Nga tổn thất tín dụng từ 30-40 tỷ USD, ngân hàng và công ty chỉ có thể hoạch định tài chính trong điều kiện xấu hoặc bị phá sản. Xem xét lĩnh vực hợp tác kỹ thuật công nghệ quân sự, phương Tây ngừng xuất khẩu kỹ thuật và sản phẩm, sẽ có thể thúc đẩy thay thế nhập khẩu, sẽ phải sắp xếp lại khoản tín dụng hàng tỷ USD. Tuy nhiên, đây nhất định là thiệt hại đối với đầu tư của ngành công nghiệp quốc phòng độc lập, tự chủ của Nga. Xem xét về việc trừng phạt ngành dầu khí, ông khẳng định rất khó đánh giá hậu quả, nhưng trừng phạt có thể phát huy tác dụng trong vài năm tới. Tuy nhiên, tình hình giá dầu giảm khiến Nga chưa cần kỹ thuật và thiết bị khai thác dầu mỏ của phương Tây. Do phương Tây cấm xuất khẩu sản phẩm và kỹ thuật sang Nga, hàng hóa thị trường trong nước của Nga tăng giá mạnh, nhưng phương Tây cũng có thể tổn thất hàng chục tỷ USD. 

Khi đánh giá hiệu quả của các lệnh trừng phạt trong một thời gian dài, theo quan điểm của ông Barasky, trước hết, Nga cũng có khả năng chống lại biện pháp trừng phạt của phương Tây, ngừng nhập khẩu hàng hóa từ phương Tây, vì Nga là một thị trường rộng lớn dễ làm chủ nhanh chóng, rất khó để phương Tây quay trở lại, hơn nữa các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc (bao gồm Hong Kong), Singapore, các nước thuộc Khối BRICS sẽ giành được cơ hội trong cuộc cạnh tranh ở tương lai. 

Trên thị trường tài chính, vào ngày 10/1/2014, tổng giá trị thị trường cho vay của Nga, đặc biệt là tư nhân, trong đó hệ thống ngân hàng chiếm 192 tỷ USD, hệ thống công ty chiếm 422 tỷ USD, trái phiếu là 49 tỷ USD. Bắt đầu từ tháng 7/2014, sau khi chịu tác động của trừng phạt, tổng giá trị của thị trưởng này giảm xuống còn 53 tỷ USD, đồng thời sẽ tiếp tục thu hẹp, sẽ thay thế nguồn tài chính trong nước, hoặc chuyển hướng sang đối tác hợp tác đáng tin cậy hơn, đặc biệt là thị trường tài chính châu Á. Cơ quan tài chính Nga đã bắt đầu tích cực chuyển hướng, đặc biệt là hướng sang thị trường Hong Kong (Trung Quốc). Dù sao thì phương Tây cũng mất thị trường này, khó quay trở lại. 

Về thị trường buôn bán vũ khí, sự trừng phạt của phương Tây cũng sẽ dẫn đến việc Nga chuyển hướng sang châu Á và Israel. Nếu Pháp không thể giao tàu sân bay Mistral cho Nga do sức ép của nhiều nước phương Tây, thì có thể gánh chịu chi phí lớn do hủy hợp đồng. Từ cuối năm 2014 đến nay, Tổng thống Pháp Hollande đã nhiều lần đến Nga, thể hiện vai trò du thuyết của mình giữa Nga và phương Tây, ít nhất thì những tính toán hơn thiệt của dự án bán tàu Mistral đã phát huy hiệu ứng lớn. 

Tổng giá trị thị trường kỹ thuật dầu khí là khoảng 15 tỷ USD/năm. Tuy Nga không thể thay thế ngay lập tức sản phẩm và thiết bị của phương Tây, nhưng chính sách thay thế nhập khẩu sẽ có thể thúc đẩy thị trường trong nước sản xuất đáp ứng được khoảng ½ nhu cầu thị trường, đồng thời có thể chuyển hướng sang nhập khẩu thiết bị và sản phẩm ở những nước không thuộc phương Tây. 

Tổng giá trị thị trường nhập khẩu lương thực thực phẩm là khoảng 10 tỷ USD, phương Tây đã mất đi từ 50-70% thị trường. Sản phẩm của phương Tây sẽ được thay thế bằng sản phẩm của Nga hoặc các nước không thuộc phương Tây. 

Hơn nữa, về vấn đề xuất khẩu khí đốt, do Trung Quốc và Nga đã ký hiệp định cung ứng hàng hóa trong một thời gian dài, Nga đã giảm mạnh sự phụ thuộc vào thị trường châu Âu, làm cho việc xuất khẩu khí tự nhiên đã phát triển theo hướng đa dạng. 

Căn cứ vào phân tích của Baragoski, trong tương lai gần, tổn thất của Nga lớn hơn phương Tây, nhưng về lâu dài, phương Tây mất đi cơ hội lớn để tiến vào thị trường Nga, hơn nữa quan hệ chính trị giữa hai bên sẽ khó được khôi phục. 

Căn cứ vào nguyên tắc cơ bản của những học thuyết chính trị và kinh tế, sự trừng phạt của phương Tây đã làm cho Nga gặp khó khăn chưa từng có kể từ khi bước vào thế kỷ 21. Tuy nhiên, là một nước lớn, Nga không dễ dàng chịu khuất phục bởi còn có nhiều nguồn lực trong nước và quan hệ kinh tế đa phương với nước ngoài, làm cho họ có thể có cơ hội giảm bớt hoặc thoát khỏi cấm vận. 

Khi nào cuộc khủng hoảng Ukraine đi đến hồi kết?

Không ai còn nghi ngờ khó khăn mà Nga gặp phải hiện nay bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng Ukraine. Tình trạng đọ sức trong cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay sẽ có vai trò như thế nào đối với triển vọng phát triển của Nga?

Hơn một năm nay, từ cuộc đảo chính ở Kiev vào tháng 2/2014 đến bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga ngày 18/3/2014, từ cuộc xung đột vũ trang từ tháng 4/2014 ở khu vực phía Đông và phía Nam Ukraine đến Hội nghị Minsk vào ngày 19/9/2014, từ bi kịch từ vụ máy bay của hãng hàng không Malaysia Airline bị bắn rơi vào ngày 17/7/2014 đến các đòn trừng phạt liên tiếp của phương Tây, đến cuối năm 2014, Nga liên tục bị tác động của giá dầu giảm và đồng ruble mất giá. Tất cả những biến động này chứng tỏ: Hơn một năm nay, các cuộc cạnh tranh và đọ sức quyết liệt giữa lực lượng trong nước Ukraine với thế lực bên ngoài gia tăng, chưa thể bị dẹp yên; tuy các cuộc đàm phán hòa bình diễn ra hết vòng này đến vòng khác, nhưng chỉ là những lời sáo rỗng, xung đột vũ trang ở phía Đông và phía Nam Ukraine vẫn leo thang, tình hình khủng hoảng Ukraine khó đi đến hồi kết. 

Có khả năng xuất hiện bước ngoặt mới sau hơn một năm rối ren, chẳng hạn như Tổng thống Pháp Hollande cố tìm cơ hội - đến thăm Nga đột ngột để du thuyết, được Putin đón nhận, ông muốn giải quyết khó khăn trong việc Nga mua tàu Mistral của Pháp. 

Nga đang ở trong cuộc khủng hoảng, chưa cam chịu khuất phục trước áp lực, nhưng nếu có cơ hội điều chỉnh quan hệ với phương Tây, sẽ giải quyết vấn đề khó khăn ở trong nước, phá bỏ bế tắc của cuộc khủng hoảng Ukraine, thoát khỏi tình trạng bất lợi cho mình, thực hiện những lời hứa trong nhiệm kỳ tổng thống lần thứ 3, không để mất thể diện. 

Còn về phía Ukraine, theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Bộ Tài chính Nga, GDP của nước này giảm đi từ 7 – 9%, lạm phát tăng 20%, dự trữ vàng và ngoại tệ giảm gần 40%, chi phí cho dịch vụ công tăng gấp đôi, rất nhiều doanh nghiệp lớn đóng cửa hoặc phá sản, nợ công đã cao hơn GDP trong năm 2014. Người dân Ukraine ở khu vực xung đột phía Đông Nam nước này đang trong tình cảnh nước sôi lửa bỏng, hơn nữa đa số người dân ở khu vực còn lại cũng không muốn nhìn thấy khủng hoảng leo thang. Tuy Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko bị các tổ chức phát xít trong nước kiềm chế, nhưng nếu ông giải quyết được mâu thuẫn giữa các bên, khiến nước mình thoát khỏi khủng hoảng thì đó là kỳ tích lịch sử. 

Về phía châu Âu, Đức chính là nước lãnh đạo đại cục châu Âu. Đức dường như không chỉ dựa vào sức mạnh của mình, có thể chỉ đạo cả châu Âu vượt qua thời kỳ khó khăn nhất kể từ cuộc khủng hoảng nợ năm 2008. Do đó, xu hướng liên kết với EU, đặc biệt là những động tĩnh ở khu vực lục địa Âu – Á là điều Đức quan tâm nhất. Việc EU mở rộng sang phía Đông đến tận Kiev, nước Đức chịu ảnh hưởng tác động nhiều nhất. Nội bộ nước Đức vẫn có những tranh luận sôi nổi về xu hướng của châu Âu trong tương lai. Tuy nhiên, liên minh trung hữu do Thủ tướng Angela Merkel, thúc đẩy đàm phán Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), đưa quan hệ hai bờ Đại Tây Dương đi vào chiều sâu, đa số dân chúng Đức ủng hộ mối quan hệ này. Do đó, Merkel đã thay đổi đường lối thân Nga ở nhiệm kỳ thủ tướng trước, chuyển sang hợp tác với Mỹ, chèn ép Nga. Do đó, cho dù Pháp mong muốn đi đầu, sang Nga vừa để du thuyết, vừa giải bài toán bán tàu Mistral, Đức cũng không thể để yên, không thể để Pháp chỉ đạo. Đây là một trong những nguyên nhân khó giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. 

Có người cho rằng đối với cuộc khủng hoảng Ukraine, cuộc đọ sức quan trọng hơn là Mỹ và Nga. Học giả Nga từng khởi xướng “lý luận chủ nghĩa uy quyền”, hiện tại định cư ở Mỹ, Andranik Migranyan đã đề cập đến vấn đề này. Theo quan điểm của ông, tất cả những vấn đề liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine thực tế đều được quyết định bởi quan hệ Mỹ-Nga. Đến nay, Mỹ vẫn là siêu cường duy nhất trên thế giới, theo quan điểm của Tổng thống Mỹ Obama, Mỹ cần lãnh đạo thế giới 100 năm nữa, nên đương nhiên không cam tâm từ bỏ công việc khu vực châu Âu cũng như lục địa Âu-Á. 

Ngoài ra, cơ hội từ cuộc cách mạng khí đá phiến đem lại đã thúc đẩy Mỹ can dự vào cuộc khủng hoảng Ukraine. Dường như Mỹ là nền kinh tế hàng đầu duy nhất vẫn phát triển trong số các nước phương Tây, đây là nguyên nhân quan trọng khiến Mỹ kiểm soát cuộc khủng hoảng này. Ngoài ra, tuy sức mạnh của Nga không thể so với trước, nhưng Mỹ và Nga vẫn là hai nước lớn mạnh nhất về lực lượng quân sự trên thế giới, hơn nữa nước sẵn sàng công khai đối đầu chống Mỹ nhất trên thế giới ngày nay vẫn là Nga, địch thủ cũ. Do vậy, quan điểm chỉ có Mỹ và Nga mới giải quyết tận gốc vấn đề Ukraine không phải là không có lý. Xem xét tại thời điểm hiện nay, tuy Mỹ cũng chú ý tìm kiếm cơ hội, làm dịu cuộc khủng hoảng, nhưng Obama lại duy trì việc coi Nga là “một trong ba mối nguy hại” cùng với dịch Ebola và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Khi phải đối mặt với sức ép lớn trong nội bộ nước Mỹ từ Đảng Cộng hòa, về tổng thể, Obama rất khó chấp nhận đạt được thỏa hiệp căn bản với Nga trong vấn đề Ukraine. Đây là lý do thứ hai khiến cuộc khủng hoảng Ukraine khó đi đến hồi kết. 

Nga là một nhân tố quan trọng hơn. Mặc dù Nga đối mặt với sức ép kinh tế và chính trị lớn, mong muốn thỏa hiệp với phương Tây trong vấn đề Ukraine, nhưng Nga không dễ bị bắt nạt như các nước nhỏ khác, Putin càng không phải là người chỉ biết chờ đợi. 

Sau hơn một năm diễn ra cuộc khủng hoảng, tỷ lệ ủng hộ Putin vẫn duy trì ở mức cao khoảng 80%, đây là một kỷ lục khó đạt được trong lịch sử nước lớn. Các nước bên ngoài một lần nữa dự báo, khi chịu sức ép lớn, có khả năng xuất hiện phong trào biểu tình trên đường phố lớn trên lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, sau khi bước vào năm 2015, các học giả Nga và nước ngoài đã thảo luận và khẳng định sức ép bên ngoài đối với Nga lại có thể tăng cường “tâm lý cảnh giác” của người dân nước này, chống sự can dự từ bên ngoài, cần dùng uy quyền của lãnh tụ. Chuyên gia xã hội học Nga Dimitri Mikheev đã cho rằng khác với cuộc đọ sức chính trị đơn thuần vào năm 2012, cho dù nếu có làn sóng biểu tình thì cũng chỉ có thể xuất hiện sau vài năm nữa. Do nội bộ nước Nga đã đạt được nhận thức chung như vậy, hơn nữa việc chống lại thế giới vẫn có tương lai không rõ ràng, Nga không muốn từ bỏ danh dự và lợi ích của mình. 

Nguyên nhân sâu xa khiến quan hệ Nga-phương Tây khó hòa dịu

Cuộc khủng hoảng Ukraine khó giải quyết căn bản trong tương lai lâu dài, khả năng rất lớn là tình trạng đan xen giữa hòa dịu trong một thời gian ngắn và chiến tranh lâu dài, dưới đây là hàng loạt nguyên nhân sâu xa: 

Sau cuộc khủng hoảng Ukraine, một vấn đề mà dư luận quốc tế quan tâm vẫn là việc Crimea sáp nhập vào Nga, cho rằng đây là hành động phá hoại sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia sau Chiến tranh Lạnh. Đây thực sự là vấn đề quan trọng mà chính trị quốc tế hiện nay không bị coi nhẹ. Đặc biệt, đối với quốc gia mới được thành lập, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ vẫn là vấn đề căn bản về an ninh của nước đó. Tuy nhiên, vấn đề đáng chú ý khác là trong môi trường chính trị quốc tế châu Âu sau Chiến tranh Lạnh, sự phá hoại nguyên tắc chủ quyền quốc gia dân tộc và thống nhất lãnh thổ không chỉ bó hẹp ở Crimea. Sự kiện tỉnh Kosovo tách ra khỏi Liên bang Nam Tư cũ được phương Tây ủng hộ là tiền lệ. Nếu cộng đồng quốc tế muốn tăng cường sức ép đối với vấn đề Crimea, thì vấn đề Kosovo nằm ở vị trí nào. Tuy hai vùng đất này là những khu vực khác nhau, nhưng đều giống nhau về nguyên tắc can thiệp. 

Hội nghị Valdai tổ chức vào tháng 10/2014 là một diễn đàn quốc tế cấp cao do Tổng thống Putin khởi xướng, tổ chức vào mùa Thu hàng năm, giới chính trị và học giả các nước tập trung tại Diễn đàn Valdai để thảo luận công việc quốc tế, đã có ảnh hưởng quốc tế lớn với hơn 10 năm tồn tại. Trong tình hình cuộc khủng hoảng Ukraine, các tranh luận được tiến hành tại diễn đàn này được mọi người đặc biệt quan tâm. 

Tại Hội nghị Valdai tổ chức ngày 17/10/2014, sau khi có một bài phát biểu dài, Putin đã có câu trả lời thú vị cho câu hỏi đầu tiên của phóng viên tờ “Thời báo tài chính” của Anh – “Ngài có cho rằng Ukraine là một quốc gia thống nhất thực sự hay không?”. Ông đáp: “Ukraine đương nhiên là một quốc gia thống nhất thực sự, nhưng lịch sử hình thành lãnh thổ của quốc gia thống nhất này rất lâu dài và phức tạp”. Ông đương nhiên không thể phủ nhận tầm quan trọng của chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cơ bản của quốc gia dân tộc, nhưng vấn đề mà ông đưa ra là đối với một quốc gia cụ thể, sự hình thành quy định chủ quyền vẫn là một quá trình lịch sử. 

Một tranh luận khác khiến mọi người quan tâm ở Hội nghị Valdai là các nước phương Tây chỉ trích gay gắt Nga vi phạm “Hiệp ước Budapest” mà họ ký năm 1994 thừa nhận biên giới của Ukraine. Tuy nhiên, Nga đã phản pháo khi nhấn mạnh các nước phương Tây đã nhiều lần đảm bảo vào đầu thập niên 90 là thừa nhận phạm vi ảnh hưởng truyền thống của Nga tại khu vực Liên Xô cũ, nhưng sự mở rộng sang phía Đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) một lần nữa phá bỏ cam kết.
Ân oán giữa Nga và phương Tây không chỉ là cuộc đọ sức không gian địa chính trị mà còn ở việc hai bên thực sự muốn tôn trọng đối thủ trước kia của mình hay không, có muốn hòa giải hay không? 

Cũng tại hội nghị đó, Putin đã đề cập đến một việc trong quá khứ giữa Mỹ và Nga. Ông nói Mỹ và Nga đã xuất hiện cơ hội hợp tác để chống khủng bố vào năm 2001. Lúc đó, Nga đã chủ động bày tỏ sự ủng hộ, mở cửa khu vực chiến lược Trung Á, giúp Mỹ tấn công các tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, vào năm 2002, Mỹ lại sử dụng biện pháp đơn phương rút khỏi “hiệp ước phòng thủ tên lửa” giữa Mỹ và Nga để trả lời. Trong bài phát biểu tại cuộc họp, Putin nêu rõ sự hủy hoại quan hệ Mỹ - Nga của Mỹ bắt đầu từ việc rút khỏi “hiệp ước phòng thủ tên lửa”. Do đó, chúng ta có thể liên tưởng đến Olympic mùa Đông Sochi năm 2014. Putin đã đầu tư rất nhiều tiền mong muốn lấy kỳ Olympic này để cải thiện quan điểm phiến diện truyền thống của phương Tây đối với Nga, nhưng sự chống trả của tập thể lãnh đạo phương Tây đã làm tổn hại nghiêm trọng danh dự của người Nga. Đại sứ cuối cùng của Mỹ ở Liên Xô Jack Matlock đã viết bài công khai chỉ trích nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng Ukraine là do sự ngạo mạn của Mỹ dẫn đến phản ứng của Nga. 

Bế tắc trong quan hệ giữa Nga và phương Tây có thể dẫn đến vấn đề nghiêm trọng hơn, đó chính là tai họa do cuộc xung đột giữa các nền văn minh. Sự phát triển của lịch sử thế giới quyết định “xung đột văn minh” mà chuyên gia chính trị Mỹ Samuel Huntington đã đưa ra, nhưng cuộc xung đột giữa các nền văn minh có thể dẫn đến tình trạng không trật tự. Đặc biệt là hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Nga đều nhấn mạnh đặc trưng văn minh của mình, Obama tuyên bố “đặc trưng của văn hóa Mỹ”, còn Putin trả lời bằng việc nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của “thế giới Nga”, sự cân bằng giữa tính chất phổ quát và tính chất đặc biệt trong tiến trình lịch sử văn minh thế giới đương nhiên có thể bị xóa bỏ. 

Do đó, việc tìm cách hòa giải là điều rất khó khăn đối với phạm trù cơ bản quốc gia dân tộc, đối với sự hiểu biết và tôn trọng giữa các quốc gia và lập trường đối lập giữa các nền văn minh. 

Học thuyết về khủng hoảng chính trị và kinh tế 

Trong cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay, Nga rút cục có lựa chọn như thế nào?

Trong hội nghị Valdai tổ chức vào tháng 10/2014, phát biểu của Phó Thủ tướng thứ nhất Nga Igor Ivanovich Shuvalov có lẽ là lời giải cho cuộc khủng hoảng. Sau khi giới thiệu về tình hình vĩ mô của nền kinh tế Nga, ông đã đề cập đến một vấn đề quan trọng mà ông đang suy nghĩ, cũng chính là vấn đề “chính trị kinh tế học” để thoát khỏi khủng hoảng. Ông cho rằng chính trị học luôn gắn liền với kinh tế học. Chẳng hạn, vào cuối thập niên 80 của thế kỷ 20, Trung Quốc đã đối mặt với tình hình cấm vận nghiêm trọng của phương Tây, Đặng Tiểu Bình lúc đó đã thông qua con đường cải cách mở cửa, đi theo con đường kinh tế thị trường, không những đã vượt qua cái bẫy của phương Tây, mà còn giành được sự phát triển thành công về kinh tế. Điều đáng chú ý là logic “chính trị kinh tế học” mà Shuvalov đề cập đang thể hiện ở hàng loạt bài phát biểu quan trọng và phương châm chính sách của Nga bao gồm chính sách của Putin. Nhiều học giả Nga coi hiện tượng này là “một lần chuyển hướng sang chủ nghĩa tự do”. 

Thứ nhất là những nội dung mà Putin đưa ra trong Thông điệp liên bang vào ngày 4/12/2014: Thông qua miễn thuế, giảm thuế để thúc đẩy doanh nghiệp tiến vào thị trường; không trừng phạt những người đã đẩy dòng vốn ra nước ngoài sau khi trở về nước; thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ; phát không cho nông dân đất nông nghiệp ở khu vực Đông và Tây Syberia; bao gồm cả trong quá trình ứng phó với việc đồng ruble mất giá mạnh, Putin ủng hộ kiên định Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina nới lỏng lãi suất, lấy biện pháp lãi suất để ứng phó với biến động của tỷ giá hối đoái. Về tổng thể, những biện pháp chính sách sẽ là những dấu ấn rõ ràng của chủ nghĩa tự do trong năm 2015.

Thứ hai, điều đáng chú ý là lộ trình chính sách mà Putin chủ trương thực hiện được các chuyên gia kinh tế lão thành, những người theo chủ nghĩa tự do ủng hộ. Hơn nữa, Elvira Nabiullina cũng là học trò của những chuyên gia này, họ cũng cho rằng con đường kinh tế theo chủ nghĩa tự do mà họ chủ trương cơ bản giống với chính sách mà Putin chủ trương. Mặt khác, nhiều năm gần đây, cựu Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Gorbachev, người từng nhiều lần bị Putin chỉ trích, cũng bày tỏ ủng hộ đối với chiến lược ứng phó khủng hoảng của Putin. Có thể thấy trong điều kiện khủng hoảng, chính sách cầm quyền của Putin vẫn được đông đảo giới chính trị ủng hộ.

Thứ ba, điều chỉnh mà Putin chủ trương thực hiện có tính toán chiến lược sâu sắc hơn. Tại Hội nghị Valdai, tác giả từng hỏi Putin nên hiểu thế nào về vấn đề phạm trù chính trị chủ nghĩa bảo thủ mà ông đưa ra thời gian gần đây. Tổng thống Putin trả lời quan niệm giá trị bảo thủ mà ông chủ trương hoàn toàn không phải là chủ trương thụt lùi, không phải chủ trương đóng cửa, mà ngược lại ông chủ trương kế thừa các nhân tố tốt đẹp nhất của truyền thống như phạm trù danh dự quốc gia, bảo vệ tôn giáo và gia đình... với mục tiêu hiện đại hóa, ủng hộ sự phát triển hiện đại hóa. 

Thứ tư, xem xét từ nhiều hành động trong thực tiễn cầm quyền của Putin, trong cuộc khủng hoảng Ukraine, thấy ông lấy ứng phó chính trị cứng rắn để bảo vệ lợi ích quốc gia, nhưng không để mất thời cơ đưa ra phương án thỏa hiệp. Trong chính sách kinh tế, ông vừa thực hiện chủ nghĩa tự do, vừa chủ trương bảo đảm an sinh xã hội. Ông kiên trì thông qua tăng cường quốc phòng, bảo vệ an ninh quốc gia, đồng thời tránh để rơi vào “cuộc chạy đua vũ trang” với phương Tây. Ông phản đối khái niệm “giới tinh hoa” của Nga, nhấn mạnh vai trò to lớn của quần chúng nhân dân phát huy trong tiến trình hiện đại hóa của Nga, nhưng lại nêu rõ không thực hiện chủ nghĩa dân túy. Xem xét về mọi mặt, Putin là một chính trị gia biết cân bằng các bên, tăng cường gắn kết lý luận với thực tế. 

Đương nhiên, đối với nước Nga có lịch sử phức tạp và phong phú, lại là nước lớn đang trong quá trình chuyển đổi mô hình gặp phải thách thức nghiêm trọng, lựa chọn lộ trình chiến lược chỉ là bước đi đầu tiên. Xem xét từ quá trình tranh luận chiến lược và chính sách trong nước của Nga hiện nay, vấn đề cốt lõi đã được đưa ra là làm thế nào để thực hiện ý tưởng, thực sự thúc đẩy trong thực tiễn. 

Tiến trình hiện đại của Nga từng có những tư tưởng xuất sắc, nhưng lại khó chuyển thành lợi ích thực tế; từng trải qua ít nhiều cải cách đau đớn, nhưng ít có sự thúc đẩy thiết thực. Mọi người kỳ vọng nước Nga trong cuộc khủng hoảng có thể có bước tiến thực sự vượt qua quá khứ.

Giáo sư Phùng Thiệu Lôi, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Nga, Viện trưởng Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế và phát triển khu vực thuộc Đại học Sư phạm Hoa Đông. Bài viết được đăng trên trang mạng Sina.

Hoàng Lan (gt)